Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Thổ phỉ - Tiểu thuyết

Chương 13 - 14 - 15

13
Cuộc họp Ban chấp hành Châu ủy mở rộng bàn về việc tiễu phỉ đang kỳ gay cấn. Sự ác liệt từ các nơi dồn cả về châu ủy làm cho phòng họp như muốn nổ tung. Lãnh đạo các xã, các ngành thi nhau báo cáo, tình hình ngày càng phức tạp, Khu đã dồn hết lực lượng tại chỗ để dẹp yên những đám cháy, nhưng việc tác chiến đầy khó khăn, bọn phỉ không cần đồn bốt, cất dấu lực lượng, tập trung quân khéo léo khiến ta lúng túng, luôn từ thế chủ động bị đẩy sang bị động.
Bí thư Châu ủy Đoàn Văn Long rùng mình. Đúng là nước mềm sợ hơn đá cứng, sự việc rối lên đến nỗi Long không còn đánh giá được thực lực của châu ra sao nữa. Những ngày qua cả Châu ủy như cung lên dây, các cấp chính quyền, đoàn thể rải ra chỉ đạo việc bảo vệ cơ quan, kho tàng, biên giới, các cơ sở quần chúng, trưởng các dòng họ được củng cố tinh thần, bọn tề ngụy đã qua cải tạo được mời đến tuyên truyền, giáo dục, mọi việc, từ giáo dục cho đến răn đe, giúp đỡ, thuyết phục, trừng phạt, việc gì làm được thì bộ đội đã làm, châu đã làm, vậy mà… Long ôm đầu thất vọng. Phòng Tô còn đâu mơ cảnh giời đất nguyên sơ, dung dưỡng khiến cho vạn vật cũng nguyên sơ như giời đất. Đâu còn cảnh: người, bên trong sự thô ráp là hân hoan thỏa mãn, đất đai thả hạt giống xuống là chỉ việc chờ gặt, đeo dao, cầm nỏ vào rừng là có cái bỏ nồi, chó không biết cắn người, trâu ngựa lông da láng bóng, mặt mũi phởn phơ, bốn mùa đực cái…
*
*       *
Mọi người lục tục ra về, phòng họp chỉ còn lại Long và Phó bí thư  Châu ủy Tẩn Diêu Siểu. Long bảo Siểu:
- Hôm nay có việc mẹ con nó bồng bế nhau về bên ngoại rồi, anh về tôi uống rượu đi.
Thấy Siểu ngần ngừ Long sởi lởi:
- Gật đầu đi, tự nhiên hôm nay muốn uống cho say, mà mình còn có nhiều việc phải nói với nhau mà.
Siểu cười:
- Anh lúc nào cũng tìm được lý do, còn tôi thì chẳng bao giờ cưỡng nổi cả.
Long vỗ vai Siểu:
- Thì hôm nào cưỡng, hôm nay về mình khắc làm khắc ăn thôi, không nhanh thì trời bịt mắt đấy.
Siểu xiêu lòng. Long vui vẻ dẫn Siểu về nhà. Tới nhà, tiện có con gà sống đang nhốt Long bảo:
-Lấy con gà kia làm rau thôi, anh có biết làm tiết canh không?
- Tôi người miền rừng mà, anh cứ lấy rau, nấu cơm đi, con gà để tôi lo.
Nói đoạn Siểu hăng hái sắn tay áo bắc nước, bắt gà, cắt tiết, làm lông.
Nhìn Siểu, Long không giấu nổi niềm tự hào. Siểu khoẻ mạnh, vâm váp, nước da đen sẫm, mắt sáng, đầu cao, trán rộng, vừa có cái dáng lừ lừ của con gấu, vừa có cái tinh anh của con hổ. Những thớ thịt trên cơ thể Siểu nổi lên những múi là múi. Làn da bánh mật gồ ghề, săn chắc phô ra sức lực, từng trải, sóng gió. Bước vào tuổi mười lăm Siểu đã mồ côi cả bố lẫn mẹ. Người khác ở cái tuổi này đã mất gốc, mất ngọn không chết khô cũng làm mồi cho lửa hay mối mọt, mộc nhĩ. Siểu khác người. Siểu là cây mai mọc trong hốc đá, những tháng ngày bám rễ vào kẽ đá, uống sương đá lớn lên đã hun đúc Siểu thành một chàng trai người Dao có thể đương đầu được với mưa đá sấm rền. Siểu là một trong ba người từ cái nôi Phòng Tô đi kháng chiến, vì cái nôi Phòng Tô trở về và được giao trọng trách ở lại gánh vác công việc.  Siểu thẳng thắn, nghiêm khắc, luôn lấy việc công làm trọng, lòng tự trọng lúc nào cũng ngùn ngụt như lửa cháy, chính từ người thẳng, lòng thẳng của Siểu mà những công việc chồng chất khó khăn của châu được nhanh chóng giải quyết, nhưng cũng chính vì người thẳng, lòng thẳng mà Siểu gây ra không ít khó khăn cho chính mình, cho phong trào. 
Cơm đã chín, mâm đã bày, hai người háo hức vào cuộc.
Nhưng rượu ngon, gà béo, rau ngọt đến đâu thì hai người vẫn không dứt khỏi chuyện thế sự.
 Sau hai tuần rượu, Long hỏi Siểu:
- Anh là người sinh ra và lớn lên giữa vùng rừng, chảy trong anh là dòng máu người miền rừng, anh nghĩ gì khi những người miền rừng lạc lối ngay chính trên quê hương của mình?
Siểu lẳng lặng nâng bát rượu lên uống cạn rồi đặt bát xuống mâm:
- Việc này khó nói lắm. Trong rừng, săn mồi và làm mồi cho con thú khác là lẽ của tự nhiên, có lẽ con người cũng nghĩ thế chăng?
- Vậy anh nghĩ thế nào về phỉ?
- Trên đã xác định rõ rồi, phỉ có ba tính chất: giai cấp, quần chúng và dân tộc. Có lẽ không còn định nghĩa nào hơn thế, bởi gốc của ngọn lửa phản loạn dấy lên từ bọn giai cấp bóc lột. Nó quần chúng, nó dân tộc bởi những người cầm súng cho nó là dân, chiêu bài lừa người của chúng là vì dân, vì dân tộc.
Long nâng bát rượu lên:
- Anh nói trúng bụng tôi quá, xin uống với anh bát này.
Siểu chạm bát rượu vào bát của Long, uống cạn.
Siểu đặt bát xuống nhìn đăm đăm vào bếp lửa:
- Nhìn dao sắc thấy thương cây, đánh phỉ là đánh giết người Dao, người Hmông, người Phú Nả… đánh giết những đứa con dứt ruột của rừng. Nhưng không đánh thì bọn người mê muội kia sẽ đưa các tộc người đến tuyệt diệt mất.
- ...
- Uớc vọng lớn nhất, duy nhất của người miền rừng là yên lòng mình thì nhà yên, yên lòng người thì làng bản yên, rừng núi, đất nước yên. Bao năm nay cái ước vọng, khát khao nay bị chính ngay những người con của rừng châm lửa thiêu cháy. Đau, đau lắm anh ơi!
Siểu đặt bát xuống, những giọt rượu còn vương trên đám râu bắt ánh lửa óng ánh như viên ngọc nhũ. Anh lấy tay chùi những giọt rượu, những  ngón tay giống như những cái thìa cong lên vê vê những sợi râu cứng như những sợi dây thép, anh thốt lên:
- Anh không biết tôi yêu vùng rừng này đến thế nào đâu. Mỗi sáng mở mắt thấy rừng, thấy núi là lòng tôi chộn rộn chỉ muốn làm con chim hót lên ríu rít. Mỗi chiều nhìn thấy ông xanh nuốt chửng ông mặt trời là hồn tôi lâng lâng như người ngậm ngải chờ người yêu. Mỗi đêm thức thi với giời, nghe lòng đất, lòng rừng cựa quậy là những dự định giống như ấm nước no lửa. Người miền núi thô vụng, thật thà, cả tin song tinh tế không kém bất cứ người dân vùng nào đâu anh ạ.
Long nắm lấy tay Siểu xiết chặt. Bàn tay to bè, thô ráp của người đàn ông vùng rừng ấm nóng trong bàn tay anh:
- Mình hiểu, hiểu lắm Siểu ơi, dẫu không sinh ra ở vùng rừng nhưng mình nguyện sống chết với vùng rừng, bình thường còn giọt gianh rơi đâu anh em đấy chả là cùng vào sinh ra tử.
Siểu nâng bát rượu lên uống một ngụm rồi đặt xuống, thốt lên:
- Cám ơn anh, những lời gan ruột anh nói trong cuộc họp tôi thấm, thấm tới tận con tim, lá gan này này. Anh hỏi phương án phá phỉ thế nào ư? Phỉ giam ngoan, ngoắt ngoéo, tàn bạo, lại lẩn khuất trong dân để chống phá cách mạng nên việc tiễu phỉ không thể hoàn toàn dùng quân sự mà phải kết hợp giữa vận động, phân loại những tên đầu sỏ. Trong bọn đầu sỏ cũng phải phân loại ra để bắt, để cải tạo, lấy tác chiến lâu dài làm trọng điểm, làm điểm nào dứt điểm ấy, xong tản ra như vết dầu loang thì việc lớn chắc  thành.
Đúng. Đúng quá. Long cảm thấy mình như bắt được vàng, anh nhoài sang nắm chặt lấy tay người cộng sự đắc lực của mình:
- Ý anh hay quá. Đúng, ta sẽ phá phỉ theo vết dầu loang. Phá chứ không diệt. Đúng, đúng…, mời anh.
Hai bát rượu lại thay lời tri kỷ, hai người càng uống càng tỉnh, trong tri kỷ, trong rượu, trong chăm chắm vào việc lo bình yên cho làng bản, kế hoạch tiễu phỉ ở Phòng Tô hình thành, khi tiếng gà gáy bào hiệu đã sang ngày mới hai người hài lòng dắt nhau vào giường, nhanh chóng thả hồn thả vía vào chín tầng mây.
*
*    *
Bí thư Châu ủy Đoàn Văn Long gắn bó với Phòng Tô như một định mệnh.
Gốc gác Long sinh ra tận cái rốn của đồng bằng Bắc Bộ, trận đói năm 1945 làm nhà Long phiêu tán, sáu con người thành sáu chiếc lá trôi dạt khắp nơi. Cha mẹ, anh chị sống chết thế nào anh không rõ, riêng anh được người của đoàn thể nhặt được bên vệ đường rồi cho tham gia vào Vệ Quốc Đoàn. Năm 1946 Long vào bộ đội, thuộc quân số của trung đoàn 171. Tháng 10 năm 1947, được sự nội ứng của bọn thổ ty phản động, quân Pháp từ Bình Lư tiến đánh Sa Pa rồi nhanh chóng chiếm được các huyện phía Tây Lào Cai, ta phải rút về Lục Yên để bảo toàn lực lượng. Trong những ngày luyện tập và củng cố trung đoàn ở Lục Yên Long đã gặp và yêu Liên, cô gái Thái quê ở Phòng Tô chạy giặc cùng với bố mẹ. Tình yêu sét đánh của hai người làm bố mẹ Liên nổi giận, họ không những quyết liệt ngăn cản mà còn đùng đùng lôi cả nhà hồi cư.
Cuối năm 1950 bộ đội ta ào ạt tiến lên giải phóng Phòng Tô. Thổ phỉ vốn là một đội quân ô hợp, lại được tập hợp vội vàng nên khi gặp cơn lũ tràn vào cả bọn nhanh chóng thành bèo bọt. Nôn nóng tiêu diệt tàn quân phỉ, bộ đội tập trung vào việc lùng sục, coi nhẹ việc giác ngộ nhân dân. Cơn lũ đi qua, bộ đội chủ lực chuyển qua địa bàn hoạt động khác, lực lượng quân sự địa phương đã mỏng lại bị rệu rạo trong trận nổi phỉ, dân chúng chưa thật hiểu về ta thì lại quá rành về những thủ đoạn thâm độc, tàn ác do phỉ gây ra. Khai thác những cơ hội trên, bọn trùm phỉ ra sức giữ dân, giữ đất và chuẩn bị cho việc nổi dậy lần thứ hai. Mọi việc nóng lên khi đại đội Âu Phi của Pháp bất ngờ đột nhập chiếm Phòng Tô, bộ đội phải rút vào rừng. Bộ đội vừa rút lập tức súng ống đạn dược từ các đống rơm, mái bếp do đội quân thất trận trước đây cất giấu được tuồn ra, được vào tay chủ. Cả ngàn tên phỉ tiếp tay cho các thế lực phản động uy hiếp khiến cho chính quyền, đội du kích phải tan rã, phải rút ra vùng tự do.
Việc Pháp quay lại chiếm Phòng Tô, phỉ nổi lên thành lập chính quyền làm cho tình hình vốn căng thẳng lại càng căng thẳng, ta phải bí mật xây dựng lực lượng, cài cắm cơ sở, chuẩn bị lực lượng võ trang để cướp lại chính quyền, những tổ xung kích trong đó có tổ của Long được cử vào Phòng Tô làm công tác khó khăn này.
Vào Phòng Tô, Long không có ý định lợi dụng Liên. Nhà Liên tọa lạc ngay đầu chợ.  Bố mẹ Liên lợi dụng vị trí đắc địa của mình để thu gom sản vật từ rừng, từ ruộng của dân chúng quanh vùng để đổi muối, đổi dầu, đổi bạc trắng của người Pháp, người Nhật rồi từ muối, dầu, bạc trắng có được, nhà Liên lại cho chảy vào dân để bắt sản vật từ rừng từ ruộng đua nhau trèo ngược trở lại. Vòng quay khép kín đó đã làm cho nhà Liên nên đủ nên đầy. Dẫu lấy việc buôn bán làm gốc, làm ăn chính đáng, không hà hiếp, bóc lột ai, song thớt tanh ruồi bu, chảo mật kiến đến, thấy bố mẹ Liên có của nả, quan hạch sách đằng quan, lính hạch sách đằng lính, kẻ du thủ du thực đe dọa rình rập kiểu du thủ du thực. Thấy khó sống nổi bố mẹ Liên bốc cả nhà theo chân bộ đội đi tản cư, những mong mai danh ẩn tích tìm cơ hội làm nên ăn ra. Mải lo chuyện chạy giặc, giữ của, ông bà không để ý đến cô con gái duy nhất đã đến tuổi khao khát yêu đương. Và một việc tày trời ông bà không ngờ tới là cô đã phải lòng anh chàng ‘vệ túm”. Biết không thể dứt được Liên ra khỏi anh chàng trên không chằng, dưới không rễ, nay đây mai đó, sống chết như trở bàn tay bố mẹ Liên đau đớn khổ sở. So đo tính toán của kẻ suốt đời lấy buôn bán, đổi chác làm mục đích đã khiến hai người quyết định thà ngược dòng nước lũ để nuôi sự chắc chắn còn hơn thả con lên bè nứa trôi sông. Họ đâu biết Phòng Tô đang là chảo lửa, ba người vừa về tới nhà lập tức thành mồi cho bọn phỉ. Thôi thì đủ mọi cớ để moi tiền, để hành hạ. Đang yên đang lành sao phải bỏ nhà bỏ cửa theo bọn ngoại lai? Tại sao đang ở vùng tự do không ai động đến lông chân lông tay lại dắt díu nhau trở về? Cả năm trời sống với bọn Kinh áo nâu, Kinh áo đen đã làm những gì? nhận những gì? phải trả những gì cho chúng? Cuộc trở về của một nhà vốn lấy trung dung làm gốc có phải là sự cài người phá từ trong phá ra của Việt Minh?...  Đang nơm nớp lo sợ lại phải căng đêm căng ngày ra đối phó với lòng tham, lòng thù hận của bọn phỉ nên cả nhà Liên chui vào giữa bụi gai, động cựa kiểu gì cũng toạc da, máu đổ. Tiền của hết, sự nghiệp buôn bán theo mây khói, tối lửa tắt đèn xa lánh, phỉ, Pháp hằm hè, tính mạng như trứng để đầu đẳng…, khổ ải, cực nhục dồn vào gia đình Liên, để rồi Liên đương nhiên thành là cái túi để bố mẹ trút bực bội, uất ức lên đầu. Long bấu víu vào Liên lúc này, bọn phỉ chưa kịp hành hạ thì bố mẹ Liên đã chôn sống Liên không biết chừng.
Biết là tiếp cận với dân không đơn giản song tổ xung kích của Long không ngờ nó lại khó khăn đến thế. Trong những ngày này người dân Phòng Tô sợ nhất là cách khuyếch trương thanh thế của bọn phỉ. Đêm đêm tiếng tù và rúc vang rừng, vang núi. Cộng hưởng với tiếng tù và là tiếng la hét, tiếng chó sủa, tiếng súng nổ. Ngày ngày từng khu rừng bị đốt cháy rầm trời, từng bản làng bị lùng sục, dân chúng bị tập trung để tra hỏi, tra tấn, từng người, từng nhà bị gọi riêng ra để gây nghi kỵ, chia rẽ lẫn nhau. Do bị bọn phỉ o ép, bắt bớ, tra tấn, bắn giết vô tội vạ, nên dân chúng hoang mang, lo sợ, họ không dám gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ, bộ đội, không dám tin tưởng lẫn nhau, buộc phải cầm súng cho phỉ.
Công việc của tổ xung kích đòi hỏi phải có gốc rễ, có cơ sở song con đường đến được với dân như đường đi lên trời, các tốp tìm đủ mọi cách song họ vẫn phải khựng lại bên ngoài bức tường lửa. Không được dân ủng hộ, không được tiếp tế, cả tổ rã rời vì đói cơm, đói muối, cộng vào đó là những cơn sốt rét  hành hạ làm cho ai cũng da xanh tái, mắt trắng dã, đi còn không vững nói gì đến đánh đấm. 
Rồi tổ của Long cũng có cơ hội.
 Chu Phùng là một bản hẻo lánh, bọn phỉ ít nhòm ngó, dân chúng hiền hậu, chất phác, tối ngày gắn với rừng, với nương rẫy, là nơi tổ xung kích quyết định một ăn một thua trong giành đất, giành dân.
Người mà tổ chọn để tiếp cận móc nối gây cơ sở là ông Triệu Văn Đại. 
Ông Triệu Văn Đại thuộc vào người giàu có ở Chu Phùng. Giữa lúc thế cuộc tranh tối, tranh sáng mà nhà ông Đại lúc nào cũng có người làm ra vào tấp nập, trâu ngựa chật chuồng, gà lợn đầy sân, lúc nào trong nhà cũng có mươi cái bàn đèn làm thoả mãn các con nghiện. Từ giàu có và hiểu biết xã hội ông Đại từng được người Pháp và họ Đèo giao cho làm kỳ mục. Tuy làm kỳ mục, nhưng khác với những chức dịch khác, ông Đại sống theo kiểu "gió chiều nào che chiều ấy". Dân chúng trong bản ông chăm lo, bảo vệ như chăm lo bảo vệ người trong nhà. Thổ ty phản động đến ông đón tiếp chu đáo, không để kẻ nào mếch lòng. Cán bộ, bộ đội đến nhà, ông mổ gà, mổ lợn tiếp đón tử tế. Cách cư xử kiểu "hai mang" và vì dân của ông Đại làm Long đặc biệt chú ý, nếu tranh thủ được ông, anh vừa tránh được sự nghi ngờ của bọn phản động, vừa có điều kiện tốt để thăm nắm tình hình. 
Long đóng vai người đi buôn lỡ độ đường vào nhà ông Đại xin được rón tay làm phúc, ông cho người nhà mang cơm, mang thịt ra cho ăn nhưng không cho ngủ lại.
 Long cho Quấy đóng vai người đi buôn đến bản để làm quen, ông Đại không tiếp.
Long đón gặp con đường này ông Đại rẽ con đường khác.
 Không nản lòng, Long cho người thay nhau phục trên cánh rừng gần cối gạo nước nhà ông. Ngày thứ nhất, vợ ông ra mang gùi ra lấy gạo. Thấy cối gạo bị vơi, lại thấy những đồng bạc Đông Dương, bạc trắng buộc vào cần cối, bà nhớn nhác nhìn quanh rồi bỏ gùi, bỏ gạo chạy như ma đuổi làm cho tổ của Long phải rút vội vào rừng sâu.
Ngày thứ hai Long quay lại thám thính, xung quanh yên tĩnh, không có dấu vết của lùng sục, mai phục, cối thóc đã được thay, cần cối vẫn kiên nhẫn đón nước, cái chày vẫn nhịp nhàng, cần mẫn bổ xuống cối. Biết chủ nhà thấy có dấu hiệu người lạ lấy gạo mà không báo cho các chức dịch vây bắt là coi như gặp tín hiệu tốt lành. Long cho Quấy lấy đi già nửa số gạo, sau đó buộc tiền kèm theo một lá thư xin gặp rồi rút vào rừng nghe ngóng động tĩnh.
Ngày thứ ba… Ngày thứ tư… Ngày thứ năm….
Đến lúc cả tổ mệt mỏi, thất vọng, định bỏ cuộc thì ông Đại chủ động ra cối nước gặp Long. Ông khen cán bộ Việt Minh là người tốt, lo cho dân, không lấy không gạo của dân, Việt Minh đang cần sự giúp đỡ ông sẽ giúp đỡ. Long được dịp lôi hết cả kiến thức dân vận, hiểu biết về ta, về địch ra để vận động, thuyết phục.
 Ông Đại ngẩn người ra trước viễn cảnh Long vẽ ra, ông quyết định đưa cả tổ về nhà nuôi giấu rồi lợi dụng uy tín của mình vận động khắp dòng họ, khắp bản hướng về Việt Minh, làm theo Việt Minh.
Thuận thuyền, thuận nước, tổ xung kích của Long tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động, xây dựng lực lượng, song cũng chính từ sự sốt sắng của ông Đại, sự hăng hái đến thái quá của tổ đã gây ra một thảm kịch kinh hoàng, đó là lần chạm trán với địch. và bị tổn thất nặng nề, ông Đại và bốn đội viên bị hy sinh ngay trong loạt đạn đầu, hai người dân bị thương nặng, ba ngày sau bọn phỉ quay lại bản càn quét, khủng bố dã man, năm ngôi nhà bị trong bản bị chúng thiêu rụi, ba người trong bản bị chúng phanh thây, tổ chỉ còn Long và Quấy, hai người buộc phải chui sâu vào trong rừng. Đau đớn không chỉ dừng có vậy. Mất mát quá lớn, quá bất ngờ làm thay đổi hẳn tâm tính của Quấy. Quấy suốt ngày sống trong hoảng loạn. Vừa mới mấy hôm trước còn hùng dũng hét ra lửa như hiệp sỹ, vậy mà sau trận đụng độ tâm thần Quấy đã bấn loạn, người ngợm nem nép như rắn mồng năm, chân lúc nào cũng chỉ chực chạy, tay lúc nào cũng muốn bắt chuồn chuồn, nói đến Pháp, đến phỉ là nói đến chuyện thối lui.
Rồi Quấy ra hàng. Trước khi ra hàng Quấy nói thẳng với Long chuyện không chịu nổi sự căng thẳng, muốn trả súng để đổi lấy sự yên thân.
Long ngẩn người. Gian khổ, chết chóc, quyết liệt anh đã lường, nhưng người đồng đội thân yêu trong lúc nước sôi lửa bỏng mà bỏ bạn, bỏ tổ chức để làm cái việc đốn mạt nhất trần đời thì anh chưa nghĩ tới. Long bảo Quấy:
- Cậu nói thật hay nói đùa, mất mạng đấy không phải chuyện chơi đâu.
Quấy không nói không rằng lượm một khúc củi lăng mạnh lên không trung.
Long nhìn Quấy, ngẫm ngợi. Sợ chết luôn luôn là nỗi ám ảnh của người yếu đuối như Quấy, nhưng trái với mấy hôm trước, Quấy bình tĩnh, rõ ràng, cứ như việc đảo ngũ, phản bội là việc đương nhiên, là cần thiết phải vậy. Con người hơn con thú ở chỗ ngã rồi phải biết cách đứng dậy, phải tìm trong bĩ thấy thái, trong mất thấy còn thì mới nên người.
Đọc được ý nghĩ của Long, Quấy bảo:
- Tôi nghĩ kỹ rồi, đừng cản đường tôi.
Cái bụng lửa làm mặt Long phừng phừng màu lửa, cục ức ở cổ nâng lên, hạ xuống một cách khó nhọc. Long xiết hai vai Quấy hét lên:
- Tại sao cậu lại có ý định điên rồ ấy? Tại sao? Tại sao?
Quấy bình thản gỡ tay Long ra, bình thản thả lời nói vào chỗ không người:
- Đánh nhau tôi được cái gì? Mất cái gì?
Nhìn Long mấp máy môi định nói, Quấy cười khẩy:
- Tôi biết anh định thuyết phục tôi thế nào rồi, anh đừng dối mình nữa, cứ bày lên trước mặt tôi xem nào?
Long giơ tay kêu trời, lý lẽ của người nông dân vùng cao này đơn giản. Đơn giản đến tội nghiệp.
- Tôi đi chiến đấu cũng chỉ mong được no cơm ấm áo, cơm áo cao quá không với được thì tôi về rau cháo qua ngày thôi.
Thật trớ trêu, nhưng đó là sự thật.
- Tôi về, tôi không hàng. Tôi bỏ về. Tôi chưa làm hại ai, bàn tay tôi chưa nhuốm máu, nên cả ta, cả phỉ chắc không ai hại tôi.
- Trời ơi! Mày có biết bỏ đội ngũ là mày làm con mồi cho chúng nó thịt không?
- Anh yên tâm, người nhìn thấy mặt trời mấy chục năm như tôi phải biết mình đang làm gì.
Long rên lên:
- Mệnh người, danh dự con người có nghìn vàng cũng chẳng mua nổi đâu Quấy ơi! 
Quấy bướng bỉnh:
- Anh đừng cản tôi nữa, mong sau nay chúng ta còn nhìn thấy nhau.
Long vò đầu bất lực:
- Rồi mày sẽ mồi cho quỷ dữ thôi Quấy ơi.
Quấy không giả nhời Long, lùi lũi bỏ vào rừng.
Biết không thể giữ được Quấy, Long đau xót như chính mình bị cắt da cắt thịt. Long có một ngàn sáu trăm hai mươi ngày trong quân ngũ thì có một ngàn hai trăm linh ba ngày gắn bó với Quấy. Trong ác liệt của chiến tranh quân số của đại đội lúc hao hụt, lúc thuyên chuyển, song do duyên giời, do hợp người mà hai người vẫn bên nhau như hình với bóng. Hơn thế nữa, Quấy không chỉ cùng vào sinh ra tử, cùng ăn núi, ngủ rừng, mà còn là ân nhân cứu mạng của Long. Trong trận công đồn ở Pú Ngu, khi đơn vị đánh vào chỉ huy sở của địch, Long vừa vung kiếm chém tên quan Hai Pháp thì bất ngờ từ phía sau một thằng Tây đen lăm lăm lưỡi lê lao tới. Theo phản xạ Long tránh được, thằng Tây mất đà ngã chúi xuống. Long lao vào vật lộn với nó, song do sức yếu nên chỉ một lát sau hai cánh tay của thằng Tây đã như gọng kìm xiết chặt lấy cổ anh. Giữa lúc Long cầm chắc cái chết trong tay thì Quấy kịp thời lao tới. Đường kiếm dứt khoát của Quấy xuyên qua bụng thằng Tây làm cho máu của nó phun ồng ộc vào người Long. Quấy nhanh chóng đạp thằng Tây ngã ngửa, dịt vết thương do mũi kiếm chạm vào  người Long rồi dìu anh ra khỏi đồn địch. Sau trận đó Quấy được trung đoàn khen thưởng, còn Long thì suốt đời biết ơn hắn… Vậy mà… Vậy mà… Quấy đã vấy bẩn chính mình, và có thể hắn sẽ mất mạng vì sai lầm của mình.
Đúng như cảnh báo của Long, Quấy ra hàng hôm trước thì hôm sau hắn bị bọn phỉ bắt vào rừng chỉ chỗ Long trốn. Quấy phản bội bản thân chứ không chịu phản bội bạn khiến bọn phỉ điên cuồng mổ bụng phanh thây, bêu hắn ở cửa rừng.
Quấy mất rồi còn lại một mình Long bơ vơ giữa rừng như một kẻ lạc loài. Anh nằm vật ra nệm lá nhìn lên bầu trời rỗng không. Anh cả nghĩ quá chăng? Thua trận này bày trận khác, cứ về đơn vị chờ cơ hội rồi trở lại “đánh một trận sạch sanh kình ngạc/ đánh hai trận tan tác chim muông” như ta đã đánh, đã thắng là xong tất. Một cục ức dâng lên chẹn ngang cuống họng làm cho Long nghẹt thở. Trở về đơn vị ư! Cái chết của đồng đội, của dân chúng Chu Phùng còn đó. Anh trở về, có thể tổ chức hiểu anh, đồng đội hiểu anh, hiểu.... hiểu.... và hiểu, nhưng đấy chỉ là đáy nước hiểu dòng sông không vẩn đục, song đôi bờ vẫn có quyền nghi ngờ những gì đã sảy ra với dòng sông, anh không thể trở về trắng tay như kẻ bại trận được.
Lúc cùng đường là lúc Long nghĩ tới Liên nhiều nhất.
Anh và Liên tài sắc tự thành đôi. Chiều vào đêm ấy Long đi lấy măng về cập mảng nứa ngay trên vụng nước của bản. Vụng nước ấy chính là nơi những người đàn ông, đàn bà đằm mình sau buổi làm mệt nhọc; là nơi những người trong bản cập bến, những đôi trai gái hẹn hò, bịn rịn trên bóng nước.
Chiều vào đêm ấy cả vùng đang mùa phát lộc. Trong ánh trăng rờ rỡ những tán lá xanh rờn, những chùm hoa trễ nải ngời lên muôn sắc, mặt vụng như tấm gương phản chiếu những lấp lóa của ánh trăng, của cây cối.
 Trong ngời ngợi ánh trăng, ngời ngợi bóng nước, Liên quấn áo lên đầu đi thẳng xuống suối như một nàng tiên cá. Liên không biết Long đang như trời trồng trên mép nước, cô thả ra mặt suối tiếng cười trong trẻo, thả lên trời tiếng hát bổng trầm như mời gọi, như giãi bày, tiếng hát lọt vào tai ai, tai người ấy thủng: “Suối bé lắm cá sỉnh vẩy mỏng/ Suối nhỏ nhiều cá măng vẩy thưa/ Cá lượn lờ vảy nghiêng vẩy vàng óng ánh/ Gái chê chồng cũng về than thân ở suối này/ Gái kén được chồng cũng về mừng ở suối này/ Gái hái được rau cũng về rửa ở suối này/ Gái kiếm củi, kiếm lá cũng về tụ tập ở suối này/ Gái sắp về nhà chồng cũng về qua suối này”.
Tiếng hát níu chân người đi. Tiếng hát buộc lòng người ở. Giữa tĩnh mịch của núi rừng, trước khát khao của chàng trai khao khát, tiếng hát của Liên lại trong trẻo cất lên: “Mười tuổi em đang thành gái lớn/ Anh cũng lớn thành trai/ Mười ba tuổi em biết bắt cá suối/ Mười bốn tuổi biết nhuộm răng đen làm duyên/ Biết may áo che vú/ Biết dành tóc làm độn/ óng ả lên sàn nhóm lửa”…
- Trời ơi! - Long rên lên thích thú. Sống chụ son sao là đây. Câu chuyện tình bất hủ, một kiệt tác bằng thơ - Truyện Kiều của người Thái là đây. Dòng máu người trai có gốc gác từ những chiếu chèo bốc lên rừng rực. Người đã thể hiện cho mình thấy thì mình cũng phải thể hiện cho người thấy. Điệu chèo Tình thư hạ vị, điệu chèo Long mang từ cây đa bến nước sân đình, điệu chèo trữ tình, đằm thắm, gửi gắm nỗi lòng làm nức lòng người hát, hút hồn người nghe tha thiết cất lên:  “Bóng quế dãi thềm – Mái tranh êm đềm/ Rượu đào tay rót chén này mời em – Chén này mời em. Chén đào tiên đượm mối lương duyên/ Trăng thề đó soi chung đôi bóng/ Lúc này đây giáp mặt soi chung”...
Trường ca Sống chụ son sao lại được tiếng hát trong trẻo thả lên trời: “Yêu nhau như nắm xôi nén chặt/ Trái tim này nỡ xẻ làm đôi/ Chặt cây sợ ngả không đúng hướng/ Đẵn gỗ sợ ngả không đúng chiều/ Đan sọt sợ không đúng mắt/ Yêu nhau nhưng sợ “then” không gả/ “Then” gả nhưng sợ giời không ưng.”. Điệu chèo Tình thư hạ vị nối lời, nối lòng: “Nhịp cầu Ô Thước – Một dải Ngân Hà/ Gần chẳng nên gần – Xa chẳng nên xa/ Can cớ gì xâm thương đôi ngả/ Rầy anh trông mai anh lại đợi/ Ngày  đợi, tháng nhớ, năm trông”.
Cứ thế tiếng hát miền rừng cất lên.
Cứ thế tiếng hát miền đồng bằng Bắc Bộ cất lên.
Tiếng hát đối đáp, tình tứ. Tiếng hát cởi mở nỗi lòng. Tiếng hát thành ma lực kéo hai người lại gần nhau. Bến trên giăng lưới, bến dưới quăng chài, hai con cá nhỏ nhanh chóng chìm vào lưới tình. Cuộc giao hoan đầu đời của hai người dẫu không chiếu hoa ba sải trải, không gối hoa đặt đầu giường, song mãnh liệt, nồng nàn như nước vào ruộng ải, như than đỏ gặp gió.
Đêm ấy lạc thú buộc chặt hai người vào nhau. Liên xinh đẹp nhạy cảm, dịu dàng, quyết liệt. Liên nhẫn nhịn song không bằng lòng với những gì mình có. Liên nguyên sơ như lá, nguyên sơ như mây mù ấp núi Pu Sam Cáp. Liên yêu Long, tự hào trào ra khỏi miệng. Long mạnh mẽ, cứng cáp như cây lim, cây táu. Long khéo léo mềm mại như con báo tinh khôn. Long oai hùng như người anh hùng trong chuyện cổ. Trong mắt Liên, Long là người như thế. Trong lòng dân bản Long càng là người như thế. Liên yêu Long với tất cả những gì mình có. Chính tình yêu tưởng như không có gì lay chuyển được của Liên đã làm khổ Liên, khổ gia đình Liên.
Về Phòng Tô người đầu tiên Long náo nức muốn gặp nhất là Liên.
Về Phòng Tô người mà Long kiên quyết tránh mặt nhất là Liên.
Nhưng trong lúc phải đối mặt với sự lựa chọn quá khó, Long buộc phải tính lại quyết định của mình.  Không tìm ra kẽ hở của địch để nắm đất, nắm dân, lật lại thế cờ là hết đường sống, hết đường níu kéo. Sau bao nghĩ suy dằn vặt Long đành làm cái việc cắm sâu khó nhổ. Dối lòng mình, núp mình trong cái lô cốt việc chung, Long quyết định liều mình, anh trà trộn vào những người về chợ để dò la tin tức về Liên thì được biết Liên bị cột chặt vào cái máy khâu mấy tháng trời chưa được ra khỏi nhà. Nằm phục để đột nhập thì nhà Liên kín cổng cao tường, đàn chó dữ lúc nào cũng nằm áp mõm xuống đất nghe ngóng, lúc nào cũng mong được xông lên thể hiện sự trung thành. Rình đón mẹ Liên, những mong có cơ hội làm cho tình mẫu tử mềm lòng, nhưng bố mẹ Liên ra khỏi nhà là cặp kè bên nhau như hình với bóng, có lẽ ông bà lo mất nhau hơn là yêu thương nhau như đôi tắc kè đá. Không còn cách nào khác Long quyết định mạo hiểm, trong vai một người đi chợ, ngay từ sáng sớm Long quẩn quanh trước cửa nhà Liên.
Phiên chợ vào lúc tấp nập. Bố mẹ Liên vừa ló ra khỏi cửa cũng vừa lúc trên dốc một toán phỉ cưỡi ngựa phi nước kiệu xuống chợ, Long nhanh chóng rẽ bố mẹ Liên xông bừa qua cánh cổng.
 Sau phút bất ngờ, bố Liên hiểu cơ sự đang nguy hiểm, ông đẩy vội vợ ra ngoài rồi nhanh chóng khóa cổng, bình thản dắt vợ đi ngược chiều với bọn phỉ.
Long thở phào nhẹ nhõm. Bước đầu coi như là thuận lợi, bước tiếp theo là đo sự lì của anh đến mức nào.
Vừa nhìn thấy cái dáng cao lớn của Long, Liên đã nhào ra ôm chầm lấy anh, khóc như mưa như gió. Long đứng lặng làm điểm tựa cho Liên trút vào mọi đau khổ, giận hờn, uất ức. Hai người chưa kịp nói với nhau lời nào thì một lưỡi dao dài, nhọn bập sâu vào cây cột cái giữa nhà. Lưỡi dao làm cả hai đều hồn vía bay vụt lên giời, Liên nhào tới ôm lấy chân bố, chân mẹ nức nở.
Long nhìn nhanh ra ngoài cổng, chợ đang đông, những tiếng Giáy, tiếng Kinh, tiếng Dao, tiếng Hmông ồn ào, ríu rít. Lối thoát ở đây chứ ở đâu, Long lựa lời thưa với bố Liên:
- Bác ơi cháu đang gặp nguy hiểm, cháu… cháu mong bác cho cháu ẩn nấp, tối cháu sẽ đi.
Bố Liên nghiến răng nhìn Long, nhìn Liên, nhìn ra ngoài chợ rồi sầm sầm lên gác.
Mẹ Liên vò đầu bứt tai rồi lật đật lên gác theo chồng. Liên chới với đuổi theo rồi quay lại dắt tay Long ấn vào buồng, giọng đầy nước mắt:
- Anh cứ nấp tạm vào đây, mọi việc để em lo.
Long ôm chặt lấy Liên, lúc này anh mới giật mình, mới hiểu sự liều lĩnh của anh dẫn Liên đi đến đâu. Liên đẩy Long ra, cứng cỏi:
- Anh yên tâm, hổ còn không  ăn thịt con nữa là…
- Nhưng Liên ơi…
- Em bảo anh yên tâm mà, có gan vào nhà rồi thì hãy nuôi gan ở lại cho đến khi bén rễ xanh cây hãy đi.
Liên đóng sập cửa buồng, mặc cho Long run lên trong sợ hãi, run lên trong khấp khởi.
Chẳng biết Liên khóc lóc, thuyết phục thế nào mà đêm ấy giữa lúc Long đang phấp phỏng đến quên đói, quên khát thì có tiếng kẹt cửa. Long khấp khởi mừng thầm, nếu Liên dám liều mình vượt qua khỏi sự cấm đoán của bố mẹ đến với anh thì anh sẽ dẫn Liên vượt rừng ra vùng tự do sống với nhau rồi sự việc ra sao thì ra.
 Long mừng hụt, qua ánh đèn rọi qua khe cửa, anh nhận ra bà mẹ Liên đang xách cái ớp, cầm cái đèn dầu đi vào phía cửa buồng. Mẹ Liên đến với anh là còn thương anh, anh còn hy vọng, còn niềm động viên để có đủ nghị lực thực hiện ý nguyện của mình.
Mẹ Long vừa mở cửa buồng con gái thì tiếng bố Liên rít lên:
-  Ai mở cửa.
 - Tôi mở cửa chứ ai, tôi thấy ông cũng nên vừa vừa phai phải thôi, ông làm khổ người ta đến thế rồi chưa đủ hay sao?
-A, bà lại còn bênh nó à.
- Tôi bênh đấy, làm gì thì cũng phải nghĩ đến đường tiến, đường lui, ông bịt đường mình thì cũng phải mở đường cho người khác sống chứ.
Thấy sự việc căng thẳng, Long buộc phải lên tiếng:
- Bác ơi, cháu có lỗi, cháu xin hai bác bớt giận.
 Nghe Long nói, mẹ Liên lặng yên, bố Liên cũng không nói gì nữa, cả căn nhà chỉ còn vang lên tiếng nức nở của Liên. Một lát sau bố Liên dặng hắng rồi nói với sang buồng bên, giọng đã có phần dìu dịu:
- Thì mày cũng ngủ đi, còn khóc gì nữa.
Thấy không khí có phần xoay chuyển, mẹ Liên vội đưa cơm canh vào cho Long rồi khép cửa lại.
Đêm rồi cũng trôi đi trong phấp phỏng, khi đám gà trống ngứa cổ gáy gọi bình minh, Long vùng dậy, rón rén ra ngoài làm mấy đường quyền cho thư giãn, chợt tiếng nói gay gắt, chao chát vọng ra, hút anh về phía buồng góc nhà.
 Tiếng mẹ Liên:
- Ông nói gì, làm gì thì cũng phải nghĩ trước, nghĩ sau, người ta là cán bộ to, súng lục kè kè chứ có phải là trẻ con đâu.
Tiếng bố Liên:
- Bà dọa tôi đấy à, nó là cán bộ to, nó có súng lục thì đã sao, nó dám bắn tôi chắc.
Mẹ Liên:
- Ông khe khẽ thôi, ếch chết tại miệng đấy!
Bố Liên:
- Không ếch chết tại miệng mà còn ma chết mất miệng, nó mà nằm lì ở đây thì nhà này không có người chôn đâu.
Mẹ Liên:
- Ông có thôi đi không, đừng có người sợ hổ, hổ sợ người mãi nữa, nó đã thương con mình, nương nhờ nhà mình mà cứ như xúc đất đổ đi thế có còn thành người nữa không?
Bố Liên im lặng, chỉ có tiếng rít thuốc lào xoe xóe thay cho câu trả lời.
Mẹ Liên:
- Ông không cho chúng lấy nhau thì cũng cho nó nương náu qua đận này, ông chẳng nói chứa người là để cầu người là gì.
Có tiếng thở nhẹ phía sau, Long giật mình quay lại, anh suýt ồ lên khi thấy Liên đứng sát anh từ lúc nào. Liên nắm tay Long thì thào:
- Lửa nguội rồi đấy, mình vào đi.
- Nhưng...
- Còn nhưng gì nữa, anh không vào lúc này thì không bước chân vào nhà được nữa đâu.
Long xiết chặt tay Liên, hít một hơi dài để lấy thêm dũng khí rồi  theo Liên vào nhà.
Nhìn thấy hai người vào cửa, bố Liên không nói không rằng, song nét mặt đã bớt đi vẻ lầm lì. Mẹ Liên kéo ghế, bảo Long ngồi. Long làm theo. Anh khoanh tay lên bàn, rồi từ tốn kể hết những việc đã làm, chưa làm được của mình từ khi về Phòng Tô. Anh rắn rỏi:
- Cháu biết hai bác chưa chấp nhận chuyện nhân duyên của cháu với Liên, chuyện đó cháu xin thưa với hai bác sau, việc của cháu tìm đến nương nhờ hai bác là chuyện liên quan tới công việc trọng đại của cách mạng, nếu hai bác không chấp nhận cháu đành phải quay trở lại rừng thôi.
Bố Liên không nói không rằng, cái điếu đã nhồi thuốc chết cứng trong tay, mẹ Liên ngồi im song ánh mắt lát lát lại đánh sang thăm dò, cầu xin chồng.
Long ngừng lời, mẹ Liên chiêu một ngụm nước, rồi e hèm, đánh tiếng:
- Anh nói vậy thì tôi xin nói thế này, việc trọng đại của ông cách mạng thì tôi không biết nhưng anh đã bước qua cửa rồi thì cứ núp tạm trong nhà. Quanh nhà cũng đầy rắn rết, thú dữ, nhưng dầu sao cũng hơn một thân một mình trong rừng.
Bố Liên châm lửa, hút thuốc, ông chậm rãi nhả xong sợi khói cuối cùng rồi mới nhả ra lời vàng lời bạc:
- Từ khi trở về Phòng Tô tôi không muốn dính dáng vào những việc rắc rối, nhưng mà thôi, bà ấy đã nói rồi, anh cứ ở lại trong nhà này, tôi chỉ mong anh đừng đem phiền phức, hiểm họa vào trong nhà thôi.
Lòng Long hân hoan, sôi réo, có được sự xiêu lòng của bố mẹ Liên, Long có cơ hội được gần Liên, có cơ hội để tỏ được lòng mình, hơn thế nữa từ đây anh sẽ bắt rễ, sẽ gây cơ sở để thực hiện nhiệm vụ trọng đại của mình. 
Với sự trợ giúp của bố mẹ Liên, của Liên, Long đã phối hợp với các tổ xung kích khác đã âm thầm mở rộng mạng lưới cơ sở, xây dựng lực lượng, phối hợp với bộ đội giành đất, giành dân, làm cho bọn phỉ hoang mang dao động, cho đến khi bộ đội chủ lực phối hợp giải phóng được Phòng Tô, Long được cấp trên giao nhiệm vụ “định cư” ở đây để xây dựng và bảo vệ  quê hương.

14
Kế hoạch tác chiến phát triển cơ sở, bám dân, bám lấy người đứng đầu dòng họ để phát động quần chúng đứng lên làm chủ đời mình của Bí thư Châu ủy Đoàn Văn Long làm cho “gốc động, ngọn rung”. Chỉ trong hai tháng phát động không khí các thôn bản trong Phòng Tô thay đổi hẳn, chưa có người nói với chính quyền về người xấu lời thối của bọn phản động nhưng đêm đêm các bếp đã rì rầm chuyện phải hay trái, sợ hay không sợ, tin đồn đi lễ vua, cây lau thành cây mía, cỏ gianh thành cây lúa, vua ra vua sẽ cho ăn mặc đẹp, có vua là có tất cả đã bị mọi người cho  từ tai nọ qua tai kia…
“Có nước ngầm ắt có lở đất’, ngọn gió hứng khởi vừa dấy lên đã khiến những kẻ rắp tâm mang lửa đốt nhà hoảng sợ. Ở đâu dân chúng còn trong tâm trạng lơ lửng, tin chưa hẳn tin, chống chưa hẳn chống thì còn đất cho chúng dụng võ, chính quyền ổn định được dân chúng, gây dựng được thực lực thì chúng mất đường sống. Triệu Tá Sắn cùng đồng bọn hiểu quá rõ về điều này nên đã tụ tập tại nhà Lý Văn San ở Nậm Khánh bàn cách ứng phó.
Sống trong vùng loạn lạc liên miên nên người Nậm Khánh có ý thức bảo vệ mình ngay từ khi lập bản. Với cái thế thuận theo tự nhiên, lấy tự nhiên để che chắn, để làm nên bền vững cùng với công sức gây dựng của cả bản đã làm cho Nậm Khánh trở thành một thành lũy kiên cố. Muốn vào được Nậm Khánh phải đi trên con đường độc đạo ngoằn ngoèo phơi giữa trời đất, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu hút cả tầm mắt. Vào bản phải bước qua cái cổng đá thiên tạo có hai bên bờ rào đá như hai bức tường thành. Bản được dựng theo kiểu phòng thủ liên hoàn, có chốt canh, có giao kết, đóng cửa là một nhà, mở cửa là một bản. Trong mỗi nhà ý thức tự vệ, phòng chống cướp hiển hiện qua những vật dụng dùng để báo động, soi, dẫn đường như tù và, trống, đuốc pơ mu; vũ khí để chống trả như: côn, gậy, súng kíp, dao quắm. Cũng như những bản người Dao khác, ở Nậm Khánh cuộc sống tự cung tự cấp, khắc làm khắc ăn nuôi dưỡng ý chí tự lập cho mỗi người, mỗi nhà. Đứa trẻ sinh ra đến tháng thứ ba đã phải chấp nhận theo mẹ lên nương, ra ruộng, vào rừng, chấp nhận có gì ăn nấy, đặt đâu ngủ đấy, bà mụ cho sống được sống, bà mụ lấy đi phải chịu. Hai tuổi đã phải biết tự tìm lấy nơi ăn, nơi ỉa. Hai mươi tuổi phải biết tự làm lấy nhà, tự lo cho mình, cho con cho cái. Bốn mươi tuổi phải tự mình xẻ lấy gỗ làm quan tài, nuôi trâu, nuôi lợn lấy cái làm ma cho mình. Khách đến nhà, chủ nhà mời hút thuốc, uống chè tự trồng. Không cần ra khỏi cửa mâm cơm vẫn có thịt cán bá, lạp xường, măng chua, đậu xị, đậu thối, rau cải nén, nhất là loại rượu như rót lửa vào bụng. Quanh nhà quy trình tự cấp, tự túc khép kín lồ lộ, công cụ sản xuất, vải vóc quần áo, vũ khí tự vệ, dụng cụ vui chơi giải trí đều do những bàn tay khéo léo của người trong bản tự làm ra, tự hưởng.
Tự cung tự cấp, địa hình địa vật hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, dân trí thấp, thông tin với bên ngoài khó khăn khiến cho Nậm Khánh luôn là mảnh đất màu mỡ cho bọn phản động lợi dụng. Thời chống Pháp, Phòng Tô bốn lần nổi phỉ thì cả bốn lần Nậm Khánh là sào huyệt của chúng. Từ Nậm Khánh chúng tỏa ra đánh giết, cướp phá, thua trận chúng rút về Nậm Khánh cố thủ. Để phá tan được cái lô cốt nguy hiểm này bộ đội, du kích phải tác chiến vô cùng khó khăn. Một lần một đại đội bộ đội chủ lực vào Nậm Khánh bị lọt vào vòng vây của phỉ. Tiến không tiến được, lui cũng không xong, quay ngả nào cũng bị phỉ đón đánh, cả đại đội rã đội hình, phải nằm liệt tại chỗ, đợi đến tối mới mở được vòng vây. Trong suốt những năm trường kỳ gian khổ Việt Minh làm xong việc đánh tan phỉ, nhưng vẫn chưa đào tận gốc, trốc hết mầm mống, âm mưu thổ phỉ hóa toàn dân của chúng ở đây.
Lý Văn San chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ các thủ lĩnh nằm vùng khá kỹ. Ngay từ sáng sớm dọc con đường độc đạo dẫn vào bản và khu rừng quanh bản đã lác đác người nhà, người thân tín của hắn. Với con dao, cái gùi, con trâu..., kẻ lấy củi, người lấy rau lợn, lấy măng, kẻ ngả gỗ, tất cả cặm cụi làm những công việc thường ngày, nhưng kỳ thực tai mắt chúng để cả về phía đường, phía rừng. Khi có người xuất hiện lập tức những tín hiệu dây chuyền được báo về “tổng hành dinh” rồi sau đó sẽ được hướng dẫn đưa người vào bản.
 Mặt trời leo quá con sào thì các anh hùng hảo hán nối nhau xuất hiện.
Bắt đầu là nguyên tướng phỉ Bàn Vần Sing. Sing tướng nhà võ, người cao lớn, mắt xếch, râu quai nón trùm hết khuôn mặt. Hàm răng bàn cuốc, má cằm nở phình  phô ra tính bạo liệt, ích kỷ, bản năng mạnh mẽ, ham muốn lúc nào cũng ngùn ngụt. Thời thổ phỉ hoành hành, Sing tuy dưới trướng họ Đèo, nhưng thực ra với hơn hai trăm quân lính quanh mình hắn làm chủ cả vùng trung huyện. Sing hung ác, tàn bạo, song có tài cầm quân, thoắt ẩn, thoắt hiện nên dân chúng vừa sợ, vừa phục. Bản nào, làng nào nghe tin hắn đến là theo, không theo cũng trốn vội vào rừng. Năm 1953, bị bộ đội Việt Minh đánh riết quá bọn phỉ lâm vào thế cùng đường, biết là khó giữ được đội ngũ, Sing đưa tất cả các thuộc hạ ra hàng. Hàng song để súng lại rừng, “Hãy nuôi chí quên hình, đất này của ta, dân của ta, ra hàng cũng là việc cùng bất đắc dĩ, nhưng lòng ta không cùng, cớ chi phải ngại. Trong khi dân đang đói rã họng, Việt Minh đang ăn đậu ở nhờ thì hơi sức đâu mà nuôi nấng, nhà tù đâu mà bắt nhốt từng này con người. Ta cứ tạm thời chịu nhục ra hàng, chúng giữ lời hứa thì ta yên tâm cầy ruộng chờ thời, chúng không giữ lời hứa ta lại vào rừng lập căn cứ chống phá, giống như một ván cờ, xóa đi đánh lại, có sao đâu.”. Cả quân lẫn tướng của Sing đang chán nản, người ở rừng nhưng đầu ở nhà, được lời như cởi tấm lòng, trăm người như một công kênh hắn lên, coi hắn là Tề Thiên Đại Thánh. Sau khi xin hàng được tha bổng, Sing mời bộ đội, cán bộ đến bản, mổ năm con trâu, gọi tất cả dân bản, quân cán của mình đến khao. Trong tiệc rượu, hắn ngang nhiên thách thức tỉ thí thi bắn cung, bắn súng, đua ngựa, leo núi, đánh võ với bộ đội, du kích, dĩ nhiên hắn và đồng bọn thiện chiến của hắn luôn giành phần thắng. Sau vài tháng sau sống với Việt Minh, hiểu được phần nào thế, lực và đường đi họ, Sing đủ khôn để tránh mũi nhọn chĩa vào mình. Hai lần nổi phỉ sau, hắn rút vào bí mật, đứng sau màn chỉ huy bọn đàn em, nên dù phỉ tan, Phòng Tô vật đổi sao dời hắn vẫn ung dung qua mặt các cấp chính quyền.
Người thứ hai đi vào Nậm Khánh là Phùng Zùn Thanh. Thanh là một sỹ quan trong Đoàn quân 93 của Tưởng Giới Thạch. Năm 1945, trong chuyến Hoa Quân nhập Việt giải giáp quân đội Nhật theo đường Lào Cai, Thanh đã kịp cài mầm sống vào bụng một cô gái Thái Phòng Tô xinh đẹp. Năm 1947, Tưởng Giới Thạch bị giải phóng quân Trung Quốc đánh tan tác, Đoàn quân 93 tan rã, một số quan, lính, đặc vụ trong đó có Phùng Zùn Thanh phải chạy qua biên giới sang Việt Nam lẩn trốn. Biết không thể một sớm một chiều có thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn, Thanh quyết định lấy Phòng Tô, xứ giáp gianh giữa hai nước, nơi có tình xưa nghĩa cũ, có bé gái Phùng Mùi Náy làm cái cớ để trú ngụ lâu dài chờ ngày phục quốc. Thanh có giọng nói trầm hùng, oai quyền, đi đứng khoan thai, chậm rãi. Cá tính mạnh, ương bướng, buộc người khác phải theo mình lộ rõ trên ba nốt ruồi màu sáng mọc hình chữ nhất ở ngay yết hầu. Trên mình bộ quần áo vải Chí Cống Lỳ đen bóng, đeo kính trắng, oai vệ trên lưng con ngựa bạch, Thanh không cần người dẫn đường mà đi thẳng vào nhà Lý Văn San.
Người thứ ba được chờ đón là Vàng Phú Hùng. Hùng có vóc người nhỏ thó, chân dài, tay ngắn, nhân trung ngắn, hẹp, nông, sự bần tiện hẹp hòi, ích kỷ toát ra từ dáng vóc, bước đi, bù lại Hùng rất giỏi võ, chạy nhanh như ngựa. Là con dao trong tay kẻ ác nhưng Hùng được phép giấu mặt. Trong bóng tối hắn không tính nổi những lần tay dính máu, nhưng giữa thanh thiên bạch nhật hắn là con chó nhà đông khách, thấy ai cũng vẫy đuôi mừng.
Người thứ tư là thủ lĩnh người Giáy Lò Văn Chung.
Người được chờ đợi nhất bước vào nhà Lý Văn San là trùm phỉ người HMông Hoàng Seo Lùng. Lùng mang tinh tướng cuả con báo, mặt dài, cằm lồi, lông mày rủ, đầu ngoài lông mày cong hình chữ C. Lùng tính kiên trì, mềm dẻo, giỏi ứng biến, kiên cường, quyết đoán bộc lộ qua từng ngày, từng việc. Lùng có tài ẩn hiện, trốn thoát hầu hết các cuộc truy lùng quyết liệt. Dân chúng trong vùng đồn đại người hắn có ngọc rết, súng bắn không chết. Có hay không còn nửa thực nửa hư, song khắp vùng đều biết hắn có tay chân trung thành, tai mắt đông đặc và đặc biệt là tính ngang nhiên, lì lợm. Năm 1954, được cơ sở cho biết Lùng đang náu trong khu rừng ở Tả Van, bộ đội, dân quân lập tức vây kín đêm, kín ngày, tưởng như con kiến cũng không lọt, nào ngờ Lùng cải trang thành một người đàn bà đi lấy rau lợn ngang nhiên đi qua nhiều mũi súng thoát được ra ngoài. Một năm sau phỉ tan nhưng đội quân của hắn không tan. Bản thân hắn, lúc trong rừng Phu Sam Cáp, lúc náu dãy Hoàng Liên, lúc trong nhà đồng bọn, năm năm đất nước hòa bình nhưng Phòng Tô không hòa bình nổi cũng vì hắn.
Lý Văn San và Triệu Tá Sắn tay bắt mặt mừng đón những anh hùng thất thế. Trên cái hai cái giường rộng rải chiếu bện bằng rơm nếp vàng óng mượt San đã bày sẵn bàn đèn hút thuốc phiện kiểu cổ, lọ miệng bịt bạc đựng thuốc phiện, nước, đèn thắp dầu cải.
Sáu vị khách mời đã vào bàn đèn. Không khí trang nghiêm giả tạo, ai cũng cương lên oai vệ, ai cũng cố tỏ ra mình đang chuẩn bị gánh vác công việc trọng đại, song ai cũng nhìn rõ tâm địa, thế và lực của nhau.
Mùi thuốc phiện ngầy ngậy, váng vất khắp căn nhà.
Thăm dò. Gầm ghè. Thì thào cố nén. Rồi cuối cùng là chung đường, là khát vọng cháy âm ỉ được bày ra. Ma lực của quyền thế, danh vọng đang nung đốt chúng hay trong tuyệt vọng chúng hợp nhau lại để giữ lấy sống còn - có lẽ là tất cả.
Sau no thuốc đến rượu. Bàn cỗ không sơn hào hải vị nhưng đủ để no mũi, no mắt, no mồm. Cũng gà đen hầm ĩ dĩ, gà đen quay xì dầu, thịt nai khô xào, tiết canh ngựa. Cũng rượu ngô ngâm hổ cốt, rượu Mao đài ủ trong hang đá, song cả sáu người no ngẫm ngợi là lo lắng, là ngóng đợi vào chủ tướng Triệu Tá Sắn.
Sắn yên lặng từ đầu tiệc thuốc, mọi nanh vuốt dường như thu hẳn vào đôi mắt lươn, đến lúc này Sắn mới lên tiếng:
- Thưa các anh hùng hảo hán! Tôi và các vị ngồi đây có lẽ không ai ngờ còn có cuộc gặp mặt hôm nay. Không ngờ cũng phải thôi. Mỗi người từng đã có trong tay hàng ngàn thuộc hạ, đã từng thỏa sức tung hoành, cho vùng nào sống được sống, bắt vùng nào chết phải chết. Từng vị, từng vị chân mệnh quan tướng lồ lộ trong tướng mạo, trong từng việc hành xử. Điều đáng tiếc là tôi và các vị ngồi đây và cả những người ngã xuống vì nghĩa lớn đều không gặp thời. Con đường vinh quang mà chúng ta đang vươn tới đã bị bọn chính quyền đào vực sâu ngăn lối. Bao nhiêu khát vọng, mong ước của chúng ta bị chôn vùi trong tủi nhục, đau đớn. Cái đó tôi biết, các vị đều biết. Nhưng thưa các vị, cùng khốn cũng là sự thử thách. Mấy năm giời lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày, tôi, các vị, và biết bao nhiêu người như chúng ta nữa đều là những dòng nước âm thầm tìm chỗ chảy. Chỗ chảy đó ở đâu? Tôi xin được mổ xẻ cùng các vị.
Sắn nhìn lướt qua những khuôn mặt háo hức rồi hùng hồn:
- Trước tiên ta hãy điểm tới những kẻ đã vác súng ra hàng. Lợi dụng chính sách mua chuộc lòng người của chính quyền, những kẻ phản bội, cơ hội đó đã bằng mọi cách ngoi ngóp để được đứng trên đầu người khác. Chúng đã lầm. Phàm là những kẻ chúi đầu vào danh thì cũng chăm chắm vào lợi. Mà chính quyền thì có gì ngoài những lời hô hào xuông. Đường đường là cán bộ nọ, cán bộ kia mà lương không, bổng lộc không, hút xách không. Ngày ngày cơm cục, nước đục của nhà mà bắt đôi chân leo hết bản này sang bản khác, bắt đầu óc căng ra cho bản làng chảy xuôi từ mất gà, mất chó đến bắn giết, nổi loạn. Những chức tước chính quyền ban phát ban đầu làm cho chúng sung sướng đến phát rồ. Tháng ngày trôi đi, cái hữu danh vô thực, làm cái gì cũng vướng làm chúng thất vọng, chán nản, nhiều kẻ đã trả dấu, trả chức để về nhà yên bề với việc ngày ngày đít nhòn trời, mặt ngó đất.
Việc thứ hai là dân. Trước khi giải phóng các loa của Việt Minh ra rả chuyện đánh Pháp, đánh phỉ xong dân không phải nộp thuế, dân không phải đi phu, được tự do làm nương rẫy. Nay thuốc phiện không được trồng, không được hút, thuế nông nghiệp rút ruột từng nhà, cấm không được phá rừng, người đi dân công phải cõng gạo nhà đi mà ăn, vậy là nói một đằng làm một nẻo, hỏi dân nào chịu phục.
Việc thứ ba là quan thầy của chúng ta. Trước khi được Đế Quốc Pháp hùng mạnh bàn giao, Đế Quốc Mỹ đã nuôi dưỡng chúng ta từng viên đạn, hộp thịt, bao gạo... Năm năm qua họ càng không quên chúng ta. Sau thôn tính miền Nam là đến thôn tính miền Bắc. Sức mạnh của Mỹ uy hiếp cả thế giới, những chiến thắng vang dội ở Miền Nam, ở Lào, những toán biệt kích thả xuống vùng rừng Tây Bắc để phối hợp với chúng ta hành động đã lộ rõ ý đồ đó. Mỹ còn thì ta còn, các vị hãy tin lời tôi đi.
Cả sáu cái mồm quanh mâm ồ lên:
- Đúng, đúng quá rồi.
- Đi từ trong ruột ra rồi.
- Đúng là lời của người thần rồi.
Sắn vỗ vỗ tay ghìm sự phấn kích của cả bọn:
- Xin để tôi nói nốt. Điều thứ tư, điều cốt lõi, đó là ta. Vâng chính chúng ta. Đi đường xa mới biết ngựa khỏe, những nhân cốt trong cả hệ thống liên minh chống Việt Minh trước đây còn lại đến hôm nay sẽ xuống nước không trôi, vào lửa không cháy, sẽ làm nên sự nghiệp lẫy lừng.
Sắn đi quanh một vòng, vừa đi vừa cuốn sáu đôi mắt, sáu đôi tai, sáu cái mồm vào sự phấn kích:
- Thưa các vị! Bao năm qua ta nếm mật nằm gai không phải để ngồi giương mắt ếch, giờ đã đến lúc ta phải hành động.
- Đúng, đúng – Bàn Vần Sing hào hứng tiếp lời – Cứ bám chắc vào những cái ông Triệu chẻ ra mà dấy binh thì bọn chính quyền sẽ thành con gà đen hầm thuốc Bắc thôi.
- Nhưng chúng ta phải rõ mình, rõ người –  Sắn lại hào hứng - Cụ Tôn Tử đã dạy: Binh là việc lớn lao, xét cho rõ chỗ sống chết. Đạo Mất Còn phải kinh qua năm việc: Một là phải làm cho dân đồng tình với ta, vì ta mà cùng sống cùng chết. Hai là ngày, đêm, sáng, tối, rét, ấm, gió, lặng, nắng, mưa. Nếu Trời không thuận thì ta có gắng đến mấy cũng như cây nứa trên sông. Ba là gần xa, rộng hẹp, hiểm, bằng, sinh, tử. Đất mà không giúp sức thì quân có mạnh đến mấy cũng như nhà gianh trước bó đuốc. Bốn là tướng. Tướng phải có mưu trí, tin cậy, đủ trí, tín, nhân, dũng, nghiêm thì mới thu phục lòng quân, chỉ huy đánh đâu thắng đấy. Năm là cách tổ chức quân đội, súng ống, gạo thịt, quần áo... Cả năm việc trên, cái ta đã có, cái ta phải gây dựng từ đầu, song cái cơ bản nhất là tôi và các vị, bẩy ngôi sao này làm nên chòm Tiểu hùng tinh soi sáng thì làm việc gì mà chẳng được.
- Nói nhiều quá, nói nhiều quá - Hoàng Seo Lùng xua xua tay – Ta chỉ mong đánh, đánh và đánh thôi. Bao nhiêu khẩu súng quan thầy cho ta để ngủ lâu quá rồi. Bao nhiêu anh em của ta ngủ lâu quá rồi. Chân tay ta ngứa ngáy lắm rồi, giờ chỉ muốn cướp, muốn phá thôi.
Sắn mang cốc rượu màu hổ phách tới bên Lùng:
- Người làm tướng có năm điều nguy hiểm: Liều thì hay chết, nhát thì hay bị địch bắt, nóng thì hay bị địch lừa, quá liêm thì hay bị địch làm nhục, quá yêu dân thì bị phiền. Tướng quân là con hổ giữa rừng. Trước, nay, sau này có mắc nguy hiểm thì cũng chỉ mắc điều thứ năm thôi, nhưng tướng quân hãy nuôi giữ hòn than trong lòng để chúng ta đã ngược ngược tận nguồn.
 Lùng nâng cốc rượu lên, hai cái cốc chạm nhau sóng sánh cả rượu ra ngoài.
Sắn nâng cốc rượu nói lớn với cả mâm:
- Những năm qua chúng muốn ta yên ư! Hòn than âm ỉ ủ trong đống lá mục có thể nuôi dưỡng cuộc cháy rừng lớn. Chúng muốn trừ khử những người có nợ máu ư? Ở cái nơi sáng tối tranh nhau truyền đời chỉ những kẻ đầu b… chấm gio mới tay không dính máu. Chúng muốn định cư lâu dài trên dải Pu Sam Cáp ư? Rừng này, núi này, suối này giời đã định cho người Dao, người Hmông, người Thái, người Pú Nả rồi, đừng kẻ nào nghĩ đến sự thay đổi.
 Sắn ngừng lời. Hắn nâng cốc rựợu lên tu một hơi rồi đặt xuống bàn một cách thỏa mãn.
Vàng Phú Hùng khúm núm thưa:
- Dạ thưa, nhưng chính quyền họ như gió, như bão… 
- Gió bão gì. Chuyên nói xuông ai nghe mà gió với bão – Sắn gằn lên rồi hạ giọng thầm thì -Việc đầu tiên của kẻ muốn  chiếm đất, chiếm dân là tiếm quyền, là đặt ách thống trị – chúng đã và đang làm điều đó. Chúng tưởng đã là mặt trời rồi thì ánh sáng cứ tha hồ trùm lên, tha hồ lấn át, cho mưa được mưa, cho nắng được nắng. Chúng đâu biết rần rật trong con tim, lá gan người miền rừng là dòng máu phản kháng. Chúng đâu biết mỗi người miền rừng đều tìm cho mình một thủ lĩnh để trông vào, nương tựa. Thủ lĩnh là ai? Đó chính là linh hồn của mỗi người, mỗi nhà, do chính những người dân dựng lên. Ta hãy nhìn gương những thủ lĩnh họ Đèo, họ Giàng, họ Lý mà xem. Không phải bỗng dưng mà họ có được dân, được đất, có được quyền thế lệch giời, nghiêng đất. Sức mạnh của họ có từ đâu? Quyền thế của họ từ đâu? Xin thưa từ họ cả đấy.  Họ có nền móng cha truyền con nối! - Đúng. Họ được người Pháp, người Nhật nuôi dưỡng - Đúng. Nhưng thử hỏi không đựơc dân chúng ủng hộ, họ có hùng mạnh tới mức có thể đấu tay đôi với Quốc dân Đảng ta, Quốc dân Đảng Tàu? Thổ ty là thế đó. Chúng ta là thế đó. Còn Việt Minh thì sao? Với loài thú dữ trong rừng thì hoặc phải tiêu diệt, hoặc phải ra công thuần phục, đằng này cái gì cũng nửa vời, mơn trớn, mang lợi ra mà nhử thì được vài ống gạo cứu tế, mang quyền ra mà nhử thì hữu thanh vô thực, lừa được ai, lừa được ai...
 Sắn đến bên Bàn Văn Sing, hỏi:
- Tướng quân nhớ những năm bốn bảy, bốn tám không?
 Sing sáng mắt lên:
- Nhớ chứ, lúc đó Việt Minh ranh ma, Việt Minh thực hiện kiểu lấy trên để nắm dưới, tranh thủ các thổ ty để vào được dân, còn thổ ty thì  lấy thế hổ cậy rừng để bắt Việt Minh cấp muối, cấp dầu.
Sắn xòe hai bàn tay ra:
- Và cuối cùng chúng mất cả cả ngựa lẫn hàng trên lưng ngựa, đúng không?
 Sing ngớ người rồi giơ cả hai tay lên giời:
- Lúc đó khác, bây giờ khác, lúc này sức mạnh trong tay họ, dân trong tay họ, mình phải tính nước nào đi cho chắc ăn à.
 Sắn chắp tay sau lưng, đi đi lại lại như đang thuyết khách:
- Chắc ăn thì đúng rồi. Tập hợp lực lượng, định ra đường lối, kích động dân chúng, huấn luyện lực lượng, tổ chức đánh chiếm, đồng loạt nổi dậy, lập chính quyền… đó là từng bước ta phải làm. Lấy dân làm cái đích, không gì thu hút dân chúng bằng cách nhử họ đổ xô vào cái lợi. Cái lợi có thứ sờ thấy được, có cái lơ lửng trên đầu, có cái làm cho người ta thèm muốn phải tiến đến tranh giành, cướp giật. Các vị nên nhớ phản ứng dây chuyền là tâm tính của loài vật, khi cả vùng sôi lên vì lợi rồi là đến lượt ta thò gậy vào.
Cả cả sáu cái mồm đều yên lặng, nhưng ánh mắt lộ rõ sự hân hoan, đồng tình. Sing lên tiếng:
- Nhưng hiện chúng đang có bao nhiêu thứ…
Triệu Tá Sắn:
- Thì chúng đang là kẻ mạnh, nhưng không phải chúng mạnh là ta không còn cơ hội – Sắn dằn mạnh ly rượu xuống bàn, bật từng ngón tay -  Chúng ta có. Có nhiều lắm, ân này, uy này, gốc này, ngọn này, nhất là cơ mưu ta đã trải qua bốn lần nổi dậy. Dùng binh mà thắng chúng thì Pháp đã thắng, Nhật đã thắng, mà ngay cả quan thầy của chúng ta là Mỹ cũng không phải vất vả…
 Vàng Phú Hùng ra vẻ hiểu biết:
- Dạ thưa, tôi biết trong cơ mưu thì đánh úp, tập kích là cách làm muôn thuở của kẻ lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, kế ấy hợp với thực lực của chúng ta bây giờ.
Lò Văn Chung đứng lên, gay gắt:
- Nhưng phải hiểu được lực lượng chúng có bao nhiêu? Chúng mạnh ở điểm nào? Yếu ở điểm nào? Có thứ vũ khí gì? Những điều này với chúng ta vẫn còn như thú trên rừng, cá dưới vực, khó lắm.
Sắn hùng hồn:
- Vậy mới phải thu phục dân chúng, lấy dân chúng trị chúng. Thiên la địa võng đã vây thì chúng có ba đầu sáu tay cũng bị chặt cụt.
- Nhưng nếu dân không theo ta – Sing nói.
Sắn khoa khoa tay:
- Theo hay không ở mình cả. Chuộng sự lạ, a dua theo đám đông là nết của những kẻ nhìn không quá miếng cơm, nghĩ không quá tấm áo. Rồi nữa, với những kẻ luôn bị ướp trong sợ hãi, rủi ro, quanh năm tai họa thốc từ ruột gan ra, táp từ bên ngoài vào, muốn trị chúng, bắt chúng theo thì phải lấy mê muội phủ lên, lấy lợi ích kích động.
Phùng Zùn Thanh nâng bát rượu lên nhấp môi, đặt xuống rồi thủng thẳng:
- Ngộ nhất trí à, nhưng ngộ muốn nói đến cái lâu dài cơ. Dân chúng như cá trong suối, mình không phải nuôi nó nhưng phải giữ nó ở vũng của mình mãi mãi để nó nuôi mình à.
Sắn phá lên cười sảng khoái:
- Muốn cho đám dân đen thuận tai, thuận mắt thì phải lấy tục lệ mà lòe. Tục lệ như dòng sông, nó làm yên lòng kẻ động, động lòng kẻ tĩnh, giữ chân kẻ ngông cuồng, cuốn trôi kẻ kéo rào ngược dòng. Lấy tục lệ làm thành trì thì không gì bền vững bằng. Trong cuộc đấu tay đôi với chính quyền, kẻ nào khai thác tục lệ tốt kẻ đó sẽ thắng.
Bàn Vần Sing:
- Đúng, đúng, ông Sắn nói đúng, những ngày qua mấy thằng Việt Minh ngu si vô học đánh vào tục lệ là nó hỏng, nó sẽ bị bật ra khỏi đất này.
Sắn nhìn mọi người một lượt rồi lại hùng hồn:
- Việt Minh nói thời cơ là lực lượng, ta cũng phải nghĩ thời cơ là lực lượng. Lúc này mà chần chừ hay thoái chí thì khác gì thấy nồi cơm đang sôi hết lửa mà bỏ đi. Vì cái đích bao năm qua đeo đuổi chúng ta hãy đặt quyền lợi lên trên hết, trên cả tình người, trên cả máu mủ, thậm chí trên cả tổ tiên thì việc lớn mới thành được.
Lý Văn San lúc này mới thủng thẳng cho thêm củi vào bếp lửa đang cháy:
- Cái quan trọng nhất của người trong cuộc chiến là địa bàn hoạt động. Cái đó ta đang có. Rừng núi là của ta. Nhà dân sẽ là của ta, do ta làm chủ. Không chỗ nào che giấu, nương náu, tác chiến tốt bằng rừng sâu. Không nơi nào tích trữ lương thực, nghỉ ngơi, trốn tránh tốt bằng nhà dân. Giữ được rừng núi thì thiên biến vạn hóa. Làm được dân theo ta thì nhà dân là nơi che chở, ủng hộ ta.
Thanh nâng bát rượu lên, cười lớn:
- Ngộ nhất trí à, Tôn Tử nước ngộ dạy rồi à, giỏi dùng binh nhất là thắng bằng mưu, giỏi thứ hai là thắng bằng ngoại giao, giỏi thứ ba là đánh bằng binh, biết kết hợp cả mưu, ngoại giao, lẫn dùng binh thì không biết hổ thắng trâu đực hay trâu đực thắng hổ à.
Sắn đưa mắt thăm dò một lượt rồi hạ giọng:
- Tôi nhất trí với ý kiến của các vị, song cái quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là phải thành lập Mặt trận Phòng Tô tự trị. Có Mặt trận này ta mới tập hợp được lực lượng, thu hút dân chúng và có điều kiện để kêu gọi phối hợp, giúp đỡ của bên ngoài...
Tất cả ồ lên:
- Đúng rồi, đúng rồi, không có người cầm đầu thì rừng nào lo rừng ấy thôi.
- Phải có bộ máy để quan, quân, dân, lính có chỗ dựa, có chỗ cho người Mỹ rót tiền, rót súng chứ.
- Phải có người đứng ra điều binh khiển tướng, giữ tiền giữ của chứ.
 Sắn đợi cho những lời phấn kích dịu đi mới lên tiếng:
- Xin cám ơn sự đồng lòng của các vị. Là người khởi xướng ra Mặt trận Phòng Tô tự trị, tôi xin dự kiến những người đứng ra gánh vác công việc của Mặt trận như sau: Tướng Bàn Vần Sing - Người hiểu rộng, biết nhiều, đánh trận giỏi, có uy tín với dân chúng, cử làm Chủ tịch Mặt trận. Thủ lĩnh Lò Văn Chung – Người được lòng dân, lời nói là lời vàng, bảo dân lên núi, dân lên núi, bảo dân xuống vực, dân xuống vực, thủ lĩnh nên nhận chức Phó chủ tịch Mặt trận. Tướng Hoàng Seo Lùng dũng cảm, gan dạ, mưu sâu kế hay, đánh đâu thắng đó, nên đặt vào chức chỉ huy quân đội. Ông Lý Văn San – Người đi nhiều, quen biết rộng, có biệt tài lấy lời vàng lời bạc, lấy thuốc phiện để dụ người, trói người, hãy nhận chức phụ trách ngoại giao. Ông Phùng Zùn Thanh – Người có biệt tài hút tiền hút của, làm cho tiền của sinh sôi, vào chức phụ trách tài chính. Ông Vàng Phú Hùng – Người giỏi mồm, giỏi võ, giỏi giấu nanh vuốt hãy phụ trách thanh niên đồng thời chỉ huy đội cận vệ. …
Cả bọn hồi hộp, háo hức đón nhận sự chia quyền của Sắn, mặt kẻ nào cũng ánh lên niềm hân hoan, thỏa mãn.
Không thấy Sắn đả động gì đến mình, Sing lên tiếng:
- Ông Sắn không được quên phần mình nhé, không có ông thì không có Mặt trận đâu vớ.
Lùng tiếp lời Sing:
- Đúng rồi, ông Sắn làm tổng chỉ huy mặt trận đi, phải người như ông cầm đầu thì Mặt trận mới có người theo, có người sợ chứ.
Cả Thanh, Chung, Hùng đều lên tiếng tán thành.
 Sắn tỏ vẻ khiêm tốn:
- Tôi có ý định chỉ làm quân sư giúp đỡ các vị, các vị đồng lòng cử thì tôi không dám từ chối, nhưng để gánh vác được trọng trách nặng nề này tôi xin các vị hết lòng ủng hộ.
Tất cả lại ồ lên đồng tình.
Sắn lấy ra một tập tài liệu in rônêô:
- Vậy là chúng ta đã xong phần việc quan trọng thứ nhất, tôi xin chuyển sang phần việc thứ hai, đó là thông qua cương lĩnh hoạt động của Mặt trận. Như chúng ta đã biết, không có cương lĩnh dẫn đường chúng ta chỉ như một bọn lục lâm thảo khấu tập hợp nhau lại để cướp phá, để tỏ rõ ý chí, tỏ rõ lòng tham. Cướp phá được rồi, ý chí, lòng tham thỏa mãn rồi là mỗi người quay một hướng, lại xưng hùng xưng bá, lại quay lại cướp phá, triệt hạ lẫn nhau. Có cương lĩnh dẫn đường chúng ta có kim chỉ nam, dù giữa rừng, giữa đêm tối lạc nhau, dù cùng nhau đi tới khúc khải hoàn chúng ta vẫn có giềng có mối, có sợi dây dẫn dắt xuyên suốt…
Thấy Sắn rậm lời Lùng  sốt ruột:
- Nói nhiều quá, nói nhiều quá, nói nhiều cũng tai nọ sang tai kia thôi.
Sắn vẫn mềm mỏng:
- Vâng, tôi xin lỗi, nhưng việc này giống như bắt nước làm mương, không biết được ngọn nguồn thì hoặc là mương không có nước, hoặc là nước làm mương vỡ, phai vỡ. Cương lĩnh này cũng học từ mười điều trong cương lĩnh của Việt Minh, nhưng ta cao tay hơn chúng ở chỗ ngoài hứa hẹn có ruộng, có rừng, no bụng, no chữ, không thuế khóa… ta đề cao phong tục, đề cao tín ngưỡng. Cái mâm nhiều món này chắc chắn sẽ hút hồn dân chúng.
Cả bọn há hốc mồm ra kinh ngạc, trong đầu óc của những kẻ hiếu chiến, ngu tối chỉ có bắn giết, cướp phá, hãm hiếp, mấy lúc để cho chữ nghĩa chui vào đầu.
Sắn trân trọng đưa mỗi tên một tập cương lĩnh, từng tên kính cẩn đón nhận như đón nhận vật báu.
Đã đến đỉnh điểm của ngòi nổ, Sắn vỗ tay ba lượt, lập tức từ nhà ngang người nhà San bê ra cái mâm, trên mâm có cái bát tầu rượu trong vắt. Trên miệng bát ngáng một con dao sắc nhọn.
Sắn hào hứng:
- Bây giờ công việc, nhiệm vụ đã rõ, ông Thanh và ông Hùng sẽ ở lại đại bản doanh cùng tôi, còn tướng nào ở vùng nào sẽ trở về tập hợp lực lượng và chỉ huy ở vùng ấy. Mục tiêu hàng đầu của chúng ta bây giờ là phá hoại. Phá hoại sự đoàn kết của chúng. Phá hoại những việc chúng đã và đang làm. Phá hoại sẽ ngăn cản chúng phát triển, làm chúng hoang mang, nhụt ý chí.
Thanh vỗ tay, nói lớn:
- Đúng đúng, phá hoại là xuất quỷ nhập thần, khiến chúng không biết thực lực của ta ra sao, sẽ làm việc gì…
Sắn tiếp lời Thanh:
- Đúng, nhưng để làm được những điều đó trước tiên chúng ta phải hợp lực chặt chẽ. chòm sao Tiểu hành tinh này hãy vì nhau, vì sự nghiệp giành lấy đất đai, dân chúng, giành lấy của cải. “Hợp nhau sợi chỉ rào không đứt” mà.
 Sắn cần con dao trên mâm đưa tay ngang bát.
Soạt… Sau nhát cứa ghê người những giọt máu nhỏ tong tong xuống bát rượu. Cả sáu tên lần lượt làm theo, mắt tên nào cũng ánh lên màu hoang dại. Bẩy dòng máu thù hận, hiếu chiến hòa trong bát rượu rồi chảy vào cuống họng từng thằng, cả bẩy trở nên cuồng loạn, tưởng như có ngọn đuốc trong tay chúng sẽ biến cả dãy Hoàng Liên lẫn dãy Pu Sam Cáp thành bãi tro tàn.
15
Gió, gió và gió…
 Gió tung đất cát bụi mù.
Gió thổi hơi nước ướt rượt từ sông Nậm Mu thốc lên.
Gió bị dãy Hoàng Liên, dãy Pu Sam Cáp chặn đứng quẩn trở lại.
Bản hòa ca gió… gió khiến cho mọi người linh cảm tới tai họa đang ập xuống đầu.
Khi gió đuối hơi đuối sức thì cũng là lúc ông trời ném những hạt mưa  rào rào xuống mặt đất. Nước đổ ào ào, gió quất ràn rạt, sấm ầm ầm, ùng ục, sét loằng ngoằng chói sáng, tất cả vây lấy rừng núi, làng bản để hù doạ, nhấn chìm.
Cây cối vừa sung sướng, vừa đau đớn cương lên đón đỡ những hạt mưa quý báu. Khởi đầu cơn giông ấn nhiều con vật vào nơi trú ẩn, mưa đổ xuống lại lôi chúng ra khỏi tổ. Những bầy mối khát nước bất chấp mưa gió vặt cánh chúng túa ra bay lượn rợp trời. Những chú gà thấy mối như kẻ đói khát thấy thịt đua nhau lao ra đuổi bắt. Những con chó thấy những chú gà tưng bừng cũng hớn hở vừa sủa nhặng vừa cong cớn ngoáy tít đuôi trong mưa như động cỡn...
Mặc gió, mặc mưa, Bắc cứ quất ngựa xuyên qua Trung Chải, Phìn Ngan, Gì Thàng về trụ sở khu vực. Cái lạnh từ mưa, từ gió thấm vào bị cái nóng từ trong người đánh bật ra khiến cho Bắc không cảm thấy khó chịu mà phần nào còn biết ơn giời đất.
Bắc vừa trên châu về. Anh lên báo cáo về tình hình khu vực không thu được thuế, những mong được cấp trên xẻ chia, thông cảm, chỉ cho những biện pháp khắc phục, ai ngờ bị Phó chủ tịch châu Hoàng Văn Bình quát nạt đến dại mặt. Đúng là đem đuôi ngựa quét đít trâu.
“ Anh phải biết thuế là pháp lệnh, là xây dựng và bảo vệ đất nước. Không thu được thuế thì lấy gì nuôi quân, lấy gì để xây dựng. Mà nói đâu xa, trước mắt lấy gì để nuôi mồm anh, mồm tôi, mồm cán bộ của châu này, tỉnh này…”. Hừ!... Ngươi có biết việc thu thuế ở cái vùng đói khát khổ sở lại bị mất mùa này khác gì lôi miếng thịt ra khỏi mồm thú dữ.
 “Biết thuyết phục là chính, song với những kẻ dây dưa, cố tính chống đối thì lời nói gió bay, lòng tốt là xa xỉ, có chính quyền, có đoàn thể, dân quân, công an trong tay tại sao anh lại để sức mạnh ấy ngủ ngày, ngủ đêm?”. Hừ!... Ngươi là kẻ vắt mũi chưa sạch, ngươi chưa qua cảnh sống chết kè kè, trốn chui trốn lủi trong rừng, đói ăn, đói muối, không thuốc thang, không bắt chuyện được với dân nên ngươi chưa hiểu thế nào là cô lập.
“Tôi biết anh đang cố nuôi nhân nghĩa, lấy lòng dân chúng. Nuôi nhân nghĩa đâu dễ như nuôi gà nuôi vịt, nó phải có thời gian, có điều kiện để thể hiện, việc thì đang như nước cuốn, lửa cháy, không hoàn thành kế hoạch thu thuế thì tôi mất ghế, anh mất chỗ, hiểu chưa?”. Hừ! Không nuôi nhân nghĩa, không lấy lòng dân thử hỏi đảng, chính quyền, đoàn thể có còn tồn tại, cái đầu của ngươi chắc gì còn trên cổ. Ngươi không biết cái gì cách mạng nhãng ra là bọn phản động thừa cơ nắm lấy. Ngươi quanh năm ra giày vào dép, cơm bưng nước rót, ngươi đâu có biết cán bộ cơ sở như ta quanh năm suốt tháng khổ sở vì “ba cùng”...
Cái nhăn mặt đầy thớ lợ của Bình làm cho Bắc muốn nhổ thẳng sự khinh bỉ vào cái đĩa phèn phẹt thì hắn đã quay lưng. Những múi thịt của hắn nổi lên trong làn áo mỏng khiến cho anh phải nuốt vội nước miếng. Nhổ lên cái lưng ấy khác gì lấy cái áo lành trùm lên cái áo rách rưới, bẩn thỉu.
Chưa bao giờ Bắc thấy nản chí như bây giờ. Anh biết lúc này những biến cố, lo nghĩ luôn luôn rình rập, nhưng không thể ngờ nó lại dai dẳng, bùng nhùng đến thế. Đau. Đau lắm. Đau như ai đó xoi xói mũi dao nhọn vào con tim lá gan. Bao năm bao tháng đổ tâm đổ huyết vào phấn đấu, gây dựng, vậy mà vẫn như nước rơi trên lá dáy thì làm gì mà không đau, không xót. Những ngày tháng căng thẳng vừa qua nhiều lúc Bắc thấy thương, thấy tiếc cho mình. Giá không nằng nặc xin ở lại anh sẽ không chui vào bụi đùm đũm đầy gai, sẽ tung hoành nơi chiến trận, sẽ phỉ chí làm trai. Bây giờ biết làm sao được. Đi ư! Chấp nhận bó tay đầu hàng là một sự sỉ nhục lớn với người đàn ông từng là tâm điểm của đám đông, từng được trên yêu dưới mến. Ở ư? Rồi anh sẽ bị cuốn trôi trong dòng sông ngầu đục này như nó đã cuốn trôi bao người đã được coi là đồng đội.
Mưa ngớt rơi cũng vừa lúc bóng chiều trùm lên khắp mặt đất. Cơn gió mang đẫm hơi nước nhẹ nhàng ve vuốt làm cho cái đầu nóng của Bắc nguội dần.  Rời con đường phơi ra bên sườn núi chênh vênh sinh ra cốt để thử thách con người, Bắc bám theo bờ suối. Những bụi sim mua lúp xúp, ướt đẫm run rẩy. Một cây si đại cố bò ra giữa dòng, cố thả từng chùm rễ xùm xoà xuống mặt nước. Những chùm rễ như muốn chạy theo dòng chảy làm cho lũ cá lẹp vui đùa thích thú. Những tia nắng nhảy nhót làm cho mặt nước lung linh ánh vàng ánh bạc. Theo thời gian núi sẽ già cỗi, nhưng những giọt nước chắt ra từ ruột núi vẫn tươi trẻ muôn đời, còn ta! Bắc nén tiếng thở dài.
Đêm xuống nhanh như cơn gió. Vừa mới ngửa bàn tay còn rõ từng đường, từng nét, sấp bàn tay, qua kẽ ngón mọi vật đã lờ mờ. Lúc này Bắc mới thấy thấm lạnh. Lạnh và đói. Cái lạnh buốt toát ra từ ruột núi hòa vào cái lạnh từ quần áo ướt át thấm vào cùng với cơn đói gào réo làm cho Bắc run lên như đang cơn sốt rét, anh co người ôm chặt lấy lưng ngựa, phó thác thân mình cho con vật chi tình.
Con ngựa quen đường đưa Bắc về đến trụ sở thì đã sẩm tối. Mắt Bắc sáng lên khi thấy trong biển sương mù lưu cữu phía trụ sở khu vực có ánh lửa. Chưa bao giờ anh thèm khát tiếng người, thèm khát được chia sẻ như bây giờ, trong xúc động trào dâng, anh ra roi cho con ngựa phóng vút lên.
Người đang nuôi ngọn lửa trong bếp nhà Bắc là Pham.
 Sau đêm tự nguyện dâng hiến cho Bắc, Pham như người lột xác. Sức sống, hy vọng vào ngày thoát khỏi cửa ải trần gian  làm cho cô trở thành Pham của ngày chưa bước chân vào cửa nhà chồng. Cái dáng tất tưởi chưa đặt mũi đã nhấc gót làm cho Pham cứ líu ríu như muốn bay lên. Giọng nói nhấm nhẳng, cương lên để chịu đựng, để thách thức được chuyển dần qua sự nhẹ nhàng, nhẫn nhịn. Ánh nhìn lóe lên những tia lửa căm hận được thay dần bằng sự độ lượng, khoan dung. Dường như cô đã quên đi những tủi nhục, quên cả hai con người đang ngày đêm hành hạ cô, trước mắt cô giờ chỉ còn Bắc. Bắc là nguồn ánh sáng soi rọi vào bóng tối ẩm ướt, lôi cô ra tắm rửa, sưởi ấm. Bắc đã lấy lại cho cô cuộc sống vĩnh cửu.
 Sự thay đổi đột ngột của Pham không qua mắt được hai kẻ giời đầy. Chúng cạnh khóe Pham, cạnh khóe nhau, kẻ nọ dồn kẻ kia cuối cùng cả hai thành con chó săn theo dõi, hành hạ con mồi. Song tình yêu giống như kiến thấy mật, càng cấm đoán, càng khống chế, ngăn chặn càng hút dính. Tuy cố giữ gìn cho Bắc, cho mình, nhưng Pham vẫn điên dại lao vào mối tình ngang trái. Hở lúc nào, rỗi lúc nào là Pham mò đến với Bắc. Hai ngọn lửa điên rồ chập vào nhau bùng lên giữa vùng rừng hẻo lánh không che đậy nổi những con mắt cú vọ, Bắc bị châu gọi lên cạo như cạo lợn, còn Pham giật mình, ngơ ngác. Trong cuộc đời sóng gió của mình, Bắc là món quà có ý nghĩa nhất giời đất ban tặng cho Pham. Cô không mơ sẽ được chung sống, được nâng khăn sửa áo cho Bắc, anh có cả một phía trước rộng dài, còn cô, cái giẻ lót nồi mà dám xé rào, dám vui thú với người không phải là chồng mình. Lo lắng, ân hận, day dứt đầy ứ đã dìm chết những khao khát chỉ mong bùng lên trong cơ thể Pham khiến cô cam chịu trong ngôi nhà có ba người thì cả ba nửa sống nửa chết.
Pham đã thề hẹn sẽ chôn vùi mình mãi mãi trong tro bếp nhà chồng, nhưng chiều nay chồng cô không những không cùng cô về nhà ngoại ăn cưới em gì, lại còn rủa xả, mắng mỏ, coi cả nhà Pham là cái đít nồi, đặt chỗ nào nhọ chỗ ấy. Pham không chịu nổi. Với vợ chồng người Dao, từ khi ghi tên chung vào gia phả đặt lên bàn thờ là khi đằng ngoại có việc dứt khoát phải có vợ có chồng. Vắng mặt một người không thập tử nhất sinh cũng đang sảy đàn tan nghé. Chồng Pham đã không đi với Pham lại còn trả nghĩa người sinh thành, nuôi dưỡng vợ mình bằng những mũi dao lách vào con tim lá gan thì ai mà chịu nổi. Đợi cho chồng vùi mình vào khói thuốc, Pham nuốt nước mắt khoác qua vai cái túi đựng đầy lá thuốc phiện rồi lầm lũi về nhà. Khi ngang qua trụ sở khu, Pham lưỡng lự, không đành được cô quyết định ghé thăm Bắc.
Bắc không có nhà. Căn nhà thiếu vắng bàn tay phụ nữ làm Pham chạnh lòng, cô đã bỏ ra mấy canh giờ quét dọn, giặt giũ, đun nấu và nóng lòng chờ đón Bắc trở về.
Con ngựa đứng khựng trước cửa nhà hý vang một cách thích thú. Bắc nhảy xuống ngựa, ném dây cương lên lưng nó, sùy sùy. Con ngựa được tự do hý tiếp những hơi dài rồi rùng mình, chạy ra bãi cỏ sau nhà.
Pham từ trong bếp chạy ra đón Bắc, hơi lửa, hơi trai làm cho mặt cô bừng lên màu mận chín.
Cảm giác bình yên luồn lách qua tĩnh lặng dâng lên trong sương khói đã cho Bắc sự thích thú. Anh trông trước trông sau, thấy quanh mình như hoang mạc, anh vồ lấy Pham, nhấc bổng cô lên, quay tròn như con quay.
Pham đờ người ra. Ngượng ngùng, vui sướng đan nhau làm cô khó khăn lắm mới thốt lên được những câu vô nghĩa. Một cơn gió nặng nhọc cõng cả dải sương mù từ thung lũng ngược lên nhấn chìm nhà cửa, cây cối trong biển nước màu sữa.

Trút hết bực bội, lo lắng, mệt nhọc ngoài cửa, Bắc hiện thân là một chàng trai khỏe mạnh đang yêu, anh bế thốc Pham vào trong nhà, nhẹ nhàng đặt cô xuống giường, phủ lên mặt, lên môi cô nụ hôn ướt át.
Trời ơi, da này, tóc này, mắt này, môi này...
Trời ơi, người hay là ma thuật, ma lực, chạm một lần là nhớ, chạm hai lần là mảng đắm, người đắm, chạm ba lần là quên mặt trời, quên mặt trăng, chạm bốn lần, năm lần… trâu ngựa còn nhớ ngõ nữa là người nghiện.
Tình yêu như nước tràn vào ruộng ải, Bắc cứ thoả thuê uống cho bõ những ngày đói khát. Pham vừa cương người đón nhận những nụ hôn khởi phát của tình yêu, vừa rên lên, sung sướng. Nhục dục là gì, là dòng nhựa âm thầm chảy trong thân lá hay những ngọn măng gặp mưa đội đất lên để tỏ rõ sức mạnh với trời xanh...
Sau hứng khởi bùng phát là tan chảy, rã rời, Bắc nhắm hờ đôi mắt, thả lỏng người tận hưởng giây phút đê mê vinh quang của người chiến thắng. Trạng thái nửa thức, nửa ngủ khiến Bắc thả sức  trôi theo cơn mơ, nuôi tiếp cơn mơ. Những cánh bướm nhàn hạ chấp chới trêu ghẹo những búp cỏ non tơ lấp lóa trong đầu, trong mắt. Anh biết ơn Pham, không có Pham anh không biết phải đối mặt với một đêm trống rỗng như thế nào.
Tiếng réo èo ẽo phát ra từ bụng Bắc đánh thức, lôi Pham ra khỏi đê mê, cô gỡ tay Bắc, ngồi dậy, giơ tay búi tóc, cười:
- Chắc từ sáng tới gìơ chưa có gì bỏ bụng hả?
Bắc vẫn nhắm hờ đôi mắt, trả lời trễ nải:
- Ừ, từ sáng. Không, từ chiều hôm qua, nhưng mà cứ thế này thì còn đói gì nữa.
Pham nhanh nhẹn mặc lại sống áo, nói với Bắc như nói với đứa trẻ:
- Không được, vừa đói vừa rét là xuống sức lắm đấy, em đã nấu cơm nấu canh rồi, dậy đi anh.
Nói đến cơm canh, cơn đói dồn lên đầy mồm, Bắc vùng dậy mặc quần áo, vai, vặn vai, vặn lưng, tếng kêu răng rắc từ những đốt sống dâng lên trong anh sự sảng khoái, khỏe khoắn. Anh theo Pham xuống bếp. Pham lấy cái ống thổi ghé vào chân ngọn lửa phồng mồm thổi, lửa bùng lên. Bắc nhìn quanh, rạo rực, nhà không có đàn bà, bếp ngày cháy ngày không, quanh bếp bừa bộn, mùi ẩm mốc lưu cữu, váng vất như nhà hoang, vậy mà qua tay Pham mọi thứ đã gọn gàng, sạch sẽ.
Bắc vừa tiếp thanh củi vào bếp vừa hỏi Pham:
- Em mang gì đến tẩm bổ cho anh đấy?
Pham trìu mến nhìn Bắc, hơi lửa, hơi Bắc làm cho da cô có mầu hoa đỗ quyên:
- Lá thuốc phiện thôi, vội quá chẳng kịp lấy gì.
Bắc ngạc nhiên nhìn Pham, thuốc phiện là loại cây chết người, thứ gì lấy từ nó cũng gây nên nghiện ngập. Lá thuốc phiện non nấu canh ăn ngọt lịm, ăn một lần là nhớ, là thèm. Nhựa thuốc phiện hút vào là đê mê, ngấm vào xương vào tủy rồi không có không chịu được. Hạt thuốc phiện giã nhỏ nấu canh với cà chua, hoặc lấy hạt rắc xung quanh bánh bao, bát mỡ tạo ra mùi vị đặc biệt, ăn vào quên chết. Bây giờ người trồng thuốc mang lá thuốc đến chăm sóc thì Bắc làm sao mà thoát khỏi nghiện.
Pham mở vung nồi cơm, mùi hương nuôi trong nồi, trong lửa nức lên làm cho Bắc cồn cào, mồ hôi lưỡi tứa ra, anh cười nịnh:
- Cơm gạo khẩu nậm xít mà ăn với canh lá thuốc phiện thì còn gì bằng, chỉ sợ ăn vào lại nghiện thôi.
Pham cười:
- Nếu làm được cho anh nghiện thì tốt quá, mà anh có còn rượu không đấy.
- Còn. Rượu hổ cốt hẳn hoi đấy.
- Vậy thì còn để dành làm gì nữa, anh lấy rượu đi, em nướng thịt cho.
Bắc sốt sắng lên nhà, mò vào vách đầu giường lấy túi da dê rượu mang xuống bếp rồi ra sân bê vào mấy khúc củi gộc, vừa làm anh vừa huýt sáo vang. Pham lấy mấy thỏi thịt nai khô trên gác bếp xuống, đập đập cho bay bồ hóng rồi lùi vào than hồng.
Bếp lửa, rượu hổ cốt, canh lá thuốc phiện, thịt nai khô cùng sự chăm sóc của Pham làm Bắc thấy mình là con bò mộng. Sau bữa cơm nhớ đời, mặc kệ công việc, mặc kệ sự phiền muộn, mặc kệ những gì có thể sảy ra Bắc và Pham quấn lấy nhau trong hoan lạc, hai người cứ thoả thuê uống nhau cho bõ những ngày đói khát.
Đêm ấy cả vùng sảy ra cơn lũ ống. Những trận mưa dai dẳng cả tuần làm cho đất núi lùng bùng như ruộng bùn, một trận mưa to đổ xuống làm cho giận dữ trào lên. Ào, ào, ào… một trận lũ bùn khủng khiếp lôi cả mội vạt núi đi theo dòng suối. Sáng ra, nhìn vệt lở kéo dài từ ngọn đến chân núi ai nấy bàng hoàng, coi đây là sự nổi giận của thần núi, thần rừng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét