Chương 6 + 7 + 8
6
Sau khi tiễn thầy, tiễn khách, Triệu Tá Dùn buộc phải đối mặt với ông bạn kết nghĩa. Đang phừng phừng men rươu lại mong muốn dứt được kẻ đeo bám mình như đỉa bám háng trâu, Dùn thả ra một thôi một hồi lời lẽ, kết tội có, mơn trớn có, dụ dỗ, thuyết phục có.
Sắn ngồi im chịu trận. Cho đến khi hơi rượu từ mồm Dùn phả ra đã nhạt hắn mới thủng thẳng kể lại lần hắn cùng Dùn đi vây bắt, tra tấn, thủ tiêu cán bộ ở Mường So; lần cùng Dùn càn quyét, đốt nhà, cướp của, hãm hiếp đàn bà con gái ở Tam Đường. Cuối cùng hắn nói đến chuyện kết nghĩa vườn đào đã ám vào hai người như bồ hóng ám vào thịt cán bá. Bao ngày chui lủi đói khát trong rừng mà hắn vẫn đội chữ tín lên đầu, vẫn cố giữ lấy thân thể cha mẹ, trời đất ban cho là vì còn anh còn em, còn nghiệp lớn chưa thành. Chưa hết, hắn còn bộc bạch việc chơi với hắn là phải chấp nhận sự lắt léo, khó chịu. Bọn hắn như con vắt trong rừng nứa mùa mưa, người đi rừng lúc nào cũng căng ra cảnh giác những cái vòi êm ái, xong giết chẳng giết xuể, cho qua cũng chẳng xong, nhoáng một cái đã thấy lủng lẳng ở bụng chân, khuỷu tay, nhất là ở những chỗ kín.
Dùn lặng người, đất Phòng Tô này cả Việt Minh lẫn Pháp, phỉ đều rõ Sắn. Năm 1950 Sắn được tri châu giao quyền chỉ huy năm trăm quân phỉ, đánh đâu, đốt nhà nào, bản nào, giết người, hãm hiếp đàn bà con gái đều cho hắn tùy ý. Ngày ấy dân chúng trong vùng hắn bảo theo, đi theo, bảo nộp gà, nộp gà, bảo nộp rượu, nộp rượu, bắn được hổ nộp bộ xương, bắn được gấu nộp cái mật và bốn cái chân… Ngày ấy dân chúng sợ hắn hơn sợ cọp thành tinh, nghe thấy hắn có mặt ở vùng nào là người vùng ấy hồn một nơi người một nẻo. Chỉ huy phỉ đánh úp bộ đội ở Lùng Chín là hắn. Tàn sát họ Thào ở Nậm Mả là hắn. Tạo ra các toán phỉ dân tộc này đến cướp phá, hãm hiếp người của dân tộc khác là hắn... Bộ đội, dân quân, công an truy lùng hắn như truy lùng con hổ thọt trong rừng sâu, nhưng hắn thần thông biến hóa, nhiều lúc tưởng như chui xuống đất không thoát, bay lên trời không xong, vậy mà hắn vẫn điềm nhiên thách thức cả giời, cả đất. Cuối năm 1954, Việt Minh dồn toàn lực tiến công phỉ. Trong trận đấu súng kịch liệt ở hang Séo Mí Tỷ hắn đã bị họng súng của bộ đội biên phòng cho chầu diêm vươpho, nhà hắn, bản hắn đã mổ ba trâu, chín lợn làm ma, vậy mà sao hắn vẫn sống, vẫn làm con ma ám ảnh cả vùng.
Như đọc được cảnh gà mắc tóc của ông bạn kết nghĩa, Sắn thủng thẳng đưa Dùn vào vòng ma trận. Sắn nói:
- Tôi cứ chẻ hoe thời vận để ông suy xét. Ông cứ ngẫm mà xem, đời ông tội lỗi đầy mình mà được như thế này là coi như xong, nhưng còn con ông, dòng giống nhà ông. Triệu Phú Vương… Hừ! Ngay khi đặt tên dòng họ Triệu nhà ông đã trông mong, khát vọng về nó. Nó sinh giờ Thìn, ngày Thìn. Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay giời đất sắp đặt. Có lẽ cả hai. Chân mệnh của nó là lòng nhân ái, là nghị lực, kiên cường bao trùm, là quý nhân phù trợ, làm việc gì được việc ấy, là tiếng thơm để lại muôn đời. Nó sinh ra giời đất đã cho nó một cơ thể khỏe mạnh. Nó trán cao, sơn đình rộng, mắt xếch, lông mày rậm, miệng rộng, tướng đi chậm rãi, ăn to nói lớn, ra dáng người đứng đầu thiên hạ. Mười ba tuổi nó đã là một thợ săn lão luyện. Mười bảy tuổi nó đã thông hiểu lý lối như thày cúng. Hôm nay, tuổi vừa tròn đôi mươi nó đã vượt qua cửa ải cấp sắc bảy đèn. Cái lý người Dao, con chim bay trên trời không kêu lên mọi người ở dưới đất không biết sẽ có việc gì xảy ra. Giờ chim đã kêu, người, giời, đất đã biết, mọi việc vui mừng của nhà họ Triệu đã rõ ràng. Thần Hòi Phan đã hiện thân trong nó. Ông thừa biết, đêm đến mặt trời tất sẽ lặn nhưng trăng sao tiếp tục soi sáng mọi nơi. Ông rồi sẽ già, rồi sẽ về với tổ tiên, song ông có quyền hy vọng vào nó. Người Dao Phòng Tô có quyền mong mỏi một ngày nào đó nó sẽ đứng đầu thiên hạ. Trong chính quyền của Việt Minh ông đã làm được khá nhiều việc cho mình, cho người Dao. Ông đã lót đường khá kỹ cho con, cho cháu. Nhưng ông nên biết cái quá khứ nhuốm chàm sẽ khiến cho ông sẽ bị rơi hố bất cứ lúc nào. Ông hãy hình dung một ngày nào đó người ta biết ông đã từng bắt, giết không dưới năm người Hmông, Dao, Kinh; biết ông từng cùng quân lính đốt phá, triệt hạ cả một làng người Pú Nả. Lúc ấy họ có để yên cho ông không? Một ngày nào đó họ chợt nhận ra bên trong dáng vẻ tận tụy, hết mình vì dân, vì nước là kẻ có nợ máu với họ. Lúc đó ông sẽ ra sao? Họ Triệu nhà ông sẽ ra sao? Một trong những tuyệt chiêu hạ bệ người mình không thích của Việt Minh là đào bới quá khứ. Khi ông thành quả chanh vắt hết nước, họ sẽ lộn trái đời ông, con đường đang đưa ông lên giời sẽ đưa ông vào nhà giam, con đường ông mở sẵn cho con cho cháu sẽ dẫn con cháu xuống địa ngục. Ông là người thức thời, là người hiểu biết, ông biết phải làm gì bây giờ…
Làm gì? Làm gì?... Dây to dễ cởi, dây bé khó cởi, sợi dây bện bằng tơ đã thít vào cổ Dùn từ lâu rồi, gỡ được nó chẳng khác gì chui ra khỏi miệng con thuồng luồng.
- Tôi biết ông từ bé đã được ướp trong cái bể đạo lý, nhưng ông ơi, đạo lý, tấm lòng mà không trải ra được dưới trời cũng giống như miếng ngon trong mồm, không nuốt, không nhả được tất nó sẽ thối, sẽ thành bệnh. Ông là con hổ sống giữa rừng quen, việc gì ông phải rón rén, lấm lét, phải ngâm cái chí ở trong mồm, ông phải trổ cái tài của mình cho thiên hạ biết. Ông phải làm rạng danh mình, rạng danh thầy.
Dùn rùng mình, anh không cãi nổi cái mồm con rắn độc này. Anh đánh đuổi ma quỷ, làm trong sạch bàn thờ tổ tiên nhưng anh chưa làm trong sạch được chính mình. Vậy là một lần nữa anh, cả nhà anh lại bị một thế lực đen tối vây hãm, đe dọa. Chúng xỏ mũi, dắt anh đi chốn nào? chống lại nó ra sao? câu trả lời còn nằm cả trong búi gai lùng nhùng chưa biết cách nào gỡ được.
7
Rời nhà Dùn, Sắn mang theo tâm trạng day dứt, tiếc nuối. Với ông bạn “năm cùng” thì không nói làm gì. Cá trong bể, thú trong lồng, luyện thế nào, mổ thịt ra sao là ở người nuôi nhốt nó, song việc cụ giáo không những cản trở Sắn mà còn cấm cửa. Cụ đã làm cho hắn thấy mình bị đánh sập một cây cầu.
Mặc dù trong đời Triệu Tá Sắn có rất nhiều chiến tích, song điều Sắn tự hào nhất là từng là học trò của cụ giáo Choong - ông nội của Dùn.
Cụ giáo Triệu là linh hồn, là tấm gương sáng về Nhân, Nghĩa, Đức, Trí cho cả vùng Sín Chải noi theo.
Cụ giáo có một lai lịch khá phức tạp. Vùng Sán Chải là mảnh đất xa xôi ngàn dặm, “tay vua với tới khó khăn, ngựa quan đi qua chẳng kịp dừng”. Con người ở đất này có mấy trăm năm thì mấy trăm năm tự bảo nhau làm, tự bảo nhau ăn. Động đến quyền lợi thì tự chém giết, chèn ép lẫn nhau. Gặp tai ương thì thành ngọn đèn hàng xóm, hết tai ương thì đèn nhà ai nhà nấy sáng. Khôn, ngu, tối, sáng tự hưởng, tự chịu, không phụ thuộc, chằng rễ với đâu. Năm 1887, Thực dân Pháp phá được tuyến phòng thủ Tây Bắc, đánh tan đội nghĩa quân của Đèo Văn Toa chiếm Phòng Tô, thành lập chế độ quân quản, biến từng vùng thành khu biệt lập, thành xứ tự trị. Sán Chải trở thành tâm điểm của tỉnh. Con đường đi qua Sán Chải nối từ Lào Cai, Than Uyên, Văn Bàn đi Lai Châu, Điện Biên, đi Kim Bình – Vân Nam – Trung Quốc trở thành con đường huyết mạch. Mỏ vàng sa khoáng được phát hiện hút hồn cả các thổ ty lẫn các quan thầy Pháp Quốc. Rồi những sản vật từ rừng, từ núi, những mối lợi rút ruột từ những người nông dân lam lũ…, nong mật bày ra, ruồi, ong, kiến, gấu bu vào, Sán Chải biến thành nồi thắng cố đang sôi.
Sự tranh tối, tranh sáng làm khốn khổ cho cả vùng nhưng lại là lợi thế cho những kẻ đục nước béo cò, trong đó có gia tộc họ Triệu ở Sín Chải. Ông nội cụ giáo, tức ông Trưởng họ Triệu vốn gốc lấy vật đổi vật kiếm lời. Lợi dụng chút vốn liếng, sự khôn khéo và chính sách mua chuộc dụ dỗ của người Pháp, ông đã chạy được chân độc quyền mua bán vàng khai thác từ mỏ Sán Chải và bán dầu muối cho cả vùng. Ở cái lòng thúng Phòng Tô này dầu, muối đã là vàng rồi, được độc quyền mua bán dầu, muối lại được mua bán vàng thật nữa thì quả là giàu có song hành. Phàm ở đời, nhất là trong vùng đất kỷ cương thả lỏng, sáng tối đè nhau thì giàu có luôn sóng đôi với ghen ghét, thù hận cướp bóc, triệt hạ. Để bảo vệ và mở rộng con đường buôn bán của mình, ông Trưởng tộc họ Triệu đã tuyển mộ, huấn luyện được một đội quân bảo vệ dũng mãnh, tinh thông võ nghệ. Đội quân ấy đã nhiều năm lừng danh cả về trung thành lẫn tàn bạo. Nó đã khiến hầu hết những thổ ty, những nhóm giang hồ có máu mặt trong vùng vừa ghen ghét, căm thù ông, vừa kiềng ông như kiềng hổ.
Không cưỡng được với thời gian, bệnh tật ông Trưởng họ Triệu phải về với tổ tiên để lại việc cai quản họ tộc, công việc làm ăn cho con trai cả, tức là bố cụ giáo.
Bố cụ giáo là người ngang tàng, nóng nảy, lòng tham ngùn ngụt, tính tình sục sôi, bạo tàn, mưu mẹo đủ để lật phải thành trái, lật trái thành phải. Ông nối nghiệp bố mấy năm là mấy năm cả vùng nằm ngồi trên chảo lửa.
Gieo gì gặt nấy, cuối năm Canh Ngọ, trong một chuyến áp tải đoàn ngựa thồ dầu, muối từ Lào Cai về Sín Chải, ông Trưởng họ Triệu sa vào ổ phục kích của bọn cướp. Cuộc tàn sát đẫm máu đã làm ông cùng phần lớn tay chân bị kết liễu bằng đao kiếm. Tin dữ vừa bay đến Sín Chải thì cả nhà ông đã bị những kẻ theo đóm ăn tàn rùng rùng bao vây, đập phá, cướp của, giết người.
Sự can thiệp kịp thời của quan đồn trú Sán Chải đã cứu nhà họ Triệu khỏi một cuộc triệt hạ tận gốc song không dập tắt được mối thù của những kẻ lấy đao búa làm sức mạnh. Đỉnh điểm của cuộc trả thù là cuộc đào mộ tập thể. Không biết do may mắn, do biết trước kết cục, hay dòng máu anh hùng còn theo về tận thế giới bên kia mà khi những quan tài bật nắp là đồng loạt thây ma dưới mộ mắt mở trừng trừng, hai tay ngó ngoáy như muốn vớ lấy gươm đao. Mấy kẻ hung hăng, rượu vào, tính anh hùng hảo hán nổi lên vừa giơ tay ấn đầu các hình nhân xuống đã phải rú lên, máu mồm hộc ra rồi chúi đầu xuống mộ chết tươi khiến bọn cướp mấy ngày sau hồn vẫn chưa về nhập xác.
Sau trận kinh thiên động địa ấy các thổ ty có thế lực, bọn cướp và cả quan quân đồn trú Sán Chải đều kính phục, nể sợ, không ai dám động đến nhà họ Triệu.
Cụ giáo Choong được đón về, tiếp nhận, cai quản gia tộc, cai quản nghiệp nhà trong cảnh nửa khóc nửa cười.
Mẹ cụ giáo là con của một thày đồ sinh sống và dạy học ở nơi hai con sông lớn gặp nhau. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình dòng dõi, chữ nghĩa truyền đời không may sa chân vào ngôi nhà được xây lên từ sự lừa lọc, tàn bạo, bà đã sớm nhận ra kết cục có vay có trả. Khi cụ giáo đến tuổi học hành bà đã gửi con về nhờ ông ngoại nuôi dưỡng. Trong những năm tháng bên cạnh ông ngoại, được tắm gội trong đạo lý thánh hiền đã cho cụ giáo cách nhìn nhận về con người, về cuộc đời khác với những người trong gia tộc. Cụ học đòi hạt cát, cố nguyện lựa chiều, xa hẳn bụi trần, thoát khỏi vòng danh lợi. Cụ đã rời hẳn nghiệp nhà như lời nguyện ước của người mẹ nhìn thấu trời xanh. Cụ bằng lòng với những cái mình đang có. Thay việc làm cho của cải chìm nổi của ông cha còn sót lại sinh sôi nảy nở cụ nuôi sự thanh thản bằng cách trị bệnh cứu người, mở lớp dạy học. Trong khi con người chỉ chui chúi vào lo cho mình có một người bỏ tâm sức, tiền của ra lo cho người như cụ là quả hiếm. Giữa một vùng lấy cái lam lũ làm cơm mà lúc nào cụ cũng quần áo kiểu vua ban còn lớp pha ra phin láng bóng, cái triện vuông nổi rõ trên lưng áo dài; tóc búi tó, cài trâm; mặt mũi toát ra vẻ đôn hậu, thư thái, thanh nhàn. Sự bệ rạc, bê tha như ngọn gió rải khắp vùng vậy mà nhà cụ lúc nào cũng khói trầm nghi ngút, bước qua cổng là gặp không khí trang nghiêm, vừa lâng lâng e ngại, vừa gần gũi, vừa chân chất thật thà thì làm sao mà không phục, không kính trọng. Đạo học suy, khắp nơi chìm trong cảnh xưng hùng xưng bá, binh đao, cướp bóc, song suối có nguồn, trời có mặt trời, mặt trăng, cụ giáo vẫn là chỗ cho người ta trông vào. “Một người bắc cầu trăm người qua, một người sao sách trăm người xem”, cụ không chỉ là thầy học, là ân nhân mà còn là cây cầu, bến đỗ, là nơi chốn có thể sẻ chia, nương tựa của nhiều người. Không ai biết những buồn đau, day dứt, cái gánh nặng cha anh để lại cụ cất giấu vào đâu, họ chỉ biết trong quay cuồng của gió bão mà tâm cụ vẫn tĩnh, lòng cụ không động, qua cụ, họ thấy giời, thấy đất, thấy lý, thấy lối, thấy dòng nước đầu nguồn. Họ chỉ biết khi giảng sách thánh hiền đôi mắt cụ rực sáng, người như nhập đồng, cái giọng trầm trầm mang nặng hơi thở của rừng âm vang như chuông làm mê hồn người, làm đắm chìm dục vọng. Chữ nghĩa thánh hiền, đạo lý làm người cụ truyền lại cho người đời đã cho nguội bớt nhiều cái đầu nóng, hâm nóng nhiều cái đầu lạnh, đã nhiều cây nên hoa nên quả từ sự chăm sóc, nuôi dưỡng của cụ.
Sắn là học trò bất đắc dĩ của cụ giáo.
Bó tay trước những việc làm ngỗ nghịch của Sắn, ông Châu đoàn đã đến xin cụ cho con được làm học trò. Ông thưa với cụ: “Nó hư hỏng, nó vuột khỏi tay tôi mọi đường, mọi nhẽ, theo cái máng đang trượt nó sẽ làm những điều có tội với giời, với đất, với người. Tôi hiểu biết nông như con suối mùa cạn, không làm gì được, phải nhờ thầy thôi.”. “Không có gì không giáo hóa được.” – Sau một hồi ngẫm ngợi cụ giáo nói với bố Sắn.
Sắn được làm học trò cụ.
Cũng như nhiều người, lần đầu tiên được gặp hắn đã ngưỡng mộ cụ giáo. Song củ rìu khó mài, bản tính khó sửa. Làm học trò rồi, ngày ngày nhìn gương cụ giáo, trông gương bạn bè, nhét chữ thánh hiền vào đầu, vậy mà cái tính ngang tàng trong máu Sắn vẫn không phai nhạt. Nó làm học trò mấy năm là mấy năm nó làm cụ giáo ngồi trên chảo lửa. Sắn ngang tàng song khí phách. Sắn đánh nhau với bạn, cụ giáo bắt quỳ một canh giờ, Sắn quỳ ba canh, đến lúc tự mình đổ kềnh mới thôi. Bị bắt lỗi không thuộc bài, Sắn tự nguyện quỳ trên đống quả dẻ gai chịu tội. Bị bắt lỗi không kính trên nhường dưới, Sắn tự đập đầu vào tường đến toé máu. Không việc gì Sắn không làm.
Rồi Sắn chui vào vòng xoáy của bả quyền lực. Hắn theo họ Đèo tác oai tác quái. Hắn đăng lính khố xanh và leo lên đến chức Đội. Hắn tự dẫn người vào rừng nổi phỉ. Hắn còn cả gan đến gặp cụ, thuyết phục cụ làm ngọn cờ tập hợp lực lượng. Lần ấy xảy ra một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa hai thầy trò, đúng ra là sự va đập giữa cơn lũ và tảng đá. Biết không cản được đường quỷ, cụ giáo khuyên Sắn lấy sự dung hòa làm gốc. Theo cụ cái cũ cương lên hao tổn đến dân chúng, cái mới tràn qua cũng hao tổn đến dân chúng, sao không lấy cái cũ cái mới hòa nhau, đắp đổi cho nhau, cùng nhau gìn giữ, gây dựng lấy sự thanh bình.
Cụ bảo Sắn:
- Lâu nay ta tích đức, tích của chia cho người, dẫu thánh chẳng đến lần, hiền chẳng đến lượt nhưng ta đã nuôi được sự thanh thản trong lòng, ta không muốn dây vào việc tranh giành.
Đáp lại sự điềm tĩnh của cụ giáo, Sắn bảo:
- Con biết việc mời thầy ra làm việc bây giờ chẳng khác gì đun lửa trên nước, song thầy vẫn dạy Mệnh và Nghĩa là hai việc ở đời không thể trốn được, bây giờ rừng núi, tổ tiên bị bọn chúng đưa người về dày xéo thầy có thể nhắm mắt được chăng?
Cụ giáo nhìn Sắn, lắc đầu thương hại:
- Nhưng anh nên biết chỉ vì thay đổi mà đẩy mọi người vào cảnh nồi da nấu thịt thì sẽ đến lúc tuyệt diệt cả giống nòi.
- Thầy vẫn dạy thấy nhà cháy thì phải dập, thấy người chết đuối thì phải cứu, giờ đất nước trong cơn binh lửa, dân chúng trên thuyền giữa thác, thầy khoanh tay đứng nhìn, như thế hợp với đạo trời chăng?
- Hợp đạo trời là phải thấy cái lớn trong cái nhỏ, lấy cái cộng vào nuôi dưỡng cái sinh sôi. Thử hỏi một đất nước mà chia ngàn chia vạn, mỗi vùng đất, mỗi tộc người đều như con nhím xù lông, không ai nghe ai thì còn gì là đất nước.
- Nhưng thầy ơi, trong trời đất luôn luôn có kẻ mạnh, kẻ yếu. Kẻ mạnh dồn kẻ yếu vào vách đá tất kẻ yếu phải vùng lên, kẻ yếu không thể ngồi chờ kẻ khác bóp chết mình được.
- Nhưng anh phải thấy được cái tầm, cái thế của mình chứ. Trước sự mất còn tôi mong anh hãy xem lại việc mình sẽ làm. Số phận của đám mây trước giông bão là thế nào anh thừa biết rồi.
- Dạ thưa, con đang vì đất này, vì dân tộc này. Được mất thế nào ngoài trông vào vận giời còn phải trông vào lòng người, mà lòng người thầy thấy đấy, đám đông đang ngả về phía chúng con.
…
Cứ thế nước mềm đối nước mềm, đá cứng đối đá cứng, cụ giáo đã không cãi được Sắn, Sắn cũng không thuyết phục được cụ giáo, cuối cùng đành phải “nước chảy nước cứ chảy, đá đứng đá cứ đứng”.
Sắn không mời được cụ giáo làm ngọn cờ tập hợp song trong suốt tháng ngày hoành hành ngang dọc, lúc thành, lúc bại, không lúc nào Sắn không khát khao có được cụ giáo. Còn lần này… Mặt trận Phòng Tô tự trị cần cụ giáo như cây non cần nước. Cụ giáo kiên quyết chối từ buộc Sắn phải nghĩ đến cách giăng bẫy để lôi kéo, ép buộc Dùn, khi cả họ Triệu vào bến mê rồi cụ giáo có còn ngoài cuộc được không.
8
Dùn hầm hầm ra khỏi trụ sở Khu vực, vọt lên lưng ngựa ra roi.
Đét, đét… Con ngựa bị bất ngờ lồng lên, qua cơn hoảng hồn, nó phầm phập lao xuôi, nửa muốn hất chủ khỏi lưng, nửa cam chịu thân phận.
Đét, đét… Sau mỗi ngọn roi là gió rít qua tai người, tai ngựa, là mọi vật lùi lại phía sau vùn vụt.
Đét, đét… Cảm giác của một chiến binh, gió rừng, cây cối không xả nổi cuồng nộ đang sục sôi trong lòng Dùn.
Đét, đét… Cái thằng vắt mũi chưa sạch, cái thằng… cái thằng. Trâu đực đến đất nhà người còn phải hạ mình thành trâu cái, nó - con ngựa non đến đất nhà người mộng làm con hổ. Nó… nó…nó… Uất ức làm cho nước bọt phè ra mép Dùn, hệt như mép con ngựa đang lồng lộn bực tức vì bị đánh đau mà không rõ tại sao lại bị đánh.
Đét, đét… “- Cấp sắc là mê tín dị đoan, là tàn dư của chế độ cũ?...”. Hừ!... Cấp sắc là việc làm không thể thiếu được của người đàn ông người Dao. Cấp sắc là nghi lễ tín ngưỡng gắn con người riêng lẻ với cộng đồng, tạo cho con người niềm tin, hướng con người tới điều thiện, ghét bỏ điều ác, sống vì mọi người. Cấp sắc dạy cho con người biết thương yêu gia đình, dòng họ, thương yêu cộng đồng, đất nước, giúp con người nhớ về tổ tông…, vậy mà nó dám bảo là mê tín dị đoan, là phản dân, hại nước.
Đét, đét… “- … Tốn kém, lãng phí. Giữa lúc giáp hạt, sàn các nhà sạch như trứng dốc ruột, trẻ con bỏ học hành, người lớn bỏ nương ruộng, tất cả đổ xô vào rừng đào bới để lấy cái cho vào mồm mà người đứng đầu xã đổ cả đống của, hút cả trăm con người vào việc làm cấp sắc...”. Hừ!... Hai con trâu, mười hai con lợn, bốn mươi vò rượu, ba mươi thồ gạo có là gì trong núi của cải nhà họ Triệu. Mà có là gì đi chăng nữa thì việc đánh dấu bước tu luyện trưởng thành cho tương lai và linh hồn một con người, nhất là người nhà họ Triệu thì dẫu có vét rỗng gác, rỗng chuồng thì nhà họ Triệu cũng phải làm, người Dao cũng phải làm.
Đét, đét… “- Khắp các bếp đang thổi vào tai nhau chuyện ai có công có việc gặp chủ tịch xã cũng phải có cái gì lót mồm. Chí ít cũng phải mang theo con gà chai rượu thì nước mới chảy xuôi, việc mới thành. Anh không thấy việc làm của anh là bóc lột, là thổ ty đời mới à?”. Hừ!... bóc lột!!! thổ ty!!! không biết ai bóc lột ai, ai thổ ty ai. Khách huyện, khách tỉnh, rồi ngay cả chính mày đến làm việc với chủ tịch xã cũng phải ăn, phải ngủ. Chủ tịch xã lấy gì mà tiếp? Chủ tịch xã bỏ công bỏ việc đi huyện, đi tỉnh họp hành ai trả công? Chủ tịch xã bỏ ngày bỏ tháng đi nắm dân, dạy bảo dân mang cơm nhà đi ăn, rượu nhà đi uống mãi được không? Làm chủ tịch mà quanh năm phải dốc bồ đãi khách, bỏ ngày bỏ tháng lo việc không công thì làm chủ tịch làm cái đếch gì!...
Đét, đét… “- Đã sống trong chế độ dân chủ cộng hòa năm năm rồi mà đường đường là chủ tịch xã ông vẫn còn nuôi ước vọng con mình sau này xưng vương xưng vua thì điên, điên thật rồi.”. Ừ điên. Không biết tao điên hay mày điên. Ở nơi nào có cách thắp hương của nơi ấy, ở vùng Dao cả chục năm rồi mà một chữ Nôm Dao bẻ đôi không biết, làm cái gì cũng tát lấy cạn, bắt lấy được, không còn biết đến trên, đến dưới, đến trong, đến ngoài thì còn thua cả đứa trẻ trong tuổi mụ mà biết lý biết lối. Mày quyền, mày thế, mày đè tao như đá đè trứng, nhưng mày không được phép miệt thị khát vọng của một tộc người…
Con ngựa thuận đường phóng về phía Nậm Khánh.
Dùn ngập ngừng dừng roi.
Đầu bản Nậm Khánh là nhà Lý Văn San.
Lý Văn San có một quá khứ phức tạp. Tháng mười một năm 1950 Phòng Tô được giải phóng, chính quyền mới của Việt Minh được thành lập từ châu đến xã. San được mấy chục tàn binh phỉ đang lẩn trốn trong rừng Dào San tin tưởng cử ra uỷ ban kháng chiến hành chính châu thương thuyết xin đầu hàng, nộp vũ khí. Trốn hổ gặp beo, San không ngờ chủ tịch ủy ban lại là cựu Tri châu Đèo Văn Hen, Phó chủ tịch lại là cựu Chánh tổng Đèo Văn Tín. Từ khi nước Pháp thành lập Liên bang Thái đến nay có mấy chục năm thì mấy chục năm Phòng Tô nằm trong sự cai quản của họ Đèo. Sự thật hiển nhiên này San biết, cả vùng Tây Bắc biết, nhưng việc người họ Đèo cai quản chính quyền của Việt Minh thì San nằm mơ cũng không nghĩ đến. Biết đem chuyện đầu hàng nói với chủ tịch Đèo Văn Hen là hỏi gỗ mục lấy rắn rết, nhưng tên ra khỏi nỏ, không còn cách nào khác San đành phải cắn răng dẫn tay chân thân tín của Hen đi nhận người, nhận súng, và để rồi cả bọn nghiễm nhiên phải đầu quân cho Đèo Văn Hen. Năm 1951 Đèo Văn Hen làm phản, những người theo Hen trong đó có San buộc phải quay súng chống phá cách mạng. Năm 1954 San bị bắt, sau một năm cải tạo San được tha về.
Lý lịch của Lý Văn San là vậy. Với người khác chìm nổi thế chứ chìm nổi nữa thì cũng lòng thẳng, người thẳng, xuôi tới bến, ngược tới nguồn, San không làm được như thế. Sau cuộc trốn ma gặp quỷ hắn chui vào con đường tối. Mấy năm vừa rồi hắn cố làm cho mọi người biết mình đang là sóc lo ổ, chim lo tổ, song Dùn biết, nhiều người biết hắn vẫn thậm thụt buôn bán thuốc phiện. Ở tù ra mà ngày ba buổi thì ba lần dùng đến bàn đèn, ngày ba bữa thì ba bữa thịt cá, mỗi con trăng dăm lần xin phép ra khỏi bản, không buôn lậu, không có người rót tiền rót của thì cơ nghiệp nhà hắn được mấy nả.
Ngọn gió mồ côi thốc lên từ lòng khe nong rỗng những lỗ chân lông làm cho Dùn như mê man trong khoái cảm. Cũng như mọi lần đến cái ngã ba này Dùn không cưỡng nổi bước chân. Có hai lý do Dùn dính với San. Một là San tự trồng, tự làm ra loại thuốc phiện ngon đến nỗi đã bập vào một lần là chẳng khác gì trâu nhớ đường, ké dính bờm ngựa. Hai là cũng như Sắn, San là người biết rõ những ngày Dùn trong tiểu đoàn Thái. Với hai cái lý do chết người ấy nên dẫu biết, dẫu hiểu San đang là con rắn trong đêm Dùn vẫn bị hắn mê hoặc.
Con ngựa đã đưa Dùn đến cửa nhà San.Cửa vẫn mở song trong nhà tịch không có tiếng động.
Dùn ngoắc hờ chạc ngựa vào cái ngoãm sàn đầu hồi rồi bước vào nhà.
Tiếng e hèm trong căn buồng mé Tây làm Dùn giật mình.
Biết San đang “nằm bẹp”, Dùn bỗ bã:
- Lại “vương quốc ngẫm ngợi” rồi, sao mà nhập thế sớm thế?
Không có tiếng trả lời.
Dùn bước qua cửa buồng.
Trên cái giường gỗ nghiến, San đang điệu nghệ vê thuốc, điệu nghệ ném phập mồi thuốc vào dọc tẩu rồi ghé dọc tẩu vào cái đĩa đèn mỡ lợn. Mồi thuốc gặp lửa phồng lên, toả ra mùi thơm ngầy ngậy.
Dùn bực bội quay ra ngoài, “Hắn không cần biết chủ tịch xã đang vào nhà?”, “Ngươi coi trọng “thiên đường ngẫm nghĩ” hơn cả ta ư? Rồi ngươi sẽ biết thế nào là làm ma có đất.” .
Dùn vừa với tay vào sợi dây cương thì giọng của kẻ no thuốc ngọt như khúc mía chui ra từ bếp than hồng đuổi theo thổi vào tai:
- Kìa chủ tịch, đang kỳ hoan lạc mà. Vào đi, thuốc ủ đúng cữ đấy!
Dùn chưa kịp nói gì thì San đã chạy ra xun xoe:
- Kìa chủ tịch, vào đi, thuốc, bàn đèn đã bày sẵn rồi mà.
Nhìn cái thân tướng hội tụ đủ cả sự bần tiện, ma mãnh của San, Dùn khinh bỉ:
- Tưởng không còn biết mặt trời mặt trăng ở chốn nào nữa?
Không để ý tới những lời giận dỗi của Dùn, cái mồm no thuốc dẻo quẹo:
- Cây có gốc, làm sao em dám bỏ tình anh em, chủ tịch bỏ quá cho, đang cơn thèm mà.
Dùn thoáng lưỡng lự, cái bụng chứa lửa dịu đi.
San được thể kéo tuột Dùn vào buồng.
Cơn thèm thuốc làm lục phủ ngũ tạng của Dùn bắt lửa, anh sẽ sàng nằm xuống giường, lim dim tận hưởng sự chăm sóc của kẻ nắm tóc mình.
Thuốc ngon. Quá ngon. Trong việc gieo trồng, lấy nhựa thuốc phiện, San là người cẩn thận nhất vùng. Ở cái nơi mưa gió thuận hòa, “hạt đất như hạt mỡ” này trồng thuốc phiện dễ như trồng rau cải. Người trồng chỉ cần chọn mảnh nương tụ màu, tụ ẩm, cày bừa, rắc hạt thuốc phiện xuống là có thể ung dung chờ ngày lấy nhựa. Năm được mùa quả thuốc to như cái chén, rạch dao vào là nhựa thuốc ứa ra như rạch vào vỏ cây sung cây ngái. Năm mất mùa quả thuốc vẫn vói lên thách thức, nhựa thuốc không nhiều nhưng cũng rịn ra hơn mồ hôi, nước mắt của người giàu. Thuận thời tiết thuốc thơm ngon, không thuận thuốc vẫn giữ được hương vị chết người. Đời này, đời nọ, nhà này, nhà nọ, vụ trước, vụ sau đều gặt hái dễ dàng như thế cả. San còn hơn thế. Hắn vừa lợi dụng ưu thế giời cho để trồng cấy, vừa lấy cái tính cẩn thận ra bồi đắp bổ béo cho cây thuốc. Đất trồng thuốc của San phải là tràn ruộng giữa hai chân đồi roãng ra như háng người đàn bà. Trên đồi có rừng cây giữ đất, giữ nước, có độ dốc vừa đủ để màu mỡ trôi xuống bồi đắp cho ruộng. Dưới ruộng có lạch nước giữ độ ẩm, làm mát cho cây. Đất trồng được cày bừa, để ải, làm cỏ hai ba lượt. Phân bón phải ủ kỹ như ủ rượu. Do chọn đất, chọn giống tốt, phân gio cày bừa, cỏ rả kỹ càng nên vụ nào nương thuốc của nhà San cũng như một thảm hoa rực rỡ. Các màu tím, hồng, trắng luôn phấp phới rộn rã trên nền lá xanh rờn. Khi cái mùi ngai ngái, ngầy ngậy quyến rũ đến mê hoặc của dòng sữa náo nức lẩn dần vào những quả thuốc to tròn như quả lựu cũng là lúc tự tay San thu hoạch nhựa. Cây thuốc phiện dễ trồng nhưng khi lấy nhựa phải thận trọng như người thợ chạm bạc khéo tay, cần mẫn. Dao sắc, khía hơi nặng tay là quả rời khỏi cuống. Dao không sắc, khía nhẹ tay là quả không ứa nhựa, khía hơi sâu là nhựa chảy vào trong. Khía dính vào những ngày mưa là nhựa đen kịt. Dính những ngày trời đổ lửa thì nhựa khô quánh lại, thu được chỉ đáng phân nửa. San thu nhựa thuốc như lấy vợ cho con. Trước khi đi lấy nhựa, San xem nương thuốc, xem thiên văn. Biết vài ba ngày tới trời không đổ mưa, không nắng quá; biết quả thuốc vừa đủ độ cho nhựa hắn mới mang chăn chiếu lên ở lì trên ruộng thuốc, rồi từ sáng sớm đến tối dùng chùm dao sắc lẻm chế từ mảnh đồng nhẹ nhàng vuốt ngược từng quả, từng quả. Qua ba ngày, ba đêm tẩm sương, tẩm nắng dòng nhựa trắng đục từ da quả thuốc chuyển sang màu mật ong, San mới tỉ mẩn dùng cật nứa gạt dòng sữa đặc quánh ấy vào cái bát, ấp vào mo nang mang về cất lên gác bếp…
Một tảo, rồi hai tảo, ba tảo chui qua dọc tẩu. Dùn lim dim mắt tận hưởng sự thư thái giãn ra trong từng mạch máu chảy trong cơ thể.
Giọng nói của San thoảng qua tai Dùn:
- Nghe nói việc thu thuế năm nay làm gắt lắm?
Dùn yên lặng không trả lời, anh biết chắc câu chuyện của San sẽ dẫn anh đi đến đâu. Tiếng thì thào của San vẫn chạy qua tai anh:
- Cứ cho cái thung lũng Phòng Tô này là cái thúng của cải đi, nhưng cái gì có trong thúng để nguyên thì còn, ra ngoài thúng thì coi như mất. Từ trước tới nay các thổ ty họ Đèo bóc lột bằng cách mà Việt Minh gọi là phát canh thu tô, bằng chế độ bảo na đi chăng nữa thì của cải của Phòng Tô vẫn không vượt qua miệng thúng. Của cải từ rừng, từ ruộng, từ sông, từ suối đổ vào nhà họ Đèo vẫn là hạt gạo cần trong mùa giáp hạt, gáo nước cần cho cơn khát của người Phòng Tô. Thử hỏi con trâu, thồ thóc, con lợn của Phòng Tô trèo qua dãy Hoàng Liên rồi liệu có còn quay trở về được nữa không?
Dùn cay cay sống mũi, sao mà lời lẽ từ mồm con ma ốm này sắc như dao chém quỷ thế không biết.
- Hôm trước lão Sắn có ghé thăm tôi… - San ra đòn quyết định.
Dùn giật mình, nhỏm dậy.
San ấn Dùn nằm xuống như ấn đầu trẻ:
- Đừng làm như bị ong đốt thế, ông theo chúng tôi thì theo, không theo thì thôi, nhưng ông nên biết trước sau cái mà bọn Kinh gọi là đảng, là chính quyền sẽ thành bèo gặp lũ, lúc đó ông có quay đầu lại cũng không có chỗ dung thân đâu.
Dùn nóng nảy:
- Đừng có mà hồ đồ, các ông sức mấy mà kéo rào ngược dòng mùa lũ .
San vẫn thủng thẳng:
- Đã bảo đừng như bị ong đốt mà. Tôi đang nói đến sự sẽ tan rã phải không? Tôi nói đúng đấy, chúng sẽ tan bắt đầu từ sự hô hào xuông như: Hăng hái tham gia sản xuất này; Tinh thần quốc tế muôn năm này; Làm chủ quê hương, làm chủ núi rừng này…., toàn những lời có cánh cả. Những lời ngọt như mía lùi dễ làm người ta sướng tai, những việc làm ví dụ dễ làm người ta vui mắt, song sau no tai vui mắt là sẽ đến bòn rút. Bòn được một lần rồi là bòn mãi. Người nghe, người xem đến lúc kiệt sức rồi mới giật mình tỉnh ngộ, lúc đó họ mới biết mình bị lừa, bị bóc lột, đến cơ sự ấy ta không cần đánh chúng cũng tan.
Dùn nhắm mắt, nửa chối bỏ, nửa không.
San vừa gại gại dọc tẩu vào miệng Dùn vừa kích:
- Sao mà như con trâu tự nuốt mất lưỡi thế?
Dùn nhắm mắt đi tiếp tảo thuốc nữa song đầu óc vẫn để cả vào hình ảnh trâu tự nuốt mất lưỡi mà San vừa ví. Hay, hay thật. Trâu tự nuốt mất lưỡi. Ngươi không làm cho ta nuốt lưỡi thì chính ta cũng phải tự nuốt lưỡi rồi. Ngươi khăng khăng cái có được, cái nhìn thấy, nghe thấy để mê hoặc, dẫn dắt ta. Ngươi không biết trời bên ngoài Phòng Tô đã yên, biển bên ngoài Phòng Tô đã lặng, không ai để cho các ngươi làm khổ dân Việt mãi đâu. Ta đã như con trâu tự nuốt mất lưỡi, ta không thể không nghe mi, nhưng ta sẽ có cái cách của ta, rồi đến lúc chính sợi dây ngươi buộc vào cổ ta sẽ chuyển sang buộc vào cổ ngươi.
Trời đã quá chiều, nắng đã nhạt, núi đang màu xanh từ từ chuyển sang màu tím sẫm. Từng đàn mây lững lờ trôi qua khiến cho chim nghĩ để đường về tổ, người nghĩ đến đường về ổ.
Dùn uể oải ngồi dậy, chào San rồi lững thững dắt ngựa ra khỏi cổng.
San tựa vào cái cổng đá nheo mắt nhìn theo bóng Dùn, bóng ngựa. Hắn chợt bật lên cười ha hả: “Ha ha… Bao nhiêu cái được đưa mày lên tận giời, bây giờ ta sẽ đưa mày xuống âm ty địa ngục. Rồi mày sẽ nếm mùi khổ ải suốt những đốt đời còn lại, ta sẽ bắt chính mày đạp đổ cái trật tự mà mày đang cố công gây dựng… Ha ha...”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét