Khật khưởng! Khật khưỡng!...
Hể hả! Hể hả!...
Gã gò người, gò đầu, tay vung vẩy, chân chuyệnh choạng, ba bước tiến, hai bước lùi, đánh vật với con dốc, đánh vật với cơn say.
Cuộc đánh vật tưởng như vô tận, bởi con dốc cứ như cái kẹo kéo, cứ như sinh ra là để trêu ngươi, để thử thách gã. Đã thế gã đếch cần, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường với gã là chuyện thường, gã ngẩng mặt lên trời cười khà khà, làm một bãi cho nhẹ bụng rồi thập thững leo lên tảng đá hình voi phục cạnh một bóng cây râm mát nằm vật xuống rồi không biết trời đất là gì nữa.
Gã đang trong lùng nhùng mê tỉnh, chợt đâu đó tiếng rên: “lạnh lắm, đói lắm” như tiếng muỗi vo ve. Tiếng rên như chui lên từ trong lòng đất lên cùng cơn giớ lạnh từ cánh đồng thốc ngược làm gã rùng mình, cố chui ra khỏi mộng mị, vật vã.
Tiếng rên vẫn lúc xa, lúc gần, lúc xoi xói vào tai gã, lúc thoảng qua như cơn gió. Tiếng rên khuấy vào lòng trắc ẩn, khuấy vào tính tò mò, khiến gã ngồi vục dậy nhìn quanh.
Gã thoáng rùng mình, e ngại, nửa muốn động lòng, nửa muốn co lại thế thủ.
Quanh gã, bóng đêm như cái chài rách chụp xuống mặt đất ướt rượt hơi sương. Núi đồi mênh mông cô tịch. Cây găng già nua, đơn độc xù ra những cái lông nhím. Ánh sáng phập phù từ mấy ngôi sao chơ vơ trên nền trời đen ngòm càng làm cho không gian cô liêu, thê thảm.
Gã đã nhận ra tiếng rên phát ra ngay chỗ bụi găng. Tính ngang tàng, gan lỳ cộng với sự tò mò, thương cảm chiến thắng e ngại trong gã. “Phàm là người gặp nạn thì phải cứu!” - gã tự nhủ rồi bậm môi, gồng mình lần lần quanh bụi cây.
Bỗng gã giật mình, bủn rủn, tóc gáy dựng đứng, tai ù, mắt hoa, mồ hôi lạnh vã ra như tắm. Trong sáng tối phập phù, truớc mắt gã, nh÷ng cái bóng đèn mang ánh sáng lạnh lîn quanh hình hài một cô gái nhỏ thó đang nghiến răng trợn mắt dọa dẫm. Dường như không doạ được đám ma mãnh kia, hai dòng máu từ hai hốc mắt xanh lét của hình hài rỉ ra. Hình hài cùng bầy ma trơi làm gã như một mũi tên phóng xuống núi.
Cuối cùng đôi chân chó theo đường quen cũng đưa được gã về đến chỗ chui ra chui vào. Dường như đã đợi từ kiếp trước, vừa thấy gã líu ríu qua cổng vợ gã đã xăm xắn cầm cái đèn chai chạy ra.
Không kịp để vợ mở mồm cằn nhằn, gã gạt ả ra một bên, lao thẳng vào trong nhà leo lên giường trùm chăn tiếp tục chui sâu vào giấc ngủ phập phồng. Trong mơ, gã thÊy b÷a tiÖc thÞnh so¹n bµy ra tríc m¾t. Kia là chiếc đùi gà, lớp thịt trắng bóc lòi ra khỏi lớp da vàng ngậy. Kia là những khúc lạp sưòng như những khoanh dồi chó nướng.... Kia.... Kia… Những món ăn hảo hạng cứ đung đưa trước mắt gã. Gã cố với nhưng lúc nào cũng bắt hụt. Tay gã sắp chạm vào cái đùi gà thì cái chân gà đã chạm vào má ướt rượt những mỡ là mỡ. Hàm răng chưa kịp ngấu nghiến thì hai cái chân đã đỡ cả cái thân con gà chạy tuốt luốt ra vườn...
Gã cứ bơi trong mụ mị, săn đuổi ấy cho đến khi ai đó đổ vào mồm những thìa nước cháo. Mùi ngũ cốc đánh thức con tì, con vị khiến gã tỉnh lại. Gã vùng dậy lập cập vơ cả cái bát trong tay vợ, lập cập đưa vào mồm uống ừng ực.
Gã uống hết bát nước cháo thứ hai thì tỉnh táo dần. Như mỗi lần sau cơn say mút tầm gã nhắm mắt lại, cố định hình, xâu chuỗi lại những gì đã sảy ra nhưng đầu óc như một cái băng trắng lắp vào cái cát xét sập sệ, gã không hình dung nổi tối qua sau chén rượu thứ sáu gã đã làm gì, nói gì, tại sao lại bò về được đến nhà…
Gã đang đánh vật với hồi tưởng thì vợ gã đập mạnh vào vai hỏi giật cục:
- Sao đêm qua về nhà mà như bị ma đuổi thế?
Gã ậm ừ:
- Cũng chẳng biết nữa. Say quá, chẳng biết ai đuổi ai chạy nữa!
- Có phải leo qua hẽm Ma không?
Hai tiếng hẽm Ma như một gáo nước lạnh dội lên cái đầu còn u u mê mê của gã, gã quay phắt lại, bóp chặt tay vợ:
- Đúng rồi! Chiều qua leo qua hẽm núi, say quá, nằm ngủ dưới chân tảng đá, rồi thấy có tiếng “lạnh quá, đói quá”…
Vợ gã ngồi bật dậy:
- Đúng là gặp ma. Không, đúng là gặp thần giữ của rồi.
Gã ngớ người.
Vợ gã dí tay vào trán gã rít lên:
- Ngồi đấy, ngồi đấy.
Rồi mặc gã ngồi lặng như trời trồng, ả nhảy bổ xuống bếp lấy cái bùi nhùi rơm thổi bùng ngọn lửa rồi chạy lên, vừa hua hua quanh gã, vừa niệm những câu thần chú nửa mùa.
Đợi cho vợ làm xong cái việc đuổi ma trừ tà gã mới lên tiếng:
- Khiếp! Đùng một cái biến luôn làm bà phù thủy, cứ làm như người ta bị quỷ sứ lôi xuống âm ti địa ngục rồi không bằng.
- Chứ lại không à! Từ trước tới nay có ai qua hẽm Ma mà không thành ma đâu, liệu cái thần hồn đấy.
- Xuống nước không trôi vào lửa không cháy thì sợ gì!
- Phỉ phui cái mồm. Nghe nói ngày xưa lão Chánh Trùng giấu vàng trên hẽm Ma chôn sống luôn cả một cô gái còn trinh làm thần giữ của. Lão chết bất đắc kỳ tử, không kịp giải lời nguyền nên để họa cho con cháu, dân làng, kẻ nào tham vàng lên đào bới hay đi qua bị thần giữ của trêu không rồ cũng thân tàn ma dại.
- Vớ vẩn! Toàn chuyện vớ vẩn!
- Mới về không biết thì phải mở mắt mở tai ra. Tối nào trên đó chẳng có ma kêu quỷ khóc. Ngày nào trời đang mưa trời hửng nắng thần chẳng phơi vàng trên tảng đá giữa hẽm. Một mắt một tai còn không tin chứ nghìn tai nghìn mắt nghe thấy, nhìn thấy rồi đấy!
Gã cứng lưỡi, đầu óc lùng bùng, lùng bùng.
Vợ gã lại chui sâu vào giấc ngủ từ lúc nào. Không hiểu thèm cơm hay thèm thịt mà miệng ả cứ tóp tép như đứa trẻ đói sữa, dưới ánh đèn dầu mái tóc màu lửa rối bời phập phồng hờ hững che cái cổ trắng nhễ trắng nhại, gặp vú thây lẩy nửa che đậy nửa chào mời nâng lên hạ xuống một cách vô tư lự.
Gã không buồn vì sự vô tư của vợ, với người ruột để ngoài da thì lúc nào cũng đang như dốc thóc trong bồ, lời hết thì lòng rỗng để tâm làm gì. Nhưng chuyện chôn vàng, chôn sống người để giữ của ả gã không thể không để tâm. Có lẽ chuyện thần giữ của trên hẽm Ma là có thật. Không có thật mà cả vùng ngập một màu tươi tốt riêng hai quả núi, ngoài một cây găng lá đơn độc, cành, gai sắt lại như đá thì chỉ thơ thơ một loại thanh hao lá chĩa ra như mũi kim. Không có thật mà “Một mắt một tai còn không tin chứ nghìn tai nghìn mắt nghe thấy, nhìn thấy” như vợ gã nói! Không có thật mà chính tai gã nghe thấy tiếng con gái kêu rên, chính mắt gã nhìn thấy hình hài dọa nạt bầy ma... Nhưng nếu có thật!... Chỉ nghĩ đến đấy là gã đã chộn rộn ra cả người. Gã rời khỏi cái giường, vào buồng lấy gói tiền trong bồ thóc giống ra. Nắm tiền đầy tay nhưng đếm đi đếm lại vẫn chỉ có ba trăm đồng. Gã lắc đầu, đau xót. Hơn bẩy trăm ngày qua vợ chồng gã lăn đẵm với chuyện làm ra tiền. Ai thuê gì làm nấy, miễn không trở lại đường tù tội, miễn có tiền. Một đồng một gầu bùn múc dưới ao lên đổ gốc chuối! Múc. Năm đồng một gánh gạch từ trong lò ra! Gánh. Đi đường, buồn đi giải! Kiếm hòn đất ải thải vào rồi khệ nệ mang về quẳng vào vườn nhà. Nghiện rượu! Nhà nấu rượu nhưng chỉ dám thưởng thức cái bã, muốn thỏa cơn nghiện chỉ còn nước trông chờ vào những ngày đi làm thuê được chủ nhà đằng đãi… Gã quần quật, vợ gã quần quật, vừa quần quật vừa bóp mồm bóp miệng, số tiền tích góp gần đủ để mua dãy xoan của hợp tác thì sảy ra nạn đổi tiền, mười nghìn thành một nghìn, một nghìn thành một trăm, năm mươi cây xoan thành năm mươi cây tre… Hẫng hụt, tiếc của, xót xa làm vợ chồng gã mất hồn một thời gian. Nhưng không thể không sống, không thể mãi làm đôi chim lạc đàn, vợ chồng gã tiếp tục đánh vật với đôi gầu múc bùn, tiếp tục gánh gạch, tiếp tục thỏa mãn cơn nghiện bằng bỗng rượu, bằng những trận uống rượu vã khi có dịp…
Hừ! “sống dao mài mãi cũng thành rìu”, có mà thành! Số tiền gom góp hai năm trời giờ chắc chỉ mua nổi vài chục mây. Hừ! Nếu đúng là lão Chánh Trùng nào đó chôn vàng trên hẽm Ma có thật thì có lẽ gã phải bóp cổ thần giữ của để mà đoạt lấy.
* * *
Một ngày mới bắt đầu.
Thấy gã đứng cạnh lu nước súc miệng òng ọc, vợ gã bảo:
- Nhà Lục hôm nay bảo múc bùn nuôi vườn chuối đấy!
Câu nói thõng của vợ chui qua cái đầu bùng nhùng của gã, gã cũng cộc lốc buông ra:
- Còn đuội lắm!
- Thế thì thôi, ăn sáng xong rồi chết rấp đi.
- Khỏi phải dạy, thế hôm nay sục ở đâu?
- Tra ngô trên bãi.
- Tra giống vµo ®Êt c»n kh¸c g× th¶ vµo ch¶o!
- Không tra mai kia lấy gì bỏ mồm.
Vợ gã vừa nói vừa đi, cứ như sợ gã bắt quay lại hầu hạ không bằng.
Đợi cái bóng lụt cụt của vợ khuất sau lùm tre, gã vào bếp múc một bát tô bỗng rượu bỏ bụng.
Bữa sáng coi như đã xong, gã ra cửa ngồi hút thuốc lào vặt. Chút men sót lại trong bã rượu cộng hưởng với hơi rượu còn váng vất làm gã rã rời, buồn bực, thèm muốn hơi người, tiếng người.
Thuốc lào vã mãi mà chẳng ma nào ngang qua ngõ, gã đứng dậy thơ thẩn dạo quanh cơ ngơi của mình, đúng hơn là của vợ gã. Những sợi tơ hồng quấn quýt lấy dãy cúc tần, quấn quýt lấy nhau làm nên bức tường rào vàng óng làm gã phấn chấn. Trước lúc vào tù gã đã là thằng lang thang, những ngày sắp lột xác từ thằng tù thành thằng tự do gã bắt quen được với Hồng. Hai số phận lênh đênh chưa thề non hẹn biển nhưng cũng nhắn gửi cho nhau thông điệp cần nhau. Hồng ra trại trước gã hai tháng. Ngày được tự do, trong lúc gã đứng trước cửa trại ngửa cổ thổi lên trời xanh hai tiếng: vô vọng thì Hồng bất ngờ xuất hiện. Hồng hỏi gã: “Chui khỏi nhà tù rồi tính sao đây?”. Cảm thấy thích thú với sự chỏng lỏn của kẻ khác giới mới quen gã liền thả lời theo gió: “Phó mặc cho giời thôi! Cần gì à?”. Ả lắc đầu: “Không cần. Có định chui vào tù lần nữa không?”. Gã cũng lắc đầu: “Chán rồi, nhưng còn xem chán được bao lâu.”. Kẻ khác giới hất hàm về phía bức tường rào dây thép gai: “Ai nói đến cái thứ tù kia!”. Gã cười khằng khặc: “Thế thì còn tù nào nữa?”. “Tù chung thân!”. Gã há hốc mồm. Không để gã đắc chí, ả gật đầu nháy mắt: “Muốn biết thì theo đằng này!”. Gã tỉm tỉm cười, lời chạm lời, đá chạm đá, tưởng rời như nắm cát gặp gió ai ngờ!... Gã thoáng tần ngần rồi cởi áo ngoài quần dài ném qua bờ rào trại giam, lẽo đẽo theo Hồng.
Sự kiện một đứa con gái ra tù dắt một thằng cũng vừa ra tù về quê là một việc động giời. Hồng biết vậy. Gã còn biết hơn cả Hồng. Trong thế giới xóm giềng vuông vức, tròn trặn, trật tự đã thâm căn cố đế thì kẻ ngụ cư là kẻ lạc loài, vừa ngụ cư vừa ra tù như gã càng lạc loài. Gã biết thế, vợ gã biết thế. Biết không phải để cho bộ lông nhím xù ra mà là để lựa cầu lựa đường. Cả hai đã chán cảnh lang thang, chán cảnh tù tội nên có làm rùa rụt cổ, làm giọt nước trong ao tù cũng phải làm. Cũng may những cái gai nhọn trong gã, trong vợ gã đã được những năm tháng ở tù gọt nhẵn. Cũng may vợ chồng gã trong lúc cùng đường đã quấn lấy nhau như vặn thừng. Cũng may…
Mặt trời đã lên cao, trước khi trở thành những lưỡi dao xỉa xuống mặt đất ánh nắng đã kịp vuốt nhẹ lên thịt da, cây cỏ. Dưới nắng sớm những cây cau hai tuổi xếp hàng cạnh bức tường vàng phô ra ra sự khỏe mạnh, sung sức. Dưới những cây cải vồng lên vàng hoa là lũ gà nhép mãi mê tìm mồi. Rồi những rạch rau ngót, luống rau thơm xanh mướt... Khu vườn không rộng lắm nhưng cũng mùa nào rau ấy, đủ để hai vợ chồng tự cung tự cấp. Mấy năm Hồng bỏ nhà ra phố cộng với mấy năm nằm trại đã khiến ngôi nhà vô chủ ngập ngụa hoang tàn. Hồng đưa gã về. Bữa cơm đầu tiên cả hai phải bỏ cả buổi chiều đánh rửa nồi niêu, bát đĩa, dọn dẹp bàn thờ gia tiên. Đêm đầu tiên hai đứa động phòng trên manh chiếu rải dưới nền đất ẩm mốc, ánh trăng soi lỗ mỗ như nằm dưới mặt sàng. Rồi tiếp ngày sau…, ngày sau… Kể ra sức thừa, ngày thừa, hai tay vơ bỏ mồm không khó, nhưng bụng người nghèo không chỉ bày ra mặt mũi, chân tay, rồi ở đời càng nghèo, ngỗng càng cắn. Muốn mon men đến với người, muốn không rách da rách thịt, thì phải bằng người, phải có tiền. Có tiền nồi không treo mốc trên vách, bụng không èo ẽo suốt đêm. Có tiền có quần áo tươm tất, ra đường không phải co ro cúm rúm. Có tiền căn nhà gỗ ba gian hai trái như người sẽ thay thế căn nhà xiêu vẹo nơm nớp chờ gió xô. Có tiền vợ chồng gã sẽ sinh con đẻ cái… Có tiền… tiền… tiền…
* * *
Gã không ngờ chuyện thần giữ của trên hẽm Ma bám gã như ké bám bờm ngựa. Mấy ngày sau đó đi đâu, làm gì gã cũng đau đáu chuyện thần giữ của. Bụi vào mắt dụi mãi cũng ra, bụi vào bụng có giời lấy, càng đau đáu gã càng cay đắng với phận nghèo, càng quyết chí đoạt được hũ vàng trong tay thần giữ của. Đang đêm gã trốn vợ mò lên chỗ tảng đá, một lần nữa tiếng rên đâu đó tiếp thêm ý chí cho gã. Trời đất nửa mưa nửa nắng, tảng đá hình voi phục lấp lánh ánh vàng dẫn lối cho gã. Thần giữ của gã không sợ! Kẻ vào tù ra tội như gã, ma mãnh, lại là ma mãnh đàn bà thì là con tép diu. Tìm chỗ giấu chắc không khó! Cứ theo dấu hùm sẽ thấy hùm, tiếng kêu rên chui lên chui xuống ngay chỗ voi đá, găng đá, chẳng ở chỗ ấy thì chỗ nào. Giữ bí mật ư! Chuyện ma mãnh người đời thổi vào tai nhau khiến bao năm nay khiến chẳng kẻ nào dám bén mảng đến đấy. Cần sức lực và ý chí ư! Cái ấy gã có thừa, chỉ cần lừa được mụ vợ phổi bò đi đâu vài ngày là gã có thể ung dung đào bới.
Gã thực hiện âm mưu tìm vàng bằng cách lục lại hết họ hàng hang hốc nhà vợ. Biết dưới Nam Định ả có một bà cô họ. Trong những ngày tập tễnh đua đòi làm người thành phố bà cô là người cưu mang đùm bọc, mong ả nên người. Ả để lời cô, lòng cô thành nước chảy lá khoai, song lòng ả cũng không đến nỗi bội nghĩa, những lúc buồn, lúc vui lời biết ơn suông tình vẫn buột ra khỏi miệng. Cho ả đi Nam Định – mũi tên không chỉ xuyên qua hai cái đích mà còn dựng nên tấm bia ơn nghĩa không chừng. Gã sắm một gánh chè tươi rồi bảo vợ:
- Mang xuống Nam Định mà bán rồi thăm cô Định luôn thể.
Vợ gã nhìn vuốt dọc người gã, nghi ngờ:
- Đốc chết hay sao mà tự dưng lại…
- Không đốc, nhưng nước cạn cá bống nổi, cứ nhắc đến bà ấy là thở dài, nẫu cả ruột.
- Nhưng đang mùa thuê người…
- Cứ đi đi, mặt ngó đất, đít dòm giời mãi rồi.
- …
- Mà cũng nên sống lại một thời phố xá một lần, sống được mấy nỗi.
Vợ gã bần thần một lúc rồi bất ngờ phủ lên mặt gã một nụ hôn dài.
Gã trân trân nhìn vợ. Trước mắt gã “cái cơi đựng giầu” phô ra khát khao đền đáp. Mặt ả đỏ bừng, mắt ả rực sáng, bầu vú phập phồng mời gọi, cÆp ®ïi nh hai c©y chuèi hét dÉn ®êng ®Õn khe ®Õn l¹ch.
Sự xúc động đến thái quá của vợ làm đầu óc gã mụ mị, như lần đầu được yêu, gã run rẩy nắm lấy bàn tay mềm mại, run rẩy hít hà hương thơm ngầy ngậy, run rẩy gục mặt vào bộ ngực như hai quả núi lửa. Hai quả núi lửa động đậy, hai cái nhũ hoả ngỏng lên, nóng sực thúc gã lựa chiều cởi bỏ những gì vướng víu, thúc gã đi sâu vào miền cực lạc.
* * *
Gã chuẩn bị cho cuộc giành giật hũ vàng với thần giữ của khá kỹ. Ngoài cuốc, xẻng, xà beng, thuốn sắt ra gã còn ngẫm nghĩ, viết ra và học thuộc lòng hai bài cúng, một trước bàn thờ gia tiên, một trước thần giữ của. Trước bàn thờ gia tiên gã cúng: “Bao ngày nay con lặn ngụp trong dòng sông phiền não, nghiệp chướng mà vẫn không biết đâu là bờ. Con đã trải qua biết bao khổ ải, đã vượt qua biết bao hèn hạ nhục nhã vậy mà không sao thoát được kiếp khổ. Nay con gặp báo ứng nên quyết chí đổi đời, nếu đây là duyên giời, số may lấy được của cải con cúi xin các cụ phù hộ độ trì cho phước lành đổ về nhà mình, bằng không cũng cho con một lần được thỏa nguyện”. Trước nơi được coi là thần giữ của đang ngụ gã cúng: “Phàm ở đời phải sinh thiện diệt ác, bắt người ta chết để giữ của cho mình thì dù của cải hữu minh hay vô minh đều là tội ác. Kẻ gây ác diệt thiện đã bị giời bắt tội song ông giời bất công vẫn để người làm cô hồn, làm con dao cho kẻ ác. Nay do duyên cơ mách bảo, do người báo đường báo lối tôi tìm đến chỗ người cư ngụ. Việc tôi làm hôm nay vừa xin được mang căn lành tiêu trừ nghiệp chướng cho người, vừa xin được nhận lại từ người những của cải bất minh như nhận những phiền não để sinh ra nghiệp chướng khác.”.
* * *
Chẳng biết hai bài cúng, hai cái lễ mọn của gã có được tổ tiên, thần phật chấp nhận hay không mà sau hơn hai canh giờ đào bới gã đã bắt gặp ngay dưới gốc găng một vuông đất không liền thổ, dấu hiệu đã có sự đào bới của con người. Mừng quá gã đào tiếp thì lòi ra cái cán thuổng đen bóng. Đào tiếp, gặp một khúc xương người... Tín hiệu vừa mừng vừa sợ kích vào lòng tham, kích vào lỳ lợm, gã hùng hục đào, hùng hục chui sâu, chui ngang vào gầm gốc găng. Không may cho gã, giữa lúc gã đang hứng khởi như kẻ chạy thi sắp chạm đích thì trên mặt đất có một ngọn cuồng phong ào tới, cả ngàn chiến mã sau khi vập mặt vào hai sườn núi hình cánh cung phải chen nhau lồng qua hẽm Ma. Cây găng già rỗng gốc lãnh đủ, nó vật vã, chới với trong lồng lộn, gào thét một hồi rồi đổ ụp xuống, chôn vùi luôn cả tiếng kêu tắc nghẹn của kẻ nuôi mộng ngược dòng .
Vĩ thanh
Sau ba ngày thăm bà cô và cùng đám bạn bè cũ rong chơi khắp Thành Nam vợ gã hăm hở trở về. Không thấy gã, ả cùng dân làng bổ đi lùng sục khắp nơi, cuối cùng tìm thấy đôi dép tông cùng bộ quần áo của gã trên miệng hố. Mọi người vội vã chặt cây găng, đào sâu xuống hố. Ngoài việc lôi được thi thể của gã họ còn lôi được gần đủ một bộ xương người. Một cuộc tranh luận khá gay gắt nổ ra ngay trên miệng hố. Người bảo bộ xương là của cô gái bị chôn sống để làm thần giữ của, người cãi đã chôn kẻ làm thần giữ của thì phải có quan có quách chứ sao lại chôn thẳng thế này. Ý kiến về làng mời mấy cụ bô lão lên hỏi chuyện tức thì được đáp ứng. Các cụ từ lâu bị gạt ra khỏi cả công việc gia đình lẫn bàn chuyện thế sự nay được dịp tha hồ bày tỏ. Một cụ moi trong mớ hồi tưởng hỗn độn của mình ra một thông tin nóng hổi: Năm đói bốn lăm con gái bà Sẽ ở cuối làng đi nhặt rau má, lên núi, thấy dây củ mài tươi tốt cô vội về lấy thuổng lên đào. Không biết cô đào bới thế nào mà củ chẳng về người đào cũng mất tích. Lúc đó nửa làng chết đói, người chết chẳng có người chôn hơi sức đâu đi tìm người mất tích, bộ xương này rõ ràng là cùa người con gái đó.
Lời người già không cần phải thử, mọi người mang thi thể của gã cùng bộ xương về chôn ở nghĩa địa làng. Mồ đã yên, mả đã đẹp, những tưởng chuyện thần giữ của trên hẽm Ma đã đi vào cổ tích, nhưng không, việc gặp thần giữ của rồi đi cả gan tranh cướp với thần của gã ngụ cư đã đạp đổ bức tường sợ hãi, thổi bùng lên ngọn lửa khát của. Cả làng, rồi mấy làng xung quanh đổ xô lên núi đào bới, có người còn lên tỉnh thuê máy dò mìn về dò. Hai quả núi trọc bỗng nhiên nham nhở hố to hố nhỏ, vàng bạc châu báu chẳng thấy đâu chỉ thấy các nhóm hằm hè tranh giành, cướp phá lẫn nhau, chỗ cây găng đổ đêm đêm vẫn thoang thoảng tiếng kêu rên “lạnh lắm, đói lắm”, lúc trời mưa nắng tranh nhau tảng đá hình voi phục vẫn lấp lánh ánh vàng.
Đ.H.N
Xin chào Nhà văn tôi vừa vào xem cái truyện ngắn hảm ma hay quá đọc rồi lại đọc lại nó vừa rùng rợn sợ hãi vừa kích thích tính tò mò đâm ra nhơ rai. Chúc mừng ông. Ông chắc mới mở Blocs này lên ít người biết vây khuyên ông trước tiên thông báo bạn bè ông trước từ đó độc giả sẽ biết nhiều về văn chương của ông. Mạo muội mấy lời chào ông.
Trả lờiXóaKhông biết anh là ai,đến với thiện tâm hay ác ý, nhưng xưa nay tôi ghét nhất những ai nặc danh,tỷ dụ như dơn thư tố cáo nặc danh...Đời danh có chính thì ngôn mới thuận anh ạ.
XóaCái tựa đề..."Hẽm Ma có thần giữ của?"...có bị sai chính tả, không nhỉ?
Trả lờiXóa