Thứ Ba, 27 tháng 3, 2012

truyen ngan


Nà Nưa có một mối tình!
Truyện ngắn Đoàn Hữu Nam

Tảng sáng.
Rừng cựa quậy. Trời cựa quậy. Người cựa quậy.
Đang ngâu, trời không mưa nhưng bầu trời màu chì sà xuống như muốn đè nát các ngọn núi, đồi cây. Mưa bất chợt. Nắng bất chợt. Nắng như đổ lửa rang khô mặt đất. Mưa sầm sập như ông trời nghiêng cả bể nước xuống trần gian. Tùy tiện của nắng, của mưa làm khổ con người song lại làm cho cả vùng rừng khoe mẽ sự sung mãn, quyến rũ bằng cách bật mầm, nở hoa khiến các loài chim đua nhau ríu rít.
 Ở lán trên ông Ké đã dậy tự lúc nào. Giữa núi rừng mênh mông huyền ảo những đường quyền khoan thai hội tụ nhu cương tùng khấu bình hòa khiến ông Ké như tiên ông đạo cốt đang luyện công.
lán dưới, các chiến sỹ cảnh vệ cũng lục tục ra cửa, người đi quyền, kẻ tập thể dục, kẻ lao xuống suối bơi lội. Buổi sáng ở Nà Nưa diễn ra nhộn nhịp trong trật tự, động trong tĩnh khiến khu căn cứ nửa bí mật, nửa công khai gần gũi như những bản làng nép sau sườn núi.

Bếp ăn của ông Ké và tiểu đội cảnh vệ nằm khuất sau mỏm đồi. Trong lúc cách mạng còn trứng nước, việc chi dùng hàng ngày chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của đồng bào nên việc ăn uống của khu căn cứ thường có gì dùng nấy. Như trong một gia đình, mọi người không phân biệt chức vụ, tuổi tác hay trách nhiệm, ai nấy đều tự giác lo cho bếp ăn chung như lo cho bản thân mình. Đã thành lệ, mỗi lần từ suối lên lán ai cũng tự giác mang theo một túi sỏi để vừa leo vừa rải xuống các bậc lên xuống, mỗi người vào rừng hoặc xuống suối đều tìm được một cái gì đó cho nhà bếp. Đã thành lệ, rỗi công rỗi việc là từ cán bộ đến chiến sỹ cảnh vệ đều sà xuống bếp, người lấy nước, người nhặt rau, quét tước, cơm xong mọi người lại tản ra lo công việc của mình. Hôm nay cũng vậy, sau bữa sáng ai về với việc của người ấy, bếp ăn chỉ còn một mình anh nuôi Tiến lúi húi dọn dẹp bát đĩa, xoong nồi.
Ngoài lán có tiếng động nhẹ, Tiến giật mình chạy ra, thấy một cô gái Tày đứng ngoài cửa, anh ngạc nhiên, bối rối:
- Kìa Cứ, sao em lại đến đây?
Cứ vào thẳng trong lán, hạ cái gùi xuống, vừa vuốt mồ hôi vừa nói:
- Em đến thăm anh không được sao.
Tiến như dẫm phải ổ kiến lửa:
- Không được đâu, bí mật quân sự mà, mọi người biết em đến đây là anh chết đấy.
Cứ lấy trong gùi ra mấy xâu nấm hương tươi, mấy củ măng, một con gà sống thiến, nói:
- Bí mật thì anh yên tâm, cả làng đều biết ông Ké và các anh ở đây, nhưng cả làng đều lấy nhựa trám gắn vào miệng rồi, em không đến thăm anh mà pa me bảo em mang các thứ này đến biếu ông Ké.
Tiến vò đầu vò tai khổ sở:
- Trời ơi, thế lại càng không được đâu.
Cứ vẫn vô tư:
- Em biết, pa me biết ông Ké với các anh quanh đi cơm độn sắn, rau tàu bay luộc, quanh lại rau tàu bay luộc, cơm độn sắn, ăn uống như thế thì làm sao mà khỏe được.
Cứ đến gần Tiến:
- Nhận cho pa me vui lòng đi anh. Măng, nấm hương em và me đi rừng lấy, gà nhà nuôi, nhà làm ra cả mà.
Tiến vẫn vò đầu khổ sở:
- Nhưng mọi người hỏi thì anh biết nói sao đây?
Cứ cười ròn tan:
- Thì anh nói có một bà già người Tày mang đến cho, anh không nhận, bà già đổ các thứ ra góc bếp rồi về.
Tiến giơ hai tay lên trời bất lực:
- Trời ơi ! Sao em đơn giản thế, không được đâu.
Cứ hôn đến chụt vào má Tiến rồi nói nhanh:
- Em đơn giản, em cứ được, thôi em về, anh nghĩ cách nói dối cho nó xuôi xuôi nhé.
Cứ quày quả khoác gùi ra khỏi lán. Tiến đứng ngây người, chợt nghĩ ra điều gì đó, anh vội vào chỗ đầu sạp lấy một quyển sổ nhỏ, chạy ra. Không thấy bóng Cứ, anh bần thần quay vào, những thứ Cứ mang đến bày ra trước mắt, thứ nào cũng nhắc anh nhớ tới những ngày trú quân ngắn ngủi trong làng…
Với trách nhiệm anh nuôi, Tiến được đi theo phục vụ đoàn cán bộ của ông Ké hành quân từ quê hương cách mạng Pắc Bó sang vùng giải phóng Tân Trào để lãnh đạo đất nước tổng khởi nghĩa. Tiến đep trai, khéo mồm, lại mang uy danh đoàn thể nên đi đến đâu cũng là tâm điểm thu hút sự chú ý của cả người trẻ lẫn người già. Ngày đầu tiên đến Nậm Tốc đoàn cán bộ tỏa ra ở nhờ nhà dân. Trong lúc tiểu đội cảnh vệ tản ra, người gác bên nhà ông Ké, người quét dọn gầm sàn, ngoài sân, người phát cây, dẫy cỏ thì Tiến cùng với cô con gái chủ nhà làm bữa. Vừa coi chảo canh trên bếp Tiến vừa liếc cô gái chừng 18 tuổi đang bóc măng, láu lỉnh:Măng nứa ở Nậm Tốc chắc ngon lắm nhỉ?”. Cô gái ngỡ ngàng thốt lên:Ô, bộ đội cũng biết nói tiếng Tày á!”. Tiến cười, giang tay gồng các bắp thịt, nói: Không chỉ biết tiếng Tày mà da này, thịt này, xương này, máu này cũng là người Tày cả đấy.”. Cô gái, ngạc nhiên, thích thú: “ Úi dô, bộ đội là người Tày, ở đây rất nhiều người Tày, nếu con trai ở đây được vào bộ đội thì bộ đội đông lắm vớ.”. Tiến cười, tỏ ra mình là người quan trọng: “Được chứ, cách mạng đang cần người mà. Mà em tên là gì nhỉ? ». Cô gái bẽn lẽn, nói: “Tên em xấu lắm, Cứ, Vi Thị Cứ thôi mà!”. Tiến tán tỉnh, khoác lác:Cứ, Vi Thị Cứ. Trời ơi tên em đẹp quá, em có thích vào bộ đội không?”. Cứ ngạc nhiên, mở to đôi mắt: Em được vào bộ đội?”. Tiến liến láu: Ừ, vào bộ đội em có thể nấu cơm này, khâu vá này, làm giao liên này, mà nếu em thích anh có thể báo cáo với ông Ké cho em đi học làm thầy thuốc hay đánh tạc tè, tạch tè thế này này.”. Cứ nhảy lên vui sướng:  «Em đi học làm thầy thuốc, học đánh tạch tè, được làm người quan trọng. Ôi em thích quá, thích quá bộ đội ơi! ». Cứ bồng bột ôm lấy Tiến, hôn đến chụt lên má Tiến rồi ôm rổ măng chạy vụt ra đầu hồi. Từ buổi đó đêm nào bếp lửa cũng thức khuya, bữa nào Tiến nấu cơm cũng có Cứ làm giúp, ngày nào góc bếp của Tiến cũng có thêm sản vật của nhà, của rừng, dẫu chưa một lần chung da chung thịt, song những tín hiệu si mê đã báo hiệu một mùa vàng gắn kết.
***
Hẹn được Cứ chọc sàn đêm nay, Tiến bồng bềnh, chòng chành như gió lồng qua ruột, anh chui ra khỏi đêm lửa trại phóng lên ngọn đồi bên trái làng chờ đợi.  Khi con dốc ăn hơi ăn sức đến mắt hoa, chân nhũn anh mới ngồi phệt xuống thở dốc. Trước mắt anh, dưới sân đình tiếng trống, tiếng chiêng vẫn thúc lên mời gọi, trong chập chờn ánh lửa những đôi trai gái vẫn quấn quýt trong vòng xòe. Tiến nhìn về phía Nà Nưa, cả một vùng rừng núi mênh mông đang ngủ vùi. Trên nền trời màu thẫm trăng cuối tháng như cái đĩa bạc ló ra soi vạn vật rồi chầm chậm chui vào đám mây màu chì làm cho bóng tối loang dần như bịt hờ con mắt. Tiến bồn chồn, rạo rực. Nghĩ đến cảnh cả tiểu đội đang ngóng chờ mình anh thấy áy náy, ân hận, song dư âm của buổi gặp gỡ, khát khao được làm dây mây quấn thân cây lại cồn lên che lấp. Trời ơi! Lòng bàn tay này, lưng bàn tay này, mắt này, má này, môi này, tóc này…, chỗ nào cũng nồng nàn, mê hoặc, chỗ nào cũng ăm ắp hơi tình. Trời ơi! Tiến chắp tay cám ơn trời đất, cám ơn đêm lửa trại đã cho anh cuốn vào vòng xòe, cuốn vào vòng tay, nụ hôn của Cứ. Và bây giờ…, ngọn lửa gặp gió trong người khiến Tiến muốn hét lên, muốn cháy đến kiệt cùng để tỏ lòng với giời, với đất.
Không gì sốt ruột bằng việc chờ giời ngủ, đất ngủ, người ngủ. Dưới làng lửa trại đang tan, ngọn lửa rực cháy trên sân đình đang theo chân những người dự hội tỏa về từng nhà, từng nhà. Lâu nay đói khát, đè nén, sợ hãi lôi con người vào tất bật, nơm nớp khiến những trò chơi dân gian xưa nay hút người ta như đèn hút thiêu thân bị chìm lấp. Quê hương được giải phóng, con người với con người tự do hơn, gần nhau hơn, những thú vui làm giầu cho mình, cho người được khơi dậy, tỏa sáng. Cùng với những ngọn lửa được thắp lên ấy là những buổi khai hội náo nức, những đêm  lửa trại nối nhau. Sau khai hội, lửa trại tập trung là khai hội, lửa trại từng nhà. Ngọn đuốc rút từ đống lửa của làng dúi vào bếp nhà nào là bếp nhà ấy lại rì rầm giữ lửa cho đến lúc mắt mỏi lửa tàn mọi người mới chịu chui vào buồng. Đêm nay cũng vậy, Tiến chờ đến lúc gà ngứa cổ hai lần ánh lửa lọt qua mấy vách nhà sàn mới chịu tắt, anh mới được mò mẫm xuống núi.    
Tiến đã lần đến gầm sàn nhà Cứ.
Căn nhà chìm trong giấc ngủ, cái bùi nhùi bằng rơm cuộn chặt nằm cuộn khoanh trên sàn vừa có nhiệm vụ mồi giữ ngọn lửa, vừa có nhiệm vụ đuổi muỗi đang tỏa ra hơi ấm dễ chịu.
 Tiến nhắm mắt, nìn thở chọc lên sàn ba nhát.
Phía trên yên lặng.
Tiến lại nín thở chọc nhẹ ba nhát nữa.
Trên nhà lặng im một lúc rồi tiếng Cứ thì thào vọng xuống:
- Ai đấy!
Tiến nói như hụt hơi:
- Anh đây.
Trên sàn lại lặng im.
 Tiến tiếp tục chọc ba nhát.
Tiếng thì thào vọng xuống :
- Anh ra đằng cầu thang đi.
Tiến khấp khởi lần ra phía cầu thang.
Trên nhà, Cứ hé cửa, nhẹ chân đi ra. Trong tĩnh lặng cái sàn lát bằng tre mai đập dập phát ra tiếng cót két chết người.
Tiếng động khiến bố Cứ e hèm, rồi cất tiếng:
- Ai đấy?
- Dạ là con đây! – Cứ đáp lại bằng cái giọng giả ngái ngủ.
Trong buồng lại lặng yên.
 Cứ rón rén ra đến cầu thang thì chạm vào Tiến. Tiến chỉ chỉ tay ra hiệu cho Cứ ra rừng. Cứ lắc đầu chỉ vào trong nhà, ý nói bố mẹ biết thì chết. Tiến bối rối ra hiệu giờ phải làm thế nào. Cứ đứng lặng, tình yêu làm cô vụt lớn bổng, cô bất ngờ ôm lấy Tiến, nhấc anh đứng lên bàn chân mình, thì thào: «Anh ôm chặt vào». Tiến ngỡ người, toàn thân nhẹ bỗng, bồng bềnh, anh neo vào cổ Cứ như đứa trẻ neo vào cổ mẹ, người mẹ ấy từng bước, từng bước dứt khoát, đĩnh đạc trên sàn đi về buồng của mình.
Nhưng những bước chân cùng tiếng thở không bình thường của bà mẹ và đứa trẻ không đánh lừa được mẹ gà mái đang nuôi con. Trong buồng mẹ Cứ đột nhiên vùng dậy, thắp đèn, mở cửa, ánh sáng òa ra làm cho hai quả chuối sinh đôi sững sờ, chết lặng.
- Trời ơi ! Sao lại thế này hở trời!...
 Tiếng kêu tắc nghẹn của mẹ Cứ lôi cả nhà bật dậy. Bếp lửa giữa nhà nhanh chóng bùng lên soi tỏ mọi vật. Lời than vãn trâu gần mạ, rơm gần lửa của bà mẹ và cái bóng câm lặng, chập chờn của ông bố đã ấn đôi trai gái xuống chín tầng địa ngục.
Rồi thì dưới địa ngục cũng phải chui lên, nhưng chui lên để tiếp tục làm người.
Sau khi thả điếu thuốc thứ mười hai vào nõ điếu cái giọng trầm trầm của bố Cứ mới cất lên. Ông hỏi Tiến về quê quán, bố mẹ, anh em, về tình cảm của anh với Cứ.
Bắt được tín hiệu giời thuận, lòng thuận, Tiến bày hết lòng mình ra trước hai đấng bề trên.
 Uống xong bất thuốc đắng, bố Cứ bảo :
- Anh là người Tày, lại là bộ đội ông Ké nên tôi tin lời anh, nhưng chuyện của cả đời người nên phải rõ ràng, đàng hoàng, đừng như con chồn con cáo mà khổ mình khổ người.
Tiến còn biết nói sao được nữa, anh nhận cây đuốc từ tay Cứ rồi chạy như bay về phía Nà Nưa.
* * *
Tiến vừa về đến lán là gần chục người của tiểu đội cảnh vệ đã vây quanh, cuộc họp kiểm điểm việc vắng mặt vô tổ chức của anh được diễn ra ngay tức khắc.
Tiến không ngờ sự việc lại nghiêm trọng đến vậy, hàng chục cái mũ chụp lên đã lôi anh ra khỏi hang, bắt anh phải kể hết mọi sự diễn ra trong đêm.
Lời thú nhận của Tiến là quả bom nổ giữa bầu trời Nà Nưa. Giữa lúc mọi sự ngược chiều thường, không có sự đồng ý của tổ chức thường bị quy kết vào lập trường, quan điểm thì chuyện yêu đương, chọc sàn của Tiến là hủ hóa, mà tội hủ hóa ngang với tội phản quốc. Việc của Tiến chưa dẫn đến hậu quả, chưa phải nhận án kỷ luật nhưng phải điều chuyển đi đơn vị khác.
Tiến bất ngờ, choáng váng, không cãi nổi những lời lẽ có gang có thép, không còn tin ở chính mình nữa, anh ôm đầu lùi lũi ra khỏi lán, hàng trăm câu hỏi rối tinh rồi mù làm đầu anh muốn làm quả dưa bở rơi xuống tảng đá.
 Tình yêu của anh với Cứ sai ư! Anh đàng hoàng trong ý nghĩ, trong hành sử, tình yêu của anh và Cứ không một gợn đục, gia đình Cứ đã chấp nhận cho hai người yêu nhau thì có gì là sai.
Việc anh làm là sai ư! Chẳng lẽ sau khi xuống bản vận động ủng hộ gao, rau quả rồi quá đà mấy canh giờ mà ảnh hưởng tới danh dự đoàn thể đến thế hay sao?
Tổ chức sai ư! Chắc không phải rồi. Tổ chức là tập hợp những bộ óc sáng suốt, là cái đầu đang kéo cả con tầu cách mạng về phía trước, đưa dân mình, nước mình tới độc lập tự do cơ mà.
Vậy thì là gì? Là gì?...
Giữa rừng đêm hoang vắng bước chân Tiến vô định, hữu định. Quanh anh rừng vầu vây bọc. Quanh anh vô số những lưỡi kiếm xanh gại gại vào nhau nghe buốt lạnh tim gan. Quanh anh tiếng chim lạc đàn tăm tăm, khắc khoải, lúc mất hút trong gió hú, lúc xoi xói vào đêm, xoi xói vào lòng.
- Chú Tiến phải không?
Tiếng hỏi làm Tiến giật mình, hóa ra bước chân đã đưa anh đến cửa lán của ông Ké, hóa ra chân trời phía Đông đã ửng hồng, anh bối rối:
- Dạ vâng, cháu chào Bác ạ!
- Sớm thế mà chú đã vào rừng về rồi à?
- Dạ cháu!...
- Cháo củ mài hôm qua chú nấu càng ăn càng ngon, đồng bào bảo cháo củ mài ăn quên chết quả không sai.
    - Dạ!
    - Chú biết không, củ mài còn có cái tên là củ ăn sức không?
- Dạ cháu không biết ạ!
- Bởi muốn lấy được khúc củ mài chui sâu vào ruột núi là phải đổ rất nhiều công sức.  
   - Dạ!
  - Phải đổ nhiều mồ hôi công sức mới đào được gùi củ mài, vậy mà vẫn đồng bào vẫn san sẻ cho mình thì đúng là quý thật, mà chú đang có chuyện gì phải không?
Câu hỏi bất ngờ của ông Ké làm Tiến lúng túng, anh ấp úng:
- Dạ không, cháu không có gì ạ!
- Mắt chú tố cáo chú đang nói dối, chú tin Bác thì có gì cứ bày ra cho Bác biết!
- Dạ thưa Bác… thưa Bác…
- Chú cứ mạnh dạn nói ra đi, Bác giúp được gì Bác giúp, không giúp được thì cũng coi như có thêm một người sẻ chia.
Tự dưng rưng rưng, ấm ức, tủi hờn lại trào lên. Người vùng rừng vốn người thẳng, lòng thẳng, Tiến không thể giấu ông Ké chuyện này, ông Ké là người cha nhân từ, hiểu cao biết rộng, ông sẽ hiểu anh, giúp anh gỡ mỗi tơ vò.
Ông Ké lặng lẽ đón nhận phai vỡ, lời tuôn, lòng tuôn từ Tiến. Đợi Tiến nguôi ngoai, ông bảo:
-      Bác tin chú, mừng cho tình yêu của cô chú. Bác sẽ trao đổi lại với các chú bên cảnh vệ. Chuyện tình cảm riêng tư mọi người phải tôn trọng, song chú cũng phải rút kinh nghiệm, chúng ta phải tôn trọng và tuân theo kỷ luật, không có kỷ luật thì đoàn thể không còn là đoàn thể nữa. Từ nay làm gì, đi đâu chú phải báo cáo rõ và phải được sự đồng ý của chỉ huy mới được đi, được làm.
Tiến rưng rưng cất lời cảm ơn, phía Đông ông mặt trời đã chổng cái lược vàng gại gại lên trời xanh.
* * *
Ông Ké đang đánh máy lá thư gửi một người bạn Pháp thì một cán bộ đến báo cáo Tiến bị chết đuối trên suối.
Như có trái núi đổ ụp lên đôi vai gầy, ông Ké lặng đi hồi lâu rồi thốt lên:
- Đêm qua nghe tiếng chim lợn mang linh hồn người chết rải khắp rừng khắp núi Bác đã linh cảm chuyện chẳng lành, không ngờ nó sảy ra thật.
Anh cán bộ rụt rè:
- Dạ thưa Bác, anh Tiến thấy hai em bé bị nạn trên suối đã liều mình lao xuống cứu. Hai em cứu được nhưng anh Tiến đuối sức nên bị nước cuốn trôi.
- Vậy việc tìm kiếm ra sao? Mọi người đã vớt được xác chú ấy chưa?
- Dạ thưa Bác rồi ạ! Bà con Nậm Tốc đã vớt được xác chú Tiến, gia đình ông An muốn được chôn cất theo phong tục, tiểu đội cảnh vệ xin ý kiến Bác.
- Có phải ông An bố cô Cứ không?
- Dạ đúng ạ! Ông An bảo con gái ông với anh Tiến dẫu chưa cưới hỏi, song một ngày cũng là nghĩa là tình nên gia đình ông đã coi anh Tiến như con rể.
Những nếp nhằn hằn sâu trên vầng trán ông Ké, ông nhìn ra rừng hồi lâu rồi nặng nhọc thốt lên:
- Chú Tiến hi sinh thân mình để cứu tính mạng con em nhân dân nên đoàn thể phải có trách nhiệm làm ma cho chú ấy mới phải.
- Dạ thưa Bác đúng thế, nhưng…
 - Bác biết rồi, trong lúc căn cứ khó khăn thiếu thốn mà làm ma theo đúng lý lối phong tục không dễ, có người đứng ra lo giúp là quý, nhưng mình phải có trách nhiệm, chú bàn bạc với anh em bên cảnh vệ rồi ta cùng xuống chỗ đám.
* * *
Trên bãi đất đầu làng một đám đông gồm bộ đội, cán bộ, dân bản quây quanh thi thể Tiến. Thấy ông Ké và đoàn cán bộ đến mọi người dãn ra cho cả đoàn vào.
Nhìn thấy ông Ké, mẹ của Cứ mếu máo:
- Thưa cụ, bộ đội Tiến đã thề hẹn cùng con gái tôi, chúng hẹn nhau ngày đất nước độc lập sẽ xin phép cụ tổ chức lễ cưới, giờ không may mắc nạn cháu nó không làm được điều đó rồi cụ ơi!
 Bố của Cứ đến trước ông Ké, nói giọng xúc động:
- Thưa cụ, một ngày cũng là nghĩa, một lần gặp cũng là duyên, trước đây tôi đã coi bộ đội Tiến như con rồi, giờ bộ đội Tiến đã vì cứu người mà về với tổ tiên. Chúng tôi xin cụ, xin đoàn thể được làm ma cháu nó, kính mong cụ và đoàn thể thuận lòng.
Ông Ké lặng lẽ xiết tay bố Cứ, rưng rưng:
- Thưa cụ, chú Tiến mất đi đoàn thể phải có trách nhiệm, song chú Tiến là người Tày nên cần làm ma theo phong tục người Tày, đó là việc khó của đoàn thể lúc này. Tôi đã biết chuyện tình cảm của chú Tiến với gia đình. Gia đình đứng ra lo việc trọng đại này vừa là tình nghĩa, vừa giúp đỡ cho đoàn thể trong lúc khó khăn. Đoàn thể sẽ cùng gia đình và bà con sẽ chu đáo tiễn đưa chú Tiến đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Những giọt nước mắt cảm động lã chã trên những khuôn mặt cần lao khắc khổ.
Ông Ké đến trước thi thể Tiến thắp hương, tiếng khấn của ông vọng lên từ tâm tưởng:
- Tiến ơi! Cách mạng có được như bây giờ là phải trông cậy vào những người dũng cảm, quên mình vì dân, vì nước như em. Sự quên mình vì nghĩa của em sẽ mãi mãi in đậm trong lòng đồng bào, đồng đội. Cách mạng cần những người như em, đồng bào cần những người như em,
Lời khấn linh nghiệm, bát hương bốc hỏa rừng rực, một cây cầu vồng bẩy sắc hiện lên làm cho bầu trời trong veo như vừa được tẩy rửa.






3 nhận xét:

  1. Thêm một Truyện ngắn hay về tình người, tình yêu, tình đồng chí, tình quân dân... trong thời kỳ kháng chiến. Chuyện đi từ lòng người, cảm động!

    Trả lờiXóa
  2. Phải nói nghiêm túc đây là một Truyên ngắn có chuyện, một đề tài khó Nhà văn họ Đoàn này đã đặt ra trong một mối tình thời kháng chiến. Cái khó của truyện là cách xử lý vấn đè và câu thoại của một vị lãnh tụ. Cảm ơn "thổ phỉ" họ Đoàn

    Trả lờiXóa
  3. Phải nói nghiêm túc đây là một Truyên ngắn có chuyện, một đề tài khó Nhà văn họ Đoàn này đã đặt ra trong một mối tình thời kháng chiến. Cái khó của truyện là cách xử lý vấn đè và câu thoại của một vị lãnh tụ. Cảm ơn "thổ phỉ" họ Đoàn

    Trả lờiXóa