Chương 11 + 12
11
Mặt trời từ từ xuống núi.
Đã đến giờ gà tìm chuồng, chim tìm tổ, người
kết thúc một ngày cực nhọc trở về hang ổ của mình. Đã đến giờ cụ giáo Triệu
trèo lên cái sàn đầu hồi điểm người, điểm trâu ngựa.
Nhà cụ giáo ngũ đại đồng
đường.
Ở cái vùng loạn lạc liên
miên, canh tác nương rẫy theo kiểu hưu canh như Sín Chải thì nhà cụ giáo độc
nhất vô nhị. Người Dao đỏ sinh sống nhờ rừng, nhờ nương rẫy là chính. Một mảnh
nương làm được bốn năm vụ là đất bị khô cằn, màu mỡ bị mưa gió bóc dần, đá mọc
cao, lúa ngô lười cho hạt, lúc đó chủ cho nương nghỉ vài vụ, khi cây cối xanh
tươi trở lại, độ mùn, độ xốp cao họ mới quay trở lại trồng cấy tiếp. Canh tác
hưu canh kéo theo người hưu canh. Nơi ăn chốn ở tạm bợ. Chăn nuôi, trồng trọt
tạm bợ. Con cái mười bốn mười lăm tuổi
là dựng vợ, gả chồng, làm cho một cái nhà nhỏ, cắt cho mấy mảnh nương rồi khóa
to chìa to, khóa bé chìa bé, cứ thế mà tự lập, mà sinh sôi nảy nở. Nhà họ Triệu
khác, thêm người chỉ được phép thêm buồng, thêm giường, thêm bát, thêm đũa.
Cây
cột cái Triệu Giáo Choong còn sống thì người và vật nhà họ Triệu chỉ được phép
cộng vào chứ không được phép chia ra. Chính vì thế mà nhà họ Triệu bề thế, đông
đúc, giàu có nhất vùng. Người: già trẻ lớn bé hơn bẩy chục. Ruộng nương: mấy
trăm cân giống chưa quãi kín đất. Trâu ngựa: chật cả hai dãy chuồng dựng đối
mặt với nhau như trại lính. Gà vịt: quãi thúng ngô quay đi quay lại đã không
còn một hạt. Cả vùng: được mùa dân bản mang ngô lúa đến nhà họ Triệu đổi chác,
mua bán; mất mùà mang tải đến nhà họ Triệu vay mượn. Nhà họ Triệu có hơn hai
mươi người đàn ông ở tuổi gánh vác được việc nhà việc bản thì cả hơn hai mươi
người đã qua lễ cấp sắc. Về mặt Âm: người ít nhất cũng có ba mươi sáu âm binh.
Về mặt Dương: người nào cũng được công nhận đã qua tu luyện để làm tròn được
bổn phận với mình, với gia đình, cộng đồng.
Trên cái sàn lát gỗ sến
dựng giáp cái cổng đá dẫn vào nhà họ Triệu cụ giáo ung dung tự tại như con hổ
đầu đàn chờ điểm con cái cháu chắt về hang.
Trên ba ngả đường rừng chụm
lại, những con ngựa hớn hở gõ móng cồm cộp bước qua cái cổng đá. Tiếp theo sau
chân ngựa là những con trâu béo nục đủng đỉnh từng bước, từng bước, những con
chó lăng xăng chạy trước, chạy sau. Đằng sau trâu, ngựa là mấy chục con người
lớn có, bé có, già có, trẻ có lục tục nối đuôi nhau. Cũng như những người Dao
khác, người nhà họ Triệu có thói quen sáng đi mang trên người những thứ giúp
cho việc vào rừng, lên nương, xuống ruộng; chiều về mang những thứ về nuôi bếp
lửa. Trên lưng, trên vai, trên tay người nào cũng có thứ gì đó, hoặc là bó củi,
hoặc là gùi rau lợn, gùi măng. Trên lưng con ngựa nào cũng lặc lè cái mã làn
ngô, thóc hoặc cỏ ngựa…
Bốn mươi sáu người nhà họ
Triệu đã chui qua cái cổng đá, còn lại một người duy nhất là Dùn chưa thấy mặt.
Cụ Triệu như thấy cái gai
nhoi nhói xói vào lồng ngực.
Từ ngày thằng cháu nội gặp
lại cái thằng lê la mồm nhọn, lời ngon ngọt lòng lá ngón Triệu Tá Sắn, cụ cảm
thấy nó đang tuột khỏi tay cụ để lao vào vòng u tối. Cụ không hùng tâm tráng
khí gì nhưng đã trải qua gần một trăm mùa sấm đẻ, nhìn giời biết giời nóng giời
lạnh, nhìn đất biết đất trôi, đất ở, nhìn cây biết cành sâu cành khỏe. Bao năm
làm cây cột cái của nhà này, bản này cụ luôn luôn là chỗ dựa, là ngọn đèn cho
trẻ già, trai gái trông vào. Nghe cụ thì có con đường sáng, tuột khỏi cụ là đi
vào mê muội, khổ ải. Năm một chín bốn tám, tuột khỏi cụ, thằng Dùn cùng hơn
chục con cháu nhà họ Triệu theo mấy thằng thổ ty người Thái tranh cướp thiên hạ
khiến cả nhà này bị coi là nhà hủi. Năm một chín năm ba, tuột khỏi tay cụ, đàn
ông trai tráng bản này nghe theo bọn Pháp, bọn đặc vụ Tàu Tưởng đã cùng gần một
ngàn tên phỉ người Hmông, Dao, Thái, Phú Nả cầm súng rùng rùng đánh chiếm Lở
Thàng, Tam Đường, Phin Chải, Sùng Phài..., tưởng một sớm một chiều nghiền nát
Việt Minh như nghiền ngô, nghiền gạo, ngờ đâu vấp phải một loạt boong ke du
kích và bộ đội địa phương phải chững lại, đến khi phải đối mặt với bộ đội chủ
lực thì thành bọt trong thác.
Là người ăn cơm nhiều mâm,
uống nước nhiều bản, chỗ trong chỗ đục, chỗ ngọt, chỗ tanh cụ giáo đều hiểu.
Triệu Tá Sắn là ai cụ quá hiểu. Trong lúc thời cuộc đêm chưa qua, mặt trời chưa
tỏ, thằng Dùn gặp gỡ, nhỏ to với Sắn, trước là họ Triệu mất người, sau là mất
nhà, mất bản. Vạn vật đều cần phải có giềng mối, trên dưới. Không giềng mối,
trên dưới thì hổ quét đuôi, liếm mép giữa chợ. Không giềng mối, trên dưới, mỗi
năm giời làm đôi trận lũ, mỗi vụ một lần
loạn cào cào châu chấu thử hỏi người có còn là người, vật có còn là vật.
Cụ giáo cố nén tiếng thở
dài.
Như hạt cái lựa chiều từ
lâu cụ đã xa hẳn bụi trần, thoát khỏi vòng danh lợi, lấy dung nạp là việc
trọng, lấy lòng thương người mà làm người trải chiếu khắp chợ. Với lối sống này
cụ đã tránh được hệ lụy, tránh được nóng lạnh ở đời. Nhưng còn sống thì còn
phải làm, phải ngẫm nghĩ, thấy việc phải mà không theo thì không thể coi là
biết, thấy việc trái mà không can thì không phải là người. Người Dao đỏ luôn có
một ý niệm lấy chữ tâm, chữ đức làm trọng, không muốn va chạm đến người khác,
và ngược lại người khác va chạm, gây sự với mình thì tìm mọi cách để lánh xa ra
hoặc di dịch sang nơi khác, tính cách ấy đã thành dòng, thành dõi, truyền từ
đời này sang đời khác. Thời buổi nhộn nhạo, thấy hổ gầm hươu nai cũng nhảy
cẫng, chúng muốn thay đổi xã hội ư! Thay đổi là tốt rồi, nhưng thay đổi thế
nào? Người Pháp bao năm trời chia ra để trị đã làm cả vùng trong cảnh nồi da
nấu thịt. Người Nhật đuổi người Pháp, ngỡ Phòng Tô được ngẩng mặt với giời, ngờ
đâu quan, lính da vàng cũng cùng một duộc với quan, lính da trắng. Sau người
Nhật đến Quốc dân Đảng Tàu, Quốc dân Đảng ta. Cứ tưởng cái sau hay hơn cái
trước, cuối cùng thì đều là những con sói tham ăn tranh nhau một miếng mồi. Mấy
năm qua, chính quyền dẫu còn có nhiều điều chưa hợp lẽ, nhưng họ đang cố công
làm yên người, yên rừng, yên núi, giờ bọn thằng Sắn, thằng Dùn lại định thay
đổi bằng cách đưa Phòng Tô trở lại thời kỳ loạn lạc, người không ra người, thú
không ra thú, đúng là hoang đường, chỉ lo thắng người thắng giời thì làm sao
nhà yên, bản yên…
Cụ giáo nặng nhọc tụt xuống
tảng đá.
Đến cữ ngày bàn giao sang đêm, giá rét từ trên
trời đã bắt đầu buông xuống, ruột núi bắt đầu phả ra làn hơi buốt giá. Từng vệt
mây mỏng tang dùng dằng nửa đi nửa ở choàng lên dãy Pu Sam Cáp làm cho ngút
ngát của rừng, của núi chìm trong một màu xanh đen mờ nhạt. Bóng tối từ chân
núi đang từ từ bò ngược lên. Đã cuối mùa thu, cây cối giữ lửa, nuôi sức bằng
cách tích nhựa, tích nước, thải dần những chiếc lá già; những con vật tích trữ
sức lực bằng cách lười vận động, con người lo xa bằng cách tích trữ thức ăn,
củi lửa, rau cỏ... Trong mùa hoang vu tất cả đang âm thầm đón đợi một mùa rét
buốt.
Cụ giáo nhìn khắp mênh mông.
Lũ ống, lũ quét đi qua, trong các loài chịu nạn đau nhất là mẹ Núi. Mẹ đang
yên lành nuôi mình, nuôi người, nuôi cây cối, muông thú, dòng sông, con suối, đùng một cái mưa gió,
sấm chớp và những dòng nước hứng chí đua nhau ào qua, từng tảng da, tảng thịt
của mẹ bị bóc ra, cuốn theo đứa con ngạo ngược. Nhưng mẹ Núi là thần, mỗi một
phần nhỏ trong mẹ đều có hồn, nên da thịt của mẹ dù có bị bóp nát ra thành đất,
thành cát, thành sỏi thì vẫn là da thịt của mẹ. Những phần của da của thịt ấy
không tan vào dòng sông mà lựa chiều để chống chọi sau đó lớn dần thành bãi,
thành bờ. Còn con người? Những kẻ trôi theo dòng lũ có cưỡng lại được với giời đất
hay thịt nát xương tan? Những kẻ sống sót liệu có níu kéo được chỗ che thân,
giữ được miếng cơm bỏ vào mồm hay thân tàn ma dại? Làng bản sau lũ nuôi nấng,
gây dựng đến bao giờ mới cho hoa cho quả? Tại
sao chúng chăm chắm vào tham, sân, si đến thế? Chúng không cón nghĩ đến trần
thế xô bồ, trắng đen lẫn lộn mỗi con người cần phải dùng trí lực để tu luyện, để luôn coi trọng điều thiện, xoá đi điều
ác hay sao?
Cụ giáo lại nén ục ức dâng lên trong lồng
ngực. Cụ thấy trước mắt, sau lưng, bên
phải, bên trái mình toàn những việc vừa phải, vừa không phải. Cách mạng đã
khuấy lên ở lòng thúng Phòng Tô này một hồi, song rồi mọi việc lại yên vị như
cũ. Con đường về Sín Chải vẫn những dây gai mọc trùm lối. Những đám mây đen
vẫn làm cái khăn quấn lưu cữu trên đỉnh Phan Si, đỉnh Pu Sam Cáp. Đêm đêm bên
bếp lửa, đám đàn ông luẩn quẩn ôm cái điếu và rì rầm chuyện mùa vụ, săn bắn.
Ngày ngày đám đàn bà vẫn túm tụm xe lanh, quay sợi, đám trẻ con vẫn tự mua vui
bằng những trò chơi từ thủa ông giời làm nên đất, nên nước. Con người mong được
tích trữ của cải, tích trữ nhân đức nhưng cũng mong được đổi đời, được thể hiện
chí mình, lực mình, liệu cách mạng có làm được như lời họ hứa hay chỉ để vui
tai vui mắt mà thôi.
*
* *
Triệu Tá Dùn len lén đẩy
cửa bước vào nhà.
Nhà họ Triệu làm theo kiểu
nhà truyền thống của người Dao đỏ. Nhà nửa sàn nửa đất, lưng dựa vào núi, mặt
trông ra suối, song vững chãi và bề thế hơn bất cứ ngôi nhà nào trong vùng. Nhà
có hai cửa. Cửa chính đi vào đầu đốc phía Tây, cửa phụ đi ra đầu đốc phía Đông.
Từ đầu hồi này sang đầu hồi kia dài hơn bẩy chục bước chân. Cột, kèo, xà dọc,
xà ngang làm bằng lõi gỗ lý, mái lợp bằng gỗ pơ mu, vách lịa ván gỗ dổi, toàn
loại gỗ mối mọt mài mòn răng ngồi khóc, mưa nắng bám ngoài.
Ngôi nhà đến đời Dùn là đời
thứ bẩy, tức tuổi của nó đã hơn gấp ba lần tuổi Dùn. Già, nhưng càng già càng
khỏe. Cột, kèo, xà dọc, xà ngang, ván vách ăn hơi người, khói bếp, ăn ngày, ăn
đêm đen bóng như sừng. Trên mái gỗ rêu bò lan từ tấm lợp này sang tấm lợp khác.
Rêu, mái giữ mùn, giữ đất. Những hạt cỏ, hạt cây gió đưa, chim, chuột thải như dương sỉ, tàu bay, cỏ, lau lách mọc um
tùm khiến ngôi nhà tùm hum như quả núi. Xuyên dọc ngôi nhà, nửa phía ngoài là
sàn gỗ, dùng để tiếp khách, dạy học của cụ giáo, ăn uống của những người đàn
ông; nửa phía trong là nền đất, gồm ba gian giữa đặt bàn thờ, các gian còn lại
chia ra làm buồng, làm bếp; một dãy cửa sổ dọc theo sàn gỗ nhìn ra suối, ra
ruộng. Gian nhà đầu hồi phía Đông ngày đêm đón nước từ năm cái lần như năm con
rồng rút nước từ ruột núi chảy vào năm máng gỗ như năm con thuyền mắc cạn. Nhà
kín, đóng cửa, ngoài trời mưa rào trong nhà chỉ nghe tiếng rì rầm như trò
chuyện. Mùa hạ, bên ngoài trời nắng như đổ lửa, trong nhà mát lịm như hang đá.
Mùa đông, ngoài trời phủ đầy băng tuyết, trong nhà bảy cái bếp nổi lửa là cả
ngôi nhà thành cái lò sưởi. Nhà lâu đời, đông người đi lại nên nền đất nhẵn như
mài, mỗi góc cột để một chồng ghế rơm cao ngang mặt người. Mấy cái bếp lửa giữa
nhà chỉ dùng để đun nước tiếp khách. Lửa bếp thay đèn, thay mặt trời, thay lòng
người, nhìn nhau qua ngọn lửa con người đỡ mưu mô hơn, cởi mở hơn, gần nhau
hơn. Sự bề thế, cổ kính của ngôi nhà đã góp phần làm nên danh, nên giá nhà họ
Triệu.
Dùn giật mình. Bên cái bếp
đang tàn ông nội anh ngồi bó gối. Trong chập chờn sáng tối cái bóng to lớn lặng
phắc của ông như tảng đá mồ côi, như cây cổ thụ đơn lẻ trước cơn giông.
Dùn nep nép vào bếp tìm cái
ống thổi.
Củi nỏ, than hồng được gió,
ngọn lửa bùng lên. Khuôn mặt quắc thước, cặp mắt nghiêm khắc của ông nội hiện
ra rõ ràng làm cho Dùn chờn chợn.
Nhìn thấy bầu rượu bên cạnh
ông nội, Dùn lặng lẽ rót đầy một cái bát, kính cẩn nâng đưa ông.
Cụ giáo đỡ bát rượu, đặt
xuống nền đất:
- Nghe nói bên Tả Chải tổ
chức cúng bái, đặt ra lệ cấm bản rồi treo cờ vải đỏ ghi dòng chữ “Vua mới sinh”
phải không?
Dùn lại giật mình, anh giấu
sự lúng túng vào bát rượu.
Cụ giáo chậm rãi cảnh cáo:
- Mê muội không chỉ làm đổi
tính, đổi nết một người mà còn kéo theo cả nhà, cả vùng vào bến mê đấy!
Dùn cúi đầu, im lặng.
- Con
người phải biết lấy phận mình, ở cành này với sang cành khác không gẫy cành thì
cũng rơi xuống đất đấy.
…
- Đừng như con rùa mượn mai
nữa, đang yên đang lành, xới xáo lên anh có nghĩ đến sau, đến trước, được gì,
mất gì không?
- ….
- Phàm là dân chúng đói khổ
thì chỉ mong khắc làm, khắc ăn, việc của nước có vua quan, việc cướp giật có
đồng đảng. Trước đây thổ ty, phìa tạo làm mưa làm gió, dân chúng quanh năm nem
nép sợ hãi quan trên quan dưới đã đành, được mấy năm nay giời yên, núi yên,
người sinh sôi, vật sinh sôi các anh còn muốn gì nữa?
- ….
.- Lấy cái hư, cái hỏng của
người để thấy mình đã lớn khôn không phải là người lớn khôn. Lấy cái thời buổi
rối ren để đục nước béo cò càng không lớn khôn. Cháu nên bình tĩnh suy xét,
thấy cái chưa được đã vội coi thường kẻ khác, lấy đánh giết để cầu lợi, đem bạo
để thay loạn, thời thế rối lại càng thêm rối, rồi lại sảy ra cảnh nồi da nấu
thịt thôi.
- …
- Ta biết can gián nhiều
thì trái tai, trái mắt, nhưng ta không cam tâm chờ ngày cả nhà này, dân bản
này, Phòng Tô này ngửa bụng như cá trong vũng bị ruốc…
Dùn buột miệng:
- Cứ dao sợ gỗ rắn, gỗ rắn
sợ dao mãi thì làm được cái gì.
Cụ giáo ngớ người. Dùn sinh
ra đã là kẻ bướng bỉnh, thích kéo rào ngược dòng, không có phép tắc, luật tục,
gia pháp giàng buộc, níu giữ thì nó đã là con sói hoang, con hổ dữ rồi, nhưng
cãi lại cụ thì giờ mới thấy ở mồm nó lần đầu.
Cụ giáo dằn bát rượu xuống nền đất, gằn
lên:
- Mày phải biết ong có độc
đến mấy nhưng gặp sừng trâu cũng phải chừa ra...
- Nhưng sừng trâu, sừng bò
nào. Mưa gió bão bùng cuốn vạn vật vào cơn lũ ống thì đành chịu, đằng này một
nhúm người, bên ngoài không có chỗ che, bên trong rỗng như ống sậy, suốt ngày
chỉ nhăm nhăm vào việc có đoạn cuối chứ không thạo đoạn đầu thì con nghe thế
nào được.
Cụ giáo gầm lên:
- Lý
sự, lý sự. Từ một nhúm người mà họ đánh đuổi được bọn Pháp, bọn Nhật, giành lại
độc lập cho nước Nam
này. Một nhúm người mà họ đã dập được nhiều đám cháy, đã xây dựng được chính
quyền, nuôi được dân, còn chúng mày,
chúng mày… chúng mày thử nhìn ra Lào Cai, sang Sơn La, về Điện Biên xem, nhìn
chỗ nào cũng thấy…. mà thôi, những kẻ lấy mồm làm cánh mà muốn che cả bầu trời,
lấy tay làm vây mà định bơi qua bốn biển thì đúng thực là một lũ rồ.
- Nhưng chúng cháu…
- Lửa không
nóng mà tro nóng, cái gì có thì bảo có, cái gì không thì bảo không, coi trái,
coi phải, nhìn trước nhìn sau cho rõ. Ông hỏi cháu, cháu a dua, chạy theo những
kẻ chuyên châm lửa đốt nhà để rồi mình cũng thành kẻ đốt nhà, giết người có nên
không? Quây quần, bè đảng để làm cướp mà là phải ư? Tụ họp, khích tướng để biến
cái thung lũng này thành nơi chém giết là đúng ư?
- ...
- Ông già cả
lẫn cẫn, lời nói của ông khó vào tai cháu, nhưng cháu ơi, khỉ già biết cành cây
khô, thấy cháu đang từ con đường sáng đi vào con đường tối thì ông nhắm mắt làm
ngơ sao được, cháu đừng để ngõ cụt chôn vùi cả nhà này, bản này, dân tộc này…
Cụ giáo lặng lẽ đứng dậy đi
vào buồng, để lại một mình Dùn bàng hoàng, ngơ ngác…
*
* *
Cuộc ra hàng Việt Minh cuối
năm 1953 của Triệu Tá Dùn không dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Lúc này quan
thầy nước Pháp đang ở thế cùng đường, những kẻ sống dựa và quan thầy cũng cùng
đường luôn. Đói! Đói kinh khủng. Bọn phỉ có ba nguồn tiếp tế. Một của người nhà
giời, tức là những máy bay của quan thầy thì tiếng súng mạn Điện Biên hút hồn
những con chim sắt thành ra cả ngày chỉ vài lần có tiếng ì ầm lai vãng. Một rút
trong ruột dân bản thì vòng vây của bộ đội Việt Minh, hoạt động của các liên
gia ngày càng thắt chặt, có lọt được rau cỏ, ngô gạo ra rừng thì cũng nhỏ giọt.
Một mua của bên Trung Quốc thì phải có tiền, mà tiền bạc trong thời buổi loạn
lạc kẻ nào cũng khư khư như đười ươi giữ ống thì lấy đâu ra. Ba nguồn tiếp tế
hầu như bị cắt, cái ăn của phỉ phải trông vào rừng, tìm được gì ăn nấy. Củ nâu
thái mỏng, cho vào sọt mang ra suối ngâm ba bốn ngày cho hết nhựa rồi cho vào
đồ, cẩn thận như làm lễ tế giời vậy mà khi ăn chẳng khác gì cho củ chuối chưa
luộc vào mồm. Củ mài ăn quên chết nhưng lôi được từ ruột núi lên cực nhọc vô
cùng. Thú rừng nghe tiếng súng xua đuổi dai dẳng sợ hãi chạy tút sang tận bên
Lào, bên Miến Điện… Đói khổ làm người ta như con thú hoang. Nhóm nọ trấn lột,
cướp bóc nhóm kia, thù hằn, chém giết lẫn nhau, máu mủ chia lìa. Phỉ sợ bộ đội,
nhưng phỉ sợ đồng bọn hơn. Một lần trung đội của Dùn tập kích bắt được ba con
ngựa thồ muối của Chính phủ lên tiếp tế cho đồng bào. Muối chưa kịp về đến
hang, người chưa kịp hân hoan đã bị một cánh quân bịt mặt cướp trắng. Với người
miền núi muối là vàng. Muối là phương tiện để giao dịch, trao đổi. Muối để phân
biệt lòng dạ con người. Muối để tỏ rõ ai mạnh hơn ai. Không có muối, thận không
đẩy được nước ra nên dẫn
tới phù nề. Đàn ông phù từ chân, phụ nữ phù từ mặt, đội quân toàn những thằng
mang đôi chân phù thũng như hai cái vại thì còn di chuyển, đánh đấm gì nữa.
Trước đây bọn phỉ đã lấy số muối còn tồn lại để khống chế dân, mua chuộc lòng
người. Bao ngày chui lủi, đói gạo, đói thịt, đói muối làm cho cả bọn mắt trắng
dã, mồm miệng nhạt thếch, chân tay bải hoải, thân mình còn ngắc ngoải nói gì
đến khống chế, mua chuộc.
Giữa lúc cả bọn đang lử lả
vì đói khát, sợ hãi thì Sắn điều Dùn về nhà gặp ông nội. Dùn nửa nhận lời, nửa
không. Gạo ngô, trâu ngựa Dùn không sợ. Kho cót chất chồng sức mấy mà khuân với
vác. Trâu ngựa cả đàn, vơi vài con quá lắm cũng như vơi vài muôi nước trong
chảo thắng cố. Nhưng Dùn biết Sắn nhằm vào Dùn không chỉ nhằm vào kho của cải,
mà là nhằm vào ông nội của anh. Được ông nội của anh là Sắn không chỉ được Sín
Chải mà còn được lòng dân cả vùng. Từ khi biết làm người, Dùn đã biết ông nội là cây cột cái cho
cả Sín Chải trông vào. Các nhà trong bản, từ việc học hành, đẻ con, đón con dâu,
con gái đi lấy chồng đến việc đặt tên con, xem tuổi, bấm số, xem giờ đặt nóc
nhà đều nhờ cậy đến cụ. Oan ức, kiện tụng,
tới tới cửa quan phải nhờ cụ dàn xếp. Ở cái nơi sức mạnh là luật bất thành văn
như Phòng Tô, chuyện xưng hùng, xưng bá, tranh giành, cướp giật nổi lên thường
xuyên, chỉ cần cái
cớ bằng móng tay cũng có thể
động tay động thủ. Được thì
trèo lên đầu, lên cổ nhau. Thua thì hoặc
cho kiềng lên lưng ngựa đi tìm vùng đất mới, hoặc đem thân làm trâu ngựa tôi
tớ, đem vợ con làm cái giẻ lót nồi cho nhà kẻ thắng. Song với cái thế lưng dựa
vào dãy Pu Sam Cáp điệp trùng, mặt nhìn xuống thung lũng Tam Đường trù phú, Sín Chải luôn vững như bàn thạch, luôn
đứng ngoài các cuộc giao tranh, nhòm ngó. Phòng ngự ư! Phía sau, rừng núi bạt
ngàn hoang dại, cây che chở cho người, người dung dưỡng cho cây. Tiến công ư?
Mở cửa là đất nhà, rừng nhà, là có thể thiên biến vạn hóa. Dù trộm dù cướp gì cũng đều sợ lạ nước
lạ cái, đều tránh đối đầu với chủ nhà,
nhất là chủ nhà thông thạo từng nhánh cây ngọn cỏ của đất mình. Lẩn trốn
ư? Ra sau nhà là có thể như con rắn xanh mất hút vào rừng, vào núi… Từ bao đời nay sống giữa rừng núi
bao la, lòng người hiểm độc, người Sín Chải lấy sự khắc làm khắc ăn, khắc tự
bảo vệ mình làm phương thức sống. Bên ngoài Sín Chải có động rừng, sập đất,
đường vào Phòng Tô có tắc nghẽn từ mùa gặt này sang mùa gặt khác thì trâu ngựa
Sín Chải vẫn sinh sôi nảy nở; bếp người Sín Chải vẫn đỏ lửa mỗi ngày ba lần;
sàn nhà người Sín Chải vẫn
có ngô, có thóc. Từ tự nhiên, từ hun đúc mà thành, mà từ lâu đất, người Sín Chải là cái pháo đài cho tiến thoái, là kho
lẫm dự trữ của Phòng Tô.
Vật đổi sao dời, đất nước biến loạn liên miên, nhưng kẻ nào nổi lên nắm quyền
hành, nắm dân cũng phải coi trọng Sín Chải, nhất là người thông hiểu sách vở, thông hiểu lý lẽ, lại
đứng đầu dòng họ, đứng đầu bản
như cụ giáo. Và
nữa, với cái thế vào rừng hổ yêu, xuống nước thuồng luồng quý nhưng cụ giáo
không tham lam, nghiêng ngả, luôn lấy sự trung dung làm gốc. Chính từ trung
dung, khôn khéo lựa chiều, cụ và cả họ Triệu ở Sín Chải đã chiều và đã sống
được qua mấy chế độ xã hội. Tri châu họ Đèo mời cụ làm tổng quản, cai quản năm
xã trong vùng, cụ từ chối. Để đáp lại nhã ý của quan trên cụ cho con cháu mang
tặng nhà họ Đèo năm con ngựa đực, năm con trâu cái. Bộ đội Việt Minh giải phóng
Phòng Tô, cụ cùng mười hai con cháu cưỡi ngựa đi dự mít tinh mừng chiến thắng,
sau mít tinh, mười ba con ngựa ở lại với bộ đội còn mười ba người cưỡi ngựa đi
bộ về. Phỉ nổi lên khắp Phòng Tô, cụ cho tặng chúng năm con trâu, năm bong bóng
trâu rượu. Phỉ ép con cháu cụ phải theo, không giữ nổi con nổi cháu, nhưng
trước khi chúng đi, trước bàn thờ tổ tiên, cụ dặn dò cặn kẽ từng đứa. Cụ cho
rằng phỉ là tàn bạo, là nhất thời, song trong tình thế này muốn còn dòng còn
giống thì phải theo chúng. “Thời thế
buộc phải tính đến chuyện bấc đến đâu dầu đến đấy, nhưng làm gì thì cũng phải
tránh việc ác, việc ti tiện, bỉ ổi. Làm sao khi bước ra ngõ còn nhìn thấy nhau,
về với tổ tiên còn có kẻ đưa người đón.”. Lời cụ dặn như đánh đục vào cột, mười
mấy con cháu họ Triệu cầm súng theo phỉ mà đứa nào cũng tâm sạch, lòng sạch như
suối nguồn.
Lần ấy Dùn về nhà lấy đồ
tiếp tế đúng lúc Bí thư châu ủy Đoàn Văn Long đang thực hiện “ba cùng” tại nhà
mình. Thoạt biết tin Long trong nhà Dùn định trở lại rừng ngay, nhưng cái máu
ngang ngạnh nhà họ Triệu đã giữ chân anh lại “xem ong độc đốt sừng trâu, nọc
rơi, ong rơi thế nào?”.
Đêm ấy nấp trong cái khe
nhỏ ép lại nhờ hai bức vách cạnh bếp Dùn được chứng kiến hai người, một con hổ
của rừng sâu, một con rồng đang vần vũ ngồi uống rượu nói chuyện thời thế. Và
cũng đêm ấy Dùn mới vỡ vạc nguồn gốc, cội rễ của dân tộc mình.
Ẩn cư - Nỗi đau truyền đời
của những người Dao. Mọi thứ đều có ngọn có nguồn. Giống như các loài biết
nóng, lạnh, mừng vui, sợ hãi phải trải qua nạn đại hồng thủy dẫn đến tuyệt diệt
nên nghĩ đến nước là sợ, là tránh. Người Dao cũng vậy, từ trời hành, người
hành, mưa dồn gió đuổi tưởng như đến tuyệt diệt người Dao buộc phải ra đi
rồi âm thầm nối nhau tạo nên cộng đồng
người Dao ở đất này. Con chim bị tên gặp làn cây cong đã giật mình nhắm mắt
huống hồ cả một tộc người tưởng như không còn đường sống. Những “sơn tử” (con
của núi rừng), người đến trước, người đến sau, người bản địa, người nhập cư,
dẫu quây quần sớm tối, giúp nhau khai khẩn, trồng trọt, săn bắn, song họ vẫn ẩn
ức trong mình tâm trạng ăn nhờ ở đậu. Dẫu có lập bản, lập trại, tạo dựng cho
mình một lãnh địa riêng nhưng canh cánh lo ăn, lo mặc, lo tồn tại khiến cho trẻ
già, trai gái co mình trong cái thế cam chịu. Người sống quần cư đông đặc, quấn
lấy nhau để dễ lo cho mình, lo cho người, mình thì làm nhà rải rác, chọc lỗ bỏ
hạt, nay đây mai đó. Người khoe sừng khoe vuốt, mình đi cầu lựa cầu, đi đường
lựa đường. Bao năm cố quây quanh mình lớn, nhỏ, sang, hèn, trong, ngoài, trên,
dưới, gặp ống theo ống, gặp bầu theo bầu vậy mà nào có yên thân, mở mắt là thấy
kẻ chèn ép, lợi dụng, nhắm mắt là có kẻ dẫn xuống vực.
Những lời gan ruột buột ra
từ miệng hai người làm cho Dùn bất ngờ. Chưa bao giờ ông nội Dùn đưa mình vào
vòng giam nhốt hay mềm lòng với kẻ khác màu áo, vậy mà bây giờ!…
Cuộc trò chuyện bên ngoài
vẫn vọng vào lúc to, lúc nhỏ. Tiếng ông nội:
- Ta biết thế nào cán bộ
cũng đến tìm ta. Ta biết quấn lấy nhau thì sống, chia nhau ra thì chết, nhưng
thời buổi loạn lạc, mạng người nhẹ hơn mạng dê, mạng chó, nên ta coi thỏa hiệp
để tồn tại là tốt nhất.
Tiếng Long:
- Nhưng thưa cụ, như thế có
phải là quạt thóc chờ gió. Thực tế đám mây ở giữa không cùng, ngẫm đi chẳng làm
hại ai, ngẫm lại chẳng ai hại mình, nhưng quanh năm nổi trôi, biến hóa, cuối
cùng cũng vẫn buộc phải rõ ràng, hoặc là làm lợi cho mùa màng, cây cối, hoặc
gây lũ lụt làm khổ cho muôn loài.
Ông nội:
- Nhưng từ lâu ta đã thoát
khỏi vòng danh lợi.
Long:
- Dạ thưa cụ, xin cụ cho
cháu nói thật. Cụ nói từ chối danh lợi chỉ đúng một phần, cốt lõi là cụ ngại
động chạm, ngại phá vỡ. Cụ coi sự hỗn loạn không có sự góp mặt của cụ ư! Cụ ơi,
một con ngựa đau cả tàu ngựa có ăn nổi cỏ không? Lòng thiện bao trùm là một
việc tốt, song trong lòng cái ác đang hoành hành thì lòng thiện chưa đủ.
Ông nội:
- Anh đến thuyết phục ta có
điều kiện gì chăng?
Long:
- Dạ thưa cụ, điều kiện
cháu không dám, song đường đi của cụ với đường đi của cách mạng là một, vậy tại
sao cụ cứ đứng ở bờ bên này còn cách mạng cứ ở bờ bên kia?
Ông nội:
- Nói gì thì nói, tục lụy
bao giờ cũng đặt cái lợi lên bàn thờ, ta không muốn thế, ta muốn mãi là ta. Đời
ta, những cái đã qua ta đã không làm được, những cái hiện tại ta đang cố lấy
tâm, lấy thiện để cứu rỗi. Còn ngày mai ư! Ta sửa mình còn chưa xong còn mong
đứng về phía nào để dạy dỗ, tu sửa.
- Cháu biết. Cụ không muốn
đứng về bên này hay bên kia, nhưng bóng của cụ sáng che hướng Đông, chiều che
hướng Tây, một lời cụ nói ra thành gió trải khắp rừng, một việc cụ làm là cả
bản làm theo.
- ...
- Cụ ơi! Cây cỏ sống chỗ
nào biết chỗ ấy, nhưng con người khác, một nhà không thể là một bản, một bản
không thể là một vùng, một vùng không thể là một nước. Làm sao cụ có thể ngồi
nhìn đất đai dân chúng của mình bị chúng chia cắt nát tan mà không động tâm suy
nghĩ.
Rỉ rả, rỉ rả, hai dòng nước
đang nhập làm một khiến cho Dùn không thể không suy ngẫm. Chế độ mà đồng bọn
Dùn ra sức bôi đen dẫu chưa làm được gì nhiều, song qua nghe bằng tai, nhìn
bằng mắt, anh thấy những con người gây dựng lên chế độ ấy không xấu như những
lời đồn thổi. Nghĩ người lại nghĩ đến mình. Cái ân nghĩa lớn nhất của dân tộc
Việt là sẵn lòng đùm bọc thương yêu những kẻ hoạn nạn. Bao đời qua những người
lưu vong cùng những người bản địa luôn chung tay, chung sức chống chọi thiên
nhiên, đánh đuổi xâm lăng, giữ yên nhà, yên nước, bây giờ nồi da nấu thịt nên
chăng? Bao mâu thuẫn lớn, nhỏ, nặng, nhẹ đều có chung cái nguồn lợi danh, chính
kiến.
Lợi danh, chính kiến ư?
Dùn lại áp tai vào vách để
thu nhận những tiếng nói từ bên ngoài.
Tiếng ông nội vọng vào tai
Dùn mồn một:
- Ta đã uống nước nhiều nguồn, trèo qua nhiều
ngọn núi, ta biết sẽ khó có chế độ nào tốt bằng chế độ các anh đang gây dựng.
Những gì ta, con cháu ta đã làm, trái thì bỏ đi, phải thì cố giữ, kẻ kéo nước
vào thuyền, đưa hổ về bản đâu, ra ta bảo.
Nghe ông nội gọi, Dùn không
thể không ra.
Nhìn thấy Dùn, Long không
thay đổi nét mặt, anh với cái túi da dê rót đầy một bát rượu đưa cho Dùn:
- Anh uống đi. Sống giữa
cái vùng giết người không mắc tội, cướp giật không ai ngăn cấm, muốn sống thì
phải tìm chỗ dựa là phải thôi.
Câu khích của Long chạm vào
lòng tự ái của Dùn, anh đỡ bát rượu rồi đặt mạnh xuống mâm:
- Có những cái chưa chế ngự
được thì phải theo. Theo thế là theo tạm thời, là tận dụng cơ hội để nuôi lớn
mình, thế chưa phải là biết hay sao?
Long nâng bát rượu lên nhấp
một chút rồi đặt nhẹ xuống mâm, ôn tồn:
- Người ta có thế xả thân
vì chính kiến, lợi lộc, nhưng anh xả thân vì cái gì?
- Vì... vì chưa tâm phục,
khẩu phục... Thế thôi.
Long vẫn từ tốn:
- Tôi biết anh chưa tin vào Việt Minh. Tôi biết
sự thành kiến dễ lấp mắt con người, nhất là những thứ mới nhìn thấy bằng tai,
song ta cứ bày lên trước bếp lửa để tính rõ phải trái nhé.
- ...
- Theo anh Việt Minh là gì?
- Là, là…
Long:
- Là những người đi cướp
đất, cướp người chẳng khác gì bọn lính khố đỏ, bọn Quốc dân Đảng chứ gì?
Dùn:
- Cũng không hẳn thế, nhưng
rừng có chủ của rừng, biển có chủ của biển, ai có phận nấy rồi, sao các người
lại đến xáo tung lên.
Long:
- Nhưng ai đã làm chủ đất
này, người Pháp, người Nhật, họ Đèo, Triệu Tá Sắn hay các anh?
- ...
- Ai thì các anh quá biết
rồi, vậy mà không hiểu tại sao các anh vẫn như con ếch cứ thấy động là nhảy,
bất kể trước mặt là đất bằng hay vực sâu.
- Nhưng các anh cũng phải
hiểu cho chúng tôi, một bên là hổ, một bên là gấu, được lòng gấu thì chết với
hổ, được lòng hổ thì chết với gấu, ngồi trên chảo lửa thì phải tìm đường nhảy
ra thôi.
- Nhưng nhảy ra đâu. Đi
theo khẩu hiệu cướp châu, cướp muối, cướp thóc, diệt cán bộ của bọn phỉ ư? Từ
đi theo, từ tiếp tay cho phỉ các anh đã làm cho đâu đâu cũng cha mẹ xa con, vợ
xa chồng, đói khát, ốm đau, bệnh dịch tràn lan, như thế đúng hay không đúng?
- Biến loạn chưa chắc đã từ
đói khát, nhưng biến loạn chắc chắn bắt đầu từ chính kiến, từ gắng thắng được
người...
- Thôi đi, đừng lấy dao
chặt trong sọt nữa – Cụ giáo gầm lên -
Ta nói cho ngươi biết trời đã sáng, mưa đã khắp, người đã có đường có
lối, các ngươi hãy quay súng trở về đi, đừng có làm cái việc bắn giết vô nghĩa
nữa.
- Dạ nhưng…
- Giữ cửa có nhiều cách,
song dù cửa lim cửa sến, chốt sắt khóa đồng gì cũng không chắc chắn bằng cách
hợp lực cùng người tốt đâu.
Kiên quyết của ông nội cùng
sự thuyết phục của Long làm Dùn xiêu lòng. Cuộc gặp gỡ với Long đã thay đổi đời
Dùn, anh đã cùng mười hai anh em họ Triệu mang súng ra hàng, đã được đứng vào
hàng ngũ và mang sức gấu, sức hổ ra làm việc cho cách mạng, cho dân tộc mình.
Mấy năm làm việc chính quyền là mấy năm, một bên ngưỡng mộ trời đất, núi non,
sông nước, tôn kính tổ tiên và các bậc thần linh, một bên một lòng phụng sự công việc, muôn lời nói ra đều thuận
tai, muôn vật làm ra đều thuận mắt, vậy mà… tay
Dùn đã vấy máu rồi biết rửa sao đây?
12
Đợi cho Vương ngủ say, Đàu sẽ sàng ngồi dậy. Cô khẽ
khàng thổi cho ngọn lửa bùng lên. Trong sương mù, ngọn lửa không thành hình,
thành dạng mà toẽ ra như bị đè vỡ, những sợi khói ngoằn ngoèo bay lên lơ lửng
mãi không tan.
Trong ánh lửa bập bùng ánh mắt Đàu ánh lên sự khát
khao, thèm muốn. Bên kia đống lửa Vương đã ngủ ngon lành. Với vóc dáng cao lớn,
các thớ thịt vồng lên cuồn cuộn, nước da màu đồng hun dạn dày sương gió, lúc thức
Vương là con hổ giữa rừng, lúc ngủ Vương như con trăn lười sưởi nắng.
Trăng giữa
tháng trèo qua đỉnh núi rờ rỡ như mặt người đàn bà đang kỳ khai hoa mãn nguyệt.
Khắp bầu trời mênh mông hàng vạn vì sao chi chít. Thỉnh thoảng từng đám mây lãng đãng khỏa lấp ánh trăng, ánh sao rồi
ông giời lại vén mây cho muôn vật rõ ràng. Xa xa, những dãy
núi đuổi nhau mơ màng, lặng lẽ. Đâu đây tiếng gà eo óc báo hiệu sự hiện diện của con người.
Mặc dù mệt, rất mệt, nhưng
Đàu không muốn thiếp đi trong giây phút hiếm hoi bên cạnh người cô yêu dấu,
nhất là khi sự bao bọc của màn đêm không tạo nên sự yên dạ mà trái lại nó càng
khuấy lên sự phấp phỏng, chập chờn. Nhìn Vương ngủ ngon lành lòng cô dâng lên
nỗi niềm thương cảm. Thương cảm cho anh, cho chính mình, cả hai đang vẫy vùng
giữa vòng vây của của hai nhà mà không sao thoát ra được.
Đêm làm bạn với đống lửa
dài như cả một đời người. Cái được, cái mất của những lần mặt trời đi qua phơi
ra trước chập chờn củi lửa, như bát rượu xuông trước mặt Đàu.
Đàu gặp Vương như định mệnh.
Vào những
ngày đầu mùa thu một con bệnh quái ác làm cho Đàu nằm liệt giường, hết sốt nóng
lại sốt lạnh. Mẹ Đàu mất sớm, hai bố con một cây một cọc nuôi nhau, Đàu ốm, bố
cô lật đật chạy ngược chạy xuôi khắp rừng, khắp bản. Bố mời thày thuốc. Đàu hết
phải nhắm mắt uống những bát thuốc đắng như mật thú đến nằm chết giả cho thày
châm cứu, bấm huyệt mà người ngợm vẫn như bếp lửa đang cháy. Bố mời thày cúng.
Thày cúng cúng ba ngày ba đêm, đến sáng thứ tư tự nhiên Đàu bật dậy, mọi thứ
trước mắt Đàu mờ ảo, thật giả. Mờ ảo trong
ánh lửa chập chờn từ cái
đĩa đèn đốt bằng mỡ lợn, mờ ảo trong
sự lo lắng, căng thẳng của những người đàn ông, đàn bà ngồi lố nhố quanh bếp, mờ ảo về thân phận của
mình… Tất cả những gì quanh cô, trong cô đều mờ mờ ảo ảo nhưng lời phán quyết
của thày thì rõ ràng, tàn nhẫn:
- Nước xa không cứu được lửa gần rồi!
Lời của
thày như lời của
Diêm vương làm cho mọi người rụng rời,
ngơ ngác. Bố Đàu
đang quỳ trước bàn thờ nhổm lên nắm lấy tay thày hỏi dồn:
- Sao? Thày bảo sao?
Mặt thày vẫn
lạnh tanh. Lời thày vẫn như thả vào tai người không sống ở thế gian này:
- Nó không ở trong bản được nữa, nó đang gây tai hoạ
cho cả bản đấy.
Mọi người lặng đi rồi tiếng rì rầm nổi lên:
- Con ma theo nó nhập vào làm
hại cả bản rồi.
- Năm sáu người trong bản bị
ma làm theo nó rồi.
- Phải đưa nó ra khỏi bản thôi, để ở đây cả bản chết
hết đấy...
Bố Đàu lặng đi, ông đau khổ níu kéo, cầu cứu từng
người:
- Cây sắp đổ sao lại dồn nhát thế này các ông, các
bà ơi!
- Cháu mồ côi mồ cút từ bé các ông các bà ơi!
Mọi
người lao xao:
- Ông hiểu sai ý thày rồi, đưa cháu ra khỏi bản chữa
bệnh để tránh tai hoạ cho bản chứ ai đẩy cháu đến cùng đường.
- Thày nói đúng đấy, bác cứ cho cháu ra nhà coi
nương chạy chữa, đừng để nước chảy kéo theo đá lở.
Phụ hoạ cho lời mọi người,
tại một nhà trong bản đang cúng ma cho một thằng bé đang bị sốt mê man. Tiếng
chuông, tiếng cúng của thầy trong đêm
sâu càng làm cho không khí ảm đạm, ma quái. Bố mẹ, chú bác, anh em thằng bé nét
mặt căng thẳng, thành kính quỳ sau lưng thầy, mỗi lần thầy lắc chuông cả nhà
lại cúi rạp xuống xuýt xoa. Thầy vùng đứng dậy, miệng thầy cúng, chân thầy nhảy
lò cò, tay thầy cầm roi đánh ma vụt quanh giường, rồi vụt túi bụi lên người
thằng bé. Thằng bé kêu thét lên rồi lịm đi. Mọi người trong nhà đều nhắm nghiền
mắt, cúi rạp xuống cầu khấn.
Tại một nhà khác. Trong nhà
bà chủ nhà đang nằm sốt run, trên cái sàn dựng trước cửa chủ nhà đang làm lễ
đuổi ma. Ông thành kính cúng bái. Sau một hồi cúng dồn dập ông vùng đứng dậy
vung gạo muối lung tung rồi sụp xuống.
Tại một nhà khác. Trong căn
nhà tồi tàn, vách nứa trống huyếch trống hoác, mái cọ thủng lỗ chỗ, bên ngọn
đèn dầu một thiếu phụ đang bế đứa con bị sốt quặt quẹo đi đi lại lai. Chị lo
lắng, đau khổ gào lên: “Hỡi giời đất, hỡi thần rừng, thần núi, nhà con có tội
tình gì mà nỡ đầy đọa con con thế này hở giời?”, “Hỡi con thần nanh đỏ mỏ sao
mày không chết dấm chết dúi ngoài rừng, ngoài suối mà lại mang ma, mang quỷ về
bản hại con tao thế này?”, “Con ơi, con bị làm sao thì mẹ cũng theo con. Không,
trước khi theo con mẹ sẽ làm cho đứa nào gây tai họa cho bản không còn đường
sống con ơi!”.
Trong tĩnh lặng, tiếng kêu
gào đau khổ của người đàn bà rót vào tai mỗi người, mỗi nhà từng tiếng, từng
tiếng một cách tàn nhẫn.
Đàu gục xuống, hồn vía cô trả hết cho giời,
cho đất.
*
* *
Đàu không
biết bố và dân bản tống tiễn mình ra khỏi
bản bằng cách nào, cô chỉ biết khi tỉnh dậy đã thấy
mình bơ vơ trong cái lều nằm chơ vơ giữa nương lúa đã thu hoạch. Bốn bề quanh lều trống trải, hoang vắng, sương giăng mù mịt, cây cỏ,
chiếu chăn ướt át hơi sương. Đàu thầm cảm
ơn sự chu đáo của bố. Lều tuy nhỏ, lợp tranh, vách nứa, song được làm chắc chắn, cẩn thận. Trong lều có giường kên bằng vầu đập dập, bốn cái chân giường cũng bằng vầu chôn chắc chắn, cánh cửa bằng vầu được cài từ bên trong. Trên vách lều treo lủng lẳng những túi gạo, rau. Ngoài cửa lều cắm cành bang báo trong nhà có người ốm cấm người lạ
vào. Bếp lửa ở sát ngay lối ra vào, cạnh bếp là cái ấm sắc thuốc. Trên gác bếp thòng xuống
mấy tảng thịt cán bá ám khói. Với những thứ đang có trong lều, nếu không bị con bệnh lôi đi Đàu có thể tự kéo dài
đời mình ra dăm bẩy ngày.
Đàu gắng gượng lần ra ngồi
bệt trên tảng đá trước cửa lán.
Trời sang trưa. Bầu trời
ong ong như trong chum. Dòng nước trên con suối trước mặt trong xanh như lọc
qua một biển cát song sự nổi giận của núi rừng vẫn ăn chặt vào da thịt của hai
bên bờ, của cây cối. Cảnh vật lặng lẽ, đìu hiu. Giữa nương, một cây cơi cổ thụ
với những dây leo chằng chịt, dấu tích của thời khai thiên lập địa còn sót lại
đứng chơ vơ, lạc lõng. Không có gió, không có nắng, những mắt lá, mắt cây, mắt
giời chết lặng cùng cây.
Đàu nhìn ra mênh mông. Màu
xanh của rừng, của núi khuấy lên trong cô sự náo nức, ham sống. Đã lâu, lâu lắm
rồi Đàu có thói quen đón bình minh ở trong rừng. Còn gì sung sướng hơn mỗi buổi
sáng, trời đất, cây lá, ý nghĩ tinh khôi lại được từng làn gió mang hơi thở của
rừng thấm vào da thịt, lại được ánh nắng ban mai luồn vào hâm nóng từng mạch
máu. Trong rừng không có con vật nào tồn tại biệt lập, mỗi loài đều được giời
đất ban tặng cách thể hiện sự tồn tại, thể hiện sự hòa đồng. Tiếng hót quyến rũ
của những con hoạ mi làm cho khu rừng vang lên những âm thanh vui nhộn, tha
thiết. Những con cú cụp bộ áo tơi xuống song không quên rúc lên những tiếng dài
gọi bạn...
Đàu nghĩ tới thân phận mình. Cô như muốn phanh
ngực áo ra mà thề thốt với trời xanh. Cái án oan nghiệt mà mọi người gán cho cô
khiến cô uất ức, muốn giãi bày mà không giãi bày nổi, muốn chôn vùi cũng không
xong, nó cứ lơ lửng, mông lung đến chính cô cũng không biết thật hay giả. Cô
giơ hai tay ôm lấy mặt, hai bàn tay bịt không kín khuôn mặt thành ra hình ảnh
múa may quay cuồng của ông thầy cúng già cứ hiện lên mồn một. Trời ơi! Đâu rồi
con bé Đàu, đám mây của giời vô tư, trong sáng, mũm mĩm như bắp ngô căng sữa.
Đâu rồi hai chân sáo lúc nào cũng nhảy tâng tâng, giọng nói lúc nào cũng nhí
nhảnh, hồn nhiên…
Đàu vò võ đếm ngày đếm đêm,
đếm mưa đếm nắng suốt cả tuần cùng siêu thuốc, cùng những đồ tiếp tế của bố. Cô
những tưởng ngoài người bố tội nghiệp cô vĩnh viễn không được tiếp xúc với con
người thì Vương đến.
Hôm đó trời đất như hai kẻ
yêu nhau đang hờn đang dỗi.
Hôm đó trời thoắt mưa, thoắt nắng làm con bệnh
quỷ ám trong người trỗi dậy bắt tình bắt tội Đàu.
Hôm đó không đúng ngày mang
gạo mang thuốc của bố nên Đàu tự do lột quần lột áo một sống một chết với con
bệnh.
Giữa lúc Đàu hết sốt lạnh
đến sốt nóng thì cánh cửa bật mở, một chàng trai khỏe mạnh, người đầy máu me,
vai vác con gấu như con lợn tạ quẳng ịch xuống giữa nền lều rồi ngồi bệt xuống
thở dốc.
Sau ngỡ ngàng đến hoảng sợ, Đàu co dúm vào
trong cái chăn chiên, cái chăn quá nhỏ nên Đàu kéo chỗ này chỗ kia hở, khiến cô
lúng túng, run rẩy.
Chàng trai định hình được
mọi vật trong nhà, anh luống cuống lùi dần ra cửa.
Đàu run run mặc quần áo rồi
cơn sốt lại ập đến. Cô lịm đi không biết bao lâu, khi tỉnh dậy cô thấy con gấu
vẫn nằm chềnh ềnh trên nền đất còn chàng trai đang lúi húi sắc thuốc cho cô.
Tủi nhục, đau khổ dằn vặt trong suốt những ngày bị bỏ rơi hòa quyện với rưng
rưng của con tim lá gan trào lên khiến cô run lên trong tiếng nấc.
Ái ngại, thương cảm cho cô,
chàng trai đến bên cô vỗ về, an ủi, cô cảm động, bày ra trước mắt anh thân phận
bèo bọt và bệnh tật của mình. Đáp lại sự chân thành của cô, anh hào hứng kể về
mình.
Ngày ấy, đêm ấy, đêm sau,
đêm sau nữa chàng trai ở lại bên cô. Anh lấy mật gấu cho cô uống, chặt bốn cái
chân gấu ninh cháo bồi bổ cho cô. Thấy cô ngại ngùng anh cho cô là trẻ con, hổ
ốm còn gọi đàn huống chi là con người, anh bảo khi khỏi bệnh cô trả ơn bằng
cách giữ cho bếp lửa nhà anh cháy ngày cháy đêm là được. Lời ngọt chết kiến của
anh làm cho tim cô như nhảy khỏi ngực. Gia đình anh danh giá, giàu có, bản thân
anh vạm vỡ, khỏe mạnh, tài giỏi, thông thạo cả chữ Nôm Dao lẫn chữ Quốc ngữ,
còn cô bị ma làm, bị cả dân bản đuổi ra rừng, vậy mà anh vẫn thương cô, lo lắng
cho cô, vậy mà… Lòng say lòng, lửa bén củi, cô ngả vào lòng anh tin cậy, cô đã
trao cho anh thứ quý nhất của đời mình, mãn nguyện rồi cô vừa say sưa ngắm anh,
vừa mơ tưởng tới ngày được sống trong cái thiên đường do hai người tạo dựng.
Đàu tưởng cả nhà Vương sẽ
hân hoan đón cô, bố cô sẽ cám ơn giời đất đã xe duyên cho hai người, nào ngờ,
ngày bố đưa gạo, rau, thuốc lên cho cô là ngày anh và cô gặp sóng gió. Cô không
biết tại sao cuộc nói chuyện giữa anh và bố đang thuận như nước chảy bỗng bố cô
nổi giông nổi bão khi biết bố anh là chủ tịch xã Sín Chải. Và bố anh nữa. Anh
vừa nói đến tên bố cô là bố anh đã gầm lên cấm cửa. Sự quyết liệt rẽ duyên của
hai ông bố khiến cô và anh như Ngưu Lang Chức Nữ. Ngưu Lang Chức Nữ còn một năm
đàng hoàng gặp nhau một lần, còn anh và cô muốn gặp được nhau phải lận đận qua
bao nhiêu dối lừa, khổ ải.
Nước lạnh thổi mãi vẫn
không thành nước nóng, chống không chống được, níu kéo, vụng trộm biết được bao
lâu. Trái tim phản kháng mãi không thành, cố hóa đá mà không được khiến cô và
anh phải co vào mình trong sự thầm lặng, xót xa. Tình yêu là gì? Là ngọn gió
làm quẩn chân người, chân ngựa? Là sợi dây thừng buộc vào cổ con nghé non tơ?
Là cái mà người ta cố quên nhưng răng cứ đè nhầm lưỡi, bước chân làm nhỡ bước
chân? Là lúc mê mải bay nhảy trên chín tầng mây, lúc chống chếnh như ba ngày
không có gì bỏ vào bụng?… Nhiều lúc Đàu phải úp mặt vào đống quần áo mốc sì
thổn thức cho vợi bớt thống khổ. Nhiều đêm không ngủ, trèo lên mỏm đồi chờ mây
ăn trăng cô chỉ muốn cho nắm lá ngón vào mồm cho xong tội. Trời ơi! Nếu mọi cái
người lớn đều bí hiểm, đều đúng, cô và anh chỉ là cây gậy trong tay họ thì anh
và cô còn sống làm gì.
Đã mấy lần cô và anh chẻ
nhỏ sự cấm đoán của hai ông bố khắc nghiệt ra để tìm rõ nguyên do, nhưng lần
nào cả hai cũng đều như con kiến leo phải cành cụt. Họ hàng hang hốc ư? Anh họ
Triệu, cô họ Phàn, Người Dao ở đất này mười đời thì mười đời hai họ chưa một
lần xe duyên, lấy số. Môn đăng hộ đối ư? Chưa một lần hai nhà đưa danh giá,
giàu có ra để ngăn cản. Xứng đôi vừa lứa ư? Anh đẹp trai, khỏe mạnh, nhanh nhẹn
như con báo thì cô cũng vóc dáng, tính nết trời cho. Vậy thì từ cái gì? Vì cái
gì? Phải chăng hai họ ghét bỏ nhau từ kiếp trước? Phải chăng hai ông bố gây thù
chuốc oán nhau từ thời làm lính họ Đèo? Làm con suối, con sông đổi dòng khó như
với tay tới trời nhưng quyết tâm là có thể làm được, làm thay đổi ý chí của
người đánh đục vào cột có gắng đến mấy cũng cầm như cái lá trôi sông.
Đêm chầm chậm chuyển dần về
sáng, bầu trời toác dần trong sương mù, không khí lạnh lẽo, giá buốt vẫn úp
chụp lên mặt đất nhớp nháp, bẩn thỉu, song bóng ngày tràn tới thì bóng đêm lui,
những phấp phỏng hun hút của đêm dần dần được xóa nhòa.
Đàu lặng lẽ thở dài, sau
canh giờ nữa cô lại phải chia tay anh, biết đến lúc nào anh và cô lại thoát
khỏi vòng cương tỏa. Cô nhẹ nhàng nằm ghé sát bên Vương. Vụng trộm, đau khổ làm
cả hai rộc rạc. Lo lắng, mất ngủ làm cho Vương như đang mỡ màng, sức lực thành
cái cây bị bứng khỏi đất. Đàu cũng sa sút không kém, da dẻ cô sạm lại, hai mắt
quầng sâu. Cả hai cố nén lòng chờ đợi ngày mai, dẫu biết ngày mai chẳng dẫn đi
đến đâu cả.
Đàu đưa tay vuốt những sợi tóc lòa xòa
trên trán Vương. Những ngón tay thơm mùi sữa tươi làm cho Vương tỉnh giấc, một
cảm giác dễ chịu, rạo rực lan tỏa khắp
cơ thể, Vương quài tay kéo Đàu nằm xuống nệm lá. Trong vòng tay của người chung
da chung thịt, Đàu ngước nhìn lên bầu trời trinh trắng một cách mãn nguyện. Ông
giời, bà đất đã sinh ra người đực, người cái, đã cho mỗi người có cái để mê
nhau, hút nhau, đưa nhau lên chín tầng giời, tại sao cô và anh lại không tận
hưởng những gì giời đất ban tặng mà lại cứ đeo hòn đá nặng vào cổ.
Nhìn Đàu đang chuẩn bị chui vào thác,
Vương nhẹ nhàng trườn lên người cô, hôn lên cái mũi hếch ngây thơ của người
yêu, cậu hỏi:
- Con rái cá bé nhỏ ơi, em nghĩ ngợi gì
thế?
Đàu nhắm mắt, lắc đầu.
Tưởng người yêu đang nghĩ về những tảng
đá cản đường, Vương an ủi:
- Đừng nghĩ ngợi gì nữa, anh không tin cả
hai nhà sắt đá mãi được.
Câu an ủi của Vương kéo tuột Đàu về thực
tại, cô thở dài, nói không ra hơi, một động thái không hợp với một bông hoa mới
hé:
- Nhưng em lo lắm, mình biết làm thế nào
bây giờ hả anh?
Vương cũng nén tiếng thở dài, mắt cậu
nhắm nghiền, người thả lỏng, các ngón tay chết cứng trên cơ thể người yêu. Đàu
lo lắng hỏi Vương:
- Nếu bố mẹ hai bên kiên quyết bắt con
suối đổi dòng thì anh tính sao?
Vương vùng lên, hai mắt đỏ đọc như mắt
con thỏ bị dồn tới cùng đường:
- Không tính gì cả, sống cùng sống, chết
cùng chết.
Chợt thấy mình nổi nóng vô lý, nhất là vào cái
lúc giời đất giao nhau, lòng người giao nhau, Vương nằm xuống, luồn cánh tay đỡ
lấy đầu Đàu:
- Em cứ yên tâm đi, anh tin nước chảy đá
mòn…
- Nhưng…
- Đừng nhưng nữa, em hãy cho ngày cho
tháng đi, không làm được việc lấp bể rời non anh cũng phải làm được nước chảy
xuôi dòng.
Đàu se sẽ gật đầu, cô dụi dụi cái đầu
chim ngói vào nách Vương.
Phấn hứng dâng lên, Vương nhẹ nhàng cởi bỏ mọi
vướng víu trên người, nhẹ nhàng làm cái việc mà người đàn ông nên làm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét