Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Thổ phỉ -Tiểu thuyết -Tác giả Đoàn Hữu Nam- NXB Hội Nhà văn 2010


THỔ PHỈ

1
Buổi lễ cấp sắc cho Triệu Phú Vương, con trai cả của Chủ tịch xã Sín Chải Triệu Tá Dùn đang vào giây phút quyết định.  Căn nhà hai mươi mốt gian chật như củi bó. Người đến dự lễ có hoàn cảnh khác nhau, lý do khác nhau song tất cả đều nín thở dồn tâm nguyện vào người chịu lễ.
Trong khói hương nghi ngút, tiếng trống trầm hùng, tiếng chiêng chập cheng huyền bí, tiếng kèn lảnh lót thúc quân xung trận, tiếng tù và đánh thức rừng núi, tiếng xúc xắc sôi động, dưới sự điều khiển của thầy Sùng Peng ba thanh niên trang phục theo nghi lễ của người được phong sắc đến đứng trước bàn thờ đợi lệnh.
Cùng lúc thày Khòi Cháo cuộn ba tờ tranh thờ thần dựng tựa trên cái bàn kê sát vách. Triệu Phú Vương nhắm mắt, quay lưng, lùi lại ba bước, đưa tay ra đằng sau run run sờ vào bức tranh thần.
Người họ Triệu đứng tim.
 Người Dao Sín Chải đứng tim.
Thành hay không thành? Số phận của người chịu lễ ra sao? Người Dao đỏ nơi đây trông cậy được ở người thanh niên này thế nào? Tất cả đều ở phút giây định mệnh đang chờ đợi.
Ba bức tranh thờ thần mà người thụ lễ sắp bắt, bức nào cũng có thần tài phù trợ? Thần Thài vẳy- Vị thần của sự bình yên, khiêm nhường, nín nhịn, coi trọng việc học hành thành đạt. Ở đâu có thần Thài vẳy hiển linh ở đó có quân sư tài giỏi, thông hiểu lý lối, chữ nghĩa. Người quân sư đó có thể dẫn dắt tộc người ra khỏi những rắc rối trên đời, tạo dựng cho rừng, cho núi, cho con người cuộc sống bình yên, giữ cho con suối, dòng sông xuôi về tận biển. Thần Zồng tàn - Vị thần dũng mãnh có thể đối mặt với cái ác, với thiên nhiên hung dữ. Người Dao coi mình là kềm mền ton (người ở rừng), trời định cho người Dao lấy núi làm chỗ chở che, lấy rừng làm nguồn sống. Cha núi cho người Dao điểm tựa, mẹ rừng cho người Dao nguồn sữa. Mẹ cha nâng đỡ, nuôi nấng người Dao từng ngày song cũng thử thách người Dao từng bước. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những con người mạnh như hổ, khéo như báo, nhanh như hươu nai, đủ sức, đủ khéo léo chống chọi với gió mưa, thú dữ. Có thần Zồng tàn phù trợ là có những vị tướng tài cầm quân đánh giặc bảo vệ được bản làng. Nhưng trong lúc thời thế như nồi thắng cố đang sôi; thú to, thú nhỏ gầm ghè; tranh giành, cướp giật khắp nơi thì khát khao cháy bỏng của cả cộng đồng người Dao Sín Chải hướng cả vào thần Hòi Phan - Vị thần có thể phù hộ cho họ có người dẫn dắt ra khỏi cảnh múa dao trong sọt, giữ cho đất này trong ấm ngoài êm.

2
Trong khi đám người cuồng tín để cả hồn vía vào lễ bái thì trong một ngách buồng của chủ nhà, Triệu Tá Sắn đang một mình một mâm  rượu.
Căn buồng giống như cái hang thuận cho Sắn việc giấu mình. Mâm rượu vừa lưu giữ Sắn, vừa tạo cho Sắn có thời giờ thu hết mọi động tĩnh từ bên ngoài để ngẫm ngợi, để chuẩn bị cho mai sau.
Triệu Tá Sắn là con cả của Châu đoàn Triệu Kim Vảng. Họ Triệu cha truyền con nối cai quản vùng Sán Chải. Triệu Kim Vảng là con cả, giàu có, lại có binh quyền trong tay nên đương nhiên quyền thế nghiêng trời lệch đất. Triệu Tá Sắn nối được nghiệp bố, còn hơn bố cả trong quan trường lẫn quan hệ trong, ngoài dòng tộc.
Sắn ra đời đúng vào mùa sinh nở của loài hổ, được loài hổ chở che, cho bú mớm. Tương truyền loài chúa sơn lâm có lãnh địa rộng lớn ở phía Tây dãy Hoàng Liên từ xửa xưa là vệ sỹ của thiên cung. Năm nọ loạn rừng, động biển. Trên trời, các loài chim tự nhiên bay vọt ra khỏi tổ, lao vào mổ xẻ lẫn nhau. Cuộc chiến của móng vuốt, mỏ, cánh làm cho bầu trời vùng rừng tối sầm, lông chim bay mù trời, cứt chim, máu chim, thịt chim rơi lả tả, tiếng quang quác kêu than náo loạn cả trời xanh. Dưới đất, các loài thú tự nhiên lao ra khỏi ổ, thú lớn cắn xé thú bé, thú lớn quần nhau với thú lớn, thú lớn, thú bé ăn thịt lẫn nhau. Dưới nước, thần rùa, thuồng luồng, cá lớn, cá bé tranh giành chỗ sống, đánh nhau một mất một còn, máu tanh nhuộm đỏ suối, đỏ sông, tôm cả nổi trắng mặt nước, đất đai ngập chìm, lũ lụt.
Loạn lạc làm cho gầm trời náo động, thần linh thổ địa kinh hoàng, oán hận động cả trời xanh. Ngọc Hoàng cả kinh, vội phái vệ sỹ hổ xuống trần gian dẹp loạn. Do oai phong lẫm liệt lại được theo học thập bát ban võ nghệ của Miêu sư nên hổ chiến thắng được muôn loài lấy lại được bình yên cho hạ giới. Với chiến công dẹp loạn, hổ được Ngọc Hoàng Thượng đế đóng dấu chữ Vương vào trán rồi cho cai quản bách thú sinh sống quanh núi Hoàng Liên.
Ngày Sắn sắp chào đời thì mẹ Sắn vô tình chui qua rừng ma. Hàng trăm con ma đói khát vây quanh đùa bỡn, một tốp thợ săn phát hiện ra đưa về nhà châu đoàn thì bà đang ngấp nghé ở cửa địa ngục.
Lễ bói ma tại nhà châu đoàn diễn ra trong trang nghiêm, bí hiểm. Trong chuồng, mấy chục con lợn, hàng trăm con gà bình thản chờ thần chết. Đầu hồi, mười con chó mực buộc sẵn chờ hóa kiếp. Trong nhà, người bệnh nằm thiêm thiếp trên giường, mọi người ngồi quanh nín thở chờ đợi. Nỗi lo lắng, mệt mỏi thành cái chài khổng lồ trùm lên cả họ tộc, lây lan ra cả những người khác dòng khác giống.

Thầy cúng vào cuộc. Trên mảnh vải đỏ trải trên bàn trước mặt thầy là đồ nghề mười đời ăn cơm thiên hạ. Tiếng cúng của thầy chỉ có hồn ma mới chịu nổi dai dẳng thúc vào đêm, vào trí não mọi người. Cái mâm chứa cả trăm cái răng nanh hội tụ hồn vía các loài mãnh thú như hổ, báo, gấu, lợn lòi... hất lên trời như hất ngô rồi lại tụ xuáy vào giữa mâm. Bỗng tiếng hét kinh thiên động địa của thầy phát ra làm mọi người giật mình. Người bệnh toàn thân đỏ như con tôm luộc, lông mọc dài, hai tay giang ra như một tội đồ, miệng hú hét kêu cứu. Tiếng ai đó trong đám đông ngoài sân thốt lên:
- Ma rừng bắt hồn, bắt vía bà chủ rồi!
Một người quỳ xuống ngẩng mặt lên trời:
- Trời ơi! Sao trời nỡ hại cả mẹ cả con bà chủ thế này!
Tất cả quỳ theo. Tất cả ngước mắt lên bấu víu vào bầu trời. Bầu trời tối đen như mực, thỉnh thoảng vài ngôi sao lóe lên rồi lại mất hút vào biển đêm – Trời vừa nhìn, vừa không nhìn xuống nhà họ Triệu ở Sán Chải.
*
*     *
 Cuộc chiến dai dẳng giữa thầy cúng với ma rừng kéo dài năm ngày năm đêm mà hành trình từ bến chết ra bến sống của người mang quan tài gặp nạn vẫn lạc trong thăm thẳm rừng mê. Đêm ngày thứ sáu bỗng dưng người bệnh biến mất. Cả vùng lao vào cuộc tìm kiếm. Mười hai đội thợ săn được ba mươi sáu tên lính khố xanh hỗ trợ khuấy đảo khắp vùng. Suốt dải rừng phía Nam, phía Đông dãy Phan Si bị người, bị chó quần nát. Mười sáu thầy mo trong vùng lần tìm nát sổ Nam Tào... Những gì làm được họ Triệu đã  làm, cả vùng đã làm, song vợ của châu đoàn vẫn như rùa xuống vực. Cho đến ngày thứ mười bẩy một thằng bé khát sữa mò vào mút vú con hổ cái nhồi trấu ở góc nhà mọi người mới ồ lên. Chúa sơn lâm là nỗi khiếp sợ không cùng của các loài ăn cỏ, ăn thịt nhưng cũng là loài trừ tà ma, mang lại sự may mắn cho con người. Có thể trong mê trong tỉnh vợ châu đoàn đã nghĩ đến điều này nên đã mò đến lãnh địa của loài hổ, quyết đánh đổi mạng sống của mình để cứu được đứa con trong bụng.
Một quyết định chóng vánh được đưa ra. Món tiến thưởng gồm hai con trâu, năm con lợn, mười vò rượu, một trăm đồng bạc trắng, năm năm không phải đóng sưu thuế cho những ai dám vào lãnh địa của hổ tìm bà châu đoàn khiến ai nấy vừa hoa mắt, ù tai, vừa e ngại như chuẩn bị chui xuống địa ngục.
Lãnh địa của hổ ở phía Tây dãy Hoàng Liên.
 Tương truyền khi bắt đầu giáng trần loài chúa sơn lâm võ nghệ cao siêu, tinh thần gan dạ, dũng cảm, thích mạo hiểm là một loài ăn cỏ. Thảo nguyên bao la, đất đai mầu mỡ, mưa nắng thuận hòa đã sản sinh ra một loài cỏ mềm, ngọt, hương mật thơm tỏa ngan ngát làm cho loài quanh quẩn trên chốn nghiêm trang, lạnh lẽo thích thú. Chúng quây quần, hòa thuận, cùng các loài ăn cỏ khác tung tăng khắp chốn, lấy cỏ nuôi mình, lấy mình nuôi cỏ, không loài nào bắt nạt loài nào. Trong thuận có nghịch, trong thuận nuôi dưỡng mầm họa, các loài sinh sôi nảy nở như nấm mùa mưa khiến loài cỏ thơm ngon không mọc kịp. Mùa hạ - ông trời đổ lửa rang khô mặt đất khiến cây cỏ khô héo. Mùa đông - sương muối, mưa tuyết làm cây cỏ lụi tàn. Loài người - mang lửa lòng, lửa giời đến quanh năm triệt phá..., Tất cả hùa nhau phá vỡ sự yên bình, làm cho thảo nguyên mất dần màu xanh, làm cho đói khát bao trùm, muốn tồn tại thú lớn phải nhai nuốt thú bé, thú bé phải cậy nhờ hang hốc, cây cối. Hổ là một loài háu đói và nóng tính. Thấy cái đuôi dài không dọa được những kẻ đói khát, vuốt sắc  không làm kẻ thù khiếp sợ, hàm răng chắc khỏe không tranh nổi với tính cần mẫn, kiên nhẫn của trâu, bò, hươu, nai. Điên lên vì đói khát, điên lên vì tổn thương tự trọng và vì sự sống còn đã biến loài hổ thành những kẻ hiếu sát, những kẻ ăn thịt rùng rợn, nhất là khi loài người mê mẩn từng bộ phận trong cơ thể của chúng.
Cả vùng Phòng Tô chưa ai một lần dám đặt chân tới lãnh địa của loài hổ nhưng bếp nhà nào cũng rì rầm bàn tán, tai người cũng lọt qua những chuyện ly kỳ. Nó không chỉ nuôi dưỡng tính tò mò, gây nên nỗi sợ hãi truyền kiếp mà còn là niềm tự hào, thành kính của cả vùng. Trong tâm niệm của họ, lãnh địa của hổ là vương quốc thần tiên. Ở đó cứ mỗi tuần trăng là loài hổ lại về đây hội tụ. Ở đó vào mùa đực cái là khắp khu rừng rền vang tiếng gầm gào của những con hổ cái động đực, hổ đực khát tình. Ở đó vào mùa sinh nở những gia đình nhà hổ hiền như những chú mèo quấn quýt lấy nhau. Ở đó những con hổ biết tuổi giời đã hết, những con hổ bị tên bắn, bẫy sập, nếu thoát được sự vây hãm của con người là cố lết về quây quần để được chết trong nghĩa địa hổ. Người sắp chết thì buồn đau, lo sợ, nuối tiếc, hổ sắp chết vẫn tỏ rõ sự yêng hùng, chúng giúp nhau chết bằng cách cắn xé nhau, vả nhau cho máu chảy, xương lòi ra rồi con nào con nấy tự lấy cái lưỡi đầy gai sắc liếm cho chỗ bị thương thối loang ra để được hưởng cái chết đến dần dần. Quanh năm nơi này vang lên những tiếng gầm khàn khàn, trầm đục như tiếng khóc bi hùng tiễn đồng loại về thiên cổ...
*
*      *
Đội thợ săn của Tả Chải hăng hái dấn thân cuộc phiên lưu. Những người thợ săn lão luyện lấy trước phần thưởng uống rượu, cắt máu ăn thề, nhốt những con chó trung thành, tinh khôn lại rồi ngậm ngải vào rừng. Họ cứ đi, đi mãi, hết chui qua khu rừng ma, trèo qua khu rừng quỷ, đặt chân vào khu rừng không tên, không dấu chân người. Trên đầu họ là lũ quạ dẫn đường. Trước mặt, quanh họ cả đàn sói đưa lối. Họ đi cho đến khi bầu trời roãng ra, rừng núi roãng ra, chó sói lui, chim mất dạng, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên cả đội mới giật mình kinh sợ. Cả đội nhìn nhau. Bản tính người vùng rừng là thích phiêu lưu, mạo hiểm, thích thể hiện mình, nhất là khi có được sự đồng tình, kích động. Đã là thợ săn ai cũng muốn một lần được chạm trán với hổ, huống hồ cả đội toàn những người con ưu tú của rừng. Và nữa, tiền thưởng đã được chẻ nhỏ ra, phần mang về cho vợ con, phần cho vào bụng. Và nữa, cứu một mạng người là phúc đẳng hà sa... Cả đội xiết chặt tay nhau lấy can đảm vào cuộc.
Từ trên ngọn cây mọi người rên lên. Trong tiếng rên lẫn lộn cả kinh hãi và thích thú.
Hổ đúng là một loài quy củ, trọng nghĩa, trọng tình. Trước mắt những người chuyên rình mò, rượt đuổi, lấy sự giết chóc làm vui, làm nguồn sống là cả một xã hội hổ. Họ rên lên khâm phục khi  thấy trong khu nghĩa địa, đằng sau bộ xương trắng muốt của con hổ đầu đàn thoát xác là những bộ xương hàng ngũ chỉnh tề, tất cả phủ phục ngước lên đỉnh Phan Si như qua một cuộc hiến tế vĩ đại. Xung quanh những bộ xương là những con hổ đến tuổi chết, những con hổ bị thương biết mình sắp chết lê lết về để được chết có đàn, có gốc. Thường ngày hổ là chúa của sự hay quên. Không hay quên thì con mắt nghìn dặm của nó sẽ tóm gọn bất cứ con vật nào trong tầm mắt, cặp tai nghìn dặm của nó sẽ không để sót bất cứ kẻ nào dám đả động đến oai danh. Song chúng giống như loài người, khác với loài người. Những con hổ già đến nỗi rụng lông, rụng đuôi, khoang vàng, khoang xám trên đầu đã đổi sang màu trắng như cước vẫn trèo lên tảng đá trễm trệ thu vạn vật vào tầm mắt. Sức mạnh, trí thông minh, tốc độ cùng sự phối hợp tuyệt vời giời đất ban tặng đã đưa hổ lên vị trí đứng đầu các loài thú trong rừng. Một đời hổ biết bao đời thú, gây ra biết bao kinh hãi cho người, cho vật, vậy mà đến lúc quy tụ nơi về chầu tiên tổ chúng hiền lành như mèo. Con đứng choãi chân ra phía trước, chổng mông cao lên rồi vươn vai một cách uể oải. Con há cái miệng rộng hoác, lưỡi thè dài như lá gan đầy máu, hai răng nanh như hai quả chuối mắn chìa ra nhưng không dọa dẫm kẻ nào. Con ghếch chân lên tảng đá, hai chòm râu mầu bạc rung rung. ..
Những tiếng gầm đánh thức rừng, đánh thức núi kéo những cặp mắt tinh anh, mê muội của những người thợ săn đến với khu rừng hôn phối. Hàng trăm con hổ đang mê say với trò đực cái làm ai nấy vừa rùng mình, sợ hãi, vừa run lên trước sự mê hoặc man rợ, hào hùng. Đúng là làm tình theo kiểu mãnh hổ. Những con hổ đực hết vuốt ve, mơn trớn rồi lại lồng lộn, gầm gào. Con nào cũng cố khôn khéo, lì lợm nhét bằng được thanh sắt truyền giống vĩ đại của mình vào thịt da hổ cái. Những con hổ cái gầm lên, tưởng như cắn xé nát da nát thịt hổ đực, nhưng luồn trong tỏ vẻ oai hùng là sự mềm mại, giữ gìn cho bạn tình không bị xây xước... Mọi người chợt giật mình, ở góc phía Tây có một đám hổ đang quây quanh liếm láp, đùa rỡn với một sinh linh nhỏ bé. Gần đó, trên một tảng đá bằng gian nhà bà vợ quan châu đoàn đang nằm tã tượi. Có thể bà chết vì kiệt sực trong sinh nở, có thể bà tắt thở vì sợ hãi, có thể vì cả hai. Dường như đánh hơi thấy người, những con hổ hướng lên những ngọn cây gầm gào rồi bỏ đi, để lại chơ vơ trên bãi một thằng bé nằm khóc ngằn ngặt.
Mọi người đùn đẩy cho nhau, cuối cùng do ma lực xui khiến, máu anh hùng nổi lên cùng món thưởng quá đậm dồn lại khiến một kẻ vô sừng vô sẹo liều mạng tụt xuống ôm thằng bé chạy ù ra khỏi lãnh địa loài hổ.
*
*    *
Đội thợ săn không cứu được vợ quan châu đoàn về song cứu được giọt máu của quan. Châu đoàn mừng rỡ khao cả tổng, thằng bé được đặt tên là Sắn – Triệu Tá Sắn.
 Sắn sinh ra đã được hổ cứu sống, cho bú mớm nên pha trộn  trong dòng máu của nó là dòng máu hổ. Sắn cao lớn, khỏe mạnh, trên trán lồi ra một chữ Vương như đắp, lông vàng, râu vàng, một nốt ruồi son to tướng đậu ngay đầu chim trông như cái mũ nồi đỏ. Dòng máu hổ khiến cho Sắn luôn thèm thịt sống, nhất là loài ăn thịt hai chân biết nói, biết nghĩ. Đặc biệt hắn như duyên, như nợ với rừng, tính phóng túng như ngọn gió luôn muốn trào ra mọi khuôn khổ. Ba tuổi Sắn đã kể vanh vách những loài cây, loài chim, loài thú trong rừng. Bẩy tuổi đã mang cung tên vào rừng săn chuột, săn sóc. Mười bẩy tuổi đã làm chủ một phường săn nổi tiếng, thành tích đầy mình. Khách đến nhà họ Triệu ở Sán Chải. Trước hàng trăm cặp sừng, nanh, móng vuốt của các loài thú dữ treo kín vách không thể không trầm trồ khâm phục. Khách được đãi các món gan hổ, chân gấu… được sưởi ấm bằng than xương thú thì dẫu chỉ một lần thôi là nhớ quên chết. Chưa hết, biết Sắn, hiểu Sắn không ai không kinh ngạc trước khát khao làm người đứng đầu của hắn. Khi còn cởi truồng bì bõm với đám chăn trâu, Sắn đã thỏa mãn đói khát của đám trẻ cùng đinh bằng cách để cho cả bọn đói mắt hoa cà hoa cải mới ngậm sữa dê nhả cho trôi xuống đầu con chim có nốt ruồi như cái mũ đỏ rồi khích chúng tranh nhau bú. Lớn lên một chút, Sắn nổi tiếng trong trang lứa về tính quân tử, thà hủy hoại thân mình chứ không phản bội chúng bạn. Để tỏ rõ oai hùng, Sắn lùa cả đàn vịt vào sâu trong rừng mổ thịt làm lễ ăn thề. Bố Sắn biết được, ông  lôi con về trói vào cột giữa sân, quây rơm xung quanh đốt đùng đùng mà hắn vẫn không thay đổi nét mặt. Một đứa trong đồng bọn bị ngã ngựa, chùn sống lưng, thâm tím mặt mày, Sắn về nhà lấy trộm của bố cả cái mật gấu to tướng đem cho. Sắn  trêu tổ ong bò vẽ bị ong đốt, mặt, gáy sưng vù, bị bố đánh liền cầm luôn con dao nhọn cắm phập xuống làm đầu ngón chân cái rơi ra… Khi đăng lính, Sắn  được Quan Ba Đờ ri nhô sung vào quân số chốt giữ ngã ba hiểm yếu Sán Chải. Năm năm đội nón dẹt, dải đỏ, thắt lưng đỏ, góp sức với quân của quan Ba canh giữ, đánh dẹp. Từ thành tích bắn giết không ghê tay, hạ đối phương không từ một thủ đoạn Sắn được leo lên đến chức Đội. Nhật đuổi Pháp, Sắn vẫn được giữ nguyên chức tước. Quốc dân Đảng dựng lên chính quyền ở Tả Chải, Sắn không những không hợp tác mà còn tập hợp lực lượng đánh lại khiến chúng phải bỏ chạy về Lào Cai. Bộ đội Việt Minh tiến vào giải phóng Phòng Tô, dựng lên chính quyền cách mạng. Xứ Thái tự trị của Đèo Văn Ân điên cuồng chống lại, Sắn ra nhập ngay quân đội của Ân và được giao cho năm trăm tên phỉ, tùy ý hành động, tùy ý bắn giết. Cuối năm một chín năm mươi, Việt Minh mở chiến dịch Lê Hồng Phong màn hai làm cho quân Pháp thành bầy vịt cỏ từ Lào Cai ào qua Sa Pa, Phòng Tô, chạy sang tận Lai Châu mà vẫn hồn một nơi người một nẻo. Nước lũ cuốn trôi bè mảng, Xứ Thái tự trị - Một nhà nước thu nhỏ, một bộ máy công quyền khá hoàn chỉnh với đủ cả cơ quan hành chính, lập pháp, tư pháp, quân đội, ngân hàng, hội đồng dân biểu tan nhanh như bọt nước mùa lũ. Các quan chức đứng đầu, các chức dịch, một số vội vàng cuốn gói theo chân người Pháp, một số lẩn vào váy vợ, một số đem súng ra hàng. Sắn không làm thế. Bọn phỉ ở Phòng Tô trải bao chìm nổi thì Sắn nếm trải bấy nhiêu nổi chìm. Như người khác, sau một lần chết hụt, không sợ đến già thì cũng tự mình né tránh thời cuộc. Sắn khác người. Sắn cay cú. Sắn tự coi mình là người có chân mệnh đế vương, công việc Sắn và các huynh đệ đã và đang làm dẫu hoa chưa nở, trái chưa thành, nhưng mặt trời, mặt trăng còn thì cơ hội dẫn dắt thiên hạ còn. Sự cuồng tín, cay cú cùng khát vọng điên cuồng của những tên địa chủ, đặc vụ Quốc dân Đảng Tàu lưu vong, những tên trùm phỉ khét tiếng do người Pháp cài lại đã nuôi dưỡng trong Sắn mưu đồ giành chính quyền rồi tiến tới cái đích bá chủ thiên hạ. Sắn đang từng bước thực hiện mưu đồ của mình, sự có mặt trong buồng nhà Chủ tịch xã Sín Chải nằm trong kế hoạch chui sâu, lấy Việt Minh đánh Việt Minh của hắn.
Sắn với Dùn cố kết với nhau như duyên nợ. Cuối năm 1948 cả hai cùng là sỹ quan trong tiểu đoàn người Thái tự trị của họ Đèo. Là người cùng tuổi, cùng dân tộc, cùng họ, cùng vòng đời, cùng là học trò của ông nội Dùn, đặc biệt trong một trận càn quét ra Tam Đường, Dùn đã không quản hiểm nguy dẫn dắt Sắn rút khỏi vòng vây dày đặc của bộ đội Việt Minh. Từ khá nhiều cái “cùng” ấy Sắn và Dùn đã kết nghĩa anh em. Lễ kết nghĩa của hai người là một cuộc ăn thề đầy đủ lễ nghĩa. Giữa giời, giữa đất, giữa rừng, giữa núi, trước sự chúng kiến của thần rừng, thần núi, của quan Ba, của các thổ ty quanh vùng, không cần bánh giầy - con của đất, không cần gà sống lông vàng, mỏ vàng – con của rừng, cháu của cụ phúc đức, hai người cởi trần ngồi xếp bằng như võ sỹ. Đúng giờ rồng cuộn hổ ngồi, giờ Sắn chui ra khỏi bụng mẹ cất tiếng chào đời là cả hai giơ cánh tay về  phía mặt trời dùng dao nhọn xiên nhẹ. Máu từ hai bắp tay cuồn cuộn rót xuống cái chậu  sành chứa đầy rượu. Sắn lấy tay quấy đều chậu rượu pha máu hai người rồi múc một bát cho Dùn, một bát cho mình. Cả hai nâng bát rượu ngang đầu, cúi lạy bốn phương trời, mười phương đất. Tiếng khấn của Sắn vang lên rành rọt, vừa như cầu, vừa như lệnh: “Hôm nay ngày trời phù, đất phSaw, hai chúng tôi, Triệu Tá Sắn, Triệu Tá Dùn, sinh cùng tháng, cùng năm, lớn lên cùng chung cái đích giữ gìn bờ cõi người Dao, chúng tôi xin kết nghĩa anh em, có phúc cùng chung, có họa cùng chịu, xin trời, đất, thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối chứng dám, xin được các quan cùng các chiến hữu đồng lòng giúp sức.”. Cả đám quan quân vỗ tay hò hét phấn kích. Hai người uống cạn bát rượu pha máu rồi múc rượu dâng quan Ba. Quan Ba uống rồi chuyển cho thổ ty họ Đèo. Thổ ty họ Đèo uống rồi chuyển cho quân lính... Cứ thế, niềm phấn hứng nhân lên cùng rượu và máu của hai người.
Cuối năm 1953 tiểu đoàn Thái tự trị bị Việt Minh đánh cho tan tác. Nghe lời ông nội, Dùn bàn bạc với mười hai tên lính thất trận đều là anh em con cháu trong nhà rồi cùng nhau vác súng ra hàng. Từ sự thành khẩn và thành tích giác ngộ của người lầm đường lạc lối, Dùn được làm cán bộ thôn, cán bộ xã rồi leo lên chức chủ tịch xã, còn Sắn đứng lên xưng vua. Vua Sắn lại bị Việt Minh đánh cho không còn mảnh giáp, phải chui lủi trong hang trong hốc qua ngày. Sự có mặt của Sắn trong lễ cấp sắc cho con trai là ngoài dự kiến của Dùn. Thấy cái dáng cao lớn, da đầy lông lá của Sắn, Dùn hoảng hồn, ấn vội Sắn vào buồng cùng một mâm thịt, rượu.
Được Dùn chấp nhận cho đặt được một chân vào nhà là Sắn mãn nguyện lắm rồi. Lần nổi phỉ năm 1953 thất bại, Sắn tìm đến nhà Dùn, bị ông nội Dùn lấy lá dắt ra rừng. Kể từ đó Sắn từ mặt, bây giờ nhìn trước, nhìn sau, cá không bỏ được nước, hổ không bỏ được rừng, Dùn không chỉ là chỗ nương tựa của hắn khi cùng đường mà phải là cỗ xe tam mã khuấy đảo cái trật tự từ chính Dùn đã và đang góp công dựng lên.  Sắn chọn đúng lúc nhà Dùn có việc để vào nhà là cách của con sói vào nhà lũ thỏ. Sự tụ họp đủ mặt già trẻ, lớn bé, cả anh hùng hảo hán lẫn những kẻ đầu b… chấm gio của cộng đồng người Dao đất Sín Chải là dịp để hắn lựa chọn, tìm cách móc nối và cũng là dịp Dùn không có cách gì từ chối gặp hắn…( Mời xem tiếp kỳ sau)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét