Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

"THÁNG 2/1979. LỜI VĨNH BIỆT NHÓI TRỜI PHA LONG"...



Mai Thanh Hải - Lên biên giới Mường Khương, mình cứ quanh quẩn trong Nghĩa trang Liệt sĩ buồn lặng, ù ù gió hú ở gần Cửa khẩu phụ, thuộc xã Pha Long (huyện Mường Khương, tỉnh Lao Cai).

Chính ở nơi đặt Nghĩa trang này,  33 năm trước là điểm đóng quân của Đồn 133, Công an vũ trang Hoàng Liên Sơn (nay là Bộ đội Biên phòng Lào Cai) và trong buổi sáng ngày 17/2/1979, cả Sư đoàn bộ binh Trung Quốc có xe tăng và pháo binh yểm trợ đã bất ngờ tấn công vào Mường Khương, bao vây tiêu diệt Đồn 133. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của những chiến sĩ Biên phòng Pha Long.

Những Cựu chiến binh tham gia trận 17/2/1979 tại Mường Khương kể: Đồn 133 bị san phẳng bởi hỏa lực địch và hầu hết những chiến sĩ của Đồn đã ngã xuống, khi bắn đến viên đạn cuối cùng, gãy chiếc lê cuối cùng.

Ngày mai lên biên cương, đến với điểm chốt Biên phòng Hà Giang (đọc ở đây), ngày đêm thức canh cột mốc, đối mặt với phía bên kia vẫn đang lăm le lấn đất, cứ ngẩn ngơ khi nghĩ đến cảnh hương khói đượm buồn trong khu mộ những Liệt sĩ Biên phòng Đồn 133, ngã xuống trong ngày 17/2/1979.

Không chỉ trong thời chiến mà ngay cả ở thời bình, những người lính Biên phòng vẫn phải đổ máu để giữ từng tấc đất nơi phên dậu Tổ quốc. Vậy thì sao mình lại không làm được việc nho nhỏ nào đấy, với chính bản thân họ, để được sẻ chia, để cùng cảm nhận và biết giá trị của cuộc sống yên bình, no ấm tuyến sau.

Lên Hà Giang với Biên phòng, cứ ngẩn ngơ nhớ đến những người lính Biên phòng đã ngã xuống 33 năm trước, trên địa đầu Pha Long, qua bài thơ của Nhà thơ Vương Trọng.

20h30: Chân thành cảm ơn một số anh em, bạn bè đã giúp đỡ Chương trình giúp đỡ vật chất cho Trạm chốt Mã Lủng Kha thuộc Đồn Biên phòng Lũng Cú, (BĐBP Hà Giang):
- TS Sử học Nguyễn Hồng Kiên: 3.000.000 VND
- anh Dũng (Giám đốc Doanh nghiệp kinh doanh ván sàn): 3.000.000 VND
- Nhà văn/ Đạo diễn Phạm Ngọc Tiến: 1.000.000 VND 
- Em Thắng (Cty Pentax, LD Nhật Bản tại Việt Nam): 1.000.000 VND
- Em Phú (DN sản xuất đầu KARAOKE tại HN): 01 đầu máy KARAOKE
- Em Phú - Nga (Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du, HN): 02 micro điều khiển từ xa
- TS Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu (TP. Hồ Chí Minh): 
- Vợ chồng em Hùng (DN Xây dựng tại Hà Nội): Giúp đỡ 1 chuyến xe 7 chỗ để chở đồ (màn hình tivi 29inch, ampli, đầu DVD-karaoke, loa...) và trực tiếp lái xe đi cùng luôn. 
------------------------------------------------------------------
                 GHI Ở PHA LONG

Nền cũ đồn Biên phòng
Um tùm cây vô danh
Hoang phế đè lên miền ký ức.

Sân Đồn từng mọc cờ Tổ quốc
Bia Tưởng niệm dựng lên
Tên các anh lặn vào trong đá.

Đâu rồi những chàng trai trẻ
Ùa xuống cổng Đồn đón khách lên thăm
Chỉ còn bia mộ nghĩa trang?.

Mắt rưng rưng, dò đọc từng dòng
Gặp điệp khúc Tháng Hai năm Bảy chín
Lời vĩnh biệt nhói trời Pha Long.

Đất dưới chân nóng ran
Tôi đứng lặng, mặc gió mùa tím tái
Như cây móc cổng Đồn còn sót lại.

Đến lúc này tôi mới hiểu ra
Vì sao đường Biên giới bản đồ
Của Tổ quốc được tô màu đỏ!..


Pha Long, 27/1/1997
Nghĩa trang Liệt sĩ Pha Long, nhìn từ ngoài vào
Nơi yên nghỉ, của cả Đồn Biên phòng 133

LS Hoàng Ngọc Quế (quê Minh Tiến, Lục Yên, Yên Bái), hy sinh tại Đồn ngày 17/2/1979, khi chưa đầy 20 tuổi

LS Vũ Thị Thuận (Tự vệ Lâm trường, quê Hà Nam) hy sinh khi tròn 20 tuổi, sáng ngày 17/2/1979

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét