Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Thổ phỉ - Tiểu thuyết

Chương 16 - 17 - 18


16
Vậy là mấy ngày qua Bắc không tìm ra kế sách gì để thực hiện được việc thu thuế. Giao thông đi mời lãnh đạo các xã lên họp, người cáo bệnh, người lý do có việc, người không đến cũng chẳng trả lời. Sự chống đối, trốn tránh bày ra từ cột cái đến cột quân, rui mè, phên vách. Sự việc làm cho Bắc rối lên. Chỉ tiêu thu nặng, địa bàn rừng núi, rộng lớn, quân không, cán không, đến người chia xẻ những uất ức cũng không. Đã vậy cấp trên còn hết cho công văn hỏa tốc đến cho người đến thúc như thúc tà làm cho nhiều lúc Bắc phải ra trước cửa giơ hai tay lên giời xả bực dọc, bất lực bằng những tiếng tru dài.

Rồi thì sự ngưng đọng, bực dọc dồn ứ đến bức bối cũng có con giông dẫn đường xả bớt. Thấy được tình hình cơ sở khó hoàn thành được nhiệm vụ, châu đã lập ra những đội công tác có các thành phần tham gia để hỗ trợ các khu vực nắm tình hình, vận động quần chúng nộp thuế. Cuộc ra quân rầm rộ, vừa thuyết phục, răn đe, vừa quyết liệt của châu làm cho Bắc nhẹ người, anh bày hết những khó khăn của khu vực lên mặt bàn rồi đề ra kế hoạch huy động lực lượng thực hiện thu thuế theo kiểu cuốn chiếu.
Trong khi Bắc cùng đội công tác bàn cách triển khai kế hoạch thu thuế thì Mặt trận Phòng Tô cũng họp nhau bàn cách chống phá.
Tại Tả Ngảo, trong một căn nhà u ám, tối tăm lưu cữu Sắn cùng chủ nhà đang đợi khách.
 Khách của Sắn hôm nay không phải là những vị chiến hữu đồng mưu gặp nhau ở nhà San hôm trước mà là những cán bộ xã, thôn do đồng bọn Sắn mua chuộc được hoặc khống chế phải theo.
Mọi người đến lác đác, do trời lớt phớt mua nên ai nấy đều náu mình trong áo mưa, áo tơi lùng thùng, khuôn mặt lầm lầm, căng thẳng.
Trên cái bếp giữa nhà, ngọn lửa đượm từ những cây củi ba soi khô nỏ cháy lem lém soi tỏ mặt người. Trong ánh lửa chập chờn nổi lên những tiếng nói lè nhè, tiếng thì thầm to nhỏ, tiếng lầm rầm bàn bạc... tưởng như không ai nghe ai nhưng những cái tai thỏ đều vểnh lên thu hết những lời nói để sàng lọc, để tìm cách làm nào có lợi nhất cho mình.
Trong khi chủ nhà sắm sửa bữa rượu, đôi mắt thôi miên của Sắn nhìn như điểm danh từng người rồi lên tiếng:
- Thưa các vị! Việc chúng ta họp nhau đây để làm gì các vị đều rõ, song tôi cũng xin nhắc lại, đó là phải chống đối đến cùng việc nộp thuế cho chính quyền. Ai cũng biết cả Phòng Tô này, Tây Bắc này mấy năm nay thôi cảnh giặc Tây nhưng thay vào đó là cảnh giặc giời làm cho làng bản mỗi ngày một kiệt quệ. Bản làng, bên ngoài  hớn hở đón độc lập, nhưng nhà nào cũng bốn mùa rau măng, bốn mùa lo hạt ngô, hạt gạo, khổ ải trăm đường. Việc này đầu dòng sông biết không? Biết. Cuối dòng sông biết không? Biết. Biết mà họ vẫn thu thuế quyết liệt. Họ vẫn bắt các vị, người thân, dân của các vị dốc bồ mang thóc, ngô, lợn, gà ra châu nộp. Năm ngoái, năm kia, họ lấy thuyết phục là chính. Thông hay không thông, nghe hay không nghe, nhưng trong bồ còn thóc, trên gác còn ngô, trong chuồng còn lợn thì ai cũng muốn mang đi nộp cho yên chuyện. Nhà này theo nhà nọ, nhà nọ đỡ nhà kia, cuối cùng thì chính quyền có cái để ăn, có cái để báo cáo, dân cũng thở phào, nhẹ nợ. Nhưng năm nay, các vị biết đấy, tháng ba nắng xém dưa bở, tháng bảy lũ trôi rừng trôi núi, năm ngoái lúa ngô về mười, năm nay cầm trong tay năm sáu, cả vùng nháo nhác lo đói, lo rét, đến củ nâu trên rừng, củ mài trên núi cũng run lên bởi sợ vạ lây. Vậy mà chúng vẫn thúc như lý trưởng, chúa đất ngày xưa thúc sưu, thúc thuế.
Sắn dừng lại nhìn suốt lượt thăm dò. Thấy lời nói của mình lọt tới tận lục phủ ngũ tạng từng người rồi, hắn hạ giọng:
- Mà chống thu thuế là chống cho chúng ta chứ chống cho ai. Tôi biết mấy năm qua các vị khổ sở với việc ăn cơm nhà lo việc người. Đã không mang được gì về cho vợ con, bố mẹ, anh em thì chớ lại phải khách châu xuống tiếp khách châu, thày giáo đến tiếp thày giáo, thày thuốc xuống tiếp thày thuốc…, trăm thứ tội đổ vào rồi lại phải gương mẫu nộp đủ thuế, đủ nghĩa vụ. Không nộp đủ các vị thành cái mặt nạ cho chúng bêu khắp xã, khắp châu. Những vụ trước chúng nương tay các vị đã khốn khổ, lần này chúng quyết liệt, không thu được ngô được thóc, không bắt được lợn, được trâu của dân chắc các vị không ra tòa thì cũng mất chức. Mối hóa kiếp phải chờ sấm kêu, còn các vị, các vị chờ gì?
Một người rụt rè lên tiếng:
- Nhưng chúng tôi phải làm gì bây giờ?
- Làm gì ư? Dao sắc ngay cạnh sườn, chúng biết, ta biết điều đó, song chúng đang là kẻ mạnh nên coi thường các vị. Chúng dựng các vị lên, nhưng chỉ coi các vị như những kẻ để sai bảo. Chúng đâu biết chức tước chúng giao cho các vị là nối thêm cán cho rìu. Tình thế hiện thời chúng đang vào cái thế các vị cung phụng thì chúng lợi, nằm im thì chúng lo, vùng lên thì chúng nát… Cứ lấy cái lý này ra thì làm gì là ở mình chứ ở đâu nữa.
- Ông cứ nói thẳng ra đi, cứ rậm lời như cỏ gianh trên bãi thế này khó chịu lắm. – Một người nóng nảy.
- Vâng vâng, nhưng xin các vị đừng nóng. Ý của tôi thế này, bấc ngấm đâu dầu thấm đấy là phương sách tốt nhất bây giờ, xin các vị cứ nằm im bất động, còn mọi việc chúng tôi lo.
- Ông nói rõ hơn cho?
- Vâng vâng, các vị nằm im, cho dân, cho dân quân, công an viên các vị nằm im, không nộp thuế, không nộp nghĩa vụ, khi làng bản có biến thì nhắm mắt, đút nút tai lại. Một bản làm thế, mười bản làm thế, rồi trăm bản làm thế là lửa cháy, nước cuốn rồi. Vách đất che được gió chứ che thế nào được lũ, chính quyền có chắc chắn đến mấy rồi cũng ra sông cái thôi.
- Ông nói cứ như kiến đang ăn cá. Quyền hành, chức tước họ giao cho mình rồi, không nằm im đã sắp lên thớt, nằm im chắc thành cám.
- Các vị hiểu sai ý tôi rồi, nằm im là bên ngoài các vị cứ nghe, cứ nhận, cứ sốt sắng như sốt sắng công việc nhà mình, nhưng bên trong là dây dưa, là gây khó dễ, là mặc cho dân chúng rỉ tai nhau chống chính quyền. Đóng cửa nhưng quên cài then là thế. Nếu làng bản có việc gì sảy ra cũng không ai trách được, phải không các vị.
Mọi người lặng đi, nhìn nhau tỏ vẻ đồng tình. Mùi thơm từ hai chảo thịt trên bếp đầu hồi làm cho những cái bụng rỗng rễnh sôi réo. Chọn đúng điểm ngứa để gãi, Sắn vỗ tay ba lượt, lập tức hai bếp lửa bùng lên, tiếng bàn sảo đánh vào thành chảo, tiếng mỡ sôi, tiếng giục giã dọn mâm  làm nên một bản đồng ca ríu rít.
*
*     *
Cuộc ra quân thu thuế của khu vực Sín Chải đã sẵn sàng. Từ các chủ tịch xã đến trưởng các thôn bản đều được mời về họp, giải thích. Đội công tác và các xã đều thống nhất thu cuốn chiếu theo từng bản, trước tiên là họp dân kêu gọi tự giác và cuối cùng là cho dân quân, công an đến buộc từng nhà phải nộp thuế.
Khởi đầu chiến dịch của tổ công tác là Nậm Khánh, cái lô cốt của sự chống đối làm đau đầu khu, đau đầu châu mấy năm nay.
Cuộc họp dân ở Nậm Khánh được ấn định vào buổi tối thì ngay buổi sáng Pham đã hốt hoảng chạy đến trụ sở khu vực. Nhìn thấy Pham, Bắc chột dạ. Trong muôn vàn cái sợ, Bắc sợ nhất là dư luận. Dư luận luôn là đám mây đen phủ lên phải trái, dẫn đến sự lóa mắt cấp trên, cấp dưới, lẫn lộn trắng đen, biến không thành có, biến có thành không nhất là lúc này. Dập tắt được dư luận thì cũng thân bại danh liệt. Bắc đã nếm đòn rồi nên hiểu, quá hiểu.
Chần chừ một lúc Bắc kéo Pham đầu hồi. Trước những câu hỏi dồn dập của Bắc, Pham chỉ khóc, tiếng khóc của cô oà ra như vỡ phai.
Bắc bối rối, anh cố dỗ Pham nín, cố hiểu những điều cô nói, cuối cùng qua kết nối lộn xộn, Bắc nắm được chuyện mấy bản trong vùng đang ngấm ngầm tổ chức chống đối chính quyền. Bản nào cũng có kẻ xấu về nằm lỳ làm cái gì đó không rõ nhưng ai cũng linh cảm tới tai họa đang tới gần. Các nhà được đã được lệnh chuẩn bị đuốc pơ mu, tù và, súng ống, gậy gộc để chống cướp. Pham rên lên:
 - Anh đừng xuống bản nữa, họ bắt chết đấy anh ơi!
Sự lo lắng của người phụ nữ yếu đuối khuấy lên trong Bắc dũng khí của người đàn ông, Bắc vỗ về Pham:
- Em cứ về đi, người như anh, mấy bộ xương khô trong những nắm giẻ rách ấy làm được gì!
- Nhưng?...
- Không sao đâu, anh còn đội công tác, còn chính quyền, công an, dân quân, chúng rung cây dọa khỉ thôi chứ dọa thế nào được anh.
Pham bịn rịn rời Bắc, cô linh cảm đây là lần cuối cùng cô gặp được người mình yêu dấu.
 Pham ra về, Bắc mời đội công tác họp để thông báo tình hình. Có ý kiến quyết liệt, có ý kiến ngãng ra, nhưng ngãng ra hay kiên quyết vẫn chờ đợi ý kiến của người ở cơ sở. Bắc bắt thóp được điều này, anh trình bày ý định của mình. Theo anh tên đã lên nỏ rồi, nếu không tiếp tục thực hiện kế hoạch bọn địch sẽ cho là mình sợ, sẽ lấn tới, rồi sự việc sẽ không kiểm soát được, ngoài đội công tác chuẩn bị sẵn sàng anh sẽ bố trí thêm một trung đội dân quân nằm ngoài rừng đợi lệnh. Bắc bảo: “Chuồn chuồn được mấy tí hơi, dơi dơi được mấy tí sức, bọn chúng khôn hồn thì cứ nằm im, lộ ra thằng nào chết thằng ấy.”. Mọi người đồng tình, ở cái vùng nước sôi lửa bỏng này cứ thấy chống đối là co vòi vào thì làm sao mà tồn tại.
*
*     *
Chiều đó tại nhà ông Trưởng bản Nậm Khánh cuộc họp dân đã chuẩn bị chu đáo. Ngay từ giữa trưa toàn đội công tác, phụ trách khu vực, chủ tịch, phó chủ tịch xã đã có mặt. Khi ông mặt trời lăn cái bánh xe vàng xuống núi toàn đội đã sẵn sàng, trung đội dân quân cũng tề tựu trong khu rừng sau bản. Theo lệnh của Bắc, ông trưởng bản mang tù và ra đầu hồi ngửa cổ lên trời đánh thức rừng, đánh thức núi.
Tu, tu, tu...
Tu, tu, tu...
Tiếng tù và đã rúc đến lần thứ năm rồi mà các nhà trong bản vẫn im lìm trong đêm tối.
Bắc động viên mọi người kiên nhẫn chờ đợi.
Tiếng gà eo óc gáy sang ngày khác các nhà mới lục tục mở cửa, những ngọn đuốc mới chậm rãi châu đầu về phía nhà ông trưởng bản.
Con gà trống cựa trong chuồng ngứa cổ gáy thêm lần nữa cuộc họp mới bắt đầu. Bên ngọn đèn Hoa Kỳ, đội trưởng đội công tác bình tĩnh triển khai. Bắc và các thành viên trong đội, người cắp súng canh cửa; người ngồi vuốt râu, nghe ngóng; người để tay lên khẩu súng cộm lên trong túi quần. Đội trưởng đội công tác đang cao giọng giảng giải về tính ưu việt của chế độ mới, về trách nhiệm của người dân thì bỗng nhiên từ ngoài vườn tiếng súng châu vào trong nhà nổ như cháy rừng nứa. Nhanh như cắt Bắc tắt phụt đèn và hô giải tán. Dân chúng òa chạy cả ra ngoài, trong nhà chỉ còn lại mấy anh cán bộ loay hoay tìm chỗ nấp. Từ các lùm cây trong vườn hàng trăm họng súng quây lấy căn nhà thi nhau nhả đạn. Bắc là người gục xuống đầu tiên sau đó đến đội trưởng đội công tác. Một cán bộ tìm được cửa hậu vọt ra cũng gục ngay tại chỗ. Mãi một lúc sau những người còn lại mới định hình được các ngóc ngách. Họ vừa bắn trả, vừa phân chia nhau cố thủ đợi trung đội dân quân tới cứu viện, nhưng lạ thay, họ càng đợi càng mất, mọi người phải nương tựa vào nhau, vừa bắn vừa rút ra rừng.
*
*     *
Cùng lúc Nậm Khánh sảy ra việc bao vây, tiến công đội công tác thì bọn phiến loạn cũng biến cả Phòng Tô thành chảo lửa. Súng ống, đạn dược được cất giấu từ những lần nổi phỉ trước được tuồn ra. Cả ngàn tên phỉ ở hầu hết các thôn bản, chòm xóm phối hợp cùng với bọn bên ngoài đồng loạt nổi dậy chiếm trụ sở xã, khu vực, khiến làng nào, bản nào cũng có lửa cháy, người chết, nạn cướp bóc sảy ra khắp nơi. Tại Hồ Thầu, một số tên phản động nằm lì nguy hiểm từ mua chuộc, dụ dỗ đã nắm được trung đội dân quân. Chúng đã nổi lên tấn công, bắt trói cán bộ đội công tác rồi như đàn trâu đói ào xuống phối hợp với cánh quân của Trung Chải, Chiêm Pho đánh chiếm Tam Đường. Tại Dào San - Cao San nguyên là Chủ tịch xã đã cùng phó chủ tịch xã, xã đội trưởng cắt máu ăn thề, tuyên bố còn một người cũng đánh, mỗi người một ngọn đồi cố thủ đến cùng. Ở Tả Gia, bọn phỉ bao vây bắt được Xã đội trưởng Giàng Seo Pùa. Chúng khống chế, bắt anh phải báo động, tập trung dân quân đi cướp chính quyền. Giàng Seo Pùa không nghe, anh bị chúng tra tấn dã man rồi trói giật cánh khỉ dong đi. Dọc đường đi Giàng Seo Pùa liều chết lao xuống vực sâu. Bọn phỉ không dám lao theo, không dám bắn vì sợ lộ, chúng đứng ngây ra lúc lâu rồi đi tiếp. May mắn, Pùa vướng vào một gốc cây nên chỉ ngất đi, khi tỉnh dậy anh tìm cách xuôi xuống vực tìm đường về.
Biến loạn sảy ra bí mật, bất ngờ, mau lẹ, có tính tổng lực khiến Châu ủy Phòng Tô không kịp trở tay. Hóa ra từ lâu bọn phỉ đã cài cắm người ở hầu hết các thôn bản. Trong vỏ Hội thề, Hội bảo vệ xóm làng chúng bắt nhà nào cũng chuẩn bị sẵn sàng vũ khí, đuốc nỏ, tù và. Từ cái vỏ ấy chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã huy động được hàng loạt đàn ông cầm súng còn nhân dân thì bị chúng ràng buộc như lửa với bếp. Cuộc chiến nổi lên, tiếng tù và, tiếng súng nổ, tiếng la hét, tiếng chó sủa, tiếng nứa vầu nổ do cháy rừng rầm trời khiến cả dân lẫn quân không biết thế nào mà lần. Cùng với cuộc chiến âm thanh là những khuôn mặt đằng đằng sát khí, hò hét man rợ, giương súng bắn vào bất cứ mục tiêu nào chúng nghi là có cán bộ, bộ đội, du kích...
*
*      *
Triệu Tá Dùn đang bùng nhùng trong cơn say thì những tiếng động rền vang như rừng động làm anh giật mình tỉnh giấc. Bản năng chạy trốn thường trực lôi anh ra khỏi nệm, nhằm hướng cửa phụ đầu hồi phía Đông lao ra. Một đống ghế mây lổng chổng ngáng chân làm Dùn ngã sấp mặt xuống nền đất mát lạnh, anh ngẩng mặt lên thì bốn năm họng súng đen ngòm đã chĩa quanh người. Tiếng một bóng đen nói thoảng qua như hơi thở:
- Chủ tịch, đến giờ hành động rồi, chủ tịch chui ra khỏi tổ đi.
Dùn ngớ người, anh chờ đợi giây phút này đã lâu. Quá lâu. Suốt thời gian qua anh như cái mo nang nằm sấp giữa dòng, nổi chẳng nổi, chìm chẳng chìm, trôi chẳng trôi, không chẳng không. Bề ngoài, anh là một ông chủ tịch xã mẫn cán, mọi chủ trương chính sách từ trên vẫn rải đều xuống các bản như mặt trời rải nắng. Bên trong, anh là con rắn nằm hang chờ mùa, là con lửng chui giữa bụi gai. Anh thở dài, ngó quanh rồi nghiến răng vùng dậy. Hai bàn tay như hai gọng kìm đặt  làm cho hai bả vai, hai cánh tay anh tê dại, nhói buốt.
- Ngồi im, đang là con cá trên thớt đấy – Tiếng cảnh cáo rít lên.
Dùn buông thõng người, lời nói buột ra khỏi miệng:
- Tao phải làm gì bây giờ?
Hai bàn tay gấu buông khỏi vai Dùn:
- Chủ tịch nói thế có phải hay không. Thôi, nói trắng ra thế này, lửa đã cháy khắp Phòng Tô rồi, muốn làm rắn nằm hang, làm gà gáy sáng cũng không được nữa, chủ tịch hãy thu xếp để cầm đầu một đội quân đi cướp châu.
Dùn lắp bắp:
- Tao… tao…
- Tao có là gì chăng nữa thì cũng phải làm con suối chung dòng thôi. Nào bọn bay, đưa thằng Việt Minh chó đẻ ra đây.
Theo lệnh tên chỉ huy hai tên lính dẫn một người bị trói giật cánh khỉ vào nhà. Đống lửa được thổi bùng lên, Dùn nhận ra người bị trói là cán bộ Lùng, làm ở Phòng Nông nghiệp huyện. Ngay tại gian giữa nhà này chiều qua Lùng còn ngồi uống rượu với Dùn, còn bàn với Dùn chuyện thu thuế. Cơm rượu xong Lùng sang bên Tả Chải có việc, vậy mà… Dùn đau xót rên lên. Lùng to lớn, mặt đỏ, mắt xếch, lông mày rậm, ra dáng con nhà võ, bị bọn phỉ đánh cho mặt mày thâm tím, quần áo tả tơi, mồm bị nhét giẻ, hai tay bị trói giật cánh khỉ mà Lùng vẫn như hổ trong cũi.
Cùng lúc bọn phỉ đưa Lùng vào thì tiếng súng nổ, tiếng tù và gióng lên khắp rừng khắp núi thúc cả nhà họ Triệu bật dậy. Mọi người đang ngơ ngác thì các bóng đen lốc nhốc chui vào quát lác nhặng xị:
- Đi  ra không chết cả nhà bây giờ.
Cùng với tiếng quát là những ngọn đuốc pơ mu rừng rực hua hua sát mái nhà, là những họng súng đen ngòm chĩa vào người già, người trẻ. Tất cả bị điệu đến nhà chính. Mọi ánh mắt nhìn nhau, nhìn những ngọn đuốc như sao sa khắp bản rồi tụ cả vào cầu cứu cụ giáo.
Tên chỉ huy bình thản đến trước Lùng.
Soạt – Mọi người chưa hiểu chuyện gì sẽ sảy ra thì con dao nhọn trong bao cài ngang thắt lưng hắn đã quét nửa vòng rồi xiên thẳng vào ngực Lùng. Lùng rú lên đau đớn rồi gục xuống, giãy như trâu giãy chết, máu từ ngực anh chảy ra ồng ộc, lênh láng trên nền đất nhẵn như mài. Tên chỉ huy gầm lên:
- Già trẻ cả vùng này đang trong tay chúng tao, theo chúng tao thì sống, không theo thì sẽ như cái mạng chó này.
Sau tiếng gầm, lưỡi dao trong tay hắn cắm phập vào ức nạn nhân lách ngược. Sau hai đường lách thành thạo hắn thò tay móc ra buồng gan nóng rẫy, giơ lên ngang mặt cười khà khà:
- Lá gan này sẽ làm cho ta đủ gan, đủ sức lên tận giời, ha ha...
Hắn cầm buồng gan đến dứ dứ trước mắt Dùn:
- Không còn đường lui nữa đâu, cán bộ bị chọc tiết, móc gan ngay giữa nhà thế này thì còn ai tin, ai nghe nữa mà lưỡng lự.
Dùn trợn trừng hai mắt. Máu mắt, máu mồm ứa ra. Không còn cách nào khác, cụ giáo đành phải tỏ rõ bản lĩnh trước ngôi nhà bị diều hâu sà xuống, cụ đau xót nhìn đám con cháu, rầu rầu:
- Thôi đành vậy, các con phải đi theo họ thôi.
 Dùn vùng lên.
- Bốp, bốp - Cái báng súng chặn ngang họng Dùn.
Cụ giáo chỉ mặt những kẻ bịt mặt, bảo:
- Không phải thế nữa, ta sẽ nghe theo các người, nhưng các người phải hứa không làm hại người nhà họ Triệu.
Tên chỉ huy bình thản chùi lưỡi dao nhuốm máu vào cái quần vải chàm, lạnh lùng:
- Cụ nói thế thì còn nghe được, ta hứa.
Cụ giáo nhìn lướt con cháu một lượt rồi cất giọng trầm trầm, đau xót:
- Đến nước này rồi thì các con phải nghe theo họ thôi.
Cụ giáo đến bên, vỗ vỗ vào vai Dùn:
- Ta hiểu nổi khổ của con nhưng không còn cách nào khác đâu.
 Cụ giáo cúi xuống đẩy cái củi gộc vào bếp, cái giọng trầm trầm đau xót lại cất lên:
- Ta không đi theo các con được. Ta chờ tin các con, các con hãy gắng giữ lấy thân mình.
Dùn thừ người. Mọi người thừ người. Đầu cán bộ rơi, máu cán bộ chảy, ngực cán bộ phanh ra giữa nhà thế này thì còn đường nào mà tránh nữa. Cụ giáo cố giấu đau đớn, bất lực vào ngọn lửa lúc cháy lúc tắt, vẻ mặt cụ lầm lầm nhưng hai bàn tay già nua run run, khóe mắt, khoé môi giật giật tố cáo cụ đang không làm chủ nổi mình.
Dùn thở dài, anh lặng lẽ đứng dậy vào trong buồng lấy súng. Mười tám người đàn ông họ Triệu lầm lũi làm theo. Bọn phỉ hể hả dẫn những người họ Triệu xuống núi, chúng biết người họ Triệu bước thêm được bước nào là sợi dây tơ xiết chặt vào cổ họ bước ấy.
17
Trời đất còn đang bùng nhùng thì tiếng súng, tiếng la hét làm cho Pham bật dậy. Cô bàng hoàng không hiểu chuyện gì đang sảy ra thì ngọn lửa từ bếp giữa nhà bùng lên. Ông bố chồng cùng chồng Pham thường ngày củ rủ như con gà rù bỗng nhanh nhẹn hoạt bát hẳn lên. Hai người lẳng lặng bê ống rượu trong góc nhà ra rót đầy hai cái bát rồi mỗi người mỗi bát uống như trâu uống nước.
 Bố chồng Pham  khoác cung tên, vác dao quắm, vắt cái bao tải lên vai,  bảo chồng Pham:
- Theo lệnh quan lớn thì mày đi với cánh thằng Phụ, vơ được cái gì thì vơ nhưng cố tránh chuyện giết người đấy.
Chồng Pham lẳng lặng vắt cái bao tải qua vai, vung con dao quắm như đang phạt cỏ. nhấm nhẳn:
- Biết rồi, bố cũng phải động chân động tay đấy, thủ lĩnh bảo con trâu nhà Lử là phần của bố, tìm mọi cách mà lấy, cần thiết thì pheng luôn.
Bố chồng Pham tiếp lời:
 - Biết rồi, thủ lĩnh còn giao cho tao chặt đầu thằng Phó chủ tịch xã, giao thì phải nhận, nhưng làm thì đến bờ suối mới xắn quần thôi.
Hai người mở cửa, đứng ngay đầu hồi vạch quần ra đái, tiếng rặn è è như trâu rặn đẻ.
Pham giật thót người, cô hiểu chuyện gì đang sảy ra với vùng rừng, với người cô yêu dấu. Đợi bố chồng, chồng biến vào đêm tối, Pham luống cuống chạy ra cửa, nước đái của hai kẻ không biết thế nào là xấu hổ làm cô trượt chân ngã oạch, đầu va vào phên vách đau điếng. Pham làu bàu, lồm cồm ngồi dậy, mùi khai khẳm dậy lên làm cô buồn nôn, bình thường cứt đái của những kẻ đói ăn, đói uống không có gì để dậy mùi sao hôm nay sực lên đến thối mũi.
 Pham không còn tâm trí đâu mà nôn với tháo, cái làm cô lo lắng, luống cuống nhất bây giờ là làm sao báo tin được cho Bắc. Cô bực cho Bắc. Lúc sáng cô đã báo cho anh sự hiểm nguy nhưng anh không nghe cô, bây giờ sự việc sảy ra anh đang ở đâu? Bọn mặt người dạ thú tìm được thì anh sẽ ra sao? Cả vùng rừng này rồi sẽ thế nào?...
Pham hết ra lại vào, hai tay vặn vào nhau đến khổ sở. Chân cô đá phải cái ống rượu. Cô sáng mắt lên, vồ lấy ống rượu đang lăn long lóc mở nút tu ừng ực. Rượu làm cho mạch máu trong cô giật đùng đùng. Rượu cho can đảm trong cô bùng phát. Cô ném cái ống tre mai còn lưng lửng rượu vào bếp. Ngọn lửa bắt rượu bùng lên xanh lét. Mùi rượu thơm đến nỗi cô muốn nhảy vào ướp cùng ngọn lửa. Bỗng tiếng súng ran lên ở phía Tả Gia. Cô giật mình, ở đó có bố mẹ, các em cô đang sinh sống, loạn lạc sảy ra họ sẽ ra sao? Cô ra cửa nhìn ngó rồi vùng chạy về phía có bố mẹ cô sinh sống. Khắp vùng nổi lên tiếng kêu khóc, tiếng la hét, rú rít, tiếng súng nổ chát chúa, tiếng thanh la phèng phèng, tiếng đập mẹt bùm bụp... “Lọan rồi!”, “Giời sập rồi! Trốn vào rừng thôi!”, “Chạy mau kẻo chết hết bây giờ!”... Những tiếng kêu la, những tiếng động không bình thường đập vào trí não, hút Pham về phía trước, đẩy cô từ phía sau. Pham bỗng phì cười. Cô đã từng cùng cả bản đuổi gấu ăn trăng. Con gấu ngớ ngẩn ở tít tận trời xanh bình thản gặm từng miếng trăng ngon lành làm cho cả bản, cả vùng lo lắng, khó chịu. Cả bản, cả vùng điên tiết, ai cũng muốn tỏ rõ sự nhiệt tình của mình với giời đất, với cộng đồng bằng cách ra sức la hét, đập gõ vào tất cả những thứ có thể làm nên tiếng kêu đuổi gấu. Những âm thanh đủ kiểu, lộn xộn của cả bản, cả vùng chẳng làm cho gấu sợ, chẳng làm cho người sợ, nhưng nó quy tụ, rộn rã khắp núi, khắp rừng...
Pham chạy gần đến cửa hàng lương thực Sán Chải thì ở đó đang bắn nhau loạn xạ. Hàng trăm kẻ mặc áo đen, áo chàm hò hét, bắn như vãi đạn vào trong nhà. Tiếng hô “Đả đảo bọn Kinh áo nâu!’, “Đả đảo bọn Kinh áo đen!”, “Thóc lúa của chúng ta phải về với chúng ta!”... váng lên trong đêm. Trong tiếng hét lạc giọng khản cổ đó Pham nhận ra tiếng bố chồng cô. Thường ngày con rắn già đó chỉ phì phì, giọng nói chưa thoát ra khỏi miệng đã phè ra nhão nhoẹt, hôm nay không hiểu do kích động, ngông cuồng hay do rượu mà mỗi tiếng của lão đều rõ ràng, chính xác như những phát đạn súng trường.
Tiếng súng trong cửa hàng lương thực bắn ra cầm chừng song chính xác, mỗi phát đạn một tên phỉ gục xuống.
Tiếng súng bước đầu làm cho Pham nao núng, thấy người ngợm bỏng rát, tai ù ù như xay lúa, cô vội lủi sâu vào đám rong riềng tốt ngập đầu người. Phía trong cửa hàng tiếng kêu gọi kẻ lầm đường lạc lối hãy tỉnh ngộ, trao súng cho cách mạng vang lên dõng dạc. Phía ngoài, tiếng hò la quyết giết, tiếng súng bắn càng lúc càng rát rạt, chát chúa. Pham nghiến răng trèo trẹo, cùng một loại súng, một loại đạn, song hai cách bắn giết, hai ý đồ trái ngược nhau, một cố giết người, một vừa bắn vừa kêu gọi tránh gây nên cảnh nồi da nấu thịt làm toàn thân cô bừng bừng căm giận. Pham lấy hết can đảm, bò về phía ngôi nhà. Cô hồi hộp như chính cha, chính anh mình bị nhốt trong ngôi nhà đó. Bên trong tiếng súng, tiếng kêu gọi trong nhà nhỏ dần rồi im bặt. Bên ngoài, tiếng hét the thé của kẻ nào đó, tựa như tiếng bố chồng Pham váng lên: “Chúng chết hết rồi, xông lên thôi anh em ơi!”. Một kẻ, có lẽ là tên chỉ huy nhổm lên, vung súng lục bắn ba phát lên trời rồi lao vào trong cửa, hàng trăm kẻ lốc nhốc chen nhau lao theo như hổ đói tranh mồi.
Cánh cửa bị mấy cánh tay trong nhà ra sức khép lại.
Pham chưa hiểu chuyện gì đang sảy ra thì một ngọn lửa bốc cao ngút trời, tiếng kêu khóc, chửi thề bằng mấy thứ tiếng váng lên hòa cùng với tiếng nổ của tre nứa, tiếng nổ của đạn, tiếng lửa cháy rần rật, mùi thóc, ngô, mùi da thịt cháy khét lẹt bốc lên.
Hơi lửa cuồn cuộn, bỏng rát tỏa ra như hỏa diệm sơn làm cho cả bọn sống sót bên ngoài sững lại, đứng như trời trồng.
Lửa cháy, người chết làm Pham bừng bừng như vừa tu xong một vò rượu, cô vùng dậy nhảy choi choi:
- Cho chúng mày chết, cho chúng mày ch...ế...t...
Pham chưa dứt tiếng hô thì tiếng đạn, tiếng chửi thề xoẹt qua mang tai, rồi tiếng hô bắt, bắt náo loạn cả lên, cô bừng tỉnh, hai cái chân ngựa theo đường quen phóng vội vào rừng.
 Pham chạy ra khỏi cái ổ lửa được một đoạn thì ồn ào phía trước làm cô khựng lại. Cô lủi vội vào búi cây ven đường. Một đám người mặc áo đen hung hãn dong một người đi ngang qua. Trong ánh trăng thượng tuần bàng bạc, đám người mặc áo đen như người âm phủ, kẻ cầm súng kíp, kẻ vác súng trường, kẻ giơ dao quắm lốc nhốc theo sau một kẻ cưỡi con ngựa đen dẫn đầu. Đám người vừa đi vừa hằm hè quát tháo, thúc súng vào mông, quật súng vào vai người bị dong. Người bị dong mặt mũi, người ngợm bê bết máu, hai tay bị trói dang ra như bù nhìn coi dưa. “Chắc chúng sợ người bị bắt lao xuống vực” - Pham lẩm bẩm, cô nhận ra người bị dong là Xã đội trưởng Vảng.
Đám người âm phủ dẫn Vảng đi qua Pham được một đoạn, cô bỗng nghe tiếng uỵch, rồi tiếng  ngựa rống, tiếng la hét oai oái như lợn bị cắt tiết váng lên từ dưới hố sâu. Bất chấp hiểm nguy, Pham nhổm hẳn lên, xuýt nữa đưa hai tay lên vỗ. Con ngựa đen cùng người mặc áo đen trên lưng nó bị sa xuống một cái hố bẫy hổ. Cái hố sâu tầm nửa cây mai cắm đầy chông nuốt chửng cả người lẫn ngựa. Hai tên khác theo đà lăn theo. Trong mờ trong tỏ, Pham thấy những tên áo đen khác mặt mày nhợt nhạt, mắt nhớn nhác nhìn quanh, mặc cho những kẻ dưới hố kêu rên thảm thiết.
Nhận thấy không có mai phục, bọn người âm phủ xúm lại tìm cách đưa ba kẻ dưới hố lên. Người bị trói chắc biết với cái kiểu trói giang tay như thánh chịu nạn có chạy cũng không thoát nổi mớ dây dợ nhằng nhịt của rừng nên đành đứng im chịu trận.
Tên chỉ huy đã được kéo lên mặt hố. Từ chỗ nấp Pham thấy rõ đôi mắt toàn màu trắng trên cái khuôn mặt như cái môm cày đẽo hỏng lóe lên một cách dễ sợ. Bắp chân của hắn bị một ống nứa tép xuyên qua. Ống nứa như cái ống dẫn cho máu trong người hắn chảy ra tong tong.
Cả bọn âm phủ luống cuống xúm quanh tên chỉ huy. Tên chỉ huy gạt đồng bọn ra, hai tay nắm chặt ống nứa, nghiến răng kéo mạnh. Sau tiếng sụt ghê rợn một dòng máu vọt ra từ bắp chân. Hắn đưa cái ống nứa đỏ máu lên ngắm nghía rồi bất ngờ gầm lên, lao thẳng vào ngực trái xã đội trưởng Vảng. Một tiếng thét động giời động đất xé tan đêm, Vảng gục xuống, máu từ trong ngực anh theo ống nứa phọt ra.
Tên chỉ huy gầm lên:
- Vì mày mà ông mất con ngựa... vì mày…
Tên chỉ huy chưa kịp nói hết câu thì Vảng ngẩng phắt lên phun một bãi nước bọt vào mặt hắn. Bãi nước bọt bắn thẳng như phát súng nước làm tên chỉ huy tối mắt tối mũi. Hắn ôm mặt, đứng lặng một lúc rồi từ từ vuốt xuôi. Dọc theo vết vuốt của mười đầu ngón tay không hiểu máu từ Vảng hay từ mặt hắn chảy thành vệt như mười cái lạch mùa nước cạn, hắn hét lên:
- Mổ bụng moi gan nó cho tao!
Sau tiếng thét căm hận, cả bọn hung hăng rút dao quây quanh Vảng.
- Mổ bụng moi gan nó cho tao!
Sau tiếng thét thứ hai, một tên cầm con dao nhọn nghiến răng xiên mạnh.
 Vảng rống ồ ồ rồi đổ ụp xuống. Cả bọn xúm vào lật ngửa Vảng lên, phút chốc cái bụng trắng hếu của anh bị rạch làm đôi, một bàn tay hung bạo thò vào khoang bụng đang phập phồng móc ra lá gan đưa cho viên chỉ huy. Viên chỉ huy lừ lừ lấy bình tông rượu tu một ngụm rồi đưa lá gan lên cắn, xé, nhai, nuốt, mồm miệng hắn nhoe nhoét máu trông chẳng khác gì hang hốc của người phụ nữ sau khi đẻ.
Pham như khúc gỗ lôi ra từ đống tuyết, cô há hốc mồm, hai quai hàm cứng ngắc, chân tay không nhúc nhích, nước thải từ trong bụng từ từ đùn ra. Bỗng tiếng súng nổ từ phía Tả Gia làm Pham giật mình, cô chuồi ra khỏi chỗ nấp rồi vùng dậy chạy thục mạng về phía bản sinh ra mình.
Nền trời phía Đông đã chuyển sang màu hồng. Bầu trời, mặt đất mang đẫm hơi sương dần được sưởi ấm. Sự tỉnh dậy của giời đất làm cho sự sống bắt đầu cựa quậy. Trên những cây đào, cây lê chim chóc ríu rít thể hiện phận sự đánh thức làm át đi không khí thê lương, chết chóc. Hòa cùng với náo nức của đàn chim, những tán lá ướt rượt hơi sương khoe sự mỡ màng, xanh tốt tưởng như ngoài chúng ra không còn gì viên mãn bằng. Vạn vật đều tự nhiên như mỗi sáng, đều cần đến bàn tay con người, nhưng sau cơn tan tác con người ở đâu? Ở đâu?
Pham đã về đến đầu bản. Chết chóc, tang thương làm bước chân cô sững lại. Chỉ qua một đêm thôi mà cả cái bản đông vui biến thành một bản chết. Cả bản không một bóng người, không một bóng trâu, ngựa, lợn gà.
Pham thẫn thờ đi theo con đường quen. Ngôi nhà ông trưởng bản bị đốt lúc đêm giờ chỉ còn những cây cột bốc khói. Mùi lửa, mùi thịt, ngô, gạo cháy váng vất. Một con trâu bị lóc hết thịt chỉ còn bộ khung xương nằm chổng chơ trên đám cỏ bị quần nát. Ruồi nhặng. Cơ man là ruồi nhặng. Chúng bay vù vù khắp nơi, chúng đậu đen trên những mẩu xương, mẩu da, trên đám phân vung vãi.
Pham lê bước, đi nữa, đi nữa.
Phía Đông mặt trời to tướng, đỏ lòm như một cái nong máu từ từ ló lên rồi uể oải leo dốc. Ngoài cửa rừng lố nhố đám người già, đàn bà, con trẻ. Ban đêm, tiếng súng dọa, người dọa kinh hồn bạt vía xua hết già trẻ lớn bé vào rừng. Sáng ra, tiếng súng, tiếng hăm dọa im, công việc, đói khát, tham công tiếc việc hút hồn họ hướng về làng, về bản. Tâm lý lây lan, người nọ nhìn người kia, kẻ kia trông kẻ nọ, không ai bảo ai song ai cũng cố mon men về phía bản mình. Căn nhà cần họ. Ai còn, ai mất cần họ. Con lợn, con gà, cái bếp cần họ. Con cái nhếch nhác, đói rét bìu díu cần họ. Cái cần, cái mong muốn trở về với công việc thường ngày lôi họ về với cái tổ của mình.
Mọi người mon men ra cửa rừng. Trước tiên là đám trẻ con. Đói khát, hiếu động khiến không chịu yên chân yên tay, bắt gặp anh bộ đội bồng súng đứng gác chặn lại chúng mới sực tỉnh, ù té chạy.
Mọi người đón cái hớt hải của chúng.
Nghe chuyện kể hồn nhiên, vô tư của đám trẻ, mọi người bỗng thấy mình bị xúc phạm. Nhà mình, đất mình, bản mình, tự dưng có kẻ vào chiếm chỗ, tự dưng mình phải đem cả nhà ra rừng phơi sương phơi gió, chịu đói, chịu rét. Một người thốt lên:
- Về! Tất cả cùng về. Chết là cùng chứ gì.
Tiếng chết như cây kim chọc vào cột sống làm ai nấy bừng tỉnh, khí thế phừng phừng nổi lên, tiếng nhao nhao như chợ vỡ:
- Về! Có chết cũng phải chết trong hang trong ổ của mình.
- Chết cái ống điếu đây này, chúng giết cả bọn được chắc.
- Cùng lắm một sống một chết với chúng, sợ gì.
Lời chen lời, lửa chen lửa, phút chốc đám cháy bùng lên, đám đông ùn ùn kéo nhau ra cửa rừng.
Đám đông tới đầu bản thì bị tốp bộ đội, cán bộ súng ống lăm lăm làm cho khựng lại, màu lửa lập tức chuyển sang màu sắt, những khuôn mặt lầm lì, nửa thách thức, nửa cam chịu cương lên.
Tốp cán bộ, bộ đội bối rối, họ nhìn Siểu, căng thẳng.
Siểu nhìn lướt một lượt đánh giá tình hình rồi vẫy tay cho anh em bỏ súng xuống.
Cả đám dân chúng mắt không động đậy, song thực ra toàn thân đang gồng lên chuẩn bị đón sấm đón sét.
Siểu trèo lên một tảng đá, e hèm rõ to rồi cất giọng:
 - Thưa bà con! Không giấu gì bà con, đêm qua bọn phản động đã nổi loạn khắp vùng, khắp vùng lại rơi vào cảnh đầu rơi máu chảy...
Một người đàn ông da dẻ đen cháy, mặt mũi phừng phừng, chắc do hơi rượu vừa kéo vừa đẩy, anh ta nhảy lên súc gỗ nằm đối diện với tảng đá, phanh ngực áo ra:
- Chúng tôi biết rồi. Không biết cũng phải biết, cũng phải gánh chịu, các ông nhìn trước mặt, nhìn sau lưng kia kìa.
Người đàn ông giận dữ vung tay khoát một vòng, hướng nào cũng ngùn ngụt sự tàn phá, chết chóc.
Siểu nén cục ức dâng lên cuống họng, nói khó khăn:
- Thưa bà con! Tội ác của bọn phỉ đúng là trời không dung, đất không tha. Việc trước mắt của chúng ta bây giờ là phải đoàn kết, giúp đỡ cán bộ, bộ đội đánh tan bọn phỉ...
Hai tay người đàn ông cầm hai vạt áo của mình xé bung ra, một làn gió lạnh mang âm khí tràn tới, tiếng gầm từ miệng anh ta bật ra như một quả trái phá:
- Cút mẹ mày đi!
Đám đông rùng rùng chuyển động, máu từ tim dồn cả lên mặt mũi, chân tay. Đám bộ đội, cán bộ nhanh chóng quây lấy bảo vệ Siểu, những mũi súng chĩa ra bốn phía sẵn sàng nhả đạn.
- Cút mẹ mày đi. Chúng mày không dựng lên chính quyền chính kiếc thì chúng tao đâu đến nỗi thế này... – Tiếng gầm lại rưới dầu vào lửa.
Một cán bộ định xông lên bịt miệng kẻ ngông cuồng. Siểu khoát tay cho anh cán bộ dừng lại, anh nhìn mọi người, đau xót:
- Các bác, các anh các chị hãy tỉnh ngộ đi. Những kẻ ngông đang đưa cả vùng rừng đến chỗ diệt vong. Chúng ta có thể tin được bọn người từng gây bao nhiêu tội ác với chính đồng tộc, đồng bào lại mang lại lợi ích cho chúng ta không? Tôi xin mọi người đừng mù quáng, đừng có rộng lòng, rộng cửa giúp bọn rồ dại ấy nữa, mọi người hãy tỉnh ngộ đi.
Một người đứng ra, nhìn xoáy vào Siểu nói như cật vấn:
- Họ rồ họ dại là mồm của anh nói. Anh không rồ không dại, anh mang lại gì cho chúng tôi?
Siểu ngớ người, lúng túng:
- Tôi... tôi...
- Anh chẳng mang được gì cả. Còn họ, họ dám xả thân giữ người, giữ đất, họ sẽ mang lợi ích cho từng nhà.
Câu nói ráo hoảnh làm cho Siểu không kìm nổi cơn giận bùng lên, sôi sục:
- Họ đã mang lại lợi ích gì, anh nói đi.
Kẻ không biết lửa nóng thoáng lúng túng, song hắn lấy lại ngay được tư thế:
- Họ... họ... Bây giờ thì chưa, nhưng họ dám xả thân vì nghĩa lớn thì mọi người sẽ được hưởng lợi từ nghĩa lớn.
Siểu giơ hai tay lên kêu giời:
- Giời ơi! Nghĩa lớn ư! Vì cái bánh vẽ nghĩa lớn của chúng mà cả Phòng Tô này, Tây Bắc này cả chục năm nay không được yên, nhà nào cũng khốn khổ...
Kẻ không biết lửa nóng ngắt lời Siểu:
- Nhưng các ông nói một đằng làm một nẻo, rồi đây đàn ông vùng rừng sẽ chỉ là người làm thuê cho các ông, phụ nữ vùng rừng chỉ là vật cho các ông vui thú. Không, chúng tôi không khuất phục các ông đâu.
.....
- Người vùng rừng dũng mãnh, kiên cường, chưa bao giờ bị kẻ nào khuất phục. Chúng tôi theo Mặt trận Phòng Tô là họ vì chúng tôi, nếu họ phản lại chúng tôi sẽ đánh lại họ, chúng tôi không phải trâu, không phải ngựa, ai dắt đi đâu cũng được...
Cả bãi như thùng thuốc súng, tất cả nhao nhao phẫn nộ.
Siểu gầm lên:
- Các người có im đi không. Các người có biết các người đang tiếp tay cho kẻ ác phá hoại bản làng. Bản này, xã này, Phòng Tô này tan nát cũng từ những cái đầu u tối của các người...
Đám đông lặng đi trước sự phẫn nộ của Siểu, những cái mồm chí chóe của loài khỉ vượn câm bặt, hệt như bầu trời, mặt đất có cơn lốc vừa tràn qua. Song trời yên gió lặng chỉ tạm thời, những con mắt căm tức tìm nhau, xoắn lấy nhau. Kẻ râu rậm trên tảng đá lại hét lên:
- Mọi người đừng nghe kẻ rước voi về dày mồ, chúng ta có thủ lĩnh của chúng ta, đuổi hết chúng đi. Đuổi hết chúng đi.
 Một kẻ khác cũng vọt lên tảng đá, phanh ngực ra:
- Các anh em đừng tin nó. Chúng ta không chung đường với nó, tống cổ nó ra khỏi Phòng Tô.
Tiếng hét cũng sự múa may quay cuồng của hai thằng kích động tới từng mạch máu của đám đông. Tất cả bùng lên, những tiếng hét chói tai, những tiếng vỗ tay, dậm chân phấn kích, rào rào, rin rít, vù vù, hệt như ong vỡ tổ. Không! Hệt như nước đẩy, phai vỡ. Tất cả sục sôi, họ vớ bất cứ thứ gì trong tầm tay ào lên, quây gọn đám bộ đội, cán bộ.
- Bà con, hãy bình tĩnh.... - Tiếng hét của Siểu chìm nghỉm giữa cả một biển âm thanh phẫn nộ, chỉ một phút sau đám du kích, bộ đội bị dằn xuống, cả đám đông xô vào đấm đá, vụt, quật. Không thể để cuộc hỗn chiến sảy ra, Siểu chĩa súng lên trời, nghiến ngón tay vào cò súng.
 Đoàng... đoàng.... đoàng.... ba phát súng nổ đanh như tiếng sét giữa mùa hanh hao làm cả tổ ong chững lại. Siểu đau đớn, mệt mỏi rời đám đông, lững thững dắt ngựa về phía thị trấn. Đám cán bộ, bộ đội lặng lẽ đi theo Siểu, họ để lại đằng sau cả đám đông ngơ ngác.
Bóng tối  như cái chài rách bủa vây khắp núi rừng, làng bản. Trên vòm cái chài đó vài ngôi sao lẻ loi đang cố lần đường tìm bạn song giữa mênh mông chúng càng tìm càng lạc, càng bất lực với vô cùng. Dưới gầm cái chài vạn vật dường như quá quen với chấp nhận, với lo ngại nên vừa thờ ơ, vừa cương lên chống đỡ bóng tối. Cây cối ban ngày nở bừng mắt lá, mắt cây khoe sức, khoe tuổi, khoe sự ngạo nghễ - cái chài ụp xuống, tất cả bỗng e ngại, bối rối, run rẩy ngước lên thinh không. Những con thú ăn ngày, ăn đêm - ánh sáng mặt trời, trăng sao hâm nóng từng cơ bắp, từng giác quan đã cho chúng sức lực dũng mãnh, tinh anh, nhanh nhẹn - cái chài ụp xuống bịt mắt khiến tứ chi chúng bải hoải, mắt đòi nhắm, thân đòi chui vào hang hốc. Con người  chẳng khác gì con thú. Còn hơn thế nữa. Bóng đen trùm xuống, nỗi lo đầy lên, nhất là những ngày gần đây những cái vòi hắc ám chỉ chờ đêm xuống là thò ra quấn lấy từng nhà, từng người. Trước khi biến loạn nổ ra Dủng (bố của Đàu) cũng như các nhà trong bản được lệnh sẵn sàng chống cướp. Đàn ông chuẩn bị dao, súng, đuốc pơ mu, dây thừng, bao tải, tiếng tù và, tiếng súng nổi lên là sẽ thành chiến binh bảo vệ bản làng.  Đàn bà chuẩn bị củi, gạo, ngô, mắm muối, thức ăn khô, biến loạn sảy ra có kéo dài như mưa dầm tháng bẩy cũng không sợ đói rét. Muốn nhà yên, người yên thì ai biết phận người nấy, việc bản nào  của bản ấy, có mắt như mù, có mồm như hến. Lệnh phát ra từ già bản, song ai cũng biết nó chui ra từ những miệng con rắn độc núp trong bóng tối. Mọi người đã quá hiểu những mệnh lệnh kiểu này. Chống cướp, chống giặc đâu không biết, nhưng trước tiên phải chống mình. Nó làm cho cả bản, cả vùng hoang mang, táo tác như gà gặp cáo, mặt trời lên quá con sào mới dám mở cửa, chưa tối đã cửa đóng then cài, người người gặp nhau lấm lét, trông trước trông sau, cậy mồm không được một lời. Năm 1954 Dủng là con tốt đen trong đội quân khét tiếng của Triệu Tá Sắn. Trong một trận càn vào một làng Tày, do thần hồn nát thần tính Dủng vô tình bắn chết người bạn thân thiết của Triệu Tá Dùn và cũng là hầu cận trung thành của Triệu Tá Sắn. Việc không may của Dủng bị Dùn phát hiện, sợ Dùn trả thù, Dủng phục kích bắn lén Dùn. Ba viên đạn không làm trầy da sứt thịt Dùn song từ đó hắn là nỗi lo canh cánh của Dủng. Không hiểu giời xui đất khiến hay nợ nần nhau từ kiếp trâu kiếp chó mà Đàu - đứa con gái duy nhất của Dủng lại gặp, lại trao thân gửi phận cho Vương - thằng con trai duy nhất của Dùn. Cùng thời gian hai đứa trẻ gặp gỡ là một kẻ lạ mặt mò đến bếp nhà Dủng. Qua người lạ mặt Dủng mới biết việc tay Dủng nhúng chàm không chỉ mình Dùn biết, Dủng sống được đến ngày hôm nay là nhờ lòng thủ lĩnh Triệu Tá Sắn như lòng sông lòng biển. Thời vận của người Phòng Tô đang đến, những con nước ngầm như Dủng phải biết, phải nắm lấy cơ hội để vùng lên. Không vùng lên là phản bội, là nhận lấy cái chết không hợp lẽ. Dủng điếng người, hóa mấy năm qua cái món nợ đời vẫn cái thòng lọng vẫn buộc vào cổ Dủng.
Từ cái đêm con chim ác mang tin xấu đến nhà, Dủng thành cái đèn cù, thành con gà mắc tóc. Cứ dăm bữa nửa tháng lại có kẻ đến giao công việc hoặc lấy đi một cái gì đó. Dủng biết con trâu con ngựa ủng hộ Mặt trận Phòng Tô gì đó là tiếp tay cho phản loạn; cung cấp tin tức về chính quyền, công an, dân quân cho kẻ lạ mặt là kéo cái chết lại mình; lôi kéo, thuyết phục họ hàng, anh em chuẩn bị nổi loạn là lôi kéo người xuống thác dữ... Biết nhưng không thể không làm. Ban chiều Dủng nhận lệnh đêm nay sẽ làm cho khắp vùng kinh thiên động địa. Làm ngọn gió độc luồn vào từng nhà trong bản việc chuẩn bị đánh cướp xong, Dủng quay về. Thấy cửa đóng then cài, bếp núc nguội tanh, Dủng như phát cuồng. Con gái Dủng đêm nay không về nhà không làm mồi cho quỷ dữ cũng khó gặp lại bố. Dủng bổ đi tìm con nhưng càng tìm càng mất. Dủng tìm cho đến khi một cái chân gấu thò ra ngáng cho hắn sấp mặt xuống con đường nhầy nhụa phân, bùn. Hắn vùng dậy thì một kẻ cao lớn đã túm cổ áo nhấc lên xoay một vòng như xoay cái bù nhìn coi nương. Tên cao lớn thả Dủng xuống, gầm lên:
- Lửa sắp cháy rồi mà mày còn như con chó động đực, định làm phản hả.
Dủng sợ toát mồ hôi, lắp bắp:
- Không, tôi... tôi...
- Không tôi không ông gì nữa, về nhà lấy súng rồi ra rừng cấm ngay.
Dủng định cãi thì một báng súng đã dộng vào vai đau điếng, không còn cách nào khác, hắn nén đau, ấn sự lo lắng vào lòng, lủi thủi về nhà lấy súng, lấy đuốc ra rừng cấm.
*
*     *
Trong lúc Dủng đang là con thuyền gặp thác thì trong rừng sâu Vương và Đàu đang quấn quýt với nhau. Cảm giác hồi hộp, lo sợ của người đói ăn vụng; hãnh diện, thích thú được dâng hiến cho người mình yêu; khát khao, tò mò được thỏa mãn... tất cả những hứng thú quyện lại làm cho cả hai không còn biết trời đất là gì nữa.
Đêm đi qua vội vàng. Lửa đã tàn, đống gio bị rút hơi nóng đến cùng kiệt tự đưa ma mình bằng cách thấm nhanh hơi ẩm từ giời, từ đất.
Vương lật ngửa người, hai chân hai tay thẳng cẳng một cách khoan khoái. Đám lá khô dưới tấm lưng trần lạo xạo, mùi đất ẩm dâng lên ngai ngái, ngầy ngậy, làn gió mang đẫm hơi sương vuốt ve, mơn trớn khiến cho sinh lực hồi phục nhanh như con suối gặp mưa khiến cho không khí buổi sáng ríu rít, tíu tít. Cạnh Vương, Đàu ngồi bó gối, mắt nhắm hờ, trễ nải. Màu xanh của rừng dịu dàng vây lấy cô. Nhng tia nắng sớm tinh nghịch nhảy múa quanh . Những đoá hoa hồng tú cầu mịn như nhung, đầy như những đĩa xôi bẩy màu đơm rải ra trên kẽ đá. Khe nước dưới chân rừng ghi dấu ấn của con ngựa nước sung sức, giờ chỉ còn những sợi nước vàng khé. Đàu đưa hai bàn tay lên ngang mặt săm soi. Trong tinh khôi buổi sớm hai bàn tay nở ra như hai bông hoa. Bàn tay, nơi số phận, tâm tính, lòng dạ bày ra. Từ khi biết sung sướng, lo âu hai bàn tay đã là nơi an ủi, nguồn tăng thêm nhựa sống cho Đàu. Ai chạm vào bàn tay không dày, không mỏng, dẻo dai, tràn đầy sức sống của cô là người đó nhận được vui vẻ, cởi mở, là thầm đoán định, mừng cho tương lai đủ đầy đang chờ cô phía trước. Ai nhìn thấy mười ngón tay thuôn dài, mềm mại như mười cánh hoa đều trầm trồ thán phục, mong được gần gũi con người lòng dạ lương thiện, thiên về nội tâm, hết lòng vì người khác... Vậy mà! Nỗi buồn từ gan ruột bò lên đỉnh đầu rồi lan toả xuống tứ chi làm người Đàu nẫu dần, lòng dạ như đám mạ non bị trâu quần.
Vương ngồi dậy, nhìn Đàu, e hèm đánh tiếng. Đàu ngẩng lên, những giọt nước mắt lăn từ từ trên đôi má mát lạnh. Vương bối rồi, cậu vơ vội quần áo mặc vào, hai tay xoắn vào nhau như vặn thừng:
- Thôi mà em, em khóc anh cũng khóc đây này.
Những cử chỉ bất lực, vô nghĩa cùng lời van vỉ bất lực của Vương càng làm cho tủi hờn trong sự non trẻ trào lên. Đàu nức nở. Tiếng khóc khó nhọc của đứa trẻ bị đánh đòn oan cuộn lên từng chập, từng chập, những giẻ nắng sớm dọi qua kẽ lá nhảy nhót, trêu đùa khiến những giọt nước mắt ánh lên màu ngọc trai.
- Anh... anh xin em đấy, nước mắt phỏng có ích gì - Vương rên lên, trong tiếng rên pha lẫn sự bực bội.
- Nhưng anh ơi, tại sao bố em, bố anh cứ như con hổ không chung chuồng, tại sao họ phải làm cho tảng đá va nhau, tại sao.... hư hư...
- Đã bảo thôi mà!
Vương nhặt khúc củi cháy dở vung mạnh. Khúc củi vẽ lên không trung một đường vòng nhem nhuốc rồi rơi bịch xuống bụi rậm, tiếng động của nó làm đôi bìm bịp đang gà gật bên nhau giật mình bay vụt sang vạt rừng bên cạnh.
Đàu nhìn Vương, trong giận dữ Vương như con gấu đứng trước dòng nước xiết, cô đứng dậy ôm riết lấy Vương hổn hển, thì thầm:
- Anh Vương, anh đừng bỏ em anh nhé!
Vương ậm ừ trong cổ họng:
- Ừ!...
- Anh bỏ là em sẽ là cái lá rời cành đấy.
Vương quàng cánh tay gấu qua vai Đàu, mùi mật ong tỏa ra từ mái tóc mun làm dịu đi vết thương đang rỉ máu:
- Em đừng nghĩ ngợi nữa, mình chung da chung thịt rồi thì anh đâu em đấy thôi.
-  Em chỉ sợ...
Vương bịt vội cái mồm xinh như đóa hoa đỗ quyên:
- Đừng. Đừng nói nữa. Nói nữa thần sét bổ làm đôi bây giờ.
Đàu bỗng phì cười, cả đêm làm cái việc động giời, da thịt còn nhễ nhại, hơi hướng vụng trộm còn nồng nặc mà lại thề với thần sét thì đúng là không coi giời đất thần phật là gì. Mà cũng may cả hai không còn biết đến giời đất, thần phật nên không thành nạn nhân của đêm kinh hoàng làm cả vùng rừng chui vào cơn lũ ống.
18
Trong lúc Siểu đang đối phó với đám người kích động ở Tả Gia thì quân phỉ ở các bản phía Tây gặp nhau ở ngã năm đường xuôi thị trấn, ngoại trừ một số kẻ cầm đầu biết nhau còn hầu như chúng mới lần đầu thấy mặt. Mới đầu gặp nhau tính hảo hán, vì việc lớn chúng còn lịch sự, nhường nhịn, kính cẩn lẫn nhau. Đám nguời Hmông Tà Thàng vừa ra khỏi cửa rừng đã thấy chỗ ngã năm nhung nhúc những người là người. Thấy đám Tà Thàng, một tên người Pú Nả phóng ngựa từ trong đám đông ra hỏi:
- Các bác người bản nào thế?
- Tả Thàng – Một người phóng ngựa lên, ra roi chỉ về phía ngàn năm mây ấp núi – Vậy bác người đâu ta?
Tên người Phú Nả, chỉ roi ngựa về phía sườn núi xa xa:
- Người Cốc Ly.                                   
Một tên khác cũng phóng ngựa ra:
- Chúng tôi người Sín Chải.
Đám ở Tà Thàng ồ lên:
- Thế thì năm ngón tay chụm lại rồi.
Một tên ở Tà Thàng bảo:
- Năm ngón tụ là tốt rồi, nhưng ta phải làm gì bây giờ?
Tên người Phú Nả chỉ roi ngựa về phía thị trấn:
- Thủ lĩnh bảo tiến vào thị trấn, đánh được đâu thì đánh, cướp được gì thì cướp.
Người khác hào hứng:
- Đúng, bây giờ thì chúng thọt dái lên cổ, tự tan rã cả rồi, mình cứ vào thị trấn cướp phá thôi.
- Vậy thì đánh, thì cướp! – Một kẻ hô vang.
Tất cả rùng rùng hô theo, rùng rùng xuống núi. Tiếng hò hét đánh, cướp, tiếng chân người, chân ngựa rầm rập như đá lăn, như thác đổ.
Đội quân gió cuốn nước chảy đến đầu thị trấn thì bị tiếng súng của bộ đội làm cho khựng lại, chưa đánh đã tan. Thực chất đánh tan bọn ô hợp này không khó. Nhận lệnh phải chặn đứng bọn phỉ từ phía Tây tràn xuống một tiểu đội của đại đội bộ đội địa phương nhanh chóng hành quân, triển khai mai phục trên con đường độc đạo từ ngã năm dẫn về thị trấn. Chờ cho bọn phỉ chui vào hẻm núi tiểu đội trưởng ra lệnh nổ súng, ba tên đi đầu ngã ngựa làm cho bọn phỉ rối loạn, quay đầu, mạnh thằng nào thằng ấy chạy.
Phỉ tan nhưng dân không tan. Từng đoàn dân chúng toàn người già, đàn bà, con trẻ như đám rều quấn lấy nhau lừ lừ trôi về phía thị trấn. Trong tay mỗi người không súng ống, giáo mác, dao dài, gậy gộc, song kẻ dắt ngựa, kẻ bao vải, bao tải, lù cở, khuôn mặt, dáng vẻ ai ai cũng lầm lầm, nhẫn nại, kiên quyết, phó mặc. Bộ đội, cán bộ giang tay ra cản không được, quát dừng lại không xong, bắn súng chỉ thiên đe dọa cũng chẳng nổi.
*
*  *
Trong trụ sở châu ủy, Long đang ngồi đọc công văn hỏa tốc thì được thông báo cửa hàng lương thực thị trấn nguy cơ bị phá, anh vội vã nhảy lên ngựa ra roi. Long đến nơi thì ở đó đã tụ tập một đám đông cụ già, đàn bà, trẻ con, ai cũng da dẻ xanh tái, quần áo rách rưới, xống xếnh. Một tốp bộ đội đang cố hạ hỏa đám đông bằng cách đề nghị giải tán, ai về nhà nấy, nhưng cả đám phản đối bằng cách lì ra.
 Long rẽ đám người lố nhố, trèo lên bậc thềm, anh đau xót nhìn sự đói khát bày cả ra khuôn mặt, tay chân, quần áo nhưng những ánh mắt lộ rõ ý định đòi mở kho thóc còn mạnh hơn cả vũ khí, anh cất tiếng:
- Thưa bà con! Cách mạng không muốn cảnh này, bà con chắc chắn cũng không muốn cảnh này...
 Những khuôn mặt vô cảm, bất chấp làm Long hẫng người. Một cán bộ mang đến một cái bàn, Long cố ấn sự bực tức, bất lực vào gan ruột, trèo lên bàn nhìn khắp lượt:
- Tôi biết bà con đang đói. Nhưng đói không có nghĩa là làm càn. Cách mạng giải phóng đất này khỏi đè nén, áp bức mang lại no ấm cho mọi người, song đến bây giờ vẫn để bà con đói khổ là lỗi của cách mạng. Nói đi phải nói lại, bà con cũng nên thông cảm với những khó khăn hiện nay. Bệnh nào cũng có thuốc chữa, bà con hãy cùng cách mạng bàn bạc để vượt qua cơn bĩ cực này. Tôi biết bà con bị kẻ xấu xúi giục chống phá chính quyền, song như thế không nên, lá tre ghè lá trúc thì cả lá trúc lẫn lá tre nát tan thôi...
Lời Long như nước đổ lá ráy, đám đông vẫn không ai động đậy, không ai nhếch mép, tất cả cứ như bị chôn cứng. Một cán bộ đứng bên Long, mặt mũi đỏ căng, tay đặt vào cò súng, miệng định cất lời mạt sát, Long quay sang anh cán bộ, rầu rầu:
- Thôi! Cậu bảo thủ kho mở kho cấp cho mỗi người mười cân thóc.
Anh cán bộ tròn mắt ngạc nhiên:
- Nhưng...
- Không nhưng gì cả, đây là lệnh, bảo anh em làm đi.
Nghe Long nói phát thóc, mặt mũi đám đông rãn ra, sáng lên, song chỉ một lát thôi cái vẻ lầm lì lại trùm lên cả đám. Khi vào kho, mở bao ra cho cán bộ đổ thóc vào, những khuôn mặt đổ bằng chì vẫn không thay đổi. Nhìn họ, Long không biết nên thương hay nên sợ nữa.
*
*    *
Bọn phỉ đã kiểm soát được toàn bộ Sín Chải. Theo lệnh của Triệu Tá Sắn, ngoài việc buộc người họ Triệu đi theo, bọn chúng không động đến nhà họ Triệu và các nhà có người theo phỉ còn các nhà khác đều bị chúng triệt hạ, cướp bóc theo kiểu ân oán giang hồ. Người đầu tiên bị chúng điệu ra bãi đất đầu bản là Xã đội phó On. On bị chúng đánh đập cho mặt mày thâm tím, máu mê đầm đìa, cái áo màu đen tơi tả để lộ ra bộ ngực lằn ngang, lằn dọc, máu đọng thành vệt.
Bọn phỉ vừa dẫn On ra tới bãi thì Bàn Văn Sing cũng vừa phóng ngựa tới. Vừa nhảy xuống ngựa Sing đã vung roi vút xuống cái lưng trần của On, mỗi lần cái roi da vút xuống là một lần hắn rít lên:
- Mày giỏi truy lùng ông này!
-  Mày bắt bọn ông nếm mật nằm gai này!
- Cho mày biết thế nào là thổ phỉ này!...
On oằn mình chống đỡ những nhát roi thù, mắt anh vằn lên những tia máu. Sự giận dữ của On càng kích thích sự điên tiết của Sing, những nhát roi, những lời rít không còn thong thả mà sầm sập quấn lấy anh.
On không còn đủ sức chống đỡ Sing, trước khi kiệt sức gục xuống anh còn kịp phun vào mặt Sing một bãi máu. Bãi máu hờn căm của On đẩy cơn điên của Sing đến đỉnh điểm, hắn rút con dao dài kè kè bên thắt lưng ra. Bọn phỉ chưa kịp bưng tai, bưng mắt thì ánh thép lạnh đã xuyên thẳng vào ngực On, anh rú lên rồi gục xuống.
Sing chùi cái dao đầy máu vào ống quần rồi lên ngựa phóng đi. Lúc này bọn phỉ trong bản mới lục tục dẫn người ra. Cả thảy mười hai người, người nào người nấy bị trói giật cánh khỉ, quần áo tả tơi, mặt mày đầy máu, một cuộc hành hình tập thể khởi đầu cho một ngày mới bắt đầu.
*
*      *
Sau trận phủ đầu của bọn phỉ, mấy ngày sau đó cả vùng hầu như im tiếng súng. Phía Mặt trận Phòng Tô của Triệu Tá Sắn phát cuồng lên vì chiến thắng. Hả hê, vui sướng nổi phềnh lên trên các chảo thắng cố, các mâm rượu. Chúng hò nhau lập ban này, bệ nọ, thề quyết tử đến cùng. Phía cách mạng, bị bất ngờ, bị đổ bể, bộ đội, cán bộ, dân quân du kích phải co cụm trong thị trấn hoặc rút sâu vào trong rừng. Không thể tác chiến khi chưa hiểu rõ còn gì, mất gì, dân ai theo ai không, địch đang mạnh hay yếu. Trong tình cảnh gà mắc tóc không còn cách nào khác họ đành phải co vào, cương lên để bảo toàn lực lượng và cử người cắt rừng về xuôi xin tiếp viện. Rất may mắn, phỉ là một bọn quân ô hợp, trừ bọn trùm sỏ còn đa số quân cán của chúng là những kẻ a dua làm theo hoặc bắt phải theo. Mục tiêu chính của chúng là cướp của, là thỏa nguyện bắt người khác phải khiếp sợ, phục tùng, thấy của nả của nhà nước, của dân chúng, tướng cũng như quân tối mắt vào tranh giành, cướp phá, quên cả lý tưởng lẫn ý chí.
*
*      *
Con ngựa quen đường đưa Long về thị trấn.
Trời đã sáng rõ. Mọi vật vun vút lùi sau lưng ngựa. Mặt trời, không khí náo nức buổi sáng không đánh thức nổi cánh rừng. Những cây vầu, lá khô sắt, thân mốc thếch, những đám cỏ mùa lụi vàng ệch, những lạch nước khô quánh, đỏ đọc..., tất cả im ắng, chết lặng, hòa đồng với bài ca chết chóc.
Con ngựa có Long cố gượng sức nằm dài trên lưng đang thả nước kiệu trên đường quen. Do tiếng đạn, do máu mê kích động hay do thương chủ mà hai mắt nó đỏ như mắt thỏ, hơi mồ hôi bốc lên ngùn ngụt.
 Vừa thấy Long, cán bộ, bộ đội, đã ùa đến vây quanh, hai người đỡ Long xuống ngựa. Long gượng nhìn mọi người, thều thào:
- Bảo đồng chí Châu triệu tập ngay cuộc họp…
Trung đội trưởng Mai lo ngại, nói:
- Vâng, chuyện đó để sau, phải xem vết thương cho anh đã.
Long xua xua tay:
- Được rồi, được rồi, nhưng phải họp gấp ngay, nằm trên chảo lửa rồi.
Trung đội trưởng Mai đang cho liên lạc báo họp thì anh y tá chạy tới. Mọi người dìu Long vào nhà, đặt anh lên sạp. Vết thương bên vai trái Long tuy vào phần mềm song đã tấy lên như phải bỏng, máu rỉ ra thành giọt. Long nhắm mắt nén đau cho yên lòng mọi người.
Cuộc họp của Châu được bắt đầu một cách khá nặng nề. Những người đến họp mang theo tâm trạng khác nhau. Người co mình lại để thăm dò, giữ mình. Người mang theo sự kinh hoàng của trận lũ ống lũ quét, sự kinh hoàng, sợ hãi đó còn in đậm trong quần áo xống xếnh, lấm bẩn, sợ hãi. Người mang tâm trạng nôn nóng, thái quá, cơm thịt đang ở trong mồm còn có kẻ móc ra. Người buông xuôi, ngờ vực, nước đến đâu bèo đến đấy, đến cả quân, dân, chính, đảng, công an, đoàn thể trong tay mà trong có mấy ngày đã trắng tay, thì mình còn làm được gì… Không khí nặng nề, đau đớn bao trùm. Những khuôn mặt hốc hác, rộc rạc vì mất ngủ, vì bất lực phô ra không cần giấu diếm.
Thấy cuộc họp đã khá đông đủ, Long nhìn Siểu, gật đầu rồi lên tiếng:
- Ta bắt đầu họp nhé!
Mọi người chăm chú nhìn Long, họ biết dù muốn hay không trong lúc nguy nan người đứng đầu vẫn là tấm gương, là chỗ dựa của cả châu.
Long đứng lên, cố gồng mình cho xứng tầm của cây cột cái trong bão, Long nói:
- Thưa các đồng chí, trong hình hình nóng bỏng hiện nay đánh tan bọn phỉ là nhiệm vụ hàng đầu. Trong khi chờ lực lượng chi viện của Khu, của Trung ương, tôi tuyên bố từ giờ phút này toàn châu đặt trong tình trạng thời chiến. Quyền chỉ huy các hoạt động chiến đấu của Châu đặt dưới sự chỉ huy của Ban chỉ đạo chiến dịch tiễu phỉ. Trước mắt tất cả phòng ban, các xã phải ra soát lại lực lượng. Chúng ta phải nắm rõ trong dân, trong cán bộ, ai theo phỉ, ai lừng chừng giữa ta và phỉ, ai giữ vững khí tiết để qua đó phân loại, cảm hóa, tiêu diệt hoặc sử dụng. Chúng ta buộc phải quay lại nắm đất, nắm dân, phải điều hành bộ máy chính quyền trong thời chiến. Tất cả những kẻ chống lại cách mạng, có nợ máu với cách mạng, với nhân dân đều phải trừng trị đích đáng.
Long chưa dừng lời thì một người  đã đứng lên hỏi:
- Thưa bí thư, hiện nay thực lực của chúng ta có những gì? 
 Long nhìn người vừa nói rồi nhìn khắp lượt:
- Lực lượng của chúng ta hiện nay không có bao nhiêu nhưng cũng đủ để cầm chân cơn lũ - Long nắm ngón tay lại rồi xòe ra ngón cái - Đó là đại đội bộ đội địa phương...
Một người khác buột miệng:
- Đại đội đó tan ngay trong đêm nổi phỉ đầu tiên rồi.
Long nhìn người vừa nói:
- Tan nhưng chưa mất, trước khi biến loạn sảy ra ta đã phân tán đại đội, nhập vào các tổ công tác làm công việc thu thuế và ổn định trật tự. Biến loạn nổ ra, các đội công tác có mất mát, hy sinh nhưng cơ bản vẫn bảo toàn được lực lượng. Trước mắt các tổ công tác vẫn nằm tại địa bàn mình phụ trách, đây là lực lượng tại chỗ để ta lấy lại được thế cân bằng.
Vẫn người nói lúc nãy:
- Đấy là lực lượng thứ nhất, còn lực lượng thứ hai?
 - Thứ hai là dân – Long lại xòe ngón tay trỏ ra.
Ai đó rên lên:
- Dân ư! Cả vùng theo phỉ rồi bí thư ơi!
Long chưa kịp trả lời thì phần lớn ánh mắt của những người dự họp nhìn ra cửa một cách khó chịu, ngoài cửa là Phó chủ tịch châu Hoàng Văn Bình. Bình vừa tới. Anh ta dưạ cây gậy vào vách, cởi cái áo mưa mặc để chống vắt lên cây gậy rồi chậm rãi bước vào nhà. Cách ăn mặc đỏm dáng cùng cái dáng khệnh khạng của anh ta như con công vào gặp bầy gà.
Không cảm thấy sự bực dọc của mọi người, Bình nói oang oang:
- Điên, điên thật, hỏng cả bữa cỗ. Con nai đang thui dở thì đùng đùng đoàng đoàng. Mẹ kiếp, mấy con ruồi con muỗi mà làm hỏng cả việc, phải chuyên chính thôi, đùa với chó liếm mặt thế này thì có ngày mất mạng đấy.
Ai nấy ngớ người. Bình to béo, phương phi, bảnh chọe. Từ ngày lên chức Phó chủ tịch châu Bình đã luyện cho mình tính kẻ cả, kiêu ngạo. Kẻ cả, kiêu ngạo trong cử chỉ, giọng nói, ánh mắt; kẻ cả, kiêu ngạo ăn uống, quan hệ, trong anh ta dường như có hai loại người nhập một, đó là nạt nộ, gia ơn và xum xoe, nịnh bợ.
Thấy mặt ai cũng đăm đăm, khó chịu, Bình chột dạ, anh ta dừng mắt lại chỗ Long. Long bực bội nhìn ra cửa sổ. Hắn lúng túng tìm một chỗ ngồi xuống, mở xà cột lấy ra quyển sổ, cái bút, nói trống không:
- Đến đủ cả rồi thì họp đi.
Lại một lần nữa Bình rơi vào sự lạc lõng.
Thái độ vô trách nhiệm, vô cảm của Bình đẩy cơn thịnh nộ trào ra, Siểu đứng lên:
- Cuộc họp chạy được nửa chặng đường rồi anh Bình ạ.
Không đợi sự phản ứng của Bình, Siểu quay ra với mọi người:
- Các đồng chí, chúng ta bàn tiếp nhé. Đúng, cái đau đầu tiên của chúng ta là phần lớn dân quân du kích tan rã. Song tan rã ấy từ đâu? Tôi có thể nói như đánh đục vào cột là tan rã từ chính chúng ta. Suốt mấy năm qua dân quân, du kích tập hợp, luyện tập, canh gác, nhưng họ được gì? mất gì? Trong khi bụng như cối nước đói gạo mà phải ngồi nghe huấn thị như nghe thầy cúng huấn thị ma thì tiếng nào ở lại tai được. Vào mùa, vào vụ cả nhà trông vào cây cột cái, cây cột cái tối ngày ra bãi lăn lê bò toài, lùng chỗ này, sục chỗ kia rồi về nhà hạch sách cơm rượu thì bố ai mà chịu được.
- Nhưng cả nước đang khó khăn, cán bộ còn phải ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng thì lấy gì mà cấp cho dân quân – Bình ngắt lời Siểu.
Siểu hít một hơi dài, khuôn mặt đanh lên như trước giờ vào trận, hai tay Siểu khoát rộng như muốn ôm cả giời, cả đất, anh nói từ tốn song giọng vẫn vang vang như đang nói trước núi rừng:
-         Vâng, khó khăn. Ai cũng biết cả cả nước đang khó khăn, nhưng không thể uống nước lã mà sống mãi được. Nếu bày cả lên mặt bàn này để rõ trắng rõ đen thì phỉ khó khăn hơn ta nhiều, nhưng sao nó hút được người nhanh thế. Là vì nó học con ong, con bướm. Nó lấy những thứ thiết thực để dụ người. Những lời dẫn dắt của nó đi thẳng vào cuống họng, vào cái dạ dày của người. Đang đói hoa mắt chóng mặt bảo đi lấy gạo về nấu ăn thì có sắp chết cũng vùng dậy. Đang rét từ trong bụng rét ra bảo đi lấy áo, lấy chăn thì có ở bên kia thác thì cũng quyết mà lao xuống. Tôi người bé lý bé, chỉ biết bày cái nhỏ bé ra thôi, còn tùy các đồng chí bàn luận.
 Những lý lẽ chui ra từ thực tế đã khuấy lên khí thế phấn chấn trên các khuôn mặt, riêng Bình thì không, hắn thấy mình bị xúc phạm. Xúc phạm song không phản kháng được, hắn cúi đầu, dán mắt vào những hình vẽ nhòe nhoẹt trên mặt bàn. Một làn gió lạnh ào tới đưa theo cả một biển mây mù, những hạt nước li ti như hạt bụi, dày như thể quờ tay nắm được làm cho căn phòng được ủ trong màu trắng lạnh.
 Long thấy cả, biết cả nỗi bực bội của Siểu, sự bẽ bàng của Bình, anh thấy mình phải gỡ rối bằng cách lôi mọi người vào công việc. Bằng một giọng trần trầm, khúc triết, anh nói rõ về cục diện chung, về thế thắng của phỉ, về những khó khăn không kiểm soát của chính quyền hiện nay. Long nói tới việc bắt buộc phải mở kho thóc thì một người cưỡi con ngựa hồng phóng tới. Chừng như con ngựa phải đi suốt đêm. Người - quần áo, tóc tai rũ rượi, đôi mắt phủ đầy sự đau đớn, thất vọng, mệt mỏi. Ngựa - bê bết bùn đất, mắt đỏ quạch như mắt thỏ, mép sùi bọt như ổ trứng nhái bén.
Người cưỡi ngựa xô cửa, loạng choạng bước vào phòng họp. Mọi người nhổm dậy như kiến vống đốt đít, Long hỏi dồn:
- Sao? Tình hình bên Tả Gia sao rồi?
Người cưỡi ngựa mệt mỏi lắc đầu:
- Hết. Hết cả rồi!...
Long lao đến nắm lấy vai người cưỡi ngựa lắc mạnh:
- Hết là hết thế nào? Nói mau?
- Hết cả rồi. Cả đại đội bị lọt vào ổ phục kích, chết gần hết rồi.
Long ngơ ngác:
- Thế dân quân, du kích đâu?
Người cưỡi ngựa rũ xuống, nói như thở hắt ra:
- Tan hết rồi, kẻ theo phỉ, kẻ bỏ súng về nhà cả rồi.
Tất cả những người dự họp đều sững sờ, mất mát quá lớn, quá bất ngờ làm cho mọi người chết lặng, mồm miệng như bị cái đũa cả gàng ra.
Siểu nói như thở hắt ra:
- Mình phải làm thế nào đây anh Long?
    Long cũng không biết làm thế nào nữa. Mấy ngày qua anh đã vắt óc, đã liều mình, đã làm những gì có thể, nhưng bọn phỉ mưu mô, xảo quyệt đã dẫn các anh vào hết bùng nhùng này đến bùng nhùng khác.
Bỗng có tiếng súng nổ rộ lên ở mạn quốc lộ, hướng Lào Cai vào, Long giật mình, nghiến răng kèn kẹt:
- Gay rồi, gay rồi.
 Long ngẩng phắt lên, nhanh nhẹn, rắn rỏi, dứt khoát:
- Anh Siểu và hai người ở lại, còn tất cả theo tôi.
Mọi người nhìn nhau ngơ ngác, Siểu bảo:
- Đi đâu vậy anh Long?
Long ra cửa, nhảy lên lưng ngựa:
- Ra quốc lộ, có lẽ người của ta ở Lào Cai vào tiếp viện đang rơi vào ổ phục kích, bằng mọi cách chia lửa với họ thôi.
Hơn hai chục người nhảy lên ngựa theo Long phóng ra phía đường quốc lộ, phía ấy tiếng súng đang lúc rộ lên, lúc lẹt đẹt.
Đội của Long vừa đi được một lúc thì hai chiến sỹ dong một tên tù binh về châu ủy. Tên tù binh đó là Bàn Văn Sing. Sing bị bộ đội phục kích bắt được khi hắn đang trên đường đi Sán Chải.
Bàn Văn Sing được dong tới trước mặt Siểu. Tên trùm phỉ khét tiếng này suốt cả chặng đường lì lợm không nói không rằng, vừa nhìn thấy Siểu hắn bỗng lao tới phì một bãi nước bọt vào mặt anh.
Mọi người bị bất ngờ, một chiến sỹ bộ đội lao tới cho một quả đấm thôi sơn vào mặt Sing.
Sing nhổ ra một bãi bọt đầy máu, con mắt chứa lửa trừng trừng nhìn Siểu, rít lên:
- Đồ chó má, chính mày, chính mày đã rước hổ về nhà, chính mày đã gây nên cảnh nồi da nấu thịt. Mày... mày là thằng phản bội.
Siểu lau bãi nước bọt của thằng khốn kiếp trên mặt, nắm cổ áo Sing gầm lên:
- Mày bảo ai phản bội? Ai phản bội?...
 Sing không thay đổi sắc mặt, nói giọng chứa đầy thù hận:
- Chính mày, mày đã đưa bọn cứt đái lên đây cướp người, cướp đất, chính mày là thằng phản bội...
Siểu không kìm được cơn điên, anh lồng lên, thoi những nắm đấm vào mặt Sing.
Sing đứng im chịu trận.
Đấm chán, Siểu ngừng tay, rũ xuống.
Sing cười khẩy:
- Không đánh được nữa à. Đánh đi, mày không còn đánh được bao lâu nữa đâu, rồi chúng tao sẽ nghiền nát mày như nghiền cám...
Siểu vùng lên:
- Câm mồm.
 Sing cười vang, giọng cười chứa đầy ngạo mạn:
- Sợ rồi hả, rồi mày sẽ thấy thế nào là chính nghĩa, thế nào là phản bội, thế nào là....      
- Phằng... Khẩu K54 trong tay Siểu vung lên, viên đạn bắn gần xuyên thẳng vào giữa trán Sing. Sing giơ hai tay ôm đầu rồi gục xuống. Siểu giơ súng bồi tiếp một viên vào cái xác đang giẫy giẫy.
Sự việc sảy ra quá nhanh làm ai nấy bàng hoàng, một cán bộ kêu lên:
- Anh Siểu! Sao anh lại làm thế?
Siểu lặng lẽ tra súng vào bao, nói:
- Với bọn chó đẻ này chẳng giết trước thì cũng phải giết sau thôi.
- Nhưng...
- Không gột rửa được thù hận trong đầu bọn trùm sỏ thế này đâu, tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này.
Siểu lẳng lặng bỏ đi, được vài bước anh quay lại, nói:
- Gặp Triệu Tá Sắn, Vàng Seo Hùng, Lý Láo San tôi cũng sẽ làm như thế này. Vùng rừng này có tôi thì không có bọn chúng, có bọn chúng thì không có tôi.
Hai cán bộ nhìn nhau ngơ ngác. Với những tên trùm phỉ cứng đầu, gây nhiều tội ác như Bàn Văn Sing thì việc giết là đúng rồi, song mình có đảng, có chính quyền, có quân đội, công an, tòa án thì phải xét xử cho đàng hoàng, đúng người đúng tội, bắn giết kiểu tùy hứng thế này thì oán thù còn chất chồng, người lầm đường còn lâu mới quy phục.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét