Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Hồn núi - Hồn thơ của một người thợ già


                            (Đọc tập thơ Hồn núi của Phạm Công thành - NXB Hội Nhà văn năm 2012)               
                                                                                                    Đoàn Hữu Nam
Đó là bác Phạm Công Thành một người thợ, người đốc công, từng gắn bó với nhà máy cơ khí của mỏ Apatít Cam Đường hơn ba mươi năm.

Sinh ra tại thành phố dệt Nam Định, năm 1952, giữa thời kỳ kháng chiến chống Pháp ác liệt, chú thiếu niên Phạm Công Thành đã tham gia làm liên lạc cho du kích tại quê hương. Từ tinh thần dũng cảm, tính nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, năm 1953, khi vừa bước vào tuổi 14,  đã đã được thoát ly và làm liên lạc cho đại đội 91 – Tiểu đoàn Đề Thám lừng danh khắp tỉnh Nam Định. Hòa bình lập lại, chú bé liên lạc Phạm Công Thành đã trưởng thành và được chuyển ngành sang làm công nhân đường sắt. Sau ba năm cùng đội cầu đường rong ruổi dọc các tuyến đường sắt của miền Bắc, tham gia làm các cầu Hàm Rồng, Việt Trì, Làng Giàng, năm 1958 chuyển hẳn về mỏ Apatít, được cử đi học lớp trung cấp cơ khí chế tạo, sau đó về làm việc tại nhà máy cơ khí Mỏ Apatít Lào Cai cho đến khi nghỉ hưu.
Cả cuộc đời đặt bổn phận, trách nhiệm lên hàng đầu, đó là lý tưởng, niềm tin, là chỗ dựa, đồng thời cũng là sự đóng góp công sức cho xã hội. Với cách nhìn của nhiều người, lớp người đi trước sau khi hoàn thành trách nhiệm có thể coi như “người nông dân cày xong thửa ruộng”, có thể thanh thản nghỉ ngơi, không động đến ai, không ai động đến mình là tốt rồi. Nhưng không! Họ là những người từng ra sống vào chết vì đất nước, vì lý tưởng, từng hết mình vì xã hội, vì mọi người thì họ còn sống là còn ngẫm nghĩ, còn nhìn nhận, còn soi chiếu sự đúng sai của xã hội. Với họ, bên trong cái bề ngoài coi như phẳng lặng, đơn giản ấy là cả một núi tâm sự, một núi những điều cần giải tỏa. Có người bộc lộ bằng hành động, có người bộc lộ bằng lời, có người trải nó ra thơ, ra văn. Trong trải ra thơ, ra văn, có người thành công ngay trong thử nghiệm đầu tiên rồi cứ thế rong ruổi trong sự tung hô, có người nhiều năm âm thầm đi bên lề của sự viên mãn. Phạm Công Thành thuộc tuýp người thứ hai.
Là người làm thơ từ những năm chín mươi của thế kỷ trước, song thơ cũng như rượu, muốn thăng hoa cần phải có bạn tâm giao, có thầy thợ, giao tiếp, bác Thành chưa có được những may mắn đó. Song thơ cũng như nước, không chỉ có mương có suối nước mới tìm ra chỗ chảy, những vần thơ bác làm ra chưa có được ý chí dời non lấp biển thì tự giãi bày, tự điều chỉnh, tự lấy lại thăng bằng cho chính mình:
… Tuổi trời ban nay ngoại bẩy mươi
Đen bạc cuộc đời dọc ngang sấp ngửa
Đắng cay ngọt bùi bao nhiêu không nhớ
Cánh cửa thời gian khép mở vô tư…
                                      Ánh trăng tròn
Hay tự vui với cảnh, với tình, với bạn:
“...Tôi, bạn nghỉ hưu vẫn bên nhau
 Vẫn thuốc, vẫn trà, rượu ngất ngây
 Nghỉ ngơi, suy ngẫm, trồng cây cảnh
 Làm những vần thơ gửi trời xanh...”
                                        (Tình bạn).
Ai đó nói mỗi nhà thơ đều ẩn náu trong mình một đứa trẻ, có thể thế chăng khi ta đọc những câu thơ:
… Trái tim hồng háo hức với trời xuân
Tà áo xanh giữa khoảng trời xanh thẳm
Đào khoe sắc ghen làn môi thơ mộng
Phiên chợ xuân bát ngát cánh hoa xuân.
                                                Mừng tết
 Hay:
 … Dắt tay em thăm thành phố Lào Cai
Đại lộ mới mang tên Trần Hưng Đạo
Rừng thuở xưa đã qua thời giông bão
Ánh trăng non say đắm lòng người!
                                     Đất mẹ Lào Cai
Và nữa, thường thì nhà thơ nông dân đa tình, đa cảm luôn bằng lòng với những gì mình có. Đó là một nếp nhà tranh, là mảnh vườn, là ao rau muống, là những gì làm nên từ chính sức lao động nhỏ bé của mình, bác Phạm Công Thành cũng vậy:
...Cuộc đời theo những giấc mơ
 Người mơ lầu các ta mơ ao vườn.
                                           Vui hè
Đơn giản, nhỏ bé đến dễ thương song đó cũng là khát vọng của đại đa số người Việt đấy. Nếu ai cũng xác định chốn dừng chân cuối chặng đường đời cũng thanh thản thế này thì những lọc lừa chụp giật của cuộc đời bớt đi nhiều lắm.
Người già thường hay hoài niệm, lấy hoài niệm làm an ủi, làm cứu cánh, làm cầu nối giữa quá khứ với đời sống hiện tại nhưng mấy người bật ra được những câu thơ đau đáu nỗi niềm như bác Thành:
…Quên tuổi già ta mải miết làm thơ
Những vần vui gieo vào lòng người
Những vần dở lặn vào day dứt
Vẫn biết thế vẫn loay hoay bước tiếp
Khát khao ngọt lịm vần hay...
                                     Ánh trăng tròn
Và đây nữa:
“Tháng Giêng thấp thỏm Hội Lim
Nhớ mắt ai tìm héo cánh trầu cay
Sắm sanh đi Hội năm nay
Mong rằng người ấy xuân này vẫn son!”
                                          Tháng Giêng
Văn hóa là lối sống, lối suy nghĩ, lối hành động. Suy nghĩ của người Việt nặng về duy tình, duy cảm, chín bỏ làm mười, là:
… Mong em mở tấm lòng vàng
Mối tình chung thủy nối ngàn nhớ nhung
Hai ta đâu phải người dưng
Mà không duyên thắm chỉ hồng lòng xuân
Giận gì giận cả sông Ngân
Ngưu lang Chức nữ xoay vần sao đây?...
                                                    Giận hờn
“Dọc đường hành quân ta vẫn khắc sâu
 Những chiều buông làn tóc mây tha thiết
Bao ngày tháng trên chiến trường ác liệt
Ta khôn nguôi nỗi nhớ về em”
                                     Cỏ non xanh
Cánh cửa thơ mở ra cho tất cả mọi người, song để thành một nhà thơ con người cần phải có năng khiếu bẩm sinh, rèn luyện và xã hội rèn luyện, nhưng mấy ai hội tụ đủ cả ba yếu tố trên, thôi thì ta cứ hồn nhiên giãi bày, cứ:
Lúa non mơn mởn trải cánh đồng
Bướm trắng rập rờn dọc triền đê
Thôn nữ gánh rơm trên lối nhỏ
Tơ vàng hong mượt cả làng quê./.
                                     Hồn quê
Nắng thu vẫy gió heo may
Cúc vàng đại đóa hương say lòng người
Ai gánh hoa bán chợ giời
Đồng tiền chúm chím nụ cười đê mê./.
                                      Đê mê
Lời ru của tuổi đôi mươi
Long lanh mắt phượng cháy trời, cháy trăng
Lời ru lộc biếc đơm cành
Thác dâng hoa sữa trắng ngần suối mơ
Lời ru níu gió gọi mưa
Ủ mây vờn núi, ủ mùa trăng lên./.
                                            Lời ru
Thế đó, không thủ thuật, không ngón nghề, không tung hô, không vùng vẫy, thơ là người, ngoài đời bác Phạm Công Thành hiền lành, hồ hởi, say mê, bình dị, những vần thơ của bác cũng hiền lành, bình dị mộc mạc như lúa ngô khoai sắn. Bác Thành thường tâm sự với bạn bè việc ttrốn vào thơ là trốn tránh sự ồn ã của cuộc đời, nhưng chữ nghĩa đâu có đùa, muốn trốn được phải trong sáng, vô tư, phải trân trọng những tinh túy của giời đất, của con người. Thơ bác đã và đang làm được điều đó, những câu thơ, bài thơ trong tập thơ Hồn núi đã minh chứng cho sự thành công trong thơ người thợ già Phạm Công Thành.
                                                                                       Đ.H.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét