Bút ký của Công Thế
Những ngày tháng sáu nắng như đổ lửa,
có ngày nhiệt độ lên đến bốn mươi, bốn mốt độ. Trời đất nóng hầm hậm, cả tháng
không có nổi lấy một hạt mưa. Nhưng nắng, nóng đã không làm nản lòng những
người con của biên viễn Lào Cai chúng tôi. Vẫn trong cái năng nổ, xốc xáo cho
cuộc hành trình về chiến trường xưa theo kế hoạch, về nơi con đường huyền thoại
Trường Sơn, về nơi những người đồng đội, những người anh, người cha đã anh dũng
hy sinh trên con đường ra mặt trận…
Để đến được các địa danh lịch sử trên
tuyến đường mòn huyền thoại Trường Sơn.Tôi đã tỉ tê với anh lái xe trước đó mấy
lần. Ấy là muốn cuộc hành trình xuyên Việt của đoàn đi trên đường Hồ Chí Minh thăm
lại một số địa danh lịch sử.
Khi qua cột
mốc km0 nơi bắt đầu con đường huyền thoại thuộc địa phận huyện Tân Kỳ tỉnh Nghệ
An, thi thoảng đã thấy xuất hiệt cột mốc bên đường thông báo đến địa danh đèo
Đá Đẽo. Mọi người trong đoàn ai cũng có cảm giác chờ đợi để được đặt chân lên
những địa danh huyền thoại trên đường Trường Sơn. Bởi nơi ấy có những người
thân từng sống và chiến đấu, nhiều người đã nằm lại với tuổi thanh xuân mãi mãi
không về. Dù chiến tranh đã lùi xa gần bốn chục năm, mọi thứ đã hồi sinh, những
rừng cây rậm rạp, xum xuê đã che hết, khỏa lấp vết thương bom đạn cầy xới. Song
vết thương lòng thì vẫn còn đó mãi mãi là những ký ức không phai.
Hôm trước
khi lên đường, cô tôi chống gậy sang nhà căn dặn mãi: Cháu đi chuyến này có qua
miền Tây Quảng Bình, trên đường Trường Sơn khu vực đèo Đá Đẽo gì đấy. Nghe đâu
chú mất ở đó, cháu tìm chú nhé! Nhìn cô đôi mắt đã mờ, đôi chân run rẩy mà tôi
dâng lên lòng thương cảm. Héo hắt gần nửa thế kỷ qua, một mình nuôi con trong
chờ mong vô vọng. Từ một cô gái đảm đang nhanh nhẹn nay đã bước sang tuổi thất
thập, vẫn ngóng trông một tia hy vọng biết chú nằm nơi nao, dù là tia hy vong
rất mong manh. Vẫn biết sự mất mát, đau thương đó còn đang xé lòng của bao gia
đình. Lời cô dặn là vậy, chứ cô tôi thấy người nào, dù thân sơ gì đi vào Trường
Sơn mà cô không dặn, cứ như một sự mặc định nghiệt ngã. Tuyến đường máu lửa này
có đến bao con đèo, biết bao nhiêu cung đường, trọng điểm ác liệt mà xương máu
của bộ đội, thanh niên xung phong đã đổ xuống. Niềm khát khao tìm được người
thân hy sinh trong cuộc chiến luôn khát khao âm ỷ trong lòng, cô tôi cũng như
bao nhiêu các bà, các mẹ trên mãnh đất hình chữ chữ S này vẫn ngày đêm mong mỏi
tin tức thân nhân. Và tôi trong chuyến trở lại Trường Sơn này cũng ấm ủ, hy
vọng, nhỡ đâu quanh quất, chú nằm đâu đây?
Là người
lính đã từng tham gia cuộc chiến tôi
thấu hiểu sự tàn khốc trên đường Trường Sơn năm ấy. Chú tôi ngày ấy là lính lái
xe vận tải đoàn 559 Trường Sơn. Mỗi chuyến hàng vào được tiền tuyến là cả một
thách thức khó khăn, là một trận đấu không khoan nhượng, không cân sức, nhưng ý
chí và lòng yêu nước đã chiến thắng. Những chuyến xe lầm lũi đi trong đêm dưới
ánh trăng nhờ nhợ phải căng mắt ra mà căn đường, căng tai ra mà căn máy bay
địch. Sự khốc liệt bởi bom đạn kẻ thù, bởi đèo cao, vực thẳm và cả những cơn
sốt rét rừng kinh sợ. Trên dọc tuyến đường 15A một trong 5 tuyến dọc Trường Sơn
này thì có bao nhiêu chứng tích lịch sử của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước / Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
của một dân tộc anh hùng. Nhưng có lẽ, đèo Đá Đẽo vẫn là một trong những chứng
tích hàng đầu về sự ác liệt của bom cầy đạn xới. Và cũng ở đó lòng quả cảm và ý chí quyết thắng
đã tỏa sáng. “Một tấc không đi một ly không rời, đường chưa thông không tiếc
máu xương”, gần tám năm trời đèo Đá Đẽo không được bình yên lấy một ngày. Đoạn
đèo dài chưa đầy 20 cây số bị băm nát, xới tung đến trơ đá, bật gốc. Đá Đẽo
ngày đó ngỡ bị san phẳng thành bình địa dưới sức công phá của hàng trăm ngàn
tấn đạn bom. Đá Đẽo còn nằm trong vùng khí hậu vô cùng khắc nghiệt, mùa nắng gió Lào bỏng
rát, mùa mưa lũ lụt, mùa đông thì mưa dầm âm u kéo dài. Đây còn là
tụ điểm của sốt rét, còn là nơi phải hứng chịu các chất độc hóa học. Sự ác liệt
trên đèo Đá Đẽo còn được biết đến là nơi đế quốc Mỹ thử nghiệm các loại vũ khí,
không những là bom xuyên, bom phá, bom khoan mà tuyến đường chiến lược này có
ngày cao điểm 27 lần B52 dội bom xuống. Song Đèo Đá Đẽo nói riêng cũng như
những cung đường chiến lược trên đất Quảng Bình này vẫn thông suốt, cùng với những đôi bàn tay trần của thanh
niên xung phong (TNXP) cảm tử cho con đường. Ngớt tiếng bom đạn các anh các chị TNXP
lại dàn sức ra mặt đường với cuốc xẻng vá víu bất kể ngày đêm. Quả là một sức
mạnh phi thường của lòng yêu nước. Để giải thích tên con đèo tôi đã dò hỏi
nhiều người nhưng họ đều lắc đầu và chỉ là những cái tên phỏng đoán. Tôi nghĩ
chắc tên con đèo cũng xuất phát từ những công việc hàng ngày của các cô TNXP.
Ngày ấy phương tiện thi công thiếu thốn các anh chị phài dàn hàng ra mà dùng
choòng, xà beng, búa chim, cuốc xẻng mà vạc đất, mà đẽo đá mở đường, và từ đó đèo Đá Đẽo cũng đã vạc, đã hằn vào lịch sử
chiến tranh một khúc hùng ca bi tráng về tính kiên cường bất khuất.
Biết bao nhiêu tấm
gương hy sinh lẫm liệt trên cung đường 12a, 15a, đường 20 và các tuyến đường
khác trên đất Quảng Bình máu lửa này đã trở thành huyền thoại. Anh hùng lực
lượng vũ trang Nguyễn Thị Kim Huế năm lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Anh hùng
Đinh thị Thu Hiệp đã bám trụ trên đèo Đá Đẽo từng ngày, từng giờ đếm bom rơi,
mở đường. Có đêm chị đã biến thành cọc tiêu sống hướng dẫn cho đoàn xe vượt
đèo, có lần máy bay địch trút bom như mưa xuống trận địa chị vẫn bình tĩnh hướng
dẫn đoàn xe vào bãi tập kết an toàn. Nhiều lần đoàn xe bị trúng bom chị đã huy
động trung đội lao vào đám cháy, cứu hàng, chuyển tải, cấp cứu thương binh.
Suốt nhiều năm lăn lộn cùng trung đội trên đèo, người nữ TNXP ấy được mệnh danh
là trung đội trưởng trung đội thép. Và giờ đây nghe nói chị đang sống bình dị
cùng người cháu tại thành phố Đồng Hới - Quảng Bình, cuộc sống bình dị như bao
người lính trở về sau chiến tranh.
Chiếc xe của chúng tôi lăn êm ru trên đường Hồ Chí Minh
thoáng rộng, láng nhựa phẳng lỳ, uốn lượn theo các vòng cua của vách núi. Đi
trong cái nắng chói chang gay gắt của miền Tây Quảng Bình mà cảm giác trong tôi
như chênh choang trên dẫy Trường Sơn, khúc eo hẹp trên bản đồ cong hình chữ S. Phải chăng bọn xâm lược muốn dựa vào đoạn hẹp
nhất của đất nước này hòng bóp nghẹt, chặn đứt con đường tiếp viện từ hậu
phương ra tiền tuyến, chia cắt đất nước ta. Nhưng chúng làm sao có thể ngăn cản
được ý chí và lòng yêu nước, yêu độc lập tự do của một dân tộc anh hung, chặn
làm sao được những con đường đi ra từ trái tim, con đường giải phóng đất nước.
Không biết chú tôi nằm ở đâu nơi nắng gió Quảng Bình này? Tôi lặng thầm bên bia
tưởng niệm, cầu nguyện chú linh thiêng mách bảo…Liệu có một ngày, một đêm nào
đấy chú linh ứng rằng dù ở đâu cũng là quê hương Việt Nam thì có lẽ cô vơi đi phần nào
khắc khoải.
Trong cái nắng ong ong ngột
ngạt vốn dĩ của gió Lào. Núi rừng vắng lặng thâm u, thi thoảng vọng ra từ khu
rừng, tiếng chim bắt cô trói cột nghe não nề, u uất nhưng đâu đó trong lòng đất
mẹ thân yêu tôi tin chú và những đồng đội
đang thanh thản yên nghỉ. Nhìn ấm bia cao chừng hai mét được dựng lên
bởi những tấm đá xanh vẻn vẹn khắc dòng chữ “ Đèo Đá Đẽo trọng điểm bắn phá ác liệt của không quân Mỹ từ 1965 đến
1972”, nét mặt mọi người ai nấy đều xúc động, vài người đã không cầm nổi
những giọt nước mắt. Nhìn bia tưởng niệm chơ vơ lặng thầm giữa rừng Trường Sơn
mà lòng thấy trĩu nặng. Tôi cứ tự vấn mãi tại sao? Giá như người ta đầu tư xây
dựng một nhà bia tưởng niệm có mái che theo dáng dấp truyền thống dân tộc trên
đèo. Giá như nơi ấy họ viết một vài thông tin và ít hình ảnh về chiến tranh,
ghi những chiến công của cung đường. Giá như nơi tưởng niệm có chỗ để hương
khói trang nghiêm… Đại loại như vậy thì đèo Đá Đẽo đỡ hưu quạnh biết bao
nhiêu... Đấy cũng là những việc làm không những tỏ lòng tri ân anh linh các anh
hùng liệt sĩ mà còn giúp thế hệ sau hiểu hơn về cuộc chiến giải phóng dân tộc
của cha anh.
Một chút thời gian ngắn ngủi dừng lại bên đèo
mà là cả một nỗi niềm dài. Chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Đường Hồ Chí Minh
năm xưa nay đã thênh thang uốn lượn trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Sự hùng
vĩ không chỉ về địa hình địa mạo mà còn
là sự anh hùng về tính bất khuất kiên cường của dân tộc.
Trường Sơn - Lào Cai 6/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét