Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Bình thơ


Mỗi độ thu về - giãi bày của một người thơ
(Nhân đọc tập thơ Mỗi độ thu về của Xuân Phượng - NXB Hội Nhà văn năm 2011)
Đoàn Hữu Nam

Mỗi độ thu về là tập thơ thứ sáu của nhà thơ Xuân Phượng. Tập thơ được ra mắt vào dịp ông vừa bước qua tuổi 68. Nói đến Thu là nói đến độ chín, đến bề dày cuộc sống đã được chiêm nghiệm, song cũng là nói đến sự bước qua bên kia dốc của cuộc đời, là một nấc đánh dấu sự ra đi đầy nghiệt ngã của tuổi tác. Đó là quy luật tất yếu. Mỗi lần cây đổ lá, mỗi lần heo may về, cùng với sự e ngại về thời tiết là sự bâng khuâng nuối tiếc, là lảng tránh bóng chiều vùn vụt khuất che, lảng tránh sự xuống dốc của sức khỏe, là khát khao níu kéo, khát khao sống lại những ngày hè rực lửa... Song cái gì đến sẽ không cưỡng lại được, nó vuột khỏi ước muốn của con người. Đời là thế. Người là thế! Những ai biết đối mặt, biết chấp nhận, lấy cái được để bù đắp cái mất, cái đủ đầy để bù đắp, che lấp cái thiếu hụt, trống vắng để từ đó vươn lên, người đó sẽ viên mãn hạnh phúc.
 Xuân Phượng là...
một người như thế, ông đã nhìn, đã thấu cái mông lung sâu thẳm của đường Thu, đã biết: “... Mỗi độ thu về theo lá bay/ Mơ hồ hương cỏ thoảng đâu đây/ Ngang trời mây trắng trôi về núi/  Để lại heo may lạnh cuối ngày” (Mỗi độ thu về), Và: “Không mong thì mùa thu vẫn lại/ Với heo may tê tái vàng lá rơi” (Chiều), “Xưa tiêu phung phí tiếng cười/ Bây giờ rỗng túi thành người vô duyên/ Biết núi cao cố trèo lên/ Đến lưng chừng dốc bỏ quên chính mình” Tự sự; Biết là tuổi già đang xồng xộc tới: “Đêm nằm đếm tiếng lá rơi/ Canh khuya trở gió chơi vơi cõi lòng” (Cuối năm), vậy mà vẫn: “Tưởng như năm tháng chưa xa/ Trầm kha ngọn gió lướt qua kiếp người” (Mơ hồ)... Nhà thơ cũng như mọi người, biết, thấm và cố níu giữ thời gian, níu giữ cái hiện hữu đang vùn vụt trôi qua, nhưng quy luật là quy luật, sự nghiệt ngã của thời gian gậm nhấm, rồi tuổi tác, đau đớn, tiếc nuối, nhưng buộc phải chấp nhận. Sự rung động nhỏ nhoi của nhà thơ biểu lộ bằng ngôn từ như những câu thơ trên phần nào lay động được con tim người đọc, và chỉ thế thôi nhà thơ cũng mãn nguyện lắm rồi.
Thơ là người.
 Là một bác sỹ giỏi (ông được Nhà nước phong tặng thầy thuốc ưu tú), dẫu về hưu hơn mười năm mà bệnh nhân vẫn nườm nượp tìm đến xin được chẩn đoán, chữa trị, song dẫu đứng trên bục giảng của Trường đại học Y Hà Nội, làm Bác sỹ tại bệnh viện tỉnh Yên Bái, đi giúp đỡ nước bạn Angola, làm lãnh đạo Trung tâm Kiểm dịch Quốc tế cửa khẩu Lào Cai hay trở về với đời thường thì người bác sỹ, người thơ Xuân Phượng vẫn luôn giữ được ngọn lửa đam mê, cẩn trọng. Đam mê, cẩn trong trong trị bệnh cứu người, đam mê, cẩn trong trong văn chương chữ nghĩa góp phần làm trong sạch tâm hồn con người, cả hai đều quan trọng như nhau. Thơ Xuân Phượng không bí hiểm, mông lung, không cầu kỳ, khoe chữ, thách đố độc giả, ông giải tỏa nỗi niềm, thể hiện trách nhiệm của công dân bằng những ngôn từ thiên về cảm nhận, cảm thông và giãi bầy, đọc thơ ông ta cảm thấy tâm hồn được khuấy lên nhẹ nhàng, man mác, tạo nên cảm giác yêu tin yêu cuộc đời hơn. “Tiếng cây tách vỏ bật chồi/ én chao nghiêng giữa mây trời lâng lâng” (Lắng tiếng xuân về), hoặc “Ngậm sương, cỏ mướt đồng quê/ Ven hồ cá đớp trăng khuya động bờ/ Cúc vàng bừng  nở trong mơ/ Đêm se se lạnh thu vừa heo may” (Chớm thu), hoặc: “Đợi người , chẳng thấy người về/ Bên sông với tách cà phê một mình/ Thuyền ai theo sóng lênh đênh/ Cà phê nhỏ giọt/ Ta  bềnh bồng trôi” (Cà phê một mình), là những câu thơ hay trong mạch thơ giãi bày của ông.
Và đây nữa, những xúc động của con người khi được biểu hiện bằng ngôn ngữ, hình ảnh chắt lọc, thăng hoa như thơ, nhạc đã tác động sâu sắc luồn lách vào tâm hồn con người và có những tác động không dễ cân đong đo đếm: “Chạm khoảnh khắc nắng cuối chiều sắp tắt/ Mặt trời xa như quầng lửa chìm dần/ Ta lang thang trên con đường sỏi đá/ Bỗng bàng hoàng trước vũ điệu hoàng hôn” (Vũ điệu hoàng hôn), “Tình yêu như cánh buồm căng/ Niềm tin như ngọn hải đặng giữa đời” (Tản mạn thơ hai câu)...
Cũng trong mạch cảm xúc ấy nhà thơ viết:“Ngỡ mình là lữ khách rong chơi/ Theo mây núi lạc đường về chốn cũ/ Bỗng hóa thân vào mạch nguồn xứ sở/ Cây đã bật mầm và cho trái cho hoa” (Viết cho em); “Vui buồn sáu tám xuân sang/ Vẫn chờ đợi, vẫn yêu thương nồng nàn/ Dẫu hoa sớm nở tối tàn/ Cây đời đừng rắc lá vàng vào thơ” (Sinh nhật) – Những vần thơ không bi quan, không lạc quan tếu, nhà thơ cứ nhẩn nha, thận trọng biểu lộ cảm nhận, cảm xúc, nhẩn nha nhấn nhá từng vần, từng câu. Qua thơ người ta thấy thấp thoáng thân phận con người, tâm trạng hay một hiện tượng xã hội, cái dấu ấn ấy không đi theo hướng ám ảnh mà man mác, thấp thoáng, đọc lên như bắt gặp một cô gái mặn mà, đằm thắm, đi qua không thể không ngoái một lần.
“Tình xưa lối cũ ngủ yên/ Nhẹ chân vẫn sợ giẫm lên tiếng cười” (Đồng cảm), “Công ơn mẹ tựa biển trời/ Hiểu ra con đã nửa đời mồ côi” (Mẹ). “Qua cách trở nghìn trùng về với núi/ Phan Xi Phăng ba nghìn mét chạm trời/ Cũng chỉ để giữa mùa đông tuyết phủ/ Nhen trong lòng ngọn lửa ấm mà thôi” (Về),Thôi! Tiếc nuối làm chi thời xưa cũ/ Tình yêu thương đâu khoai sắn đậm đà/ Người đã lên tàu đi biệt xứ/ Tận Đài Loan, Hàn Quốc xa mờ”(Thôi!) – Những câu thơ trên là sự lên tiếng của nhà thơ và cũng là sự lên tiếng của tâm hồn nhạy cảm. Nhạy cảm về nhân tình thế thái, về niềm vui, nỗi đau, nỗi buồn của mình, của đời. Có khi sự nhạy cảm biểu lộ qua cảm nhận những điều to tát như: về thế giới muôn loài, về hiện tượng bất ổn trong xã hội, về những hành động phi nhân tính..., nhưng có khi chỉ đơn giản là nỗi đau về chiếc lá rời cành, về luyến tiếc những gì qua đi không bao giờ trở lại, thậm chí cả về những gì không liên quan tới mình. Nhà thơ đau đớn, hờn dỗi, bất lực nhưng đáng yêu, đầy trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội.
Mặt trái của kinh tế thị trường nuôi dưỡng sự vô cảm, làm cho tâm hồn con người chai sắt, vôi hóa, đá hóa. Trong khi biết bao những hành vi trái với luân thường đạo lý đang làm băng hoại đạo đức, tha hóa xã hội thì sự nhạy cảm của tâm hồn cần thiết biết chừng nào. “Rước đào ra khỏi chợ hoa/ Ngổn ngang mang cả Sa Pa về cùng” (Chợ hoa), “Thôi! Tiếc nuối làm chi thời xưa cũ/ Dòng sông nay rác vẩn đục ngầu/ Bên lở bên bồi như nhau cả/ Đâu bến – bờ – rộng -  hẹp – nông – sâu...” (Thôi). Người lãnh cảm có thể coi những câu thơ trên là vô bổ, nhà thơ là người ngớ ngẩn, tự dưng thương vay khóc mướn, họ có biết đâu đó chính là là những câu thơ rút ruột và là cách thể hiện trách nhiệm với đời của một nhà thơ; họ đâu biết tâm hồn nhà thơ không phải lúc nào cũng ăm ắp tiếng cười. Theo tôi, niềm vui, ngợi ca chỉ là một phần nhỏ của thơ, còn phần nhiều thơ ca sinh ra từ khói lửa, buồn đau, hẫng hụt. Tôi nhớ, một lần được hầu chuyện nhà thơ Phạm Tiến Duật tại 51 – Trần Hưng Đạo, tôi hỏi ông khi xã hội đã công nghiệp hóa, tự động hóa thơ có còn sống không, nhà  thơ trả lời như dao chém cột: “Khi con người còn day dứt, đau khổ thì còn thơ.”. Có lẽ câu tuyên ngôn này thay mọi câu trả lời về sự sống còn của thơ.
Tôi đặc biệt thích thú cách kết thúc gợi mở của thơ Xuân Phượng, mỗi bài thơ của anh bao giờ cũng để một khoảng trống cho người đọc suy ngẫm. Là một đệ tử của thơ nhưng khi đọc một bài thơ hoàn hảo, khép kín tôi luôn có cảm tưởng như đã làm xong một việc, có thể xoa tay bắt đầu một công việc khác. Đọc một bài thơ có tính gợi mở lại khác, tiếp nhận xong bài thơ bao giờ tôi cũng cảm thấy mình bâng khuâng, hẫng hụt, đọc rồi, gấp sách lại, rồi lại mở ra, lại háo hức hòa mình vào từng câu, từng chữ, háo hức hòa vào lối dẫn dắt của nhà thơ để nối tiếp mạch cảm xúc. Những bài thơ như thế  luôn kích thích óc tưởng tượng, khơi gợi sự sáng tạo và hòa nhập, người đọc và tác giả bỗng thành người hiểu nhau, người đọc không chỉ tiếp nhận một cách thụ động mà sẽ đồng thời là người sáng tạo, dù có khi câu chữ chỉ ngâm nga trong đầu.
Có thể nói Mỗi độ thu về của nhà thơ Xuân Phượng là tập thơ tâm trạng, giãi bày, nối tiếp mạch thơ, cách viết truyền thống mà ông trung thành suốt một đời cầm bút. 50 bài thơ trong tập là 50 nhìn nhận, cảm nhận của trước trời đất, cỏ cây, nhân tình thế thái... của người sắp bước vào cửa Thất thập. Tập thơ còn có một số bài ý tứ dễ dãi, quá lệ thuộc vào vần điệu, ít những câu thơ gây nên sự ám ảnh, song có thể coi đây là một tập thơ ấn tượng, đáng trân trọng. 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét