Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Cái tình là cai chi chi! - Truyện ngắn của Đoàn Hữu Nam


Như thường lệ, mỗi khi mặt trời xuống núi là ông bà làm nghề hát xẩm lại náo nức chuẩn bị cho giờ biểu diễn miễn phí. Hôm nay cũng vậy, trong khi ông hì hụi tắm rửa thì bà bày sẵn đàn, nhị, sênh phách rồi đi lo cơm nước. Nói lo cho nó oai chứ việc ăn uống của người già thường giản tiện, hai ông bà sống bằng nghề hát xẩm càng giản tiện, được cái chủ nhà thương người, mê hát, đã cho ông bà thuê căn buồng khép kín với giá lấy lệ lại còn miễn phí hẳn một góc sân làm bếp nên hai người như được sở hữu một căn hộ.
- Con có đĩa cá biếu hai cụ.
Bà xuýt xoa:
- Sao hôm nay nay nhà chị sang thế?
Chi hàng rau láu táu:
- Dạ trưa nay con mua được mớ cá cuối chợ. Cá chết
nhưng chưa ươn, muối mắm hành tỏi cẩn thận con mới rán! Dạ, hôm nay cụ khai bữa điệu gì đấy ạ?
Nghe chị hàng rau hỏi, ông cười:
- Trống quân, sa mạc, lưu thủy, chầu văn, xẩm xoan, điệu gì chẳng được.
- Con cám ơn cụ. Cả ngày bã bời, tối về được nghe hai cụ hát miếng cơm cũng đỡ nghẹn.
- Chị quá khen, vậy hôm nay chị thích điệu gì?
- Dạ, ngày mai cụ giỗ Tổ nghề, xin cụ một điệu xẩm ạ!
Ông rưng rưng, đến chị hàng rau nghèo khổ còn có lòng thế này thì nghề của ông chưa mạt vận. Ông cò cưa, thử tiếng rồi tiếng nhị, tiếng hát như ngọn gió nồm nam trùm lên, vấn vít. Xóm trọ toàn những người bán sức lấy cơm, cả ngày thật, giả, đổ mồ hôi sôi máu mắt lôi cả xóm ra đường, tối đến cả xóm lại thành rốn của cái vó bè tụ rác tụ cá; Cả ngày nhận cơ cực, bực dọc, bất công tối đến lại người đụng người, việc đụng việc thành ra người trong xóm ngày không cãi, không đánh được với người thì tối về cãi,  đánh với nhà, với xóm. Từ ngày ông bà đến trọ mọi sự đổi dần. Hát xẩm vốn là mê nước giếng trong cơn khát, là miếng cơm nguội lúc đói lòng, là tiếng lòng của người khốn cùng hát cho người đồng cảnh, đồng cảm, ông bà là người tài hoa, hiểu biết, tình nghĩa, mới nhập cư đã giành riêng giờ vàng hát miễn phí cho cả xóm mỗi ngày. Chẳng biết những tích chèo răn dạy con người hay những bài hát cũ hát mới chui vào đầu lúc nào mà mỗi khi tiếng hát của hai người cất lên là ai nấy dịu lòng, biết mình biết người…
Hai người xong bữa thì ông truyền hình cũng xong phần thời sự. Sau rượu, lạc rang, cá rán là rạo rực, phấn chấn, ông gạ:
- Thế nào? Có sợ cày cùn nương cằn không?
 - Phải gió nhà ông! - Bà ngấm nguýt, nhưng đuôi mắt lại tõe ra hình dẻ quạt.
- Phải gió cũng phải mừng được lộc, cả đời giời mới rủ một lần. – Ông nói như ra lệnh.
- Đúng là có voi đòi tiên! – Bà vừa hấm hứ vừa lên giường, tiếng rũ chăn rũ chiếu như mời, như gọi.
       Thoát khỏi mê cung cực nhọc bà hỏi ông:
  - Cái của ấy đâu rồi?
- Của gì?
- “Nỡm, “lộc giời” chứ còn của gì!
- Đây chứ đâu, bay làm sao được.
Bà nắn nắn cục “lộc giời” được gài mấy lần kim băng trong túi ông, hào hển:
- Không bay, không mất, nhưng...
- Nhưng không ngờ chứ gì?
- Ừ, tôi thấy nó thế nào ấy! Chẳng nhẽ…
Sự hoài nghi của bà lây sang làm cho ông nửa muốn giở “lộc giời” ra xem, nửa sợ sự thật làm vỡ mộng. Lúc chiều, tàn đám hát chợ quê ông bà dắt díu nhau về phố. Qua gốc gạo giữa đồng hai người ngồi nghỉ, ông vừa phưỡn một bụng nước đang nghêu ngao hát thì một người đàn bà lân la đến làm quen. Tưởng cũng là người nghỉ chân như mình bà bắt chuyện rôm rả, ai ngờ lúc đứng dậy chị ta dúi vào tay cái nhẫn. Nghĩ kẻ dỗi hơi nhẫn tâm đút chân vào mồm kẻ khó ông máu bốc lên đầu bà mát mẻ tràn ra ruộng. Ngỡ người đàn bà bẽ mặt bỏ đi nhưng chị ta sụp xuống kể lể chuyện mình, chuyện người. Hóa ra chị là một Việt kiều về nước.  Hóa ra chị đã nghe ông bà hát ở góc chợ, tiếng hát của hai người đã làm cho đứa trẻ mồ côi ngày xưa lê chân đi xin ăn khắp làng khắp chợ sống lại. Hóa ra để muốn tặng ông bà chút quà và cũng là tặng tuổi thơ cực nhục của mình chị đã đi theo hai người suốt chặng đường dài. Hóa ra... Những lời lẽ buột ra từ ruột gan của người từng tương đồng cảnh ngộ làm ông bà rưng rưng, hai người nhận tấm lòng thơm thảo như nhận ơn nhận lộc của Phật, của Tổ…
Nhưng mà!... Ông nắn nắn cục “lộc giời”  mà lòng như bòng bong dìm nước. Đêm tháng hai nóng không ra nóng, lạnh không ra lạnh, cái chăn đơn vừa là cứu cánh, vừa chịu đựng sự khó chịu, đã thế mấy con muỗi vô công rồi nghề cứ tìm tai thổi sáo, đánh nó nó không chết, chết mình, bực mình.
Ông lần lần lấy cái nhẫn khỏi túi:
- Bà nó đâu rồi?
- Tôi đây!
- Thử đi. Lấy lửa mà đốt, nó đỏ lên là đích thị.
Bà nhận cái nhẫn, rời giường lệch kệch, lệch kệch, hơi vàng, hơi lửa tràn ra khắp căn phòng, chui vào cả ruột cả gan.
- Thật rồi ông ạ! – Tiếng của người mẹ đậu hoa đậu quả sau nửa đời ngóng chờ sinh nở buột ra.
- Biết ngay mà! – Tiếng của người luôn biết lửa là nóng buột ra.
Chiếc nhẫn lại vào tay ông, những cái kim băng lại làm nhiệm vụ đậy nắp hầm.
- Ông định ngày mai thế nào?
- Thế nào là thế nào?
- Thì... cái việc giỗ Tổ ấy?
- Trước sao sau vậy, nước cuốn lửa cháy đâu mà suốt đêm…
Thấy ông có vẻ cáu, bà thở dài, trở dậy lục cục mở cửa, ra ngoài. “Đúng là đàn bà, cứ như nịnh người dưng làm giỗ bố mình, không biết người ta cũng ruột gan xát muối hay sao.” .
Giống như mọi người trong nghề hát xẩm không lúc nào ông không thành tâm hướng về cụ Tổ. Ở đời, miếng cơm manh áo với người bình thường đã khó, người tàn tật càng khó, Tổ không phù, người không thương thì những kẻ bị giời đầy, người đầy làm sao còn được gọi là người. Ông còn hơn thế! Mười tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ; mười lăm tuổi, đi mò cá bắt được viên gạnh bằng vàng rồi bị anh trai, chị dâu không những cướp không mà còn chọc mù hai con mắt, bắt bị gậy lang thang. Cũng may Trời mở mắt, Tổ dõi theo, ông được một cô gái mồ côi nơi rừng xanh núi đỏ thương người đưa về nhà đặt lên vai hai chữ làm chồng, làm cha.
Nhiều đêm vắt tay lên trán ông thấy cảnh ngộ của mình giống cụ Tổ đến kỳ lạ. Gần nghìn năm trước, do tìm được viên ngọc có cớ nối ngôi mà cụ Tổ - một hoàng tử tài giỏi bị anh trai hãm hại chọc mù hai mắt rồi bỏ vào rừng sâu. Với cây đàn tự làm và tiếng hát giời cho cụ Tổ đã tỏ rõ được đời mình, chí mình với đời, với người, đã mở ra con đường sống cho những kẻ khốn cùng. Ông có hoàn cảnh gần như Tổ, không kinh bang tế thế song ông đã có cái được của mình...
.- Ông giận tôi lắm phải không? – Bà lại thẽ thọt vào tai ông. Nhũn nhặn của con giun ngày ngày phải chui lên mặt đất hay bài ca than vãn sắp cất lên làm ông bực mình:
 - Tôi đã bảo lửa tắt đừng thổi, sao bà cứ làm khổ mình mãi thế?
Thấy ông to tiếng, sợ hàng xóm giật mình bà bíu chặt tay ông, nhưng sợ hãi của bà như cát bịt mỏ nước, ông vùng đứng lên, đôi chân gần một đời thận trọng từng bước giờ nện như bổ củi xuống nền gạch hoa:
- Tôi biết bà day dứt với việc vì bà mà tôi phải lang thang, nhưng bà cũng phải biết từ bà mà tôi được giải thoát. Mấy năm qua không có nó tôi  vẫn sống, tôi với bà vẫn răng vẫn môi…
- Nhưng mà…
- Nhưng gì! Đục trong ngang dọc gì tôi biết, bà biết, người biết, bà cứ khuấy cái không cần khuấy thế này là khổ bà khổ tôi đấy bà ơi!
 Ông gục vào bờ tường, chết lặng, muốn xua tan hình ảnh ngày xưa, nhưng cái ngày xưa cứ quay cuồng bắt ông đối mặt. Đó là ngày vợ ông sức tàn lực kiệt mà không dám động đến một quả trứng của đàn gà đông đúc. Là ngày khi biết dãy đồi nuôi mấy vạn cây mỡ cây keo vào diện quy hoạch mở mang thành phố con ông đã rú lên như phải bả. Là ngày con ông nghe thằng con ông anh trai khốn nạn của ông xui khôn xui dại bán cơ ngơi cả đời mẹ nó gây dựng để về quê. Là ngày mớ quần áo, đàn, nhị, sênh phách và tấm thân mù lòa bị đứa con dứt ruột ném vào chuồng chó.
Ông rời con Thắm đúng vào ngày giỗ Tổ. Hôm ấy nó đi vắng. Hôm ấy mâm cơm đạm bạc đang nằm trên bàn thờ đợi chờ thụ lộc. Giỗ Tổ nghề hát mà không hát thì còn gì là giỗ. Ông khao khát. Ông buồn bực. Ông lần lần mở cổng sau, ra vào, ngóng đợi, dẫu chẳng biết ra vào ngóng đợi cái gì.
Làm bạn với cái cổng sắt lạnh lẽo chán ông đang định vào nhà thì phía cuối ngõ có tiếng ồn ào, tiếng sênh phách náo nức, rồi tiếng hát văn cất lên:
- Xưa nay hổ cậy thần rừng
 Thần rừng cậy hổ cho lừng tiếng thiêng
 Gặp thời thần thánh chung chiêng
 Oai danh ông hổ liêng biêng cuối giời...
Tiếng hát da diết, xa xót, mở đường mở lối, khơi dựng lại thời bị gậy lòng thương làm lòng ông như ruộng ải gặp nước, khiến chiếc gậy trong tay ông lò dò, lọc cọc. 
Người ta bảo Thánh đường hút hồn con chiên, Cửa Phật hút hồn phật tử, hát xẩm hút hồn dân dã cấm sai. Giữa thời buổi chụp giật giời, chụp giật nhau mà cây gậy của kẻ mù lòa dựng sát vào chân đến dập bã trầu mà không ai biết thì tiếng hát của những kẻ tật nguyền tìm kiếm lòng thương còn nơi cư ngụ.
Sau tiếng vỗ tay hào hứng mọi người nhận ra ông già mù hay hát, tiếng chào cụ, mời cụ ríu rít làm ruột ông nở từng khúc, có gì đó thúc lên từ bên trong khiến ông như lên đồng:
- Anh đây mục hạ vô nhân
       Nghe em nhan sắc, lòng xuân não nùng
       Dù em mặt phấn má hồng
      Dửng dưng anh chẳng thèm
 trông làm gì...
Nghề chạm nghề, lòng chạm lòng, ông chưa ngừng lời thì người đàn bà đã cất tiếng:
- Anh đây mục hạ vô nhân
      Nghe em nhan sắc, lòng xuân não nùng
Dù em mặt phấn má hồng…
 Ông ngỡ ngàng, mắt sáng, tai sáng, hai tay thành hai cánh, người lửng lơ, chơi vơi.
 - Dù em mặt phấn má hồng
       Dửng dưng anh chẳng thèm trông làm gì
       Lấy anh đi chứ làm gì
      Tay thì dắt díu , tay thì tay thì quàng vai
      Vén tay sờ chỗ em ngồi...
Hai khe lạch chập một, háo hức, mời mọc, say sưa, vô tư, như duyên, như nợ. Mâm cỗ ái tình bày ra. Ngọt ngào, cay đắng, giãi bày, nhắn nhủ bày ra. Cả đám đông tai tự to, gáy tự ngứa, lòng tự nhận, tự cho, ai nấy bâng khuâng thấy chẳng bằng người.
Sau chừng nửa canh giờ phục vụ ông mời người đàn bà về chỗ gọi là nhà của mình. “Đồng thanh tương ứng”, hai người hỉ hả hàn huyên quên giời quên đất, cả hai không biết đứa con nanh nọc của ông vừa về đến đầu phố đã cho chui qua tai lời tanh lời thối, đã nổi tam bành thề bóp nát người nào làm ô danh ả. Vừa bước qua cổng ả đã tru tréo, đã xồng xộc tung hê mâm cơm cúng ra sân rồi thẳng cánh đặt dấu ấn vũ phu lên mặt bà. Đau xót, nhục nhã, ông loạng quạng nhặt cây nhị, loạng quạng dắt bà ra ngõ...
Tiếng e hèm của bà làm ông bừng tỉnh.
- Tôi tính thế này không biết có phải hay không?
- Có chuyện gì cứ bày ra đi, úp úp mở mở, sốt ruột!
- Tôi nghĩ hay mai mình về quê đi!
- Về quê?
-Ừ! Thì mình cũng phải về một chuyến, phiêu bạt mãi rồi!
- Nhưng...
- Hổ chẳng bỏ được con, nó hắt hủi thì làm giỗ Tổ xong rồi đi.
-  ...
- Mà mình cũng nên cúng cái nhẫn cho đền đi, cũng là chút lòng thành với làng, với Tổ.
Ông quay lại phía bà, những giọt nước mắt nặng nhọc ứa ra trên đôi mắt từ lâu trốn ánh mặt trời.
* * *
Quá trưa hai ông bà mới về được đến nhà. Chị giúp việc cho con Thắm bảo bà chủ đi lấy hàng mai mới về làm cho cả ông cả bà như vừa ngóc từ bùn lên. Bà lọc cọc dắt ông vào cái “chuồng chó”, lọc cọc ra chợ, khoảng hơn canh giờ sau những nén nhang trên bàn thờ đã uốn hình dấu hỏi.
 Con Thắm về...
Cả ông, cả bà, cả chị giúp việc bàng hoàng, run rẩy. Gối bà chưa kịp khuỵu, tay ông chưa kịp chắp thì giông bão đã ném hai người ra khỏi cổng. Hai người đang lủi thủi, luẩn quần trong lò nắng quái thì những tiếng chào hỏi líu ríu vây quanh.
Nụ cười trở lại trên môi ông. Tưởng người ở đâu, hóa ra là các phường hát về giỗ Tổ, thành tâm thành ý rồi họ tiếp tục dắt díu nhau bước ra con đường gió bụi.
Đúng là cái tình của xẩm, gặp nhau là tay bắt mặt mừng, là hể hả chuyện xưa chuyện nay. “Cái tình là cái chi chi” lặng hơi khuất bóng hai ông bà mới nhớ tới việc cần làm.
Trên đền.
Đám giỗ đã tàn nhưng dư âm vẫn ngổn ngang, đám người phục vụ, ăn theo ngả chiếu bạc ngay dưới chân bệ thờ Đức Thánh Sư sát phạt. 
Ông bà bước qua cửa đền. Đám bạc ngẩng lên, những con mắt đỏ đọc vuốt qua cân đo nặng nhẹ của con mồi rồi lại gằm xuống chiếu.
Nhưng những tiếng: cúng tiến... lòng thành... nhẫn vàng... bắt chúng ngước lên, nhất là gã Lé. Từ lúc bà mượn ông thủ đền cái đĩa con gã đã thấy cặp đôi một mù một thọt này không bình thường, lúc cái nhẫn vàng chóe rơi đánh keng trên nền gạch thì con mắt còn lại trên khuôn mặt hình môm cày đẽo hỏng của gã thành cái que hàn chập điện. Bỏ mặc những con mắt chữ A mồm chữ O với hai kẻ giời đầy gã chuyệnh choạng rời chiếu. Về tới nhà, gã tìm chai rượu ngửa cổ tu ừng ực, người ngợm như bị cả thanh sắt nung chui qua lỗ đít...
Mẹ mày! Xưa nay ăn mày cúng thánh cúng phật tiền nong hào phóng lắm mệnh giá cũng chỉ cỡ chục nghìn. “Tiểu nhân phòng bị gậy”, không mươi cái nhẫn dắt lưng bố chúng mày cũng chẳng dám mổ trâu đãi làng.
Mẹ mày! Không biết bố mày đang khát nước, lúc này mẹ tao có váy mới tao còn quẳng lên chiếu bạc, xá gì ngữ mù lòa què cụt như chúng mày.
Mẹ mày! Đã trêu ngươi bố mày thì cho mày chết. Bố mày tay nhúng chàm trăm lần thêm lần nữa chẳng qua chỉ đổ thêm mực vào đêm chứ là cái đéo gì.
Mẹ mày!...
Gã dốc nốt chút rượu trong chai, ném vốc nhân cách còn sót xuống vũng trâu đằm rồi khật khưỡng ra bờ đê nằm khểnh chờ hai con mồi.
Gã chẳng phải đợi lâu, khi ngày đêm dùng dằng lôi kéo thì hai cái bóng xiêu vẹo đã mọc trên mặt đê. “Cọc cạch, quờ quạng thế kia không trốn đêm trong điếm canh thì trốn vào mả bố chúng mày à.” - Gã ngửa mặt lên giời cười sằng sặc rồi lim dim, lim dim.
Gã giật mình tỉnh dậy. Trên trời trăng sao bày cỗ, dưới đất mặt cỏ đẫm sương. Nhớ ra việc cần làm gã lững thững theo sống đê đi ngược. Trong cái điếm hoang, qua ánh trăng lỗ mỗ gã thấy hai con mồi như hai con tôm chết vứt cầu thả trên cái ổ rạ vơ vội.
Gã rút dao song tiếng gáy khò khè, đứt quãng mách gã nhẹ tay. Đặt con dao xuống nền đất gã chắp tay vái giời vái đất rồi lần lần vuốt dọc từng con mồi.
Không nhẫn vàng nhẫn bạc, thậm chí hình thù giống nhẫn như hộp dầu cao con hổ cũng không.
Gã tỉ mẩn tháo hết những cái kim băng đậy nắp túi con mồi, nhưng trong túi chỉ có nắm tiền lẻ. Hai con tôm còng queo cùng nắm tiền nhàu nhĩ làm gã động lòng, hít một hơi tràn phổi, trả lại nắm tiền vào túi áo chủ nó, nhặt con dao đút túi, gã lững thững ra ngoài. Vừa bước khỏi cửa điếm gã đã vấp phải một bóng áo trắng, theo phản xạ gã ra đòn tới tấp, khiến cho bóng áo trắng lăn lăn mấy vòng rồi chúc đầu xuống vũng trâu đằm dưới chân đê.
Gã Lé chui vào đêm nhưng đầu óc gã vẫn lùng bùng không hiểu tại sao nửa đêm gà gáy vẫn có bóng đàn bà chui vào cái điếm canh mông quạnh, gã đâu ngờ bóng áo trắng đó chính là đứa con gái quý hóa của ông già mù. “Qua mười miệng con cóc thành con giải”, ả phát rồ lên khi bà hàng xóm bảo tận mắt nhìn thấy lão mù lấy một cái nhẫn trong chuỗi nhẫn vàng dài như chuỗi hạt của sư thầy để cúng nhà đền. Phải lôi lão mù về. Không về bắt phải về. Không bắt về được thì cho chầu ông bà ông vải. Chuỗi nhẫn đó phải là của ta... Đầu óc ả quay cuồng. Chân tay ả cuống cuồng. Mồm miệng ả líu ríu. Ả dò hỏi, lần tìm, quên đói, quên sợ, đến lúc sắp sờ được đích thì kẻ cắp bà già đụng nhau. Gã cũng đâu ngờ, sau lúc nhận đòn ả lê lết về được đến nhà song bùn đất cứt đái lưu cữu của vũng trâu đằm làm hai con mắt ả vĩnh viễn làm bạn với bóng đêm. Song gã biết, sáng hôm sau hai ông bà xẩm thản nhiên đón ánh mặt trời, thản nhiên tiếp tục con đường tìm kiếm lòng thương, bởi hai người đâu biết đêm qua sóng gió bão bùng vây quanh cái điếm canh trống hơ trống hoác.
Đ.H.N




2 nhận xét:

  1. Một truyện ngắn có nghề sâu sắc. Tôi đọc đã nhiều tác phẩm của ông nhưng tôi cảm thấy đây là một truyện hay. NHân văn đến cùng, số phận đến cùng, thắt chuyển linh hoạt Chúc mừng ông .

    Trả lờiXóa
  2. Cháu đã đọc truyện ngắn của chú. Thân phận con người hiện lên trên nền văn hóa dân gian. Cái ác bị sênh, phách nhấn chìm...

    Trả lờiXóa