Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012


NẤM MỒ HOANG - SỰ THAY ĐỔI BÚT PHÁP TRONG VĂN XUÔI MÃ A LỀNH
     ĐOÀN HỮU NAM
Bút pháp, suy cho cùng là cách viết của nhà văn đã định hình và làm nên diện mạo của anh ta trong văn chương. Bứt ra khỏi cách viết quen thuộc để tìm cách viết mới là một việc không dễ dàng, song trong quá trình sáng tạo của người sáng tác văn học, nhu cầu tìm tòi, đổi mới phương pháp thể hiện là điều rất cần thiết. Mã A Lềnh đang thực hiện điều này.

Trong một bài nhận xét về văn xuôi của Mã A Lềnh trước đây, tôi ví anh như một người miền núi leo bộ, từng bước, từng bước vững chãi, những trang viết của anh như đánh mốc từng cây số chặng đường anh đi. Hoặc như một già làng, hằng đêm, bên bếp lửa bập bùng, chậm rãi kể lại những điều mình gặp, mình suy ngẫm. Đó là tạng văn, tạng đời của anh. Anh đi nhiều, chiêm nghiệm nhiều, điều này rất có lợi cho thể ký, một thể loại xung kích trong văn học và anh đã khai thác triệt để thế mạnh này. Những trang ký của anh luôn mang cái tươi rói của cuộc sống, tỉnh táo hướng dư luận xã hội vào sự phát triển, phân tích rạch ròi sự tiêu cực, tích cực. Các tập ký Cột mốc giữa dòng sông, Cao nguyên trắng, Có một con đường, Nhọc nhoài với ký đã chứng minh được lối đi này.
Song song với thể ký, những năm gần đây Mã A Lềnh thường đi sâu vào truyện ngắn, song thực tế anh cũng không thành công lắm trong thể tài này. Nhận rõ điều đó, trong vài năm gần đây, anh đã chuyển đổi hẳn sang phong cách thể hiện mới, đó là: vừa bám chắc vào hiện thực cuộc sống, vừa bay bổng trong huyền thoại và chú ý khắc hoạ tính cách nhân vật. Tiêu biểu cho cách thể hiện này là truyện ngắn Nấm mồ hoang (in trong tạp chí Văn nghệ Lào Cai số 3/2002):
Cốt truyện Nấm mồ hoang khá đơn giản. Một chàng trai (tôi), tình cờ gặp một cô gái (em), trai tài, gái sắc gặp nhau, tình cảm nảy nở như một sự đương nhiên. Hai người gặp phải trở ngại, từ tập tục không bình thường, cô gái đã bị anh trai gả cho thằng câm và cô không cưỡng lại được số phận. Mối tình đáng nhẽ đẹp đẽ, thuận chiều như dòng suối, bỗng biến thành mối tình câm và đau khổ dai dẳng đuổi theo cả ba cho đến lúc một người phải tha phương, hai người phải từ giã cõi trần trong nuối tiếc, cam chịu. Chuyện chỉ có vậy, nếu như không khai thác khéo, nó sẽ biến thành chuyện tình nhạt nhẽo mà nhiều tờ báo cố nặn ra cho lâm li để câu khách.
Với lối kể chuyện chậm rãi, đầy ưu thế, bằng phương pháp khép, mở có trình tự, hy vọng, bất lực cứ đan xen theo dòng chảy thời gian, Mã A lềnh đã làm cho Nấm mồ hoang bật lên ba số phận nhân vật, đến chuyện đau đáu của cuộc đời.
 Ta hãy đuổi theo sự vào đầu của chuyện:
- Thằng câm, đã câm lại điếc nhưng khuôn mặt, con mắt nó toát lên vẻ lanh lợi, khôn ngoan chứ không bè thộn như những thằng đần thỉnh thoảng ta vẫn gặp trên đời này.
Em rắn rỏi như hột đào róc, trán hơi dô và sáng sủa, tóc mai xanh tự nhiên, cổ cao, bộ ngực đều đặn hơi quá cỡ, nhưng gọn gàng, chắc nịch.
Còn tôi, dáng con gấu đá đen sì. Nhưng vì biết dị tật của mình, nên tôi cố gắng đi đứng nghiêm chỉnh, nhẹ nhàng như con hươu, con nai.
Thằng câm đã nói là phải cất cả hai tay lên làm các động tác phức tạp, nhằng nhịt - tiếng nói riêng của nó cùng với tiếng ú ớ cũng riêng của nó.
Tôi đã cất tiếng nói là buột ra những những lời hoa mĩ, ví von, với giọng điệu du dương, trầm bổng, ngữ điệu ngọt ngào như nước chắt cơm mới.
Trời đã sinh ra thế, biết làm sao được.
Khi nói chuyện với thằng câm - chồng em, thì em cũng thuần thụctất cả các động tác của người câm điếc.
Khi nói chuyện với tôi dường như em thả hết mình, nên lời em thoảng ra như làn gió mang theo hương phấn hoa của bao rừng cây thơm tho.
Thoạt tiên, những câu văn rời rạc như những thông tin trên làm cho người đọc thất vọng, nếu không biết tác giả hoặc thiếu kiên nhẫn, tò mò thì người ta dễ dàng bỏ sách xuống. Song nếu đọc lại lần nữa, lần nữa, ta sẽ cảm nhận được một cách vào đề khá táo bạo, tốc độ. Những câu văn như một người đang như dẫn khách vào nhà, giới thiệu tên tuổi, tính cách từng người, sau đó để cho khách tự do tìm hiểu. Đây là một cách lạ so với cách vào truyện vòng vo, rào đón của người phương đông. Qua cách vào đề, ta đoán ra ngay tính cách của ba nhân vật chính trong chuyện:
- Thằng câm: Thực tế, cân bằng, tỉnh táo.
- Em: Lãng mạn, dễ thích nghi, cam chịu.
- Tôi: Sống nội tâm, nhạy cảm, ưa quan sát.
Đuổi theo mạch truyện, ta thấy ba tính cách trên xuyên suốt, dù các tình huống cứ nối nhau mở ra, rồi khép lại khiến người đọc vừa háo hức, vừa bực bội.
Thằng câm lấy được em như mèo mù vớ cá rán, song nó biết sự bất hợp lý của việc sắp đặt thô thiển nên đã khép mình lại, tỉnh táo cân bằng đời sống theo cách của mình, biết tách đời sống vợ chồng ra đúng lúc, đúng chỗ, cho phép vợ có tự do trong thời gian nhất định để cân bằng tình cảm, khoả lấp được sự thiếu hụt, thiệt thòi mà không oán trách số phận, oán trách cộng đồng. Lối giữ mà không giữ này là tính cách độc đáo mà người Mông lưu giữ được, thông qua nơi dành riêng cho nhưng người yêu cũ gặp nhau như các Hội Sải Sán, hay chợ tình Khau Vai...
Em: có tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt, nhạy cảm. Là nạn nhân của hoàn cảnh, tập tục, em vừa cam chịu thực hiện nghiã vụ, bổn phận của mình, vừa quẫy đạp để thoát ra khỏi hoàn cảnh, trở về với sự hồn nhiên vốn có và đáng nhẽ em phải được hưởng suốt đời. Em chủ động mời tôi đi dự đám cưới của mình, Em mở đường cho tôi bước vào cơ thể của em. Em bất lực trước thực tế phũ phàng. Em chính là tính cách của người phụ nữ Mông, nhẫn nại, cam chịu, nhưng ngọn lửa phản kháng, ngọn lửa đấu tranh để được là chính mình luôn nung nấu trong tâm can.
Từ sự trớ trêu của cuộc đời mới đẻ ra tôi. Tôi - một kẻ chỉ biết thu mình trong thế giới riêng để phân tích và suy ngẫm. Đứng trước thằng câm, tôi to lớn, quyền thế. Đứng trước em, tôi bé nhỏ, bất lực. Đứng trước hoàn cảnh, tập tục, tôi hèn nhát. Sự thiếu nhất quán, thiếu quyết đoán, suốt đời đóng vai ngườì chứng kiến chứ không hành động cho thật là người của tôi đã làm hỏng cuộc đời của cả ba. Có lẽ đây là tính cách điển hình của người sống nội tâm đơn thuần.
Trong khuôn khổ một truyện ngắn chưa đầy hai ngàn chữ mà làm bật lên được ba tính cách, đằng sau ba tính cách là cả phong tục, tập tục, thì đó là một truyện ngắn ít thấy.
Trước đây văn xuôi Mã A Lềnh thiên về mạch truyện. Đọc Truyền thuyết về hoa phượng trắng, hay Trăng treo trên cành lá của anh, người ta dễ cảm nhận theo kiểu thưởng thức tranh, thiên về mảng hơn về tính cách nhân vật. Song trong Nấm mồ hoang ta thấy bút pháp của anh thay đổi khá căn bản. Từ mảng, anh chuyển hẳn sang cách viết mới, các tình huống mở, kết tốc độ, và đậm đặc (trong truyện có tới 9 tình huống nối tiếp nhau như một sự dẫn dắt). Song bao trùm lên cả truyện là tính cách của từng nhân vật, mà thông qua tính cách đó hiện lên những số phận, một kết cục bi phẫn của một mối tình.
Một điều đáng nói nữa là chất huyền thoại trong Nấm mồ hoang. Với vấn đề này không dễ chấp nhận. Văn chương Việt Nam lâu nay chúng ta quen thuộc với hiện thực như quen với cơm tẻ rồi. Nhà văn thì mới bắt đầu có ý nghĩ viết đã gọt rũa, biên tập làm sao để hễ cầm bút là viết đúng, viết trúng, viết cho không ai bắt bẻ gì mình được. Người đọc thì đọc đến đâu là phán xét chuyện này có thật ở đời hay không, nếu khác bình thường một tý thì làm toáng lên, cứ làm như văn chương chỉ được phép mô tả những cái đã qua, những cái đã được chiêm nghiệm rồi không bằng. Trong thực tế cuộc sống không phải thế. Tâm hồn ai ai cũng cần bay bổng, mơ mộng, cũng cần vượt lên khỏi thực tế để chinh phục chính mình, chinh phục vũ trụ. Văn chương cũng vậy. Văn chương mà cứ bám theo những thực tại mà mọi người bắt buộc phải sờ thấy, nghe thấy, hoặc trải qua rồi, thì cuối cùng ta cứ mãi được tiếp nhận, hưởng thụ kiểu văn chương phô bày đơn thuần sự thật, một kiểu biểu hiện hiện thực áp đặt, và cứ như thế này biết bao giờ mới có được trăm năm cô đơn, có được Báu vật của đời… Trong Nấm mồ hoang tôi rất thích kiểu bay lên mà không bay lên của Mã A Lềnh. Cái hiện thực nó ràng buộc ta kinh khủng, nhưng người ta bịt được miệng người chứ không bịt được mỏ nước, che đậy kiểu gì thì cỏ vẫn vẫn tìm được kẽ hở nhoi lên, nước vẫn tìm được chỗ chảy. Trong bế tắc của nhân vật, Mã A lềnh đã tìm ra cách cho nhân vật đi làm thày. Trong tín ngưỡng dân gian của người Á Đông, người được trời chọn làm thày cúng, thày mo, người được hưởng lộc thánh thường xuất phát từ một cú sốc ngẫu nhiên nào đó về thể xác, về tinh thần. Hiện tượng ma nhập, thánh nhập vào hồn sắp lìa khỏi xác đã dẫn dắt con người vào thế giới thần linh và cho họ hưởng một khả năng đặc biệt mà người thường không làm được. Nấm mồ hoang đã khai thác khá kỹ chi tiết này, gần một nửa dung lượng của truyện dành cho việc nhân vật tôi chuẩn bị làm thày cúng, thành thầy cúng. Chuyện có thể có thật, có thể không có thật, nhưng sự giải thoát nhuốm màu huyền thoại của truyện đã cho ta một ấn tượng khá sâu sắc. Dẫu sự giải thoát này không bứt nhân vật tôi ra khỏi thực tế phũ phàng.
Với Nấm mồ hoang Mã A Lềnh đã bứt ra khỏi phương pháp thể hiện quen thuộc để tìm ra một phương pháp thể hiện mới, dễ được bạn đọc đón nhận và suy ngẫm, mong anh có nhiều tác phẩm như Nấm mồ hoang, nàng Gua và chàng Sóc tặng bạn đọc.











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét