Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Trên đỉnh đèo giông bão - Một tiểu thuyết có văn


TS  Phạm Duy Nghĩa
Trưởng ban Lý luận phê bình tạp chí Văn nghệ quân đội
                                                                                                                                                     
Trên đỉnh đèo giông bão (Nxb Quân đội nhân dân, 2004) là tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam hưởng ứng cuộc vận động sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng. Là người đầu tiên được tác giả cho đọc tác phẩm ở dạng bản thảo với những trang A4 xếp rời, tôi ngạc nhiên ngắm nhìn cuốn sách tương lai trên mặt bàn như chiêm ngưỡng một trận giông bão mùa thu trên đại ngàn miền núi. Ào ạt hình sắc, ào ạt ngôn từ. Ấn tượng đầu tiên đến từ chữ, rồi tới nghĩa.

Nếu như tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1945-1975 lấy cái chung để đánh giá cái riêng, lấy số phận cộng đồng để định đoạt số phận cá nhân, thì ngược lại, hướng đi chung của các tiểu thuyết đương đại là từ số phận cá nhân mà soi chiếu trở lại lịch sử và cộng đồng. Tác phẩm của Đoàn Hữu Nam cũng nằm trong mạch vận động mang tính thời đại ấy. Từ cuộc tranh giành, thù hận của hai nhà họ Sần và họ Hồ, tác phẩm tái hiện lại lịch sử Lão Nhai (tên cũ của Lào Cai) trong giai đoạn Việt Minh tiến đánh Quốc dân đảng, giải phóng các vùng, chống Pháp trở lại xâm lược. Nhìn vào đề tài thì hướng đi của tiểu thuyết này theo một vòng tròn đồng tâm với Đồng bạc trắng hoa xoèVùng biên ải của Ma Văn Kháng. Nhưng không lặp lại chủ đề thương thuyết với thổ ty và tiễu phỉ như hai cuốn tiểu thuyết kia, Đoàn Hữu Nam khơi sâu vào vấn đề khác: vấn đề thu phục lòng dân. Nhiều năm bị buộc chặt với thổ ty bởi luật tục, miếng ăn, sự mông muội và nỗi sợ cố hữu khiến người dân "sống trong nô lệ tự nguyện" và không dễ gì theo Việt Minh. Muốn giành dân, người cách mạng chỉ có con đường "ba cùng", hiểu dân và làm cho dân hiểu. Như vậy, theo cách ví của Gamzatov thì ở đây, tác giả Trên đỉnh đèo giông bão không đi vào lối mòn của tiền nhân mà đã mở cho mình được một lối đi riêng qua khu rừng văn học.
Không chuyên chú vào nội dung, người viết bài này quan tâm nhiều hơn đến nghệ thuật của cuốn sách. Có thể nói, Trên đỉnh đèo giông bão là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi của Lào Cai bắt nhập được vào hơi thở mạnh mẽ của văn xuôi đổi mới đương đại. Đặt nó bên cạnh Tình rừng, Dốc người - những tiểu thuyết trước của Đoàn Hữu Nam, thấy cuốn này lạ hẳn. Sức hấp dẫn của nó trước hết nằm ở văn, và đằng sau văn, là sự can thiệp một cách khá tự nhiên của kĩ thuật.
1. Điều dễ thấy trước tiên khi tiếp cận tác phẩm này, là Đoàn Hữu Nam đã đẩy sự vật đến mức không bình thường, thực chất đó là thủ pháp lạ hoá. Shklovski, người theo chủ nghĩa hình thức Nga cho rằng nghiên cứu hình thức tác phẩm văn học chính là nghiên cứu thủ pháp này. Lạ hoá được Đoàn Hữu Nam sử dụng một cách có ý thức, không phải trực giác, ngẫu nhiên. Trong thế giới nghệ thuật của anh, cái gì cũng lạ. Thiên nhiên, tạo vật lạ: màu đất ở Suối Hoa không giống những nơi khác mà "vàng tươi như ai đó lấy đỗ xanh xát vỏ, đồ thành xôi rồi rải ra khắp đồi, khắp ruộng". Hiện tượng sinh nở lạ: Chẩu Po gan lì đợi đến lúc năm mới năm cũ giao nhau mới bình thản chui ra từ bụng mẹ, toét miệng cười, "nụ cười khinh mạn của đứa trẻ sinh ra một cách không bình thường, trong ngày giờ không bình thường". Bệnh tật lạ: cô Dỉ mắc căn bệnh kì quái, mỗi lúc trăng lên lại thấy nóng hừng hực "tưởng chừng chỉ cần xoè que diêm là toàn thân bùng lên như cây đuốc".
Đối tượng mô tả còn được lạ hoá bởi sắc màu tâm linh. Sắc màu này phảng phất trong hình non, thế núi của Suối Hoa, vùng đất hội tụ âm dương ngũ hành, cho đến những chi tiết như tàn than tờ giấy của kẻ giết người từ bếp lửa xoáy tít, "đậu trùm lên bát nhang thờ tổ tiên trên bàn thờ, trông như một con bướm màu đen", và bó hương không bén lửa bỗng cháy đùng đùng sau lời khấn đứa con vừa bị giết của Sần Đạt... đã tạo không khí kinh rợn cho tác phẩm. Yếu tố tâm linh có sức ám ảnh nhất là hiện tượng đầu thai của Lù Tà - đứa trẻ bật ra từ bụng mẹ vào đúng lúc lưỡi tầm sét giật vỡ toác cây chò, khi nói được thì bi bô kể cho mọi người biết nhà nó ở đâu, kiếp trước vì sao mà nó chết...
Những năm gần đây, sự đan cài các yếu tố thực và ảo, ý thức và tâm linh xuất hiện khá nhiều trong truyện ngắn, tiểu thuyết. Sự phiêu diêu và tri giác của hồn ma trong Hậu thiên đường (Nguyễn Thị Thu Huệ) và Bến trần gian (Lưu Sơn Minh), hình tượng kì ảo trong Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, sự linh ứng ở cây cối về sức khoẻ, tính mạng con người và hiện tượng quả báo trong Bóng của cây sồi (Đỗ Bích Thúy)... cùng nhiều tác phẩm nhuốm sắc màu huyễn tưởng (fantastique) khác đã mở ra những không gian nghệ thuật mới, đi vào những thế giới bí ẩn hoàn toàn xa lạ đối với văn học cách mạng trước đây. Việc vận dụng lạ hoá và tâm linh như một yếu tố thi pháp trong tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam tỏ ra rất phù hợp với nét huyền bí đặc trưng của không gian miền núi.
2. Đặc điểm cơ bản thứ hai trong tác phẩm của Đoàn Hữu Namsự kế thừa vốn văn hoá dân gian các dân tộc. Ngoài việc đưa vào mạch trần thuật các thành ngữ như "nước lên cá ăn kiến, nước xuống cá làm mồi cho kiến", "được lòng nỏ, mất lòng sóc", "rễ cây ngắn, rễ người dài", Đoàn Hữu Nam còn tiếp thu thành ngữ một cách sáng tạo và chuyển hoá chúng thành các vế câu mang tính ẩn dụ. Có thể liệt kê hàng loạt những trường hợp này: "quạ già khôn hay đại bàng non khôn",  "con cua trước con ếch", "cây muốn lặng, gió chẳng dừng"... Ngoài thành ngữ, tục ngữ, câu đố, tác giả còn lồng truyền thuyết vào cốt truyện (truyền thuyết núi Rồng, núi Chúa) và đưa dân ca Giáy vào những trang miêu tả lễ hội. Vận dụng văn hoá, văn học dân gian là việc làm mang tính truyền thống của văn xuôi miền núi, như truyền thuyết về cô tóc thơm trong Mường Giơn (Tô Hoài), truyền thuyết về lưỡi gươm ông Tú ở Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), truyện thơ Sa Dạ, Sa Dồng trong Xứ lạ mường trên (Hoàng Hạc) và vô số thành ngữ, tục ngữ Tày trong các tiểu thuyết của Vi Hồng... Việc cắm sâu vào cội nguồn dân tộc giúp cho tác phẩm có thêm sức nặng tư tưởng, thêm chất trữ tình và đậm đà thêm bản sắc. Tuy nhiên, nếu những chất liệu ấy không được chuyển hoá thành máu thịt của tác phẩm mà được cài đặt như một thứ đồ trang sức, phô trương sẽ tạo ra những hiệu ứng phi thẩm mĩ.
3. Chất văn chương trong cuốn tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam được tạo nên chủ yếu bởi tính tạo hình. Trong tác phẩm này, nhà văn đã sử dụng với một tần số rất cao các so sánh và ẩn dụ. Chính các so sánh, ẩn dụ này đã cấu thành nên hàng loạt câu văn có hình ảnh. Những câu có nhung có tuyết, chứa đựng những từ có cạnh sắc, những từ ngữ vàng mười. Này là cặp vợ chồng muộn con: "Bố mẹ nó... như hai hạt thóc lép, ủ từ mùa xuân tới mùa đông vẫn không sao nảy mầm được". Này tả người đàn bà Mông: "Hai bầu vú chảy thượt, trông giống như cái lưỡi lợn ôi dán hờ vào những dẻ xương sườn nhôm nhoam". Tả thiên nhiên: dải chè tuyết trên núi cao "như được ướp trong mây, trong gió, được hấp thụ tinh túy của đất trời"; sau mưa, "nấm mọc như vãi gạo, những bông lau như những cái đuôi cáo đang kì động đực vểnh lên cười cợt"... Đó là những câu đóng đinh vào bộ nhớ của người đọc. Có thể nói, so sánh là cứu cánh của văn chương. Một so sánh trúng, đắt làm sáng bừng cả câu văn, có khả năng đánh gục hàng loạt phương thức biểu đạt khác.
Trong tác phẩm này, Đoàn Hữu Nam tỏ ra chuyên chú về cú pháp. Phép đối xứng được anh tận dụng tạo những câu, vế câu uyển chuyển, hài hoà: "Trời đất vây Suối Hoa bằng núi non. Con người vây Suối Hoa bằng luật tục", "mưa đổ xuống, nỗi lo đầy lên", "bát hương trên bàn thờ nhà lão chật cứng chân nhang; trong nhà, ngoài sân chật cứng những khuôn mặt lo âu, tiếng thở dài, tiếng khóc thút thít". Các câu lặp cấu trúc tạo âm hưởng réo rắt, nhịp nhàng: "Lời hát bay đến tai người già... Lời hát lọt vào tai chàng trai, cô gái... Lời hát lướt tới đám chức sắc... Lời hát lướt tới tai bố con Hồ Hằm...". Lối dựng câu ấy góp phần tạo nhạc tính, đem lại cái phong vị dân gian mực thước, bay bổng rất quen thuộc của văn xuôi miền núi. Nhưng có thể khẳng định, yếu tố chính làm cho mạch văn chắc khoẻ, linh hoạt vẫn là tính hình tượng; nhờ tính hình tượng mà câu văn có da có thịt, nổi trội hẳn lên trên những câu còi cọc, những con chữ bạc màu. Không nghi ngờ gì, những thủ pháp tưởng chừng cũ kĩ đã tạo sức mạnh bật ra cái xanh rờn, tươi rói của văn chương.
4. Nguyễn Đình Thi nói: "Một cuốn tiểu thuyết có đứng được hay không là ở chỗ nhân vật có làm cho người ta nhớ được hay không". Trong số không nhiều nhân vật của Trên đỉnh đèo giông bão, Lù Tà là nhân vật có sức sống nhất. Đó là một kẻ háo dục, thuần bản năng, độc đáo từ nguồn gốc sinh ra cho đến tính cách. Một thứ đao phủ trung thành với chủ đến mức mù loà. Nó là anh em của Khun trong Vệ sĩ của quan châu (Ma Văn Kháng), Hem trong Rừng động (Mạc Phi). Ma Văn Kháng gọi chúng là những "bản năng bán khai kinh thiên động địa". Nhà lí luận văn học La Khắc Hoà xếp chúng vào kiểu loại nhân vật "mông muội, không ý thức được hành vi của mình". Với ưu thế về "lai lịch" và tính cách, Lù Tà xứng đáng được bổ sung vào quân số những nhân vật "hồi tổ", "lộn giống" vốn là đặc sản hiếm hoi của văn xuôi miền núi. Nếu trong tác phẩm, gương mặt của Lay, Lin, Hoàng có thể nhoè lẫn vào nhau, thì hình xác Lù Tà (xa một chút là Tài, Dỉ, Hoa) lại có khả năng đục đẽo vào tâm trí người đọc.
Một điều làm giảm sức thuyết phục của Trên đỉnh đèo giông bão, là các nhân vật thuộc dân tộc ít người còn khá mờ nhạt về thành phần và bản sắc dân tộc (nhân vật Lay đến gần giữa tác phẩm mới bộc lộ thành phần và hoà nhập vào đời sống văn hoá dân tộc Giáy, còn hầu hết các nhân vật khác chưa xác định thành phần). Như một sự bù đắp, các nhân vật người Kinh lại có dấu ấn riêng. Nhân vật cách mạng không bị lí tưởng hoá: đại đội trưởng Lê Hoà tự mãn, kiêu căng; cán bộ Tài vừa làm cách mạng vừa toan tính cá nhân, tranh thủ hưởng lạc. Việc chuyển giao từ con người đơn phiến của văn học sử thi sang con người đa diện của văn chương thời đổi mới làm cho nhân vật xanh tươi, sống động, không đơn giản một chiều.
5. Một trong những cái khó nhất của người làm tiểu thuyết là ở khả năng điều khiển đội ngũ nhân vật, từ đó hình thành, quy định cấu trúc tác phẩm. Hình như Đoàn Hữu Nam ít nhiều băn khoăn ở chỗ đó. Có cảm giác cuốn tiểu thuyết của anh mới chỉ là tập 1, không phải vì nó còn ở trong mạch vận động chưa hoàn kết, mà vì sự đầu tư cho các nhân vật còn thiên lệch, dở dang. Về cuối tác phẩm, có nhân vật vừa xuất hiện đã mất hút như Nam, Tâm. Nhân vật Lin nên phát triển đầy đặn hơn, lại gián đoạn và tái xuất về sau trong vài dòng trần thuật ngắn. Có cảm giác nhiều lúc tác giả đang say sưa, mê mải “làm văn”, chợt nhớ ra còn nhiều việc chưa làm nên hối thúc nước kiệu con bạch mã tiểu thuyết của mình bằng việc vội đi vào dòng liệt kê sự kiện nhanh chóng, sơ lược. Điều ấy dẫn đến hệ quả là chất văn chương đậm nhạt không đều. Một ưu điểm về cấu trúc tác phẩm là thời gian xen kẽ những mảnh thực tại - hồi ức một cách logic, dễ nắm bắt; không gian nghệ thuật với sự xuất hiện của mưa bão, sấm chớp gần như xuyên suốt tác phẩm tạo được không khí của một giai đoạn lịch sử dữ dội, phức tạp ở vùng biên ải.
Làm tiểu thuyết là công việc lao lực, quá sức người. Nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng, viết truyện ngắn là đi bắn vài con chim, viết tiểu thuyết là đi săn hổ dữ. Tiểu thuyết đòi hỏi quy mô, mà có văn thì càng quý. Trong một lần ngồi với nhà văn Nguyễn Khắc Trường, tác giả Mảnh đất lắm người nhiều ma, chúng tôi rất đồng tình với ông rằng, "Viết văn trước hết phải có văn". Dẫu là một khái niệm đầy huyền bí, văn ở đây xin được hiểu bắt đầu từ con chữ.
Tháng ngày qua đi với bao thứ văn chương hỗn tạp xô bồ. Đọc Trên đỉnh đèo giông bão lâu rồi, vẫn thuộc lòng được vài câu, hình dung được mặt mũi một, hai nhân vật.  
Bởi đó là một tiểu thuyết có văn.
     P.D.N

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét