Nguyên
An
Vào mấy năm
gần đây, sáng tác, nhất là ở lĩnh vực văn xuôi của các tỉnh miền núi phía Bắc
nước ta đã có sự phát triển, đạt đến một số thành công mới rất đáng khích lệ.
Ai đã có công đọc tác phẩm của Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Văn Cự, Tống Ngọc Hân, Phạm
Thanh Huyền... ở Lào Cai chẳng hạn, hẳn sẽ đồng ý với chúng tôi về nhận định
này.
Tìm hiểu cuộc sống thật gian lao vào
ngoan cường của đồng bào các dân tộc phía Bắc
Việt Nam
trong mấy chục năm qua và hình bóng của họ trong tác phẩm
văn chương, chúng tôi thấy có mấy điều đáng suy ngẫm tiếp là:
Cứ nơi nào đã chăm lo xây dựng, củng cố
và phát triển được một lực lượng viết đông đảo, vừa có nòng cốt là những nhà
văn vững vàng, lại vừa có một số đông hơn là những tác giả đến với sáng tác một
cách năng nổ, thì dần dần, hình bóng của người lao động càng có cơ được xây
đắp, điểm tô một cách trung thực và tài hoa, trở thành những hình tượng sáng
đẹp, có sức hấp dẫn hơn lên.
Ở Lào Cai hiện nay, xét về phương diện đội
ngũ, tình hình đáng mừng như vậy. Châu tuần xung quanh các nhà văn chúng tôi
vừa nhắc tới ở trên, ở lứa trước họ, các anh Mã A Lềnh, Trịnh Bảng, Cao Văn Tư,
Nguyễn Ngọc Dương, Lương Bằng... vẫn đang ấp ủ và cho ra mắt bạn đọc một số tác
phẩm tiếp tục tô đậm dấu ấn riêng của bản thân và được công chúng tìm đọc; các
tác giả khác như Nguyễn Xuân Mẫn, Công Thế... từ những trải nghiệm của chính
cuộc đời mình và những mẩu đời mắt thấy tai nghe mỗi ngày, cũng đã tạo tác được
một số truyện và ký giàu chất thời sự, gợi đến một sự bền vững cho chỗ đứng của
văn chương; đặc biệt, ở Lào Cai còn có một số cây bút trẻ đầy triển vọng vì sự
tâm thành với hoạt động văn chương và vì sức viết sức nghĩ, như Tống Ngọc Hân,
Mã Anh Lâm...
Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch sưu tầm,
tìm hiểu và nghiên cứu, lý giải một cách tương đối toàn diện trong khả năng có
thể về tình hình văn học - văn nghệ Lào Cai, nhằm qua đó, có thể rút ra được
một số điều ích lợi không chỉ riêng cho văn học - văn nghệ của một tỉnh cụ thể.
Nhưng trong điều kiện hiện nay, chỉ xin bàn đến một phần việc trong đó là: Tiểu thuyết của các tác giả ở Lào Cai.
So với một số tỉnh, thành có lực lượng
sáng tác mạnh từ lâu nay như Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng, hay Nghệ An và Hải
Phòng... thì tác giả viết tiểu thuyết ở Lào Cai xuất hiện muộn hơn, và cũng có
số lượng ít hơn. Tuy nhiên, chỉ với hai cuốn, là Đất thiêng của Nguyễn Văn Cự (Nxb Văn hoá dân tộc, 2001) và Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam (Nxb Hội Nhà
văn, 2010) được thai nghén và ra đời từ chính đất và người Lào Cai, thì cũng đã
thêm một lần cho chúng ta thấy là sinh sau đã là em một cách chững chạc, ít hơn
chưa chắc đã là yếu mong manh.
Xuất bản cách nhau độ mười năm, nhưng
chúng tôi biết là hai cuốn này được viết cùng một lúc. Không rõ Nguyễn Văn Cự
và Đoàn Hữu Nam có "hội ý" hay "phân công", "hẹn
ước" gì với nhau không, mà mỗi cuốn, lại đã dựng lại một giai đoạn khác
nhau của vùng đất biên cương Tổ quốc dưới chân dãy núi huyền thoại có đỉnh cao
là Phăng Xi Păng. Chung một cảm hứng, một quyết tấm là viết thật lòng mình, ý
mình, thể hiện sự nhìn nhận đánh giá thời cuộc, lịch sử của cá nhân người cầm
bút ở mình, hai tác giả đã công phu viết và sửa, bớt và thêm... Từ lao động
nghệ thuật của các anh, hiện thực cả một vùng núi rừng và thành thị Lào Cai đã
được dựng lên thật chân thực và nổi bật với những nét chính yếu nhất.
Dám là mình từ trong ý tưởng, đến lao
động cụ thể trên trang viết quả không dễ tí nào! Đó là khát vọng hay là bản
lĩnh? Đó là thủ pháp và tài năng hay chỉ là thái độ nhân sinh hoặc là cảm hứng
sáng tạo? Tôi đồ rằng khi viết/ dựng lên hai tập tiểu thuyết này, Đoàn Hữu Nam và
Nguyễn Văn Cự đã phải tự xác định được câu trả lời. Và người đọc, thì có thể
cho là các anh đã đúng. Tác phẩm của các anh đứng được, người ta bảo "đọc
được", "đáng xem". Họ đã giới thiệu cho bạn bè đọc và cùng trao
đổi, các cuộc "hội thảo" nho nhỏ tự phát đã diễn ra. Tôi nghĩ: tâm và
tài của tác giả đã hoà quyện trong sự thành công này; hơn thế, một bầu không
khí lành mạnh trong văn chương - văn hoá và trong xã hội nói chung đã là bà đỡ
cho sự thành công này để nó được lan toả thêm.
Đọc Đất
thiêng, với hình tượng trung tâm là lão Quốc cực khôn ngoan xảo quyệt lắm
mưu mô mánh lới đến mức tàn tệ nhẫn tâm và chính lão, lại cũng là người ở nhiều
tình huống, thì cũng "chẳng đến nỗi nào"..., có thể biết là Nguyễn
Văn Cự đã dồn vào đấy không biết bao nhiêu là vốn đời, sự trải đời. Đôi khi,
đến những đoạn dựng đối thoại - Nguyễn Văn Cự dựng đối thoại rất thành, khả
năng phơi bày nội tâm nhân vật qua các đối thoại này ở anh rất rõ..., lại cứ
thấy lo lo sờ sợ cho anh. Bởi, các đối thoại ấy là của lão Quốc với mấy
"ông cán bộ" thôn, xã, có ông là đảng viên lâu năm, mà ngỡ như của
một đám bất lương thập thành, tác giả "không ngán" sự hiểu lầm và trả thù ư? Nhưng đọc cho kỹ, lại
thấy: Thì tiểu thuyết là thế mà, là sự điển hình hoá chứ có phải là bút kí, kí
sự người thật việc thật đâu!
Ấy là nói thế thôi, chứ hình tượng lão
Quốc trong Đất thiêng của Nguyễn Văn
Cự chắc là đã làm khối anh giật mình. Tác giả nhẩn nha dựng và kể, mấy trang
này mượn một chút bút pháp hoạt kê, biểu tượng đủ mức, mấy đoạn khác, chương
khác, lại mượn một tỉ phép dựng truyện kì ảo ma mị với triết lý quả báo dân
gian. Truyện kể về lão Quốc ở cái xóm ga Yên Kỳ mà cũng là chuyện buôn thần bán
thánh lật lọng mánh mung ở quanh thôn làng phố thị nơi ta đang ở vào thời có
lắm kẻ bung cửa ra ào ào buôn bán mà quên cả tình nghĩa bây giờ đấy. Sắc lạnh
và khá "ác" khi phơi bày cái xấu, với dụng ý nguyền rủa nó, ngòi bút
tiểu thuyết của tác giả Đất thiêng
cũng tỏ ra khá sắc sảo. Đôi chỗ, sự thông cảm với một ít thương mến nâng niu
đối với những người lao động bình dân ở tác giả đã được bộc lộ cũng thật tự
nhiên. Với lối kết cấu chung là "ta thắng định thua", "lương
thiện thắng ác độc", tiểu thuyết Đất
thiêng tưởng đã có thể sa vào khuôn thức cũ. Nhưng nhờ vào các đoạn dựng
cảnh hội nghị, cảnh trò chuyện tay đôi tay ba thật giàu kịch tính mà từ đó bản
tính, nét riêng của mỗi nhân vật được lộ rõ dần, mạch chuyện của tiểu thuyết
được trôi thuận, hấp dẫn, cái đoạn kết của tác phẩm thế cũng là phải.
Nguyễn Văn Cự nhiều năm làm công tác
phong trào, anh đi nhiều hiểu nhiều, thuộc nhiều tâm tính và thói quen ứng xử
cùng lớp ngôn từ quen dùng của các loại người. Nguồn vốn quý báu ấy là Trời
cho, cũng là Đời tặng. Tôi nghĩ là anh chưa viết hết vốn. Anh mà nghiền ngẫm
chắt lọc thêm rồi lại viết tiểu thuyết hay truyện ngắn nữa thì quý lắm.
Đọc tiểu thuyết Đất thiêng, nếu như đôi khi ta còn có cảm giác như đọc một loạt
truyện ngắn liên hoàn về ba bốn cặp nhân vật chính là lão Quốc và vợ, Pú Nhàng
và ông Tiến, Tuấn và Ta Hồng, Long và Bình..., thì với tiểu thuyết Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam, cảm giác kia
mất hẳn. Ấy là vì các lý do như: Mạch truyện của Thổ phỉ gấp gáp cuộn chảy hơn. Trong dòng mạch ấy chi tiết phong
phú, đa dạng, quen ít lạ nhiều, những tưởng là bề bộn, song chúng đã được xuất
hiện lồ lộ hoặc hé mở hé gợi một cách có chủ ý, đủ để câu hút người đọc chứ
không miên man. Hơn thế, mỗi chương đoạn lại có cách bắt đầu và dừng lại riêng,
và tất cả, lại xoay quanh một trục phát triển là cá tính của nhân vật chính hơn
là tuân theo trình tự thời gian sự việc.
Với lối cấu trúc này, tác giả của Thổ phỉ đã tỏ ra một tư duy thể loại
nhất quán hơn. Và từ tư duy này, toàn bộ tác phẩm được triển khai dần. Theo đó, hiện thực đời sống của cả một vùng
núi rừng nguyên sinh có một thế giới người đa sắc tộc với tâm
lý tư tưởng, phong tục tập quán, lề thói hành xử... cũng còn nguyên sinh đã
được hiện ra. Tên sách là Thổ phỉ, cố
nhiên là rất đúng với ý đồ tư tưởng và hiện thực mà tác phẩm tái hiện. Ở một
góc nhìn khác của người đọc, cũng có thể gọi đây là cuốn tiểu phỉ, diệt phỉ. Tiểu phỉ, diệt phỉ là một trang sử đặc biệt của
cách mạng và kháng chiến Việt Nam ,
nhất là ở vùng cao. So với cuộc chiến đấu giành độc lập tự do với kẻ thù từ bên
ngoài đến, hình như cuộc chiến nội địa này có phần phức tạp và ác liệt hơn, sự
đớn đau thật tột cùng và oái oăm hơn, và những chiến thắng dẫu có huy hoàng đến
mấy thì cũng rất ít hả hê ngay được, bởi chúng ta đã phải gánh chịu và trả giá
thật nặng nề. Đó là cảm nhận có lý do sát thực từ những trang tiểu thuyết của
Đoàn Hữu Nam .
Có thể nói mà không sợ quá là, tiểu
thuyết Thổ phỉ với dung lượng vừa
phải (hơn 500 trang 13 x 19), đã tỏ ra có cốt cách của một cuốn tiểu thuyết sử
thi kiểu mới đúng nghĩa. Mới, bởi nó không sa vào sự mê man với các đoạn mô tả
cái thâm u hoang dại của núi rừng khe suối vực thẳm đường trơn với xả súng thọc
dao hay quằn quại nhục dục để câu người đọc. Tránh được lối viết đó, trong Thổ phỉ, có cảnh bạo liệt bạo loạn rùng
rợn thật, và có cả nhiều cảnh giàu chất thơ nữa. Chúng đều là cảnh của tâm
trạng nhân vật và của chính cảm quan của người viết. Đọc những trang phục dựng
cảnh cấp sắc đặc sắc của người Dao, cảnh núi rừng trước và trong giờ nổi loạn, giết
chóc và rất nhiều rất nhiều cảnh ăn uống, sinh hoạt... ta thấy từ đó, thân phận
con người, số phận một vùng đất được nổi lên, gây ám ảnh, gợi dẫn nghĩ suy thật
nhiều. Mới, bởi trong Thổ phỉ có sự
đa thanh đa giọng của ngôn ngữ kể chuyện, dựng chuyện. Ta bắt gặp ở đây giọng
điệu chính của tiểu thuyết sử thi, và thấp thoáng đủ để phụ hoạ, đủ để hấp dẫn
và lột tả tính cách cái giọng điệu của tiểu thuyết truyền kỳ, của bút kí phong
tục... Tất cả, các trang giọng ấy đều được tác giả điều chỉnh, làm chủ, tuy
chưa hẳn là biến hoá thuần thục cả, nhưng đủ để cuốn hút người đọc. Và mới,
hiện đại, là vì nếu muốn dựng lại chuyện diệt phỉ tiểu phỉ này, mà viết theo
lối cũ, e phải cả ngàn trang, nhưng ở đây, Đoàn Hữu Nam chỉ dùng hơn 500 trang,
rất vừa phải như chính cuộc sống đương đại đòi hỏi văn chương phải vắn gọn, dứt
khoát như thế.
Cô đúc, vâng, từ sự cô đúc nhờ một tay
nghề tiểu thuyết đã vững, nên tính cách - số phận con người - hình tượng nghệ
thuật trong Thổ phỉ rất nổi bật, sắc
nét. Có thể thấy là để làm được như thế, một mặt, nhà văn đã quả quyết đi đến
cùng trong dựng cảnh, trong mô tả mà không ngại là bạo liệt quá, hoang tàn quá,
ê chề đớn đau quá; mặt khác, anh cũng tự tiết chế để việc sử dụng các mảng
miếng ngón nghề này không sa vào lỡ trớn (nhất là ở các đoạn "làm
tình" nhạy cảm).
Tiểu thuyết sử thi cổ điển có đặc điểm là
nhân vật được chia làm hai phe chính và tà, gian nịnh và trung nghĩa... khá rõ.
Tiểu thuyết Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam
mới đọc, cũng thấy thế. Nhưng đọc kĩ, lại thấy không hoàn toàn như thế: Tướng
phỉ Triệu Tá Sắn tham bạo xảo trá có đầu óc bá vương và cũng có thủ đoạn tàn độc,
nhưng bên cạnh nét tính cách chính yếu này, nhà văn còn cho thấy hắn cũng là
một con người thường tình. Cụ giáo Choong là hiện thân của lớp trí thức có Hán
học, Tây học từ đầu thế kỷ trước còn sót lại, cụ có uy tín
rộng rãi, cao minh là cụ, ẩn nhẫn là cụ, cụ khinh ghét bọn làm phỉ nhưng lại
cho con cháu theo phỉ bởi "thế thời phải thế". Bí thư Châu uỷ Đèo Văn
Long là một nhân vật tiêu biểu cho mẫu cán bộ vùng cao: trầm tĩnh và xông xáo,
dũng mãnh và dẻo dai, can trường mà không liễu lĩnh... và thật là sôi nổi dạt
dào trong tình yêu riêng tư.
Dàn nhân vật của tiểu thuyết Thổ phỉ, cố nhiên, là do tác giả dựng
lên. Các nhân vật ấy vừa có tính cố hữu vừa có tính phát triển. Họ cũng có nét
nọ và mặt kia như chính cuộc đời. Đã có người bảo: "Hư cấu, bịa tạc cả ấy
mà, cái giống tiểu thuyết với truyện ngắn, thơ với trường ca... chả thế thì ai
ta còn đọc, còn nhớ?". Nhưng là sự bịa tạc sau quá trình quan sát và tìm
hiểu chính cuộc sống đấy nhé! Có một điều lạ và thú vị là: Nếu Mã A Lềnh dựng
cảnh núi rừng và tâm tính người Mông, người Dao như thế, thì ta hẳn nhiên,
đương nhiên, còn đây lại là Đoàn Hữu Nam . Nam vốn không sinh ra dưới chân dãy
Hoàng Liên Sơn, lại viết chuyện tiểu phỉ có thực ở đây khi anh chưa có mặt trên
đời. Vậy là sao?
Chắc là Đoàn Hữu Nam không chỉ quan sát và tìm hiểu,
mà anh còn nghiên cứu và suy ngẫm nữa. Phải nghiên cứu như một nhà dân tộc học
thực thụ, phải suy ngẫm như một nhà chính trị - hoạt động xã hội có nhiều trải
nghiệm nữa. Các nhà ấy trong nhà văn Đoàn Hữu Nam giàu lòng thương mến yêu quý
cuộc đời... Vâng, đại để, phải như thế nữa, thì với công phu và tài năng của
người cầm bút, anh mới viết ra được, viết cho nổi tiểu thuyết Thổ phỉ này, phải không?
Đọc tiểu thuyết này của Đoàn Hữu Nam, ta
bắt gặp sự suy ngẫm khá rõ trong miêu tả tâm lý nhân vật và cả ở một số đoạn
như những khúc "trữ tình ngoại đề"..., chúng thấp thoáng và len lỏi ở
rất nhiều trang và đoạn. Các trang và đoạn này dễ để người đọc cho rằng Thổ phỉ là một tiểu thuyết có tính luận
đề, có giá trị cảnh giới xã hội ngay ngày hôm nay cho nhà lãnh đạo, các cấp
quản lý và cả mỗi dân thường: Ai là thổ phỉ đấy? Có phải do ngu dốt, đói ăn mà
làm phỉ? Hay còn do chính sách và năng lực cán bộ nữa?...
Trong sự tiếp nhận và thưởng thức, tìm
đọc và bình luận bình thường mỗi ngày ở mỗi thời kì, thông thường, người ta vẫn
lấy chữ hay (hoặc không hay) để thẩm định tài năng và công
lao của người sáng tác. Đơn giản vậy thôi, tưởng như không thể khác được. Còn
trong con mắt của nhà chuyên môn (là sáng tác hay nghiên cứu), thì câu chuyện
tài năng và công phu công lao này đã và đang được soát xét theo cả hai hướng:
một mặt, cũng đồng ý đồng tình với sự đơn giản xung quanh một chữ hay trên; mặt khác, họ còn thấy là: Cái
hay của một trên ngắn cũng khác với cái hay của một bài bút ký; và ngay trong
thể văn ký, cái hay của tản văn cũng khác cái hay của một phóng sự.
Nhìn lại tiến trình phát triển của hàng
trăm hàng nghìn năm nay của sáng tác văn chương
nhân loại, chúng ta đã nhận thấy: Thơ ca là thể loại cổ xưa nhất, và đến
nay, nó vẫn trẻ trung với sự có mặt hồn nhiên, làm nên vẻ đẹp vừa xinh xẻo tế vi
vừa lung linh tráng lệ mà không một thể loại nào sánh được. Rồi các truyện kể
xuất hiện, rồi thể ký phát triển rầm rộ...Tất cả, tạo nên cái gọi là phong trào
văn chương, là giai đoạn và thời kỳ văn học, thậm chí, là cả nền văn học. Nhưng
con đường ấy, quá trình ấy quả thật, không suôn sẻ chút nào, thậm chí là có đứt
gãy và ngưng trệ, "dẫm chân tại chỗ" nữa. Nghiên cứu, tìm hiểu tiến
trình phát triển của văn chương - văn học ở một vùng nhỏ hay ở cả một quốc gia
- cộng đồng dân tộc, văn hoá, chúng tôi thấy có ba tình trạng, ba cấp độ hiện
hữu là: Nơi thứ nhất - hầu như chỉ có sáng tác thơ ca và một số truyện kể; nơi
thứ hai - sáng tác thơ ca đã phát triển, có thành tựu đáng kể, sáng tạo văn
xuôi chủ yếu là truyện ngắn và bút ký văn chương mà chưa hề có các tác phẩm có
dung lượng lớn, có cấu trúc phức hợp, bề thế như tiểu thuyết; nơi thứ ba - sáng
tác thơ và văn có nhiều thành tựu khá rực rỡ hầu như ở mọi thể loại thể tài,
trên nền đó, hoạt động biên khảo, nghiên cứu lí luận và phê bình văn chương
cũng phát triển.
Thực tế là: Có nơi / vùng chỉ dừng ở nơi
thứ nhất hoặc đến nơi thứ hai rồi như chững lại mãi, đạt đến nơi (trình độ thứ
ba) là không nhiều lắm. Tình trạng này cố nhiên, do nhiều nguyên nhân bên trong
và bên ngoài văn chương.
Theo đó, với một cái nhìn nhỏ hẹp và cụ
thể hơn, cũng có thể cho rằng, sự xuất hiện của các truyện dài, đặc biệt, là
các tiểu thuyết, đã đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của một phong trào sáng
tác.
Ví cho vui, các tập / bộ tiểu thuyết, như
ta biết, đã như những cỗ trọng pháo, những
dàn tên lửa có khả năng giải quyết dứt điểm chiến trường trong chiến tranh một
thời. Trong văn chương, chỉ có nó, tiểu thuyết, với dung lượng lớn trong cấu
trúc rộng mở mà chặt chẽ, với giọng điệu đa thanh phức hợp... mới có đủ khả năng ôm chứa, tái hiện cả cuộc sống
bộn bề của kiếp kiếp người suốt bao nhiêu tháng năm trong trường kỳ lao động,
vật lộn, chiến đấu...
Chúng tôi xin nhắc lại hơi dài dòng một
tí như thế, để có thể có lý cớ mà nói rằng: So với nhiều tỉnh thành khác trên
đất nước ta, văn chương - văn học ở Lào Cai với sự có mặt như chung kết một
chặng đường tất yếu ở hai tiểu thuyết Thổ
phỉ và Đất thiêng, thì đã có điểm
nổi trội mới. Đó là sự trưởng thành rất đáng ghi nhận, khích lệ và chia vui.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét