Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Luận án Thạc sỹ ngữ văn về tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam được bảo vệ thành công



Ngọc Đức
Văn học viết về dân tộc và miền núi là khu vực có sự hiện diện khá đông đủ bộ mặt văn học các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Với khả năng khơi sâu vào cái riêng, cái đặc sắc của mỗi dân tộc, vùng miền, văn học dân tộc miền núi đã đem lại sự phong phú, đa dạng và có một vị trí nhất định trong dòng chảy văn học Việt Nam hiện đại.
Trong văn học đương đại có khá nhiều nhà văn tiêu biểu viết về đề tài miền núi đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc như: Ma Văn Kháng, Mạc Phi, Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thuý… Đoàn Hữu Nam là một cái tên khá mới. Ông có duyên với bút mực bắt đầu từ thơ, truyện ngắn, nhưng cho đến nay thành công hơn cả là tiểu thuyết.
Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam phản ánh khá phong phú hiện thực miền núi với nhiều biến cố lịch sử gắn liền với đời sống của cộng đồng các dân tộc. Nghiên cứu về tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam đã có khá nhiều bài viết, bình luận, đánh giá, nhận xét về nội dung và phong cách nghệ thuật, cách sử dụng kết cấu ngôn ngữ, chất liệu địa phương mang phong cách riêng,.. nhưng chưa có những tác phẩm đi sâu tìm hiểu những đóng góp của tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam về phương diện nội dung và nghệ thuật để nhận diện những đặc điểm mới mẻ trong phong cách sáng tác của nhà văn này.
Để góp thêm một tiếng nói, nhận diện một gương mặt mới trong làng văn xuôi đương đại miền núi và có thể làm tư liệu cho những ai nghiên cứu tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam nói riêng và văn xuôi miền núi đương đại nói chung, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Tiến sỹ ngữ văn Cao Thị Hảo – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, học viên cao học trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên Ngô Quốc Tuấn (giáo viên trường PTTH Sa Pa) đã dày công thực hiện công trình luận văn Thạc sỹ : Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam”.
Bằng các phương pháp nghiên cứu cơ bản như : phân tích tác phẩm văn học, phương pháp thống kê, so sánh,  phương pháp lịch sử, văn hoá, phương pháp khái  hợp... Với 100 trang A4 nghiên cứu thể hiện trong 3 chương gồm : Tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam trong dòng văn xuôi đương đại viết về dân tộc miền núi; Bức tranh hiện thực sống động và thế giới nhân vật đa dạng ; Một số phương diện nghệ thuật đặc sắc trong tiểu thuyết Đoàn Hữu Nam, luận văn đi vào nghiên cứu, khảo sát, phân tích, lý giải những nét đặc sắc, tiêu biểu cùng những hạn chế nhất định trong những tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật, qua đó chỉ ra quan điểm nghệ thuật, vùng thẩm mĩ riêng, các nhân sinh quan, thế giới quan... trong sáng tác và những đóng góp quý báu của tác giả cho nền văn xuôi viết về miền núi nói riêng và văn xuôi đương đại Việt Nam nói chung. đồng thời chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật trong tiểu thuyết của nhà văn trẻ này.
Có thể nói so với các nhà văn viết về miền núi và dân tộc như Tô Hoài, Nguyên Ngọc hay Ma Văn Kháng thì Đoàn Hữu Nam là một cái tên khá mới mẻ. Anh sáng tác từ những năm 80 – 90 của thế kỷ XX, nhưng thực sự được bạn đọc biết đến vào những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, đặc biệt khi tiểu thuyết Thổ phỉ (2010) đạt được giải thưởng - Giải A Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu sốViệt Nam đã tổ chức một cuộc tọa đàm về tiểu thuyết Thổ phỉ. Trong cuộc toạ đạm này một số ưu điểm và hạn chế của cuốn tiểu thuyết Thổ phỉ đã được các tác giả đưa ra bàn luận một cách khách quan, khoa học, thậm chí có những ý kiến trái chiều nhau. Tuy nhiên, điều mà tất cả những nhà nghiên cứu, nhà văn trong cuộc toạ đàm đều nhất trí khẳng định: Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định nhưng Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam là cuốn tiểu thuyết thành công, có giá trị, mang lại sự mới mẻ cho văn học viết về dân tộc thiểu số những năm gần đây…
Với nội dung phân tích kiến giải khoa học, thuyết phục, luận văn đã được Hội đồng khoa học trong đó có Giáo sự tiến Sỹ Phong Lê – Nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá là một trong những luận văn xuất sắc được bảo vệ thành công của Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên trong năm 2013. 

1 nhận xét:

  1. Ths Lộc Bích Kiệmlúc 02:04 2 tháng 7, 2013

    Chúc mừng nhà văn Đoàn Hữu Nam có tác phẩm được giới học thuật quan tâm khẳng định. Chúc mừng tân thạc sĩ Ngô Quốc Tuấn dũng cảm đi vào cái mới "Khơi những luồng chưa ai khơi" một cách thành công!

    Trả lờiXóa