NGUYỄN VĂN TÔNG
Dấu nối thênh thang một nỗi niềm
(NXB Hội Nhà văn năm 2006)
Cho đến bây giờ, khi đã là người của “vạn đại” rồi tôi mới có nhiều thời gian đọc và ngẫm nghĩ Dấu nối thênh thang của nhà thơ Đoàn Hữu Nam . Và đến bây giờ, khi gấp cuốn sách lại tôi mới cảm nhận thấy những trang thơ, câu thơ Đoàn Hữu Nam trong Dấu nối thênh thang và những nỗi niềm trong đó có cái gì đó không phải của riêng Đoàn Hữu Nam nữa, mà nó là nỗi niềm của nhiều người thấy mình có một chút trong đó, thế cũng đủ cho cuộc sống đầy nhân ái và biến động ai cũng phải qua.
Còn nhớ,
tháng 7/1992, anh in xong tập thơ đầu tay lấy tên là “Kiếm tìm”, anh ghi tặng tôi là “Trái đầu mùa của em”, trong bài Tự cảm, anh viết:
tháng 7/1992, anh in xong tập thơ đầu tay lấy tên là “Kiếm tìm”, anh ghi tặng tôi là “Trái đầu mùa của em”, trong bài Tự cảm, anh viết:
“Bóng trăng lấp mất chiều rồi
Sao còn lầm lũi như người giăng câu
Kiếm tìm nát cả mùa sau
Người ơi tóc đã một màu phong sương”.
Từ đó đến nay, anh ra sức kiếm tìm trong nhiều mùa sau nữa, tìm cho mình một phong cách, một hướng đi trong văn nghiệp... và anh đã tìm được để gặt hái những thành công nhất định trên văn đàn. Anh vừa viết văn, vừa làm thơ, dường như văn và thơ của anh bổ trợ cho nhau, nâng đỡ nhau cùng hướng tới cái chân thực của cuộc sống anh từng trải nghiệm.
Trở lại với tập thơ “Dấu nối thênh thang”, cả tập thơ mang nặng nỗi niềm của anh với những miền quê mộc mạc, với những người thân yêu giản dị và với chính mình. Bằng những viên gạch “Không đồng màu, đồng cỡ” được “Nung chín từ rạn vỡ” chắt chiu trong cuộc sống “Mỗi viên nặng một nỗi niềm” gắn vào với nhau tạo nên:
“Bốn bức tường ngôi nhà tôi đang xây
Loay hoay mãi cũng chỉ cao ngang mặt
Đứng trong tường nhìn dòng đời tuôn chảy
Tôi run run nhìn lại sức mình làm” (Tự vấn)
Không hiểu anh “run run” vì niềm vui bằng sức lao động sáng tạo anh đang xây cho ngôi nhà cho mình hay anh “run run” thấy sức mình chưa làm được là bao so với cuộc sống bao la đang tuôn chảy, anh “nhìn lại” để tiếp tục vươn lên xây tiếp ngôi nhà đang dang dở “chỉ cao ngang mặt”, mà anh - người viết văn không bao giờ nghĩ mình đã xây xong ngôi nhà cho riêng mình và cho cuộc đời này.
Trong đêm yên tĩnh, nỗi niềm của anh lại thức dậy cho anh nghiệm ra giá trị quy luật của cuộc sống hiển hiện ngay trong chính mình: “đi qua đêm để nhóm lên ánh ngày” và “tia nắng hoài thai từ bóng tối/ nhân nhân lên trong ngơ ngác tiếng gà ”...
Cuộc đời này không ai được tất cả và mất đi tất cả mà chỉ có những người biết bỏ cái cần mất, nhẫn nại, cần cù kiếm tìm cho mình một hướng đi đúng, không đánh mất bản ngã của mình, hãy “Nhân chi sơ hãy vẹn nguyên trong lòng” (Tự cảm) ắt sẽ được cuộc sống đền đáp lại đúng giá trị của nó. Nỗi niềm của anh cũng có lúc cảm thấy cuộc vươn lên của mình có vẻ chưa đạt nên anh mượn cửa thiền để an ủi: “Thịnh suy, ngang dọc, gần xa/ Vẫn còn có lối vào ra cửa thiền” (Tự cảm) và anh cho là cái đó do cung, mệnh cuộc đời:
“Từ ta nữa phập phù cung và mệnh
Lúc buông xuôi, lúc huyễn hoặc ngoài mình”
(Nỗi niềm 2).
Có lúc từ cảm giác buông trôi, anh chuyển sang cảm giác bi quan dửng dưng tất cả, cô đơn mệt mỏi:
“Bờ dửng dưng/ người dửng dưng/ Trời dửng dưng/ ngày choán sang đêm/ Đêm lấn sang ngày/ Nhắm mắt/ Cái đích của mỗi người cũng là của muôn người đưa đẩy”
Và “Mở mắt/ Thân thể gồng lên/Hụt hơi/ Gập ghềnh/ No đói/ Một mình với gió hò reo” (Ngược dòng trôi).
Có lúc anh ví mình “Là con gọng vó bị bùa mê ngược dòng không mệt mỏi/ Luôn luôn vượt lên và luôn luôn dừng lại/ Bên cuộc đời vẫn cứ trôi…trôi…trôi…” (Ngược dòng trôi).
Có lẽ những tâm sự ấy anh chỉ viết cho riêng anh, viết ra để nhắc nhủ mình phải vượt qua chính mình, còn nếu ai đọc được sẽ cảm thông cho một con người từng trải qua nhiều “thác, ghềnh” cuộc đời cho đến lúc này chưa tìm được bến đậu như ý. Vì thế, anh lấy “Cuộc đời làm con sào/ Ta gửi lên trời từng đốt” (Từng đốt cuộc đời) cho anh một quan niệm:
“Ký ức là chân đế, cho đốt thời gian tiếp nối chồng lên” (Từng đốt cuộc đời).
Mặc dù vậy, lấy suy tư của một người đang điều trị bệnh đang bị ngăn cản bởi căn bệnh nào đó, anh vẫn
“Miên man nghĩ về cái ba ri e
Về cả vạn lời khuyên chừng mực
Về năm tháng không muốn mình tẻ nhạt”
(Ba giọt hai giây).
Và “Đã bùng lên” đến “Cạn kiệt đam mê”. Anh đam mê với cuộc sống bận rộn khó khăn đến cạn kiệt sức mình, anh nói thế thôi để ví mình đã dành gần như tất cả cho một niềm đam mê mà mình theo đuổi, với anh đó là văn chương, nhìn lại thành quả lao động nghệ thuật của anh tôi thấy anh vẫn còn sung sức chán, mọi người vẫn đang chờ đợi nhiều tác phẩm mới của anh, mặc dù anh cho rằng mình “Đã quá nửa đời người”…”Để bây giờ con chữ vẫn chơi vơi” (Chuyện nhà) đó là cách nói khiêm nhường của một người có “Dấu nối thênh thang” giữa cuộc đời và cuộc sống đầy những lo toan của muôn người khi “Mở cửa/ tĩnh, động chen nhau/ sóng sánh xanh/ ầm ào sóng/ mong manh cảm giác bình yên” (Cảm giác bình yên). Cuộc sống không bao giờ đứng yên, những giây phút bình yên cho cảm giác thoáng qua rồi nó lại sôi động như quy luật vốn có của nó, cái cảm giác mong manh của tác giả chính là nhận thức sâu sắc về quy luật đó.
Đọc “Dấu nối thênh thang” của Đoàn Hữu Nam cho tôi nhiều suy ngẫm về những nỗi niềm của anh. Anh nhắc nhiều về những vất vả trắc trở trong cuộc sống thường nhật, những chen lấn, được mất trong dòng đời. Dường như anh viết vậy để nhắc nhở mình phải vượt qua để vươn lên không ngừng và sống đúng với chính mình, anh luôn nghĩ “Cái được trùm lên cái mất”, chính những cái mất cho thêm những bài học vô giá để tiến tới giá trị chân, thiện, mĩ của mỗi con người.
Dấu nối với cuộc sống, với mọi người và với chính mình ai cũng có, chỉ có điều cái dấu nối ấy được sử dụng như thế nào để lại hữu ích cho cuộc đời, với Đoàn Hữu Nam, dấu nối của anh là những nỗi niềm riêng anh với chính cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của anh nó luôn là những cảm xúc thênh thang rộng mở cho anh đi tiếp. Anh đi và viết, anh chia ngọt sẻ bùi với bạn bè vì anh đã có một “Dấu nối thênh thang” giữa anh với tất cả mọi người - Đó chính là nỗi niềm anh tâm sự với mọi người, những mong mọi người cùng chia sẻ.
Giêng 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét