Tiểu thuyết Thổ phỉ - Vài cảm nhận
Đoàn Minh Tâm- Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Tôi đọc tiểu thuyết Thổ phỉ trên máy tính, dạng bản thảo mềm. Đọc rất chậm, gần nửa tháng mới xong. Phần vì xưa nay quen đọc trên giấy, giờ đọc trên máy tính rất mỏi mắt, song chủ yếu là vì không thể đọc qua loa, đại khái một cuốn tiểu thuyết đồ sộ “tích hợp” nhiều vấn đề cơ bản của văn học Việt Nam, một cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã dành trọn tâm huyết, bút lực ròng rã trong suốt mấy năm trời để hoàn thành.
Nội dung tiểu thuyết Thổ phỉ đề cập đến cuộc đấu tranh gian khổ giữa chính quyền cách mạng và đồng bào các dân tộc với nạn thổ phỉ hoành hoành hàng chục năm trời vùng núi phía Bắc, cụ thể là ở Phòng Tô. Lược qua nội dung, chúng ta thấy tác giả đi vào hai mảng đề tài quan trọng của văn học ViệtNam hiện đại đó là miền núi và chiến tranh cách mạng. Bản thân mỗi lĩnh vực trên đã là một “siêu đề tài”, khiến cho nhiều người cầm bút xưa nay miệt mài sáng tác hàng chục năm, thậm chí cả cuộc đời mà vẫn thấy “càng đi xa càng thấy rộng, chưa thấy đâu là bờ bến”. Do vậy việc Đoàn Hữu Nam viết theo kiểu “hai trong một” ở cấp độ tiểu thuyết (chứ không phải truyện ngắn) quả là hành động táo bạo, thâm chí phải nói là dũng cảm. Khi bắt tay vào viết chắc hẳn anh cũng hình dung ra hàng loạt khó khăn mình gặp phải ở cả trong và ngoài văn bản. Ngoài văn bản đương nhiên là sức ép từ thành công (dù chỉ ở mức nhất định) của các nhà văn đi trước như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh… Viết sao vừa khác vừa thành công như thế hệ đi trước là một điều không dễ dàng gì. Tuy nhiên sức ép lớn nhất xuất phát từ trong khía cạnh văn bản học. Hàng loạt những việc cần phải nghĩ tới: kết cấu tác phẩm, nhân vật, ngôn ngữ, điểm nhìn, giọng điệu, bút pháp, vấn đề đặt ra, cách giải quyết, tư tưởng… sao cho ra hình hài đứa con tinh thần mang dáng dấp “đại tự sự” là khối lượng công việc lớn, nặng nhọc, đòi hỏi tác giả phải nhiều “hao tâm tổn trí”. Và tôi nghĩ rằng sự nhọc mình của Đoàn Hữu Nam trong suốt thời thai nghén tác phẩm ấy đã được đền đáp xứng đáng. Thổ phỉ là cuốn tiểu thuyết đủ hấp dẫn để bạn đọc theo dõi từ trang đầu tiên cho đến dòng cuối cùng. Sự hấp dẫn đó trước nhất đến từ việc lựa chọn bối cảnh lịch sử. Thổ phỉ có bối cảnh chủ yếu từ giai đoạn 1950 đến 1959. Đây là giai đoạn chính quyền cách mạng mới thành lập trên miền Bắc nói chung và vùng rừng núi phía Bắc nói riêng. Chính quyền cách mạng non trẻ “ở vùng cao, vùng sâu” mới thành lập hẳn nhiên còn nhiều thiếu sót, sai lầm, còn chưa hoàn thiện Trong khi đó dù Pháp rút đi nhưng đế quốc Mỹ thay Pháp vẫn tiếp tục đổ tiền của, vũ khí trang bị cho quân thổ phỉ nhằm tạo nên lực lượng chống phá cách mạng phục vụ cho dã tâm thâm độc hòng xâm lược đất nước ta sau này. Như vậy Phòng Tô và núi rừng Tây Bắc chưa ngơi nghỉ tiếng súng như các vùng khác ở miền Bắc. Đó là chiến tranh – dù ở quy mô nhỏ, đó chính là thời điểm cái mới còn đang chưa thành hình, cái cũ vẫn chưa bị triệt tiêu hẳn, thời điểm giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối, giữa hương hoa và súng đạn, giữa lương tâm và thú tính, giữa êm đềm và dữ dội, giữa nghiệt ngã và ngọt ngào… Tính chất giao thoa ấy được thể hiện ngay cả ở những câu từ cuối cùng của tiểu thuyết: “Mặt trận Phòng Tô tự trị cùng chín tên phỉ còn lại bất ngờ cắt đầu Tổng chỉ huy Triệu Tá Sắn ra hàng cách mạng. Cả Phòng Tô hân hoan hơn cả mừng ngày độc lập, song cả châu không có cờ dong trống mở, không hò nhau tập trung mít tinh, diễu hành, bởi giặc đói (ĐMT nhấn mạnh) đang chui vào từng nhà. Đã qua tháng ba rồi mà nương ruộng vẫn chưa lật đất, diệt cỏ, trâu, ngựa hầu hết đã bị làm mồi cho dao thớt.” Như vậy là sau nạn thổ phỉ, đồng bào dân tộc Phòng Tô lại bước vào cuộc chiến chống đói nghèo. Nhưng đó là câu chuyện khác, còn trong tiểu thuyết chúng ta đang bàn tới đấy là “mỏ vàng” cho trí tưởng tượng, cho miêu tả thân phận con người, cho những đúc kết tư tưởng về lịch sử…Lựa chọn một bối cảnh thoáng như vậy, Đoàn Hữu Nam đã tạo cho mình điểm tựa chắc chắn cho bút lực tự do tung hoành. Xây dựng nhân vật cũng là mặt mạnh trong Thổ phỉ. Cũng giống như các tác phẩm cùng đề tài, Đoàn Hữu Nam xây dựng ba kiểu nhân vật cơ bản trong tiểu thuyết của mình. Đó là nhóm nhân vật cách mạng, những người của Việt Minh đến giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp, phát xít Nhật và nạn thổ phỉ, đem lại một diện mạo mới cho vùng Phòng Tô như Bắc, Long, Siểu...Tiếp đến là nhóm nhân vật phản động, chống phá cách mạng, những tên thổ phỉ người dân tộc lúc nào cũng có tâm lý thù hằn cách mạng, âm mưu biến vùng rừng núi phía Bắc thành vương quốc riêng để thỏa mãn những ham muốn thú vật của riêng chúng như Triệu Tá Sắn, Hoàng Seo Lùng, Bàn Vần Sing, Lò Văn Chung…Sau cùng là nhóm nhân vật đám đông, là đồng bào quần chúng các dân tộc người Mông, người Thái, người Dao sinh sống từ bao đời nay trên các mỏm đá, thung lũng vùng núi địa đầu tổ quốc. Đây là nhóm nhân vật phức tạp, quy tụ nhiều con người với nhiều tâm tư, tính cách, trí tuệ, hành động khác nhau. Trong số họ có người đức cao vọng trọng, thấu hiểu lẽ đời như cụ Triệu, có những con người hiền lành, có nhận thức đúng về cách mạng, được cách mạng cảm hóa mà thành cán bộ như Pham, song cũng có những người hung bạo chỉ thích theo giặc làm thổ phỉ để cho thỏa cái thú bạo tàn ẩn giấu trong người như chồng, bố chồng Pham…Với điểm nhìn có độ lùi thời gian, sự chiêm nghiệm của lịch sử cùng xu hướng thời đại, Đoàn Hữu Nam không xây dựng ba kiểu nhân vật này như những đường thẳng song song không bao giờ giao cắt, ngoại biệt cả về hình thức và tính cách theo kiểu ta tốt thì tốt từ đầu đến cuối truyện, địch xấu thì xấu từ trang đầu đến dòng cuối cùng mà để tính cách các nhân vật phát triển tự nhiên theo quy luật của phép biện chứng. Trong các cán bộ lãnh đạo châu ủy cũng có những người sai lầm, nóng vội dẫn đến những thất bại đau đớn cho cách mạng như đại đội trưởng Trần Văn Nam . Thái độ chủ quan của người đại đội trưởng “hiện thân của chiến thắng” được tăng cường lên đã khiến cả gần đại đội bộ đội địa phương bị phỉ tiêu diệt, khiến cả Phòng Tô thành chảo lửa trong cơn cướp phá điên cuồng của những kẻ say máu người. Việc những người có trách nhiệm cao nhất Khu trách mắng Triệu Tá Dùn vì tội làm cán bộ xã mà làm lễ cấp sắc cho con to, hoang phí thể hiện sự thiếu hiểu biết và chưa tôn trọng đúng mức phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc nên đã gây cho Dùn những ức chế nhất định để cho thổ phỉ lợi dụng lôi kéo Dùn làm phản, gây ra bao khó khăn, thương tổn cho cách mạng. Không chỉ mắc sai lầm chủ quan, trong hàng ngũ lãnh đạo còn có những kẻ lợi dụng chức quyền để trục lợi cá nhân như Phó chủ tịch ủy ban hành chính châu Hoàng Văn Bình. Hoàng Văn Bình hiện lên với dáng đi “khệnh khạng”, giọng nói “oang oang” và một tâm lý “kẻ cả, kiêu ngạo trong cử chỉ, giọng nói, ánh mắt; kẻ cả, kiêu ngạo ăn uống, quan hệ, trong anh ta dường như chỉ có hai loại người, đó là nạt nộ, gia ơn và xun xoe, nịnh bợ”[1]. Ở phía ngược lại, dù là thủ lĩnh thổ phỉ, bản chất là kẻ khát máu, ham muốn quyền lực nhưng Triệu Tá Sắn - trong nhiều trường hợp - khiến chúng ta phải khâm phục vì những đức tính tốt trong hắn. Để thành nghiệp lớn, Sắn sẵn sàng từ bỏ lạc thú ân ái với những người đẹp vây xung quanh để mưu tính việc quân cơ chiến lược. Thoạt nhìn sự từ bỏ này có vẻ dễ dàng nhưng thực chất làm được điều này rất khó, vô cùng khó. Xưa nay bao anh hùng, bao bậc đế vương, công hầu danh tướng đã gục ngã trước ải mỹ nhân. Càng đáng nể phục hơn khi biết Sắn từ bỏ niềm vui mây mưa lúc đang ở đổ tuổi sung sức, đang có sức mạnh của loài hổ báo trong người. Với thầy dạy học – cụ Triệu – trong bất kỳ hoàn cảnh nào – kể cả khi chống đối - hắn cũng luôn cung kính, lễ phép. Với thủ hạ, Triệu Tá Sắn hiện lên là một vị tướng có tài thao lược, túc tri đa mưu, ân uy dùng đúng chỗ, thưởng phạt công minh, luôn dẫn đầu đoàn quân xông pha nơi mũi tên hòn đạn. Những phẩm chất cần thiết của một thủ lĩnh đều hội tụ đủ trong con người Triệu Tá Sắn.
Nội dung tiểu thuyết Thổ phỉ đề cập đến cuộc đấu tranh gian khổ giữa chính quyền cách mạng và đồng bào các dân tộc với nạn thổ phỉ hoành hoành hàng chục năm trời vùng núi phía Bắc, cụ thể là ở Phòng Tô. Lược qua nội dung, chúng ta thấy tác giả đi vào hai mảng đề tài quan trọng của văn học Việt
Bên cạnh việc xây dựng các nhân vật theo tinh thần chung của phép biện chứng kể trên, ở từng con người và từng hoàn cảnh cụ thể Đoàn Hữu Nam lại có sử dụng những phương thức miêu tả khác nhau nhằm tạo nên những điểm nhấn, những nét cá tính riêng để các nhân vật không lẫn vào nhau, tạo nên sự đa dạng trong hệ thống nhân vật vốn có số lượng lớn này. Về các nhân vật đám đông, Đoàn Hữu Nam chủ yếu tả theo bút pháp của văn học Trung Hoa cổ điển, khi tả lướt theo kiểu “cưỡi gió ngắm mây”, khi tả cận cảnh kiểu “nhìn mặt, chỉ tên”. Với Pham, Đoàn Hữu Nam sử dụng thủ pháp đối lập của bút pháp lãng mạn. Pham luôn xuất hiện trong truyện trong hai thái cực đối lập, hoặc hạnh phúc tận cùng, hoặc đau khổ vô biên. Pham đã tử tự khi bị bố chồng làm nhục, dẫn đến mất đứa con trong bụng, bị chồng khinh ghét. Khi đang ở đáy vực sâu cô gặp Bắc, một cán bộ cách mạng. Tình yêu được hồi sinh, hạnh phúc trở lại với cô gái người Dao xinh đẹp nhưng trong một trận phục kích của địch, Bắc đã hy sinh, Pham lại rơi vào vòng u uẩn, chỉ đến khi được Long cảm hóa cô mới tìm lại được ý nghĩa cuộc đời mình trong vai trò một người chiến sĩ làm công tác dân vận.Với Siểu, với cụ Triệu, Đoàn Hữu Nam thiên về phác họa tính cách điển hình. Hình ảnh Phó bí thư châu ủy Siểu găm lại trong trí nhớ người đọc là bản tính nỏng như Trương Phi, thẳng như ruột ngựa. Từ nhỏ Siểu đã “cãi nhau” tay đôi với cụ giáo về con đường lập nghiệp để rồi sau đó bỏ lớp học ra đi tìm con đường phù hợp với bản thân mình. Làm phó bí thư châu ủy, giữa Siểu và Long nảy ra hàng loạt cuộc tranh luận nảy lửa về vấn đề thổ phỉ. Còn đối với phỉ thì là cuộc chiến đấu không khoan nhượng, một mất một còn. Khác với Siểu, cụ giáo Choong là hiện thân cho lối sống trung dung của Nho giáo. Cụ lúc nào cũng điềm tĩnh, buồn vui không lộ ra sắc mặt, coi trọng tinh thần “đạo dã giả bất khả tu du li dã, khả li phi đạo dã”[2], “Bất thiên chi vị trung, bất dịch chi vị dung. Trung giả thiên hạ chi chính đạo. Dung giả thiên hạ chi định lý”[3], “Trung dã giã, thiên hạ chi đại bản dã, hòa dã giã thiên hạ chi đạt đạo dã. Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên”.[4] Với tinh thần ấy, cụ chèo lái con thuyền nhà họ Triệu vượt qua những cơn binh lửa loạn lạc, toàn vẹn đến ngày cách mạng thành công. Bí thư châu ủy Long lại được miêu tả bằng bút pháp hiện thực bằng những mảng miếng đan xen giữa ngoại hình, tính cách, đời sống nội tâm. Đó là con người có thân hình “mạnh mẽ, cứng cáp như cây lim, cây táu”, có tài đờn ca hát xướng khiến nhiều cô gái phải đổ quán xiêu đình, có tính cách kiên cường mà thâm trầm, sâu sắc, có đời sống nội tâm phong phú, biết đau nỗi đau của người khác, không mất niềm tin vào sự hướng thiện của con người. Qua đó, hình ảnh Long hiện lên là con người toàn diện, một chiến sĩ đầy bản lĩnh, luôn vững vàng trước sóng gió phong ba, là nhân tố then chốt làm nên chiến thắng của cách mạng. Chỉ đáng tiếc những mảng miếng này tuy đầy đủ nhưng chưa được tác giả chăm chút nhiều nên sắc màu còn hơi nhàn nhạt, chưa đậm nét. Dường như bao nhiêu tâm sức của Đoàn Hữu Nam dồn cả vào nhân vật Triệu Tá Sắn. Con người này được Đoàn Hữu Nam dựng nên bằng hai phương pháp tiểu sử xen lẫn huyền ảo. Bạn đọc được cung cấp một lai lịch đầy đủ về Triệu Tá Sắn từ khi còn là giọt máu đỏ hòn trong bụng mẹ đến khi ra đời, đến tuổi trưởng thành, khi làm thổ phỉ cho đến những ngày tàn. Bạn đọc cũng được biết đến một Triệu Tá Sắn được hổ nuôi lớn, luyện đươc phép thôi miên của loài hổ, có tài hô phong hoán vũ, điều khiển âm binh... Hai lối viết này hòa quyện vào nhau tạo nên chân dung tên vua phỉ vừa hư vừa thực, vừa kỳ quái vừa rõ ràng, vừa âm u đáng sợ, vừa có nét dài dại ngây ngây... Đây là nhân vật được Đoàn Hữu Nam miêu tả thành công nhất.
Với phương thức xây dựng nhân vật như vậy, Đoàn Hữu Nam đã tạo ra tiền đề cơ bản cho việc tạo dựng xung đột truyện - một nhân tố đặc biệt quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thành công của thể loại tiểu thuyết sử thi. Xung đột trong Thổ phỉ được tạo nên từ những mâu thuẫn. Theo quan sát của tôi, có sáu mâu thuẫn cơ bản được người viết tạo lập ở tác phẩm này. Thứ nhất, mâu thuẫn giữa những người cách mạng với nhau. Đây là mẫu thuẫn thứ yếu, nảy sinh trong đội ngũ cách mạng trong công việc, từ việc thu thuế, giúp dân xây dựng đời sống mới và đặc biệt là trong việc chống nạn thổ phỉ. Bí thư Long, phó chủ tịch Bình, phó bí thư Siểu, đại đội trưởng Nam , nhân viên Bắc… mỗi người đều có quan điểm riêng trong việc đối phó với thổ phỉ. Người chủ trương tấn công, người ưa dùng biện pháp dân vận… Những ý kiến trái chiều nhiều lúc làm cho bầu không khí ở châu ủy nóng như rang. Thứ hai, mâu thuẫn giữa cách mạng và thổ phỉ. Mâu thuẫn này là mâu thuẫn chủ yếu, là khởi nguồn cho mọi xung đột, cho chiến tranh, định đoạt hầu hết số phận của con người trong vùng Phòng Tô. Hành động (có phần bột phát và sai lầm) bắn vỡ đầu tên thổ phỉ và câu nói của Siểu: “Còn bọn chúng thì không còn tôi và còn tôi thì không còn bọn chúng” thể hiện tính đối kháng mạnh mẽ, không thể dung hòa được ở mâu thuẫn này. Thứ ba, mâu thuẫn giữa cách mạng và đồng bào dân tộc bản địa. Đồng bào các dân tộc hiền lành, ít học, chịu sự chi phối nặng nề từ các phong tục tập quán lạc hậu, lại sống quá lâu trong sự cai trị của quân xâm lược và tay sai của chúng - các thủ lĩnh dân tộc ở từng vùng - nên khi cách mạng mới tràn về, mang theo một làn gió họ đã không kịp thay đổi, thích nghi. Mặt khác cách mạng có những lúc, những chỗ chưa sâu sát, chưa hiểu và tôn trọng đúng mức với đồng bào dân tộc cùng nạn thổ phỉ hoành hành nên ở những thời điểm nhất định giữa hai bên đã xảy ra mâu thuẫn. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi thổ phỉ nổi dậy, nhiều gia đình đồng bào đã theo phỉ chống phá cách mạng như gia đình già Một, gia đình bà Coi, gia đình Phin…Thứ tư, mâu thuẫn giữa đồng bào dân tộc và thổ phỉ. Nhiều người dân vùng Phòng Tô đã sớm nhận thức được bộ mặt thật hung hãn của thổ phỉ, như nhà họ Triệu mà đứng đầu là cụ giáo Choong. Thái độ cự tuyệt, không chấp nhận có người học trò như Triệu Tá Sắn cùng những lời khuyên bảo, ngăn cấm người họ Triệu không theo phỉ của cụ giáo là minh chứng rõ nét cho sự chống đối của người dân đối với bọn phỉ. Trên thực tế, sau khi được cách mạng giác ngộ và chứng kiến tận mắt những hành động tàn ác của thổ phỉ, nhiều đồng bào đã theo về với chính nghĩa. Tuy nhiên không phải ai nào cũng có nhận thức đúng đắn như cụ giáo Choong. Và đấy là căn nguyên cho mâu thuẫn thứ năm bùng phát: Mâu thuẫn giữa đồng bào dân tộc với nhau. Mâu thuẫn này xuất phát từ lập trường, ý thức chính trị khác nhau của đồng bào. Có người nhất tâm theo phỉ như chồng và bố chồng Pham, có người chỉ muốn sống yên lành như bố Liên, có người quyết chí làm cách mạng như Vương… do đó những mâu thuẫn, xung đột giữa những con người này là không thể tránh khỏi. Cuối cùng là mâu thuẫn giữa thổ phỉ với thổ phỉ. Với các thủ lĩnh đầu sỏ như Triệu Tá Sắn, Hoàng Seo Lùng… là những cuộc tranh cãi về đường đi nước bước, về việc chia chác quyền lợi, lãnh thổ. Còn với những tên thổ phỉ là mâu thuẫn giữa các sắc tộc. Phỉ người Dao không ưa phỉ người Thổ, phỉ người Thổ không ưa phỉ người H’mông…Đoạn đối thoại dưới đây bộc lộ rõ điều đó.
“Tên người Dao dừng lại trước tên người Giáy
...
- Mày thấy bọn người Thái thế nào?
- Thì chúng nó với mình khác đéo gì nhau – Bỗng tên người Giáy khùng lên - Mà mày hỏi gì lắm thế, chẳng khác gì mấy thằng lý sự người Hmông cả.
Tên người Hmông… ớ người ra, miếng sắn nghẹn cứng trong họng.
Tên người Giáy cười khẩy:
- Lại cái máu tự ái Mèo Mán nổi lên rồi!
Tên người Hmông vớ thanh củi đang cháy, vùng đứng lên:
- Mày.... mày bảo cái gì?
- Tao bảo cái máu Mèo Mán nhà mày ấy. Động một tý là tự ái trồi lên cổ, giữa rừng giữa núi mà cứ như đứng trước bàn thờ nhà mình không bằng.
....
Ục, ục… uỵch, uỵch… Bị quá bất ngờ tên người Giáy không kịp chống đỡ mấy quả đấm thôi sơn phải ngã uỵch xuống như cái bao tải cát bị rơi.”
Tất cả những mâu thuẫn cần phải có trong một thời khắc biến chuyển quan trọng của lịch sử đều đã được Đoàn Hữu Nam mô tả đủ đầy, sinh động và có tầm khái quát. Điều này quả đáng nể phục vì đây là một công việc khó khăn, phức tạp không phải người nào cũng nhận thức và làm được. Qua những mâu thuẫn này, độc giả hình dung ra cơn phong ba bão táp, những nỗi cơ cực đồng bào dân tộc Phòng Tô nói riêng và đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc nói chung phải hứng chịu trong những ngày biến động. Đau đớn nối tiếp đau đớn, bi kịch nối tiếp bi kịch. Có bi kịch của tình yêu đôi lứa như chuyện tình của Bắc – Pham, Vương – Đàu, có bi kịch của gia đình như gia đình cụ Triệu, bà Coi... Và trên hết là bi kịch “nồi da nấu thịt” của cộng đồng đồng bào dân tộc vốn chung sống hòa bình với nhau từ bao đời nay. Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam là tiếng chuông ngân lên những âm vang cảnh báo về mầm họa do chiến tranh gây ra. Nhưng vượt lên trên những nỗi đau ấy, điều còn đọng lại trong chúng ta khi gấp lại trang sách cuối cùng là tình yêu thương sâu sắc của tác giả đối với cảnh sắc và con người nơi mình nhiều năm gắn bó, là tinh thần nhân đạo cao cả, là niềm tin vào những giá trị căn bản của con người.
Trên đây là một vài điểm mà tôi cho đó là những thành công của tác giả trong tiểu thuyết Thổ phỉ . Tin rằng ở các điểm nhìn khác, sẽ còn tìm ra được nhiều điều đáng nói, đáng bàn về cuốn tiểu thuyết này. Dù cho đây chưa phải là bước tạo đột phá lớn mang tính “cách mạng” trên văn đàn Việt nhưng chắc chắn đây là cuốn tiểu thuyết đọc được trên mặt bằng tiểu thuyết sử thi hiện nay. Như vậy cũng có nghĩa là tác giả đã thành công với đứa con tinh thần của mình.
[1] Tiếc là Đoàn Hữu Nam không chú tâm xây dựng nhân vật cách mạng phản diện này. Nếu không câu chuyện sẽ sâu sắc hơn nhiều.
[2] Đã gọi là đạo thì không thể rời xa trong giây phút, nếu có thể rời xa chẳng phải là đạo. (Tứ thư tập chú,. tr84, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 1999)
[3] Không thiên lệch gọi là trung, không thay đổi gọi là dung. Trung là chính đạo của thiên hạ, dung là định lý của thiên hạ. (Tứ thư tập chú,. tr85, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 1999)
[4] Trung là gốc lớn của thiên hạ, hòa là đạo thông suốt của thiên hạ. Trung, hòa mà đến tột cùng thì trời đất yên vị, vạn vật sinh sôi nảy nỏ vậy. (Tứ thư tập chú,. tr85, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, 1999)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét