Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Hồn Khèn – Một cuốn tiểu thuyết bằng thơ



(Đọc trường ca Hồn khèn của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng)
Đoàn Hữu Nam

Hồn Khèn là một bản trường ca khiêm tốn nằm ở phần sau tập thơ Cuộc bàn giao vĩnh cửu – Hồn Khèn của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng do NXB Phụ nữ ấn hành năm 2003. Có lẽ vì sự khiêm tốn trong trình bày tập thơ, khiêm tốn của chính tác giả và hậu quả của việc xuất bản thơ tràn ngập hiện nay mà Hồn khèn - bản trường ca duy nhất (cho đến thời điểm này) viết về người Hmông dường như bị khuất lấp. Đây là điều đáng buồn không chỉ của riêng tác giả.

 Trước khi đi sâu vào Hồn Khèn tôi xin giới thiệu đôi nét về cây khèn của người Hmông. Đó là một loại nhạc cụ truyền thống do chính những nghệ nhân tài ba người Hmông làm ra. Cây khèn có ba bộ phận chính là ống thổi, bầu khèn và ống sáo. Ống thổi và bầu khèn được làm bằng gỗ pơ mu. Sáu ống sáo làm bằng ống trúc to nhỏ khác nhau được gắn với bầu khèn, mỗi ống có lưỡi gà tạo âm thanh làm bằng lá đồng và được đục một lỗ thoát hơi. Ống khèn và bầu khèn  cùng sáu ống sáo lắp vào bầu khèn được thít chặt với nhau bằng vỏ cây đào rừng.
Cây khèn là biểu tượng văn hóa của người Hmông. Trong sinh hoạt văn hóa tinh thần khèn được thể hiện qua hai hệ thống lý lối khác nhau. Đó là làm tang ma và vui chơi, văn nghệ, song dù ở hệ thống lý lối nào  người thể hiện cũng phải dùng động tác múa và thổi khèn thành tiếng theo đúng bài vở. Do sự nghiêm ngặt của lý lối, sự đòi hỏi điêu luyện, tài khéo léo mà người thổi khèn buộc phải có tài năng, sức mạnh, đặc biệt là  phải học thổi, múa từ bài khèn gốc đến học suốt đời.
Do đặc điểm địa lý, phương thức canh tác tự cấp, tự túc cùng với phong tục tập quán như sợi dây rừng nối từ đời này sang đời khác nên cho đến bây giờ mà có lẽ mãi mãi mai sau những sản phẩm văn hóa nội tại, trong đó có múa khèn vẫn luôn là món ăn hàng ngày, là khẳng định sự trường tồn của người Hmông. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng lấy Hồn khèn làm phương tiện để đi sâu, lý giải và thể hiện sự yêu mến, kính trọng tâm hồn, tính cách của một dân tộc ẩn chứa trong mình thế giới tâm hồn phong phú, phong tục tập quán đặc sắc muôn đời không trộn lẫn thì không chỉ có tài năng, lòng dũng cảm mà còn tiềm ẩn sự “trường vốn”, sự gắn bó như định mệnh với người Hmông.
Có thể nói Hồn khèn là một cuốn tiểu thuyết bằng thơ.
Câu chuyện về Hồn Khèn khá đơn giản. Đó là một đôi trai tài, gái sắc gặp nhau, chàng trai lấy hồn khèn làm phương tiện thổ lộ, gửi gắm tâm tình, cô gái lấy hồn khèn làm nơi đón nhận, trú ngụ. Từ Hồn Khèn, trong Hồn Khèn hai người đến với nhau, quấn quýt bên nhau tưởng như không gì trên đời có thể tách rời. Trớ trêu thay bố mẹ cô gái tham của thách cưới mâm vàng mâm bạc. Là kẻ mồ côi không tiền không của, để có tiền cưới vợ, chàng trai dấn thân vào con đường làm ăn, phiêu bạt, cô gái ở lại bị bố mẹ ép buộc về làm dâu nhà người, cam chịu cảnh hồn một nơi người một nơi. Sau bao ngày càng chôn vùi mình vào “dòng sông cuộc đời dữ dội và bạo liệt”, chàng trai tìm về chợ Khau Vai – chợ dành cho những người yêu cũ gặp nhau thì cô gái, sau bao ngày chôn mình vào công việc nhà chồng, chôn mình vào dòng sông nước mắt đã kiệt sức mà về với tổ tiên.
Từ một câu chuyện đơn giản, bằng cái tài, cái tâm của mình tác giả Hồn Khèn đã bám chặt vào cốt chuyện, khai thác sâu vào chi tiết, đặc biệt đã thổi vào câu chuyện một hồn thơ tinh tế, làm cho tác phẩm vừa có tính khái quát vừa hấp dẫn, lôi cuốn.
Xin được đi theo hồn khèn, hồn người.
Chậm rãi đi, chậm rãi nghĩ, chậm rãi dãi bày là phong cách của người miền núi. Nữ sĩ Nguyễn Thị Hồng đã khai thác triệt để lợi thế này. Dòng tự sự nhuần nhuyễn, có đầu có cuối như con thuyền trôi trên dòng sông đã đưa Hồn Khèn “nhập thế” vào con người, tâm hồn Hmông.
“Ngày ấy/ chiều chiều/ mặt trời sắp đi ngủ sau lưng núi/ giao bản làng lại cho mặt trăng/ ráng chiều/ hằn/ dáng ngựa/ một con ngựa bạch rung bờm/ anh đứng trên đèo/ nắm lấy dây cương…”, “Em/ hạt bắp trắng tròn/ cha mẹ như nương vừa mùa đốt rẫy/ nương nhiều màu gặp mưa xuân tốt tươi/ hạt bắp trắng tròn trổ cây bắp tốt tươi…”… Với lối kể chậm rãi, vừa gần gũi, vừa cách điệu, trình bày có đầu có cuối, ngay từ mở đầu Hồn Khèn đã làm cho người đọc tò mò, háo hức, song không thể đọc nhảy quãng, không thể đọc một mạch được.
“Anh đi cùng cây khèn trúc/ khèn trúc biết hát lời yêu/ lơ lửng/ đậu trên mặt trăng”, “Anh đi cùng cây khèn trúc/ khèn trúc cùng hơi thở anh/ chui qua khe cửa/ luồn vào chăn anh/ vuốt ve da thịt/ em”, “Mỗi người chỉ một lần sinh ra/ ba ngày kể như một kiếp sống/ không lấy được em anh ở một mình/ như cây cô đơn trên đỉnh núi…”. Lời khèn, lời tỏ tình theo lời khèn lúc thực, lúc hư, lúc thô mộc, lúc bay bổng. Lời khèn bền bỉ như tiếng ong, trong veo như tiếng họa mi, thẳng thắn, dứt khoát như đánh đục vào cột. Lời khèn giống như con suối không đứt đoạn, như nước chảy trên đá cứng, đá cứng phải mòn. Lời khèn cùng sự kiên nhẫn của người khoan nòng súng thủ công của người trai đã làm xiêu lòng cô gái.
“Chẳng biết em động lòng vì tiếng khèn nức nở/ Chảng hiểu em động lòng vì tiếng dế nỉ non/ em hé cửa bên/ một đêm trăng bạc/ em lướt nhẹ nhàng/ đến bên tảng đá/ đêm đêm anh ngồi lõm/ đêm đêm anh ngồi mòn…”.  Vâng, có thể bỏ qua được chăng khi giữa núi, giữa rừng, giữa ngày, giữa đêm, thế giới này chỉ có chàng trai, cây khèn và người anh ta yêu. Vạn vật có linh, lời khèn lúc nỉ non, thầm thĩ, dịu dàng như dòng suối, lúc tuôn trào như thác đổ, mưa rừng; người múa khèn lúc mạnh bạo, kiên quyết, lúc thong thả, kiên nhẫn, thong dong, vội vã đan nhau, qua lời khèn, múa khèn tấm lòng bày ra, hoàn cảnh bày ra, khát vọng bày ra. Sự bày tỏ như dòng nước tràn vào ruộng ải, càng chảy càng ngấm, chảy cho đến khi ruộng no nước, chảy cho đến khi: “Hơi thở ta lồng vào nhau” mà nước vẫn cứ chảy, cứ “vòng quanh như con suối mười hai đọan/ quành về mười hai khúc/ đường anh đi không sót khúc nào/ lại trở về đoạn đầu/ rồi lại đi đủ mười hai khúc/ khúc nào cũng nghĩ về em”. Từ lời khèn, lòng người tình yêu đã đến với họ, khát vọng của họ đã được dịp nổ bùng, cháy rực: “Em như rau rệu gặp mưa/ anh mưa hết bờ bãi em ngập lụt”, “Mình rơi xuống đấy hồ sâu thẳm/ mặt nước dập dềnh bông hoa trắng/ hoa cùng người chết đuối giữa dòng xanh”, “Em như sợi lanh/ anh quấn quanh mình/ anh đâu em đấy”. Mạnh mẽ, quyết liệt, hết mình! Đúng là tính cách Hmông. Tôi dám chắc Đông Tây, Kim Cổ các đôi trai gái yêu nhau đều khao khát được rực cháy như ngọn lửa của chàng trai cô gái trong Hồn Khèn
Bình thường, với sức nóng của tình yêu, với cháy rực, tỏa sáng như vậy thì cuộc đời có dài như con sào thì họ cũng nắm tay nhau leo từ mút đầu này sang mút đầu khác, cuộc đời có là sợi dây mài thì dẫu có đứt lìa thì ngọn ngọn vẫn trồi lên lấp lối, Nếu như! Vâng nếu không có chữ Nếu như trớ trêu, tai ác. “Cha mẹ chê anh/ khèn nằm một xó…. Quanh ta vấn vít/ rối mù tơ vương”, “Mẹ cha nhận lễ nhà người/ làm cưới/ mặc em /nước mắt nhiều bằng suối”, “Em đã bước qua cửa nhà người/ Cái chân gà nhà người đã cào lên lưng em nhận ma/ này chồng, này mẹ, này cha/ bao dây giằng quấn quýt/ cách nào gỡ em ra”…
 Không ai gỡ em ra cả.
Chấp nhận, chấp nhận và chấp nhận. Để mưu sinh, để tỏ rõ sức mạnh người Hmông có thể đập đá vá trời. Để không chịu nhục người Hmông có thể chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, song trong vòng vây luật tục người Hmông thường, hoặc phải chấp nhận, hoặc lấy cái chết để giải thoát. Vậy người Hmông mới có chợ Khau Vai, có Hội Gầu Tào để cho những người yêu nhau không lấy được nhau có cơ hội giải tỏa những đau khổ, ấm ức. Cô gái trong Hồn Khèn  chọn cách chấp nhận. Cô nuốt nước mắt vào trong, nhẫn nhục làm tròn phận sự của mình, bởi trong cô vẫn đinh ninh lời hẹn ước: “Xin em đừng đau khổ/ không làm rẫy sẽ làm ruộng/ không làm vợ sẽ làm người yêu/ đón em từ sớm đến chiều Khau Vai…”.  Cô đang như cánh chim giữa bầu trời tự do, như dòng thác tung bọt trắng xóa trên triền núi, cam phận làm dâu nhà người là cánh chim tự do chui vào lồng. Cam phận “hoa thì đậu nhờ cây/ cây cho nở được nở/ cây cho tàn phải tàn/ hoa mong manh giữa chốn đại ngàn” là dòng thác bị hút tụt xuống hang đá. Sống trong dòng sông nước mắt ấy mà cây lá ngón ấy không bị mất đi mấy lá, bản làng, gia đình không bị mất đi một con người là còn có nhiều cứu cánh, là vì cô còn có cơ hội gặp lại người mình yêu.
“Đời người được mấy giấc mơ /đã tan theo gió, đã mờ theo mây /khát khao hạnh phúc sum vầy /đốt mình cháy hết tàn bay về giời”, bốn câu lục bát như dấu lặng trên bầu trời giông bão, là hình ảnh, tâm trạng của người trai sức tàn, lực kiệt, là “cáo chết ba năm quay đầu về núi”.
“Chợ Khau Vai/ anh ngồi gốc cây/ đợi/ Chiều đã ăn mặt người/ Người đã tan chợ rồi”. Người trai trở về nơi hẹn ước, tưởng như Chợ Khau Vai - nơi những mối tình ngang trái mỗi năm được khơi gợi, xới xáo lại một lần, nơi anh sẽ được xoa dịu những mất mát, đau khổ trên đường đời. Nghiệt ngã thay, theo tháng, theo năm, theo uất ức, bất lực trước vòng vây luật tục, theo nhớ thương mòn mỏi, công việc cực nhọc, lòng đã chết từ khi trở thành ma nhà chồng… tất cả hùa nhau  đưa người con gái đã sớm về với tổ tiên.
“Người yêu anh đã nằm sâu trong lòng đá/ Người yêu anh đã nằm sâu trong lòng đất…”. Người trai đau đớn ngửa mặt tru lên như con sói bị thương. Người ta nói lời khấn khứa càng nhắc đi nhắc lại càng thiêng! Người ta nói “sầu đong càng lắc càng đầy”, còn anh: “Lời người/ dao đâm/ anh/ ròng ròng/ máu chảy/ Em!/ anh còn biết trốn đi đâu/ dưới gầm trời với nỗi đau thế này!”. ” “bây giờ/ buồng gan em đã nát dưới đất/ bây giờ/ buồng gan em đã nát dưới đá/ anh không rót được rượu gọi hồn em lối lại/ anh không được mổ gà tiễn hồn em lối đi/ Làm sao em biết đi về cùng anh”… Cô đơn đến tột cùng. Ngơ ngác đến tột cùng. Đau khổ đến tột cùng. Con đường mười ba ngả, một trăm ngả, song ngả nào cũng chẳng còn em. Còn hơn thế nữa, mất em lòng anh thành bãi tha ma, lối đi, rừng núi cũng thành bãi tha ma. “Ngả nào cũng chẳng còn nhau/ lòng hoang vu lối cũng một màu hoang vu/ đã đành kiếp sống phù du/ vẫn mơ có kiếp đền bù cho nhau…”, “Khèn anh tha thiết/ nỉ non nơi em ngủ/ nỉ non nơi em nằm/ hết ngày lại đêm/ anh quên cuộc sống/ anh thành cây trúc/ thĩ thầm lời yêu…”… . Đau đớn, cay đắng, song không tuyệt vọng, vẫn mơ một kiếp đền bù cho nhau, đó mới là “mình vì người”, đó mới là yêu hết mình, chết rồi vẫn chưa hết yêu. Thông thường với những nam nhi đại trượng phu dường như nước mắt không dành cho tình yêu. Khi thất tình trong lòng nam nhi đại trượng phu ấy có nhão ra như đất bột ngấm nước thì bề ngoài anh ta vẫn cương cứng như mai rùa, như vẩy tê tê. Chàng trai trong Hồn khèn khác, anh ta sẵn sàng nức nở, sẵn lòng tỏ cho hồn người tình, cho những người xung quanh biết sự đau khổ của mình. Sự đau khổ ấy có được chia sẻ hay không anh ta không cần biết. Đây là dũng cảm chân thật hay mềm yếu? Không biết kẻ cương mình hóa đá  dũng cảm hơn hay mềm lòng bày tỏ dũng cảm hơn?...
Một yêú tố xuyên suốt làm nên sức sống của Hồn khèn là gần gũi với dân gian, lấy dân gian làm nền tảng. Dân ca Hmông chia làm năm tiếng hát, là tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), tiếng hát cưới xin (gầu xống), tiếng hát làm dâu (gầu ua nhéng), tiếng hát mồ côi (gầu tú giua), tiếng hát cúng ma (gầu tùa) thì Hồn Khèn khai thác sâu cả năm tiếng hát. Những lợi thế về hình ảnh, hình tượng, đặc biệt là những từ láy đi láy lại của dân ca được phát triển, biểu cảm phù hợp với tâm trạng, sự việc diễn ra trong trường ca đã tạo nên ấn tượng sâu đậm mà cả người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc. Hai phần ba Hồn Khèn xoáy vào sự thương thân trách phận, không cãi lại đấng sinh thành, chấp nhận hoàn cảnh, không oán thán, căm giận ai, không có tạ tội, bởi có ai có tội ở đây, không có cái đau ngoài mình mà chỉ có cái đau trong mình xoi xói, nhoi nhói từ trong ra, như nhọt bọc, như thối tim, thối gan. “Không bước cùng anh, em phải bước cùng người/ cây đùm đũm đỡ quả đùm đũm/ em bước cùng người đỡ chùm con em…”, “Nỗi đau dày như cây/ lấp lối/ anh biết đi ngả nào”, và rồi “Em yêu ơi/ nỗi đau dày như cây/ lấp lối/ anh biết đi ngả nào”. ..  Trong luân lý nhà Phật, trong giáo lý đạo Thiên Chúa, trong đạo lý của Đạo giáo, Sa man giáo… luân lý nào cũng coi cuộc sống hiện hữu nơi trần gian là tạm bợ, là thử thách, cuộc sống vĩnh hằng mà con người hướng tới là đất của Chúa, là bồng lai tiên cảnh, là vương cung thánh đường…, song gì thì gì, trong cuộc sống tạm bợ nơi trần thế con người ai cũng mong ước, cũng vươn tới là sung sướng, giàu có, quyền lực, danh vọng. Còn khổ ải ư! Khi còn là con trẻ ai mà không thạo trò thả đỉa ba ba, rơi vào ai nấy chịu. Cam chịu cũng từ đây, tồn tại cũng từ đây.
Hồn Khèn được kết cấu trình tự, bài bản. đó là thế mạnh song cũng là lực cản sáng tạo, bởi cốt lõi của thơ là hồn, là gợi, là có cái để cho người ta ngẫm nghĩ. Hồn Khèn vượt qua lực cản này bằng chữ hoạt, ý tứ trùng điệp, hình ảnh, hình tượng khắc sâu. Các nhịp thơ, khổ thơ trong Hồn Khèn biến đổi theo tâm trạng, sự kiện, câu một chữ, câu hai chữ, mười, mười lăm chữ; khổ hai câu, khổ ba câu, khổ hai mươi, hai mốt câu; các kết đoạn, trường đoạn bằng những câu thơ lục bát nhẹ nhàng, tình cảm, như dấu nối hòa quyện  giữa hai bản sắc văn hóa Kinh – Hmông đã làm cho trường ca tựa như dòng suối chảy giữa đại ngàn, lúc hiền hòa uốn lượn, lúc tung bọt trắng xóa, gầm gào thác lũ. Trong Hồn Khèn những câu thơ có tính khái quát, có hình ảnh xuyên thẳng vào việc cần phải giãi bày như: “Núi Cô Tiên vẫn vẫn tròn trịa, trinh nguyên/ mà em, con đã bằng cây sào/ mà em, con đã bằng cây nêu/ Anh cũng như cây đã cội”, “Em không còn là hạt bắp mẩy tròn/ em là quả mận nhăn nếp vỏ/ quả mận khô trên cây” không phải là hiếm. Những câu thơ tài hoa, mang đậm dấu ấn cá nhân như: “Lòng như đun lửa nồi không”, “Ngày lại tiếp đêm/ vù qua như chim sẻ/ một mùa đã đầy trước cửa/ một mùa đã đầy trước thềm”, “cái việc đỡ đần cái buồn” , “giọt nước xanh biến mất trước dòng đời cuồn cuộn xoáy”… vừa làm bật lên được tâm trạng của nhân vật, vừa diễn tả được không gian, thời gian, sự việc…
Mạnh mẽ và tinh tế, đó là tính cách, tâm hồn Hmông.  Mặc dù còn có những câu thơ dễ dãi, tác giả đưa vào trường ca những từ hiện đại, khó ăn nhập với bức tranh toàn cảnh song với 871 câu thơ Hồn Khèn thực sự là một bản trường ca đầy ấn tượng, xứng đáng để bạn đọc lưu tâm, thưởng thức.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét