Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Đoàn Hữu Nam và trường ca Luân hồi



Nhà văn Mã A Lềnh

…. Tôi được đọc trường ca Luân hồi của Đoàn Hữu Nam, mừng và cảm phục tư duy thơ liền mạch, liên hồi của tác giả. Trường ca, nghĩa đen là thơ dài, phải dài, phải có chương hồi nhưng phải có một mạch chủ đạo. Riêng cái chuyện dám viết trường ca đã đáng khâm phục rồi,
chứ chưa dám nới cái “lý sự’ của trường ca này đã thâu tóm cả một khoảng không gian rộng lớn, thâu tóm cả chiều dài lịch sử, thâu tóm muôn cảnh, thấp thoáng biển, thấp thoáng đồng bằng, thấp thoáng núi non kỳ ảo, thấp thoáng thời tiền sử với truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, và thấp thoáng bóng dáng những người miền rừng khẳng khái, chân thật vục lưỡi cày lên sườn núi, đạp lên đá nhọn mà đi, lầm lì vật lộn với cuộc sống, bao dung với cuộc đời khắc nghiệt… Cuộc sống, thiên nhiên, lao động, hội hè, dáng đi, cây nảy mầm, vách đá… ồ ạt, loang loáng. Khi thì phảng phất dân ca:
“ À ơi!
Cánh cò bay lả bay la
Mặt trời xuống núi sương sa đẫm chiều
Đời người biết được bao nhiêu
Mà mênh mông bể những điều dại khôn
Ngàn năm đỡ kiếp vui buồn
Muôn năm  đỡ nước mắt nguồn chảy xuôi”…
Khi là cái lý của người miền núi:
“Trâu ngã dấu chân hổ cũng méo
Tốt với nhau ăn quả trứng không hết
Không tốt mổ trâu cũng không đủ”…
Cái giỏi nhất của trường ca (hay người viết trường ca) là phải móc nối được các trường đoạn vào nhau, móc xích này nối vào móc xích kia để không bị hẫng hụt. Hơi tiếc Luân hồi thiêu thiếu cái duyên đó. Ví như khúc Ra đi rồi mới đến khúc Chia tay. Ví như kết khúc Gặp gỡ:
“Những ký ức tỏ mờ, đứt nối
Soi vào bát rượu chuyền tay”…
Với mở khúc Lời già làng trước mộ Tổ:
“Trâu ngã dấu chân hổ cũng méo
Tốt với nhau ăn quả trứng không hết” lại chẳng dính mấy vào nhau, dường như là viết cho có vậy.
Song nhiều câu, khổ sáng lên từ quan sát:
“Cái ngủ mày ngủ cho sâu
Ngày mai trôi dạt về đâu cũng đành
Nắng mưa bão gió cho mình
Cho đời trong trắng ngọt lành ngủ ơi
Hạt vàng như thể vành môi
Chen nhau xếp những nụ cười lặng thinh”…
Hay sáng lên từ nhận thức:
“Tôi theo cha về Lạc Việt xa xưa
Bắt gặp dấu chân người đi mở đất
Những con người ngực trần chân đất
Nhìn xa cả vạn năm sau…”
Chất liệu của văn học là ngôn từ, và là ngôn từ đặc biệt. Vậy nên thưởng thức văn học phải bằng nghĩ và cảm trong tiềm thức, nhất là đối với thơ ca. Luân hồi thêm một tiếng nói trong thơ Lào Cai. Đã có khởi sự từ trường ca Luân Hồi hẳn Đoàn Hữu Nam sẽ còn đi xa hơn, nếu như đọc và học nhiều hơn, chẳng hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh một cảm giác rằng Đoàn Hữu Nam đã vắt gần kiệt sức mình sau dấu chấm cuối cùng của bản trường ca này.
27/4/1997

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét