Người thơ ơi sao sớm ra đi!
Người thơ sao sớm ra đi!
Tưởng nhớ nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Học
Đoàn Hữu Nam
Ở miền đất du lịch Sa Pa nhắc tới Nguyễn Học là mọi người nhớ ngay tới một anh thương binh, một nhà giáo, một nhà thơ. Anh là một chiến binh bị thương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là người đã thực hiện nhiệm vụ cao quý là đem cái chữ đến cho con em các dân tộc vùng cao, là của hai người kia cộng lại, đó là nhà thơ.
Là một cán bộ được đào tạo tại trường Nông Lâm Việt Bắc trong những năm cuối 60 của thế kỷ 20. Lúc đó, với những người Lào Cai có trình độ như anh rất hiếm, song cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt đã cuốn anh cũng như bao thanh niên ngày ấy vào vòng xoáy của nó. Hơn một nghìn ngày chiến đấu ác liệt trên chiến trường Đông Nam Bộ, sau nhiều trận quần nhau sinh tử với giặc anh bị thương nặng. Năm 1971, anh xuất ngũ với nỗi đau mất một chân bên trái và ba vết thương trên người.
“Tàn nhưng không phế”, lời dạy của Bác Hồ đã thâm sâu vào tâm hồn, cốt cách của Nguyễn Học. Lúc đó sự nghiệp giáo dục ở vùng cao vô cùng khó khăn, phần lớn giáo viên các cấp gánh vác sự nghiệp trồng người ở Lào Cai đều phải huy động từ các tỉnh miền xuôi như: Phú Thọ, Vình Phúc, Hà Nam, Ninh Bình lên. Mặc dù Nhà nước và nhân dân cùng cố gắng, nhưng “cung chẳng đủ cầu”, Lào Cai vẫn chưa lo đủ người dạy chữ cho con em. Và Nguyễn Học quyết định tiếp tục sự nghiệp của mình bằng nghề dạy học. Cái nghề vinh quang nhưng vô cùng vất vả, nhất là người đã bị chiến tranh cướp mất 48% sức khỏe như anh.
Gần bốn chục năm trời anh thương binh Nguyễn Học đã phải gồng mình để gánh vác công việc gia đình và phấn đấu cho sự nghiệp trồng người. Để thực hiện chức phận, tạo nên cuộc sống bình thường của đời người với người lành lặn cũng đã khó, với những người chịu nhiều đau thương mất mát như anh khó hơn nhiều. Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng khó khăn không làm anh gục ngã, nhất là khi người bạn đời, người đồng nghiệp của anh đã đồng cam cộng khổ, dành cả đời mình chăm sóc chồng con. Là một thương binh nặng anh vẫn gắng sức mình làm trọn chức phận công dân tốt, xứng đáng là người cha, người chồng gương mẫu. Là một nhà giáo yêu và tận tụy với nghề, anh đã dẫn dắt trường Tiểu học Sa Pa qua bao khó khăn thiếu thốn để được Bộ Giáo dục Đào tạo công nhận là trường chuẩn Quốc gia. Không chỉ dừng lại ở đấy anh còn là một nhà thơ. Như mẹ núi ngày đêm chắt lọc từng giọt nước nuôi con suối, anh đã chiêm nghiệm, chắt lọc từ những khó nhọc của đời mình ra nuôi những vần thơ.
Một nhu cầu quan trọng của thơ là bộc bạch lòng mình với thiên nhiên, với xã hội, do đó thơ thường là tấm gương phản chiếu tâm trạng của tác giả, song với những người phải chịu nhiều mất mát trong cuộc đời mà cứ lấy thơ ra để thể hiện tâm trạng bi quan, chán nản của mình thì thật là đáng sợ. Mảng thơ ấy không những không tỏa sáng được với xã hội mà còn làm cho người làm thơ lụi dần trong chật hẹp. Nguyễn Học đã vượt lên khỏi điều này. Thơ anh không bi lụy, than vãn, anh đã vượt lên chính mình để có những vần thơ hay về nghề nghiệp, về gia đình, bè bạn: “… Nay dắt con tới trường/ Rộn ràng tiếng trống/ Cúi xuống ôm con vào ngực/ Nghe con thì thầm/ Trong ngực cha./ Tiếng trống của con/ Náo nức…” (tiếng trống). Cám ơn những câu thơ chất chứa cái tâm, những câu thơ nói hộ tâm trạng của nhiều ông bố bà mẹ lần đầu đưa con tới trường.
Chúng ta hãy theo thơ anh cùng leo dốc với những cô giáo vùng cao: “Con đường được tính bằng quãng dao quăng/ Khăn mặt vắt vai gió cào bỏng rát…”, hoặc: “Người đi cõng chữ lên non/ Như mẹ địu con lên rẫy”, để rồi: “Ta nối những con dao quăng/ Cho ngược xuôi gần lại/ Ta thương nhau cùng cõng chữ lên non” (Cõng chữ lên non). Với những câu thơ mang đầy hình ảnh trên đây, tác giả đã lột tả được sự vất vả gian nan của người đi gieo cái chữ ở vùng cao. Hơn thế nữa, tác giả không muốn và đã không ở ngoài cuộc mà còn xúm vào để cùng nối những dao quăng để cho con em đồng bào dân tộc có cái chữ, cho hai miền xuôi ngược gần nhau hơn.
Trong thơ sự tinh tế được đặt lên hàng đầu. Thơ bộc lộ lòng mình càng phải tinh tế. Nguyễn Học không thể không biết ơn người vợ tảo tần hy sinh cả đời mình để sẻ chia nỗi đau, nỗi vất vả với anh. Khác với nhiều người khác anh tỏ lòng biết ơn ấy qua thơ. Đi trên cây cầu chênh vênh này không tinh tế, không khéo léo là dễ bị ngã, bị trơ, cuối cùng “kính chẳng bõ phiền”. anh đã đi qua được cây cầu này, một lần cùng chị về thăm lại trường xưa anh viết: “Nào đâu cùng trang cùng lứa/ Mình về lật tuổi ấu thơ/ Gốc đào sần như tay mẹ/ Cành đầy búp lá non tơ” . Những câu đề dẫn ấy đã gợi cho chị về quá khứ, nhìn lại thời gian đi qua để rồi có cớ để anh nói được lòng mình: “… Mặt bàn dọc ngang chữ ký/ Tháng năm chất chồng tháng năm/ Ai thành anh hùng dũng sỹ/ Còn ai – Hóa một vầng trăng” (Thăm lại trường xưa). Đây là một bài thơ hay. Lớp học là ký ức tuyệt vời của mỗi người, từ nơi này mỗi người đã tung cánh ra đi, theo thời gian mỗi người đều có cái được, cái mất của mình. Nguyễn Học có quyền tự hào khi thành anh hùng, dũng sỹ, nhưng anh không quên bên anh người bạn học, bạn đời đã hóa vầng trăng soi theo anh suốt cả cuộc đời. Lời thú nhận đã nói lên dẫu có anh hùng, dũng sỹ, dẫu nhà này nhà nọ cũng phải nhờ vợ, nhờ vầng trăng êm dịu soi lối, sau cái ban ngày gồng lên gánh vác công việc nước non thì đêm đêm cũng phải yên lặng mà ngắm vầng trăng tỏa sáng...
Nói về thơ Nguyễn Học thì nhiều, nhiều lắm. Tinh hoa thơ một thời của anh gửi gắm vào tập thơ Sa Pa mùa đang chuyển do NXB Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành, vào những bài thơ đã in, chưa in, và cả biết bao tâm sự chứa chất mỗi ngày, nhưng anh Học ơi! Sau hơn một năm trời bị chứng đau sọ não, di chứng của chấn thương chiến tranh tái phát, 22h ngày 28 tháng 3 năm 2012, tức ngày mồng Bẩy tháng Ba năm Nhâm Thìn anh đã từ giã cõi trần khi vừa tròn 64 tuổi. Anh Học ơi! “Mình về kịp tết Thanh minh/ Hoa xoan rụng tím sân đình người ơi/ Mưa xuân buông trắng tóc người/ Nắng xuân hừng phía chân trời xa xa…”. Vâng! Tết Thanh minh này Trời đang đón anh trên cõi. Kính anh một nén tâm nhang!
Đoàn Hữu Nam
Thơ viết trong phút giã biệt
Kính tặng hương hồn nhà thơ Nguyễn Học
“Sa Pa mùa này đang chuyển”*
Trời đất trong veo gió gột sạch bụi trần
Hồng hạc sà xuống mặt hồ thanh thản
Đón anh về cõi mênh mông!...
Xin nguôi dần với rờn rợn xanh trong
Rờn rợn ngày gió trở
Muôn giọt nến lụi dần nuôi ngọn lửa
Đang lung linh hình bóng tháng ba này!
Xin nguôi dần với lận đận mê say
Giọt đắng giọt lành lặn vào chuông chùa thong thả
Những trang giấy ghim bốn bề gió thổi
Đang ngon lành trong giấc ngủ bình yên!
Xin nguôi dần với mưa gió bão giông
Quấy rầy anh mỗi buổi
Xin năm tháng thôi khắc dòng khắc vết
Nhọc nhằn, thon thót nhẹ trôi…
Giữa muôn trùng cây lá non tươi
Sao mắt vẫn cay xè luênh loang nước
Sắc sắc không không vẫn nghẹn lời từ biệt
Ta bâng khuâng – xa xót – tái tê lòng!...
-------------
* Tên tập thơ của Nguyễn Học
CHIỀU CUỐI NĂM
Gió thôi vẫy vùng
Trời thôi sương muối
Em say khăn đỏ, khăn xanh
Ta thôi nhặt lá bên thềm
Mặc những cọng rơm vương vãi trên đồng
Đám trẻ hùa nhau về thay áo mới
Những người đàn bà cố ghìm bước chân vồi vội
Những người đàn ông cố ghìm ý nghĩ ngổn ngang
Trời đất mênh mang
Lòng người đa mang
Miên man trải khắp mầm cây, ngọn cỏ
Hân hoan khúc hát giao mùa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét