Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

THUYỀN LÁ


     
Hồ Xuân Đoan
Cứ mỗi chiều tôi lại cầm nhành lá ra sông
Ngắt từng chiếc thả xuôi dòng nước chảy
Dẫu biết sông Hồng chẳng đổ vào sông Đáy
Tôi vẫn lặng thầm gửi thuyền lá cho em

Nhớ ngày đầu vừa mới làm quen
Cô binh nhì chép tặng tôi bài hát
Về dòng sông quê hương em trong vắt
Có bãi dâu soi bóng êm đềm...

Để bây giờ mỗi lúc nhớ em
Lại văng vẳng những lời tha thiết
‘’Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương em cũng có dòng sông’’*

Bài hát của em tôi đã thuộc lòng
Tôi đã hát trên đường đi đánh giặc
Tôi đã hát lời trái tim thầm nhắc
‘’Anh đón em về thoả chờ mong’’

Tôi vẫn yêu bài hát dòng sông

Nên vẫn thấy cô binh nhì năm ấy
Chiều chiều lội xuống dòng sông Đáy
Vớt thuyền lá - tôi thả ngọn sông Hồng.

Tôi vẫn yêu mãi mãi dòng sông
Trong bài hát ngày xưa em chép tặng
Ôi dòng sông vắt ngang trời đầy nắng
Sóng vỗ về những thuyền lá của tôi.

                                Để suốt đời tôi thương nhớ không nguôi.

Lời bình của Đoàn Hữu Nam

Tôi đã đọc nhiều thơ của Hồ Xuân Đoan. Thơ anh thường ghi dấu nhiều miền của đất nước. Tôi có cảm tưởng đi và viết là mạch nguồn chính của người cựu binh này. Song ‘’Có cuộc hành trình phải có lúc dừng chân’’ - (Thơ RaXun Gamratốp). Cuộc dừng chân ở nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt đã khiến nhà thơ bâng khuâng, nuối tiếc, và bài thơ Thuyền lá ra đời trong hoàn cảnh này.
Thuyền lá là bài thơ tình đơn phương. Sự đơn phương được tác giả thú nhận ngay từ khổ đầu:
Cứ mỗi chiều tôi lại cầm cành lá ra sông
Ngắt từng chiếc thả xuôi dòng nước chảy
Dẫu biết sông Hồng không đổ vào sông Đáy
Tôi vẫn lặng thầm gửi thuyền lá cho em...
Như một người kể chuyện cổ tích, có đầu, có cuối. Bắt đầu là kể sự việc, sau đó dẫn dắt ta vào trong mê cung của chuyện. Nhà thơ thừa nhận sự vô lý của mình, cái vô lý mà chỉ người đang yêu mới chấp nhận được, đó là: biết việc mình làm là vô vọng song trong tâm tưởng vẫn đinh ninh hy vọng. Điều này không chỉ riêng tác giả lbài thơ vấp phải mà rất nhiều những người đang yêu vấp phải, còn tình yêu thì còn người vấp phải. Chả thế mà ông bà mình đã từng: ‘Gánh vàng đổ xuống sông Ngô, đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Tương’’. Yêu say đắm đến ngơ ngẩn thế là cùng. Cái khó nhất của câu chuyện là sự mở đầu. Sự mở đầu thẳng thắn, phơi cái tâm, cái tình của mình ra ở phần đầu bài thơ khiến người đọc háo hức muốn được biết xem câu chuyện dẫn ta đi đến đâu. Đi tiếp cùng tác giả ta được biết đó là tấm lòng của anh, một người lính trên đường ra trận gặp và làm quen được với một có gái. Cô gái ấy không những ban tặng cho anh tình cảm lứa đôi mà còn khuấy lên trong anh tình cảm quê hương, một nỗi niềm đau đáu mà bất cứ người lính nào trên đường ra trận đều hướng về, đều vì nó mà chiến đấu và chiến thắng. Mối tình của họ thoảng qua như cơn gió, nhưng đây là cơn gió nồm nam giữa trưa hè oi bức, là mạch nước nguồn chảy giữa cánh đồng khô khát. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, người đi không hẹn ngày về. Cái vất vả, gian lao, cái sống cái chết kề nhau bắt buộc người lính phải dồn nén tình cảm của mình vào nội tâm để hướng về phía trước. Trên chặng đường hành quân ác liệt ấy anh được cô gái cùng đồng tâm, đồng chí trao món quà tặng bất ngờ, đó là tình yêu đôi lứa, đó là gợi lên tình cảm quê hương. Anh cứ để cho cái dư vị ngọt ngào đó thấm sâu vào nội tạng. Không, vượt lên trên nội tạng là tâm tưởng. Dư vị ấy dệt trong tâm tưởng anh một ước vọng rất giản đơn nhưng vô cùng trọng đại với một đời người, nhất là với người lính trong chiến tranh : “Anh đón em về thoả chờ mong’’.
Mối tình của anh chỉ có vậy, những nẻo đường chiến dịch đã cuốn mỗi người về mỗi ngả để rồi mãi mãi họ không đến được với nhau. Với nhiều người khi chia tay với những mối tình thoảng qua như thế này họ nhanh chóng lãng quên ngay, song với người đa tình, đa cảm lại khác, cái dư vị của ngọn gió nồm, dòng nước mát ấy được anh ta tôn  thành một kỷ niệm đẹp, anh ta cất kỷ niệm đó vào sâu vào sâu thẳm tim mình để mà thương, mà nhớ, mà nuối tiếc, khát khao. Anh ta luôn tâm niệm, khi ban tặng tình cảm cho anh cô binh nhì cũng đã nhận tấm lòng của anh. Cô luôn nâng niu, cất giữ tình cảm của anh như anh luôn nâng niu, cất giữ tình cảm của cô. Do chiến tranh, do hoàn cảnh cô và anh không đến được với nhau nhưng tấm lòng hai người vẫn hướng về nhau. Vì thế anh mới đinh ninh: ...Nên vẫn thấy cô binh nhì năm ấy/ Chiều chiều lội xuống dòng sông Đáy/ Vớt thuyền lá - tôi thả ngọn sông Hồng...
Đến đây sự vô lý của sự mở đầu bài thơ được diễn giải thành sự có lý, nó khiến người đọc thở phào, yêu luôn cả mối tình lãng mạn của người trong thơ. Cái thần của bài thơ là ở đây, và cũng là cái cớ để cho tác giả bày tỏ tiếp nỗi lòng mình.
Người vùng cao thường nói “Lửa nóng thì tro cũng nóng’’, ai cũng có những nỗi niềm, song không phải ai cũng giãi bày ra được. Với bài thơ Thuyền lá, tác giả Hồ Xuân Đoan đã giãi bày lòng mình về một một mối tình lãng mạn, và anh cũng đã giãi bày hộ nỗi lòng của những người cùng cảnh ngộ. Xin cám ơn nhà thơ. 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét