Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2014

“Bão trở” - Đặc sản của núi Hoàng Liên

 Hoàng Quảng Uyên

Trường ca Bão trở - Bài ca được “dựng” nên bởi nhiều câu thơ, đoạn thơ! Đó là một định nghĩa theo nghĩa đen. Dài, nhiều chưa phải là tất cả! Quan trọng là hồn cốt, tinh tuý và độ long lanh bên trong. Theo “ Lý lối” này Trường ca Bão trở của Đoàn Hữu Nam “rõ” là dài, nhưng đó chỉ như là chiếc áo khoác tạo sự trang trọng, bề thế! cái hồn cốt, tinh tuý, long lanh bên trong mỗi câu thơ, đoạn thơ mới tạo nên sự vạm vỡ của tác phẩm: Đó là lịch sử cuộc thiên di sinh tử của tộc người Dao - Miêu, là phẩm cách sống của những Người không chịu khuất phục. Quật cường. Dũng cảm và mãnh liệt, tồn tại và vươn lên cường tráng. Đó là tình yêu cuộc sống, tình yêu con người, tình yêu lứa đôi, là những Hỉ, Nộ, Ái, ố... là Dân tộc học, là phong tục, tập quán... tất cả hiện lên trong Bão trở để có thể tự tin mà nói rằng trường ca này là Đặc sản Hoàng Liên Sơn được tạo tác bởi bút lực tài hoa của Đoàn Hữu Nam.

Lịch sử thiên di tộc người Dao - Miêu dọc trên đỉnh Hoàng Liên đủ dài với khoảng thời gian mấy trăm năm, khởi đầu từ đời nhà Thanh bên Trung Quốc. Hẳn nhiên yếu tố dài là cần nhưng đó chỉ như là một cái nền. Quan trọng hơn trong Bão trở là ở độ rộng, độ sâu lịch sử giúp ta nhìn vào cõi thẳm sâu của Dân tộc để chiêm nghiệm, cảm tác và điều ấy chính là phong cách riêng có của Đoàn Hữu Nam.
Mở đầu tác phẩm, Đoàn Hữu Nam tả kỹ, tả “say” cái Bản của tôi (Tôi - nhân vật chính của Trường ca). Trong cái bản rất đặc biệt, đặc sắc đó hiện lên hình ảnh một chàng trai cường tráng, trung thực: yêu tận cùng, đam mê tận cùng. Tận cùng sống, tận cùng chết. Đó là hình ảnh ánh xạ từ người ông, người cha, đẹp lừng lững. Hình ảnh của người mẹ hiền và đặc biệt là Em! Bông hoa trên đỉnh núi. Đọc những dòng thơ Đoàn Hữu Nam viết về Bản của tôi ta như nhìn thấu mọi vật, mọi cung bậc của đời sống để mà yêu thương và say đắm:
Chia nhau cánh rừng
Uống chúng nguồn nước
Dựng nhà tay nâng tay đỡ
Giữ bản chung nhau vót tên
Nhà nhà nương vào lý lối
Bao năm giời sinh giời dưỡng
Bấy năm tối lửa tắt đèn…
Đó là phẩm chất làm nên tính cách của dân tộc. Tính cách ấy được gìn giữ, đắp bồi và phát triển, toả sáng trên đỉnh Hoàng Liên để trở thành Lý Lối của người Dao - Lý Lối, đó là bản sắc của dân tộc. Những đoạn Đoàn Hữu Nam “bàn về”, “kể về” Lý Lối thật hay, thật “đậm đà bản sắc ”, điều còn thiếu nhiều trong dòng văn chương các dân tộc thiểu số.
Lý lối là mặt trời ngày ngày mang lược vàng chải khắp rừng, khắp núi.
Lý lối là mưa rơi
Mưa tưới nhuần bờ bãi
Lý lối là khe lạch
Cộng vào thành suối, thành sông…
Ở những đoạn như thế, tác giả thích dùng liên từ Là (Lý lối là...) có cảm giác hồn cốt dân tộc, tinh hoa dân tộc như dòng suối trong xanh tuôn chảy thành câu chữ, dệt nên những vần thơ ánh sáng.
Đi theo chiều sâu của Lý lối trong trường ca ta thật sự bất ngờ, trào dâng bởi cảnh sắc và nhịp điệu của những phong tục như cấp sắc, đám cưới... của người Dao (Miêu). Thì đây, cảnh sắc, nhịp điệu của lễ cấp sắc (lễ chuyển đổi “Lượng biến thành chất” cho người con trai Dao khi đến tuổi 13). Người con trai “vụt lớn” thành chàng trai dũng mãnh “vào lửa không cháy/ Lý lối cha ông chảy mãi trong lòng”. Đó là kết quả của sự thăng hoa từ chữ và nghĩa:
“Tôi bỗng được một cụ già khoác lên vai chiếc áo màu rừng
Đặt vào tay ngọn bút
Tôi vung bút lên trời
Hai chữ bình yên đậu lại
An lành, phúc đức dâng dâng ”.
Trong toàn bộ trường ca này nói chung và ở những đoạn nói riêng về Lý lối, Đoàn Hữu Nam rất ít kể (hầu như không kể) mà chủ yếu là dựng và dựng! Dòng thơ như tan chảy theo dòng cảm xúc và chính vì thế mà trong 3 ngày làm lễ cấp sắc người con trai không chỉ thấy bà mụ, thấy thần linh “trong ma trận người, ma trận rừng, ma trận giời...” mà còn thấy Em:
Và Em nữa!
Em đang tiếp củi cho bếp hay tiếp củi cho mình
Tôi lột xác hay em đang lột xác
Xin hãy hỏi giời, hỏi mắt em tôi....
Cây thơ bồng bềnh, neo đậu và ám ảnh. Còn gì đẹp hơn, trong hơn, say hơn tình yêu đúng vào khoảnh khắc “chuyển đổi” trong linh thiêng huyền ảo. Huyền ảo, linh thiêng trong câu thơ ánh sáng  Đoàn Hữu Nam.
Một bút lực dồi dào về tình yêu, niềm yêu như vậy, hẳn nhiên dành cho Em những vần thơ đẹp, ý thơ đẹp với những câu thơ mang hồn vía dân ca:
Anh về vía ở lại
Em ra đầu hồi thái cỏ ngựa
Vía sà xuống lưỡi dao
Em ra cầu ao cho cá ăn
Vía làm cá nhoi lên đùa trong áo
Em vào bếp nhóm lửa
Vía nhập vào khúc củi tươi lấy nước mắt người...
Và nỗi đau lìa xa:
Ngờ đâu anh với ngọn đèn
Lẻ loi, lẻ với hết đêm lại ngày
Làm sao quên tiếng gọi bầy
Làm sao quên cảnh xum vầy mong manh
Một mình cúi trước mênh mông
Nỗi đau duyên kiếp đang mong cập bờ
Đường trần còn lối bơ vơ
Thì còn có kẻ ngóng chờ Người ơi?...
Tan hoà trong cõi thơ Đoàn Hữu Nam để cảm và yêu. Ngẫm ngợi, chiêm nghiệm giữa cõi tình mênh mông với những câu thơ, đoạn thơ trĩu nặng ân tình, nhìn sâu vào cõi Người, cõi Đời của một Dân tộc trải nhiều khổ ải, đớn đau theo dòng Lý lối  bền chặt. Hãy yêu say tận cùng với gió núi, mây ngàn Hoàng Liên Sơn trong Đặc sản Bão trở - Đặc sản Đoàn Hữu Nam./.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét