Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2014

Bão trở - Trường ca của Đoàn Hữu Nam

Từ chương 16 đến kết thúc

Chương 16
 Những tưởng người đã quên mùa quên tháng
Rừng đã quên ngửa mặt ngóng trăng sao
Trời đất trong vai kẻ thất tình
Chìm trong sập sùi nước mắt!
Trời hửng nắng! Trời ơi trời hửng nắng
Những tiếng reo òa vỡ giữa ngàn xanh
Cây chuối đầu hang xòe tay đón nắng
Cửa hang lố nhố bóng người!

Ta kéo em về phía tiếng nai kêu
Bỏ mặc phía sau chiều đang lưng lửng
Những bông lau muộn màng trên đồi vắng
Mềm như ngọn gió đầu khe!
Ta đã chạm vào con đường khỉ vượn
Chạm vào bụng quả bụng hoa
Ta chợt thấy mắt em mang màu lá
Long lanh lóng lánh ánh nhìn!
Ta chợt thấy ngọn lửa màu xanh
Trùm lên màu nâu của đất
Những lá cây nuôi nấng tuổi dậy thì
Lại như than hồng được gió!

Chiều đã xế mặt trời tìm chốn ngủ
Cả nong trời náo nức những cánh chim
Trăng non như vớt từ đáy suối
Ngập ngừng trôi nổi nổi trôi.
Từ vách đá lủi chui nhìn xuống
Thung lũng đã nhuộm ánh vàng
Những con đường ra ruộng lên nương
Đã như cái thừng vắt vẻo
Những ngọn khói mỏng manh giữa rừng
Nhắc ta còn người còn của
Bạn tôi bảo không biết mình còn sống bao nhiêu
Nhưng mỗi ngày đi qua nhắc ta phải sống
Quên đi những đớn đau mất mát
Hãy theo trâu về chuồng dẫn nước về mương
Nhưng bạn ơi bùa hiểm đuổi quỷ trừ ma
Quỷ ma lủi chui trong bùa hiểm
Một đêm trắng, một đêm giông bão
Nước sông Hồng đạp hai bờ duềnh lên
Cả đội lại thêm lần trong lũ
Thêm lần lửa cháy rừng bương!
- Phải giết sạch bọn Kinh áo đen!
- Phải lột da kẻ rước hổ về bản
Rừng không ra rừng, suối không thành suối
Hỏi xem làm chủ vào đâu!...
Những tia chớp rạch trời
Tiếng hét la thù hận
Tiếng súng nổ chìm trong bương nổ
Chìm trong náo loạn mất còn!
Trước mười mấy con người trăm họng súng kẻ thù
Sau mười mấy con người cả trăm ngàn cặp mắt
Mỗi người gánh trên vai một phần đất nước
Hòn than ủ giữa vùng rừng cháy, tắt
Cậy trông mười mấy con người.
Người thắp lửa lại cùng nhau chia lửa
Những họng súng lạnh tanh
Những khuôn mặt rắn câng như đá
Hang đá vạn năm, triệu năm
Run run chờ đầu rơi máu đổ
Nhưng rừng ơi! Người ơi!
Lòng bàn tay cũng da
Lưng bàn tay cũng thịt
Kẻ thù ở đâu? Kẻ thù là ai?
Là Siểu, là Giang, là Sùng, Là Quý
Là ông Thanh, ông Tráng, ông Sần...
Kẻ cùng ta đánh én, quay đu
          Cùng ta leo qua thời thơ dại
Người cõng ta qua những ngày giông bão
Cùng ta trong ấm lạnh bốn mùa…
Những khuôn mặt hao hao
Những dáng người cam chịu
Người đã gặp và người chưa từng gặp
Manh áo miếng cơm gắn bó những kiếp người...

- Hãy nhớ lời cấp trên đánh tan là chính
Các mũi súng hãy tập trung vào kẻ cầm đầu.
Mệnh lệnh phát ra làm nhẹ lòng người
Súng như người thoáng ngập ngừng nháy mắt
Thoáng rỗng lòng hang, thoáng rỗng hận thù!

Ơi ngọn gió xuôi chiều, ơi ngọn gió
Cõng trên lưng máu chảy ruột mềm
Trong thương cảm ta quên mình lạc bước
Giữa gươm đao chẳng còn chốn quay đầu!

Ơi chớp lóe, ơi tình người chớp lóe
Ném ta vào lò lửa, vạc dầu sôi
Giá phải trả là tan xương nát thịt
Là mất nửa đội hình trong đó có em tôi.

Em ra đi!
Cây rũ lá, chim xẻ đàn tan tác
Một người đi về bụi cát
Cả vườn xơ xác đón đau!

Em ra đi!
Đất thấp xuống, núi cao lên
Mặt trời héo, con nước duềnh lên mãi
Gió nghênh ngang lật tóc xõa tơi bời!

Em ra đi!
Con đường đến vực con đường dừng
Cây cầu nửa suối cây cầu gẫy
Nỗi đau chồng lên nỗi đau
Bất lực chồng lên bất lực
Ta như đứa trẻ bơ vơ
Buồn đau vùi vào đá - đá nứt
Buồn đau gửi lên trời  - trời vàng
Ta làm con tê tê cuộn mình lăn xuống nước
Tê tê chìm nhưng ta thì nổi
Ta chui vào chiều
Nỗi đau bò từ hốc hang trùm lên ánh trời còn sót
Những cánh dơi đan dọc đan ngang
Không tìm ra chốn ngủ
Em ơi!

Chương 17
Lá xanh rụng trước lá vàng
           Để cho hoá đá một hàng mộ bia
          Chưa nguôi được cảnh chia lìa
Lại chìm trong cảnh người về tổ tiên
Con đường lạ, con đường quen
Chông gai rấp lối màu đen bao trùm
Nỗi đau không thể khuất chìm
Thù này không thể nằm im dưới mồ
Đã không hoá đá để chờ
 Thì tìm con sóng tràn bờ cùng xô

Chúng tôi xuôi theo dòng sông giông gió
Thấy than hồng tấy đỏ dọc đường đi
Chúng tôi chui bao đường ma lối quỷ
Chạm nắng, chạm mưa, chạm bỏng cháy tôi đòi
Những dấu chân hằn sâu trên đá
Nhắc chúng tôi lửa còn người còn
Nhắc chúng tôi con đường không đơn độc
Qua giá băng cây nảy lộc đâm chồi
Nhắc chúng tôi trên dòng sông cuộn sóng
Muôn bàn tay đón đợi những kiếp người
Chúng tôi hiểu! Thêm lần cay đắng hiểu
Nhân dân xòe tay thì còn cây còn đất
Nhân dân quay lưng không chỗ đặt bàn thờ
Phép cho người không phép cho chó dữ
Khôn lo khéo giữ mới thành người
Người ngã bè phải bám bè như cỏ cây bám đất
Mới mong qua được mưa gió thác ghềnh.
Chúng tôi trở về vùng rừng với ngọn lửa trong tim
Cho vùng rừng bừng lên ngàn ngọn lửa
Lửa luồn vào tim
Lửa chìm vào đất
Lửa ẩn trong muôn ánh mắt căm hờn
Trong đêm đen, trong luẩn quẩn rừng sâu
Ngọn lửa đỏ rọi soi từng gương mặt
Bao cuộc đời lặng chìm trong chật hẹp
Nay mở toang lồng ngực đón xuân về
Những ngọn lửa vừa thắp lên
Đã phải chịu ngọn cuồng phong thổi tới
Gió vùi dập, bão lật cây, trốc rễ
Phút chốc quê hương lại thành bãi chiến trường

Ta thành mấp mé con đò
Sông sâu gió cả mà bờ còn xa.

         - Hãy cứu lấy chúng tôi, cứu lấy núi rừng
Cứu một phần thịt da đất nước!
Tiếng kêu cứu của chúng tôi xuôi theo dòng sông
Cuối dòng sông rưng rưng đón nhận
Tiếng kêu cứu thả trên đầu ngọn gió
Núi cúi đầu che đỡ nước mắt rơi!

Phan Xi Phăng những tháng năm mây phủ
Những tháng năm quên ngạo nghễ, quên nhìn
Ơn một ngày bàn tay giời quên nắm
Mây tan, núi tỉnh, gió về…

Sông Hồng!...  sông Hồng trôi trong chìm trong nổi
Mỗi bước đi mỗi gắn kết mùa màng
Ta cần sông như bếp kia cần lửa
Cánh rừng kia cần mưa nắng mỗi ngày!

Sông núi xòe tay
Chúng tôi xòe tay
Trận mạc đẩy con người xa nhau
Trận mạc kéo con người gần lại
Đớn đau, tủi hờn, mừng vui, hy vọng
Quấn lấy nhau trong thác đổ lũ tràn!

Quân đi như nước
Nước cuốn trôi bè mảng
Quân đi như gió
Gió lật gốc bốc chà
Tin chiến thắng dọn đường cho chiến thắng
Vùng giải phóng loang như vệt dầu loang
Dẫu mây trời vẫn chơi trò sấp ngửa
Người run run nhớ tháng nhớ ngày
Song ống điếu đã ngập ngừng nhả khói
Bát rượu đầu đã sóng sánh trên tay
Cha hớn hở vác chài ra bến
Gặp đàn cá đua nhau khoe vây khoe lưng

Ông tôi bảo: Ong độc không đốt thủng sừng trâu
Cha tôi bảo: Giờ tai dân là tai nai tai hoẵng
Tôi ra cửa rừng
Gặp đàn trâu măng nghênh sừng đón hổ
Người người kháo nhau
Hôm kia ba tên phỉ rơi hố
Hôm qua năm tên phỉ ra hàng
Bao tên đang làm mồi cho đói rét
Hỏi xem chúng trụ mấy ngày!...
Tôi qua bản, qua làng
Gặp chí của người khoan nòng súng
Đang sôi trong máu mỗi người
Bên ngọn lửa bập bùng mỗi bếp
Tiếng rì rầm đã khơi dậy khát khao
Những cặp mắt đã khoe màu quần tụ
Người đã biết đi đâu, về đâu
Kìa phía trước đỡ mịt mùng đêm tối
Đỡ chông chênh phấp phỏng mất còn
Trong thăm thẳm đã tiếng gà thao thiết
Trăng cùng sao mờ tỏ những con đường
Cha đau đáu nhớ cuốc cày mọc nấm
Bìm bịp gọi mùa không nhắm mắt bịt tai
Đêm đêm tiếng chó cắn ma 
Không thúc vào lòng thon thót!...
Và ta thấy những giọt mồ hôi ròng ròng trên vung chõ xôi
Ròng ròng trên mặt chị
Cái chày giã bánh ngủ yên từ mùa trước
Anh tôi nhấc khỏi xà nhà…
Cha tôi bảo nhìn khói bếp biết no biết đói
Nhìn tay người biết giàu biết nghèo
Đằng đẵng tháng ngày nổi chìm, bão lũ
Nơm nớp, lủi chui, sấm chớp đùng đoàng
Phận người phẳng như mặt vụng mặt ruộng
Lấy chi đo giàu đo nghèo
Bao đêm dài ngủ không chọn giường
Ăn không kể lá bùi lá đắng
Ngày lại ngày như tờ giấy trên lửa
Không lạc vào lối quỷ là may
Nay nắng nhuộm nương đồi bờ bãi
Bếp lửa xòe đuôi trĩ đuôi công
Chim mi náo nức đầu sông
Dẫn ta ra khỏi mùa đông quá dài
Niềm vui như nước vào ruộng ải
Chưa kịp nổi nênh thì ngâm ngấm khắp vùng
Hết máu loang dãy cọn ngân nga
Dãy cối ụp òa tiếng hát
Ma mãnh phải lủi chui giữa rừng
Cây lá xanh lại màu cây lá
Những chú thạch sùng thôi yên phận
Ngóng trời tặc lưỡi vẫy đuôi
Mặt trời vội chui khỏi đêm
Giục sáo kèn phát lộc!
Sàn còn trống, bồ còn không, lòng rỗng
Miếng ăn còn lận đận rừng xa
Đi qua tan cửa nát nhà
Núi còn hoang vắng nữa là bản tôi
Ơi giời đất đá có vơi
Suối khe có cạn mồ hôi vẫn còn
Đã qua bão đuổi lũ dồn
Lo gì cong thẳng vui buồn mong manh
Khát khao cung kiếm ngủ quên
Cán dao cán cuốc bóng lên mùa màng…

Ta đã chôn nỗi đau vào đất
Ta đã thả thù hận lên trời
Con người như chim như sóc
Chăm chắm lo tổ, ổ của mình
Mỏ vịt thì hồng mỏ gà thì đỏ
Chỉ thương ngày gió trở
Chín mươi chín ngả đường
Ngả nào che gió cho em?

Hỡi linh hồn bay trong thương nhớ
Hỡi cánh chim đang lượn giữa khôn cùng
Ta đang trôi trong đằng đẵng đời người
Đằng đẵng bể dâu, đằng đẵng lần tan hợp
Trên dòng sông ta trôi
Xoáy nước muôn màu vẫn ánh lên những lân tinh
Sắc đỏ phù sa vẫn xuôi về châu thổ
Em ở đâu? Em ở đâu? Ở đâu?...
Trên bầu trời sông Ngân, cầu Ô  Thước
Vẫn gánh chia ly, gánh cay đắng nghẹn ngào
Giữa mênh mông ngàn ngôi sao lấp lánh
Ngôi nào của em ngôi nào của anh
Ngôi nào tắt ngôi nào đang đợi tắt
Ngôi nào trôi về xứ bình yên!...
Em ơi!... Trời ơi!...
Giá ngày nào em là rễ cây hút dòng nhựa từ anh
Giá đêm ấy đừng mưa
Giá ngày kia đừng nắng
Khoảnh rừng kia đừng cố giấu lòng mình
Ta đã hát bài ca trời sao và ánh sáng
Sẽ nuôi lời ru ngọt lịm môi mình
Từ ngày em rời khỏi thế gian
 Mỗi nẻo anh đi
Mỗi cánh rừng anh tới
Không em anh thành đơn chiếc
Em đảo lộn cuộc sống thường nhật của anh
Nhưng không đảo lộn được chính em để về bên anh
Dẫu chỉ là chốc lát!
Trong hành trang anh mang em vẫn đầy ăm ắp
Vẫn còn nguyên thủa mười lăm em hát:
«  ... Kẻ Đông người Tây mỗi người mỗi ngả
Em ước ao được làm dâu nhà anh ...».
Em chưa kịp đi vòng quanh bài hát
Chưa kịp qua cầu mặc gió thổi mây bay
Nếu lúc ra đi em nói lời mãn nguyện
Thì bờ lau đâu bạc trắng nhường kia.
Anh biết!
Mọi người ra đi đều có phần còn lại
Phần còn lại của em nằm trong tâm tưởng bao người
Sự ra đi của em giống như vật vã đớn đau ngày bão trở
Nhưng cũng là tiếng sấm tháng ba trời đất gọi mùa về.

Trước em thắp nén nhang này
Khói nhang quyện với lòng đầy vấn vương
Nắm tay đã nửa chặng đường
Mà không nắm hết đoạn trường  Âm Dương
Đã đi chín hướng, mười phương
Vết thương thành sẹo con đường thành quen
Ngờ đâu anh với ngọn đèn
Lẻ loi, lẻ với hết đêm lại ngày
Làm sao quên tiếng gọi bầy
Làm sao quên cảnh xum vầy mong manh
Một mình cúi trước mênh mông
Nỗi đau duyên kiếp vẫn mong cập bờ
Đường trần còn lối bơ vơ
Thì còn có kẻ ngóng chờ Người ơi?...

Thay cho lời kết
Nhà thơ Gamzatop đã từng nói: “đừng trao cho tôi đề tài mà hãy trao cho tôi đôi mắt”. Đề tài của tôi, đôi mắt của tôi trong trường ca Bão trở là cuộc chiến đánh Pháp tiễu phỉ ở Lào Cai, một cuộc chiến vô cùng gian nan và nhạy cảm; một cuộc chiến đã lùi xa hơn hơn sáu mươi năm mà vẫn như mới hôm qua; một cuộc chiến giành đất giành dân khốc liệt không có tiền lệ song dư âm của nó khiến cho người trải qua cũng như người nghĩ về nó đều nơm nớp “Bão quẩn cối đá bay như mo nang bay”. Trong trường ca này đôi mắt cách nhìn, cách nghĩ của tôi là đôi mắt, cách nhìn, cách nghĩ của người có độ lùi thời gian, không gian, đủ để chiêm nghiệm về sự mất còn, trong đục trong cách cư xử giữa con người với con người, giữa con người với thời cuộc, cũng như việc không tránh nổi những cơn bão trở lùng nhùng để rồi người tan nát đằng người, rừng tan nát đằng rừng…
Viết cuốn sách này, tôi khát vọng muốn ghi lại những gì mình đã biết về mảnh đất, con người mà mình gắn bó. Ý nghĩa thì nhiều, tham vọng thì lớn song sức hèn tài mọn nên không thể hiện hết được chí của mình, chỉ mong bạn đọc hãy bớt chút thời gian, trí tuệ cùng tôi lần giở lại trang sử bi thương của một thời người Lào Cai từng nếm trải.

Kính bút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét