Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

LÝ LỐI, PHONG TỤC, TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI DAO ĐỎ VÀ TRƯỜNG CA “BÃO TRỞ” CỦA ĐOÀN HỮU NAM

Nguyễn Văn Tông

  Đưa phong tục tập quán vào thơ là điều khó, vô cùng khó. Thơ không giống như nghiên cứu, không giống văn xuôi, thơ không thể tãi ra, kể lể hoặc phân tích cặn kẽ, song Đoàn Hữu Nam đã mạo hiểm vầ đã khá thành công trong việc đưa lý lối, phong tục tập quán của dân tộc Dao vào trường ca “Bão trở”
Phần lớn cuộc đời của Đoàn Hữu Nam gắn bó với núi rừng, với đời sống đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Những năm tháng “ba cùng”, tấm lòng yêu mến và sự say mê khám phá đã giúp ông am hiểu khá tường tận phong tục tập quán của một số dân tộc nơi đây. Sự am hiểu, đam mê khám phá ấy đã được ông chuyển tải qua nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học, tiêu biểu là công trình nghiên cứu về lễ cấp sắc của người Dao đỏ, người Phù lá ở Lùng Phình, tiểu thuyết “Trên đỉnh đèo giông bão”, “Thổ phỉ”... và bây giờ là trường ca “Bão trở”.

Ta đều biết trên thực tế, mỗi dân tộc đều có cách sống, lý lối, phong tục tập quán riêng không thể pha trộn. Cách sống, lý lối, phong tục ấy được chọn lựa, đúc kết qua độ dài thời gian hàng ngàn năm và chiều rộng của không gian núi rừng. Đó là cuộc sống khắc nghiệt thấm đẫm mồ hôi và xương máu qua những cuộc dịch chuyển cư dằng dặc, vượt qua nỗi ám ảnh của “rừng thiêng, nước độc” để tính kế mưu sinh, trốn chạy và đấu tranh với mọi mối hiểm nguy của cái ác để tồn tại và phát triển đã nảy sinh những lý lối, tập quán, phong tục thuận theo quan niệm của từng dân tộc. Lý lối ấy là nhân sinh quan về cuộc sống, giải mã tín ngưỡng, nhân tình theo cách nhìn nhận, cách nghĩ được trải nghiệm qua chiều dài lịch sử. Với sự khởi đầu bằng những dòng thơ tự sự giới thiệu “Bản của tôi” tác giả đã dẫn dắt “Bão trở” đi từ khởi nguồn những cuộc di cư, di canh tìm nguồn sống, nơi trú ngụ, phương pháp canh tác, cách tiếp cận với cuộc sống đầy nghiệt ngã của thiên nhiên và xã hội cùng thời đến những phong tục để trấn an và nuôi dưỡng niềm tin vào một sự kỳ diệu nào đó của trời đất, thần linh, con người. Họ đã  “...ngửa mặt xin trời/ Cúi mặt xin đất/ Giơ tay cầu người...”, để rồi làm nên viễn cảnh: “Nhà nhà nương vào lý lối/ Bao năm giời sinh rừng dưỡng/ Bấy năm tối lửa tắt đèn/ Một người ốm mười người đưa thuốc/ Một người theo tổ tiên đỏ mắt cả vùng”.
Đoàn Hữu Nam chọn người Dao làm tuyến nhân vật trung tâm để phản ánh trong trường ca của mình. Đó là một dân tộc có bề dày lịch sử phong phú, cuộc sống của họ phủ đầy chông gai thử thách trong quá trình gìn giữ và phát triển, song trải qua biết bao biến thiên và biến đổi xã hội, bản sắc văn hóa của họ vẫn không bị các nền văn hóa khác xâm lấn làm pha trộn, biến dạng. Đặc biệt lý lối, phong tục, tập quán của họ chứa đầy những điều kỳ bí chưa thể lý giải một cách thấu đáo. Một lý do nữa để Đoàn Hữu Nam chọn dân tộc Dao đỏ làm đối tượng thể hiện trong trường ca, đó là người Dao nói riêng và cộng đồng các dân tộc Lào Cai nói chung trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, tiễu phi (1945 – 1959), đúng như ông tự bạch trong phần Thay lời kết: “Trong trường ca này đôi mắt, cách nhìn, cách nghĩ của tôi là đôi mắt, cách nhìn, cách nghĩ của người có độ lùi thời gian, không gian, đủ để chiêm nghiệm về sự mất còn, trắng đen trong cảnh cư xử giữa con người với con người, giữa con người với thời cuộc, cũng như việc không tránh nổi những cơn bão trở lùng nhùng để rồi người tan nát đằng người, rừng tan nát đằng rừng”.
Vì “có độ lùi của thời gian”, trên cái nền của sự kiện lịch sử, Đoàn Hữu Nam đã khéo léo chuyển tải lịch sử, chuyển tải bản sắc văn hóa của dân tộc Dao đỏ qua lý lối, phong tục, tập quán đa dạng của họ. Ông không đi sâu vào miêu tả chi tiết từng lý lối, từng tập quán, từng phong tục mà ông khái quát nó bằng góc nhìn trữ tình của trường ca. Bằng ngôn ngữ giàu cảm xúc và hình tượng, lối diễn đạt ẩn dụ, so sánh, phóng khoáng mà gần gũi với cách nói, cách nghĩ của người dân tộc, “Bão trở” đã khái quát về một dân tộc nhân ái, yêu điều thiện, ghét cái ác, không yếu mềm trước giông bão cuộc sống. Đó là những bức tranh mộc không sơn son hào nhoáng nhưng sống động, qua gần hai nghìn câu thơ người đọc có thể hình dung ra cuộc chiến chống lại đói nghèo, khổ đau, chống lại áp bức, sự lầm đường, nhận đường, hơn thế nữa là hồn cốt lý lối, phong tục, tập quán tạo nên bản sắc độc đáo của dân tộc Dao đỏ.
Với góc nhìn của người nghiên cứu, để tác phẩm mang đậm tính dân gian, Đoàn Hữu Nam đã chọn cách vào chuyện rất riêng của mình, nhà thơ lấy lời kể, lời dạy bảo của thế hệ ông cha để dẫn dắt cho lý lối: Ông tôi bảo, bố tôi bảo..., mẹ tôi kể... chính là sự kế tiếp của các thế hệ gìn giữ cho ngọn lửa lý lối mãi mãi cháy, nó là con đường mở mang trí tuệ, con đường sống: “Con đường như sợi dây mài/ Bò từ đời này sang đời khác”.             
Ngay chương đầu của “Bão trở” Đoàn Hữu Nam đã khái quát hóa sự phát triển của một dân tộc “từ một nhúm người”... đã “lớn dần sinh sôi”. Sau cuộc thiên di mất còn ngập máu và nước mắt, người Dao đã trong vòng tay cưu mang của đất Việt, “Người gốc núi, gốc rừng/ Người du cư quần tụ” đã: “Cây tựa cây/ Người tựa người Nhà nhà chung gốc/ Chọc lỗ bỏ hạt/ Dựng nhà tay nâng, tay đỡ/ Giữ bản chung nhau vót tên”, để rồi cùng nhau làm nên lý lối: “...Nước hình thành từ bản/ Bản hình thành từ nhà/ Nhà hình thành từ lý lối...”. Lý lối đó còn là mặt trời,... là mưa rơi,...là khe lạch, là cộng vào thành suối thành sông...”. Lý lối được hình thành từ tư duy trong đời sống được kiểm nghiệm qua thời gian và thực tiễn để tạo thành phong tục tập quán riêng.
Cái nền làm nên sắc thái văn hóa của người Dao là chữ nghĩa. Đó là công cụ để chuyển tải cái nghĩa lý lối cho đời nối đời trong cộng đồng dân tộc. là bó đưốc soi đường trong cuộc sống thừa đau thương, thiếu bình yên, tạo dựng cho họ một lý lối phong phú, thể hiện rõ tính độc lập, tự chủ tương đối trong xã hội đa dân tộc. Để có: " Chữ trong bồ/ Chữ trong lòng/ Chữ của nghìn năm lý lối/ Chữ của chênh vênh hai mố Sống – Còn” , “Nhà tôi nối đời chữ nghĩa”,.  trong cuộc thiên di “Mười người ra đi chín rưỡi người nằm lại” trong: “Súng nổ trên đầu/ Vực thẳm dưới chân/ Người chết không kịp chôn/ Người sống không kịp thở” người Dao vẫn đau đáu chuyện chữ cha ông, họ thà bỏ thân bỏ của chứ không bỏ “Con đường phải có lý lối/ Để giữ lòng mình thu được lòng người”. Và họ đã làm nên điều kỳ diệu, với “Trời chiều lòng người/ Nong chữ thành nong cơm/ Giếng nghĩa thành giếng nước/ Thành cơn gió mồ côi nông rỗng da người…”, với Đêm nuốt con đường chữ nghĩa dằng dặc như đời người”, chữ đã tồn tại cùng họ, cùng “Ngẩng mặt ơn trời/ Tiếp tục con đường phía trước!”, để rồi với vốn liếng chữ nghĩa cha ông mang theo cộng với những kiến thức học được ở cộng đồng dân tộc nơi ở mới người Dao đã sáng tạo nên chữ Nôm Dao, đã làm nên lý lối đến ngày nay con cháu vẫn trân trong khai thác, phát huy.
Không đao to búa lớn, không kể lể dài dòng, những câu thơ nhẹ nhàng mà đau đáu đã dựng nên một “... quá khứ là cái dùi nung đỏ/ Xuyên qua đêm, xuyên qua tháng, qua ngày...”. Qua hình tượng Người ông: Một đời luyện tôi lý lối/ Một đời chữ nghĩa thánh hiền...”, qua nhìn nhận của cháu con với lịch sử dân tộc mình: “Những đêm chờ mây ăn trăng Tôi bắt gặp nước Tam Miêu hùng mạnh Tiếng quân reo tiếng ngựa hí vang trời Tôi bắt gặp suy tàn trong đói khổ Gặp triền miên gươm giáo giữ mình...”. Chuyện con đường chữ nghĩa trong “Bão trở” lý giải đã khởi nguồn, dẫn dắt cho lý lối, phong tục thâm nhập sâu vào từng nhân vật, từng sự kiện trong trường ca, đó là sự nhận biết hiện tượng, sự vật qua lối so sánh mang tính hình tượng có ý nghĩa triết lý sâu sắc:“...Lòng người như lòng sông/ Có thể nhận muôn vàn con suối/ Lòng người như lòng núi/ Đủ để ngàn cây lên xanh/ Muốn lòng thành sông, thành suối/Hãy lo cho ngôi nhà của mình...”. Đây chẳng phải là triết lý của đạo Khổng đó sao?  Muốn bình thiên hạ phải biết trị quốc, muốn trị được quốc trước hết phải tề gia, gia đình yên ổn, dân tộc đồng lòng thì mới đủ sức chống lại giặc ngoại, nội xâm.
Và nữa: cũng như các dân tộc Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, người Dao vẫn giữ được tập quán các thế hệ sống chung một mái nhà "... tấm lợp bằng gỗ pơmu/ Rêu thành tầng, thành lớp/ Rêu nuôi cỏ, nuôi cây/ Nuôi mái nhà như mái núi”, đây là một nét đẹp văn hóa bền chặt, nó không những thể hiện tính gia đình, tính huyết thống mà còn thể hiện trách nhiệm “bé cậy cha, già cậy con” của mỗi thế hệ. Và nữa, từ ngôi nhà ấy những cuộc tỏ tình thơ mộng của trai gái yêu nhau được nảy nở và vun đắp. Người Dao có cách tỏ tình rất riêng của mình. Ngoài những cuộc hẹn hò trong phiên chợ tình lãng mạn, họ còn dùng dân nhạc để nói hộ lòng mình: “...Sáo trúc trầm bổng đầu hồi/ Kèn lá nỉ non đầu ngõ/ Quanh nhà cỏ không kịp mọc/ Nền cổng nhẵn như đá mài...”. Người miền xuôi khi xót xa cho một số phận người phụ nữ đẹp nào đó không được có được hạnh phúc thường nhắc đến câu thành ngữ: “hồng nhan bạc phận”, thì người Dao đỏ trong « Bão trở » cũng có lý lối của họ khi người con gái đẹp gặp phải những chuyện chẳng lành trong duyên phận : “...Người đẹp nhiều khi là gốc của tai ương/ Là mầm của ngàn ngàn tai họa... ». Và nữa, Tình yêu ắt dẫn dến hôn nhân. Đám cưới của người Dao cũng cũng được quy định theo địa vị gia đình, dòng tộc để đối thoại, cũng theo một lễ nghi bắt buộc: “...Bước qua cửa nhà chồng chị lạy bàn thờ/ Chị lạy bếp lửa/ Lạy cha chồng/  Lạy ngôi nhà giam nhốt...”.
Trong quy luật sinh tử của con người « Bão trở » đặc biệt viết nhiều đến việc sinh nở. Đó là việc sinh ra tôi: « Đúng lúc trời đất xoay vần/ Đúng giờ nai đùa chuột đú/ Tiếng chiêng như vó ngựa cuối chiều/ Đúng lúc tưởng như tôi không thể thành người thì bà mụ* thương tình Bà cho tôi xếp hàng vào rắn rồng con đàn cháu đống », sinh ra chị: « Chị tôi sinh giữa mùa trăng/ Mùa trăng lặn vào da thịt/ Cha tôi lên ngọn suối thiêng/ Gánh về hai bương nước... « , « Từng gáo nước thấm vào da thịt chị Tan tan trong khao khát đời người », sinh ra em: «Ngày sinh em gió giật mưa rơi/ Bà Mụ cõng vía nụ vía hoa/ Ngược dốc!». Trên thực tế người Dao rất hiếm muộn nên việc sinh nở nuôi dưỡng luôn được trân trọng, trách nhiệm không chỉ một nhà mà của cả họ tộc, của cả bản. Vì lẽ đó mới có sự kiêng kỵ trong chửa đẻ kỹ lưỡng: Chín tháng mẹ không đốt củi đằng ngọn/ Chín tháng mẹ không bước qua chạc buộc trâu/ Chín tháng mẹ nói lời hay/ Mẹ không khâu quần áo cũ/ Ngày ngày ra bến thả thuyền/ Khát khao thuyền ra tới biển!... Đây là một phong tục góp phần quan trọng trong bảo tồn nòi giống và xây dựng tình cách con người. Song phong tục đâu chỉ có cái đẹp, nó còn ẩn chứa nhiều tàn dư của xã hội phong kiến, việc người Dao ảnh hưởng nặng nề khuôn phép của Khổng giáo khá sâu sắc, nhất là thuyết « tam tòng tứ đức ». Theo phong tục, khi người con gái đi lấy chồng, sống là người của nhà chồng, chết là ma của nhà chồng, họ nguyện “chín đời đốt đáy nồi nhà chồng”, “làm cái giẻ lau cho nhà chồng”, nguyện : «Từ khi về nhà chồng/ Nước chỉ một dòng/ Lửa chỉ một bếp/ Mẹ em như cái đít nồi quanh năm đỏ lửa», để đến khi  «Có em mẹ vụt lớn bằng người». Chỉ bằng mấy câu thơ tác giả đã khái quát cả thân phận một người phụ nữ vùng cao. Và nữa, để một đứa trẻ sinh ra là làm một sự kiện trong họ tộc, trong bản «“Trong nhà- người chen, người chật như củi bó/ Ngoài nhà - người nhường người như trong chợ phiên...” người phụ nữ Dao khi mang thai có nhiều kiêng kỵ giống và khác so với các dân tộc khác trên đất nước: «Chín tháng mẹ không đốt củi đằng ngọn/Chín tháng mẹ không bước qua chạc buộc trâu/ Chín tháng mẹ nói lời hay/ Mẹ không khâu quần áo cũ/ Ngày ngày ra bến thả thuyền/ Khát khao thuyền ra tới biển!». Đúng là một khái quát cho ta thấy sự sinh sinh sự đối với một con người từ lúc mang thai đến lúc chào đời quan trọng như tehes nào.
Đoàn Hữu Nam đưa lý lối, phong tục của người Dao « rất ngọt» vào trường ca «Bão trở» khá nhiều. Có thể điểm ra những câu nặng ký như: « mưa dồn bão đuổi» «cây tựa cây, người tựa người», «dây mực không lựa gỗ        «đàn ông sinh ra đã có nước, đàn bà sinh ra đã có hột», «om trám nồi đồng, kho cá nồi đất, xào lòng khế chua», «hà bá mong nước lũ, hổ báo mong rừng động»,“ mía mơ lưỡi dao, kiềng mơ bếp lửa, suối mơ sóng biển dập dềnh” «nho rừng chờ họa mi nhuộm mỏ», «trâu già ẩn nắng», «tay vua khó với, ngựa quan chẳng dừng» vv song có lẽ thành công nhất của trường ca «Bão trở» là dựng nên một lễ cấp sắc bằng thơ.
Cấp sắc là lễ trưởng thành - một lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của người đàn ông Dao đỏ. Theo quan niệm của người Dao con người phải luôn được thần thánh đi theo dạy bảo, phù hộ suốt cả cuộc đời. Khi còn là thai nhi trong bụng mẹ đến tuổi thiếu niên đứa bé được bà Mụ nâng đỡ. Khi trưởng thành người đàn ông phải được qua lễ Cấp sắc. Về mặt Dương, Cấp sắc là đánh dấu bước tu luyện trưởng thành, đủ điều kiện gánh vác công việc của gia đình, của xã hội. Về mặt Âm, Cấp sắc là thực hiện việc phong hàm, bổ nhiệm chức vụ để trở thành người chỉ huy, chỉ đạo binh quân. Người được cấp sắc bậc cao bao nhiêu thì chức vụ của linh hồn càng cao bấy nhiêu, đó còn là một quyết định chứng nhận cho linh hồn của họ khi trở về thế giới thiên đường được Vua quan, Chúa trời đón nhận. Lễ cấp sắc được căn cứ vào sự chuyên tâm tu luyện của người đàn ông và điều kiện của mỗi gia đình. Lễ được phân thành các chức vị: Ba đèn có 36 âm binh, bảy đèn có 72 âm binh, mười hai đèn có 120 âm binh). Đã từng có công trình nghiên cứu về Lễ Cấp sắc của người Dao đỏ ở Văn Bàn, tác giả đã chuyển những tư liệu nghiên cứu sang thơ.  Khởi đầu Lễ Cấp sắc tác giả dẫn giải : «Mẹ tôi bảo đàn ông sinh ra đã có nước/ Đàn bà sinh ra đã có hột/ Nước trong người đàn ông suốt đời đòi chảy/ Hột trong người đàn bà quanh đời mơ nở/ Cha tôi bảo muốn nước chảy vào phai/ Người đàn ông phải đi qua Cấp sắc/ Cấp sắc nghĩa là lột xác/  Là từ thế giới thần tiên sang thế giới lo toan». Tiếp theo sự «đương nhiên», đó là công việc mà bản thân và gia đình, họ tộc người thụ lễ phải tiến hành: «Qua tuổi mười ba tôi qua tuổi thần tiên/ Để bước vào tuổi mới/ Nhà lo ngày cấp sắc cho tôi/ Kỹ như bản lo lễ hội». Với thơ kỵ nhất là kể lể nhưng trường ca thì ngoại lệ. Một mâm cỗ không kể gốc kể ngọn làm sao dẫn đầu đầu cuối, song kể thế nào, dựng thế nào để cho khách vừa được thưởng thức mâm cỗ ngon lành vừa hiểu rõ được nguyên liệu, cách chế biến các món ăn ngon trên mâm. Ta thử xem tác giả «Bão trở» dựng, kể lễ Cấp sắc thế nào:
«Ngày cấp sắc cho tôi bản vui như tết
Vui như cấp sắc cho mình
Trời chưa sáng mà con đường dẫn đến nhà tôi đã thành mương dẫn nước
 Dẫn thóc, dẫn ngô, dẫn ríu rít nói cười
 Cha mẹ tôi mở cửa mở bồ
 Đón lòng người nuôi bếp lửa
 Lửa không phụ lòng người
 Rừng rực xuyên qua những ngày làm lễ» = Kể, sự kể đã dẫn người đọc vào việc trọng đại «lột xác đổi đời» của một cá nhân nhưng cũng là sư trọng đại của cả cộng đồng.
«Trong sự dẫn dắt của thần linh của tổ tiên tôi ba ngày thụ lễ
Ba ngày lội ngược ngày qua
Trôi vào những ngày sắp tới
Ba ngày lý lối chập chờn…
Bên kia đêm ba mươi sáu binh quân chờ tôi như quân hầu chờ chủ
Bên này đêm bà Mụ níu giữ tôi như níu giữ con ba ba sắp tới bờ vực
Mười ba năm trong vòng tay bà Mụ tôi như cái mảng trên bến
Như quả trứng trên tay người đi giữa chợ phiên…» = Dựng, qua khổ thơ tác giả đã dựng nên công việc và tâm thế của người trong cuộc.
«Qua được thử thách đầu đời tôi sẽ xuống nước không trôi, vào lửa không cháy
Lý lối như đốt măng mai chồng nhau, tôn nhau!»
« .. Ba ngọn đèn như mắt mẹ tôi
Cháy thâu đêm suốt sáng
Và em nữa!
Em đang tiếp củi cho bếp hay tiếp củi cho mình
Tôi lột xác hay em đang lột xác
Xin hãy hỏi giời, hãy hỏi mắt em tôi»  = Dựng + Ngẫm để xác định quyết tâm thụ lễ.
«... Tiếng cúng rền như chảo bánh trên bếp
Rền như tiếng sấm đầu mùa
Tiếng cúng dẫn đầu dẫn cuối
Dẫn tôi đi trong đạo Làm người!» = Dựng tiến trình thụ lễ.
Tiếp theo qua tâm trạng, hiểu biết trách nhiệm của người thụ lễ tác giả đã làm dẫn dắt độc giả nhập vào một nghi lễ thiêng liêng huyền bí, chui vào ma trận người, ma trận rừng, ma trận giời để cuối cùng thấy được  giời gần, rừng tràn, còn con người quấn nhau như cây mây cây mái”. Tiếng thở phào nhẹ nhõm  «Tôi bỗng được một cụ già khoác lên vai chiếc áo màu rừng/ Đặt vào tay ngọn bút/ Tôi vung bút lên trời/ Hai chữ Bình Yên đậu lại/ An lành phúc đức dâng dâng.» không chỉ của nhân vật Tôi mà còn cả của người dự lễ, của người đọc «Bão trở».
  Trường ca “Bão trở” là bản bi hùng ca viết về một dân tộc, về một sự kiện lịch sử hiện hữu trong giai đoạn những năm giữa thế kỷ XX. Tác giả đã dẫn người đọc đến với quá trình đi và đến của dân tộc Dao đỏ đầy đau thương trong cuộc sống của họ, từ sinh tồn đến gìn giữ và phát triển theo chiều dai lịch sử mà trọng tâm là những năm chống phỉ của nhân dân các dân tộc Lào Cai. Cài vào trong những chương, đoạn của trường ca, Đoàn Hữu Nam đã dành những cấu tứ hấp dẫn viết về đời sống tâm linh, những lý lối, tập tục của người Dao đỏ bằng chất giọng, ngôn từ theo lối nói, lối nghĩ của người dân tộc thiểu số. Nếu như chống phỉ là đề tài chính của trường ca thì lý lối, phong tục, tập quán của người Dao đỏ là chất liệu đặc biệt tạo nên tính đặc sắc của “Bảo trở”. Đọc nó, chúng ta hiểu thêm về một thời kỳ đầy bão tố của một vùng đất nước, chúng ta hiểu thêm về một dân tộc trong cộng đồng hai mươi lăm dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất biên cương Lào Cai. Qua lý lối, phong tục, tập quán của họ được nhà thơ gửi vào trang viết, khi xa xôi, trìu tượng, khi cụ thể, rõ ràng, chúng ta càng thêm quý trọng hồn cách của họ, để mỗi chúng ta với trách nhiệm của mình góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đa dạng, phong phú của dân tộc Dao đỏ trong tiến trình bảo vệ và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.        
Nguyễn Văn Tông
                                            282Đ.Hoàng Liên, P.Kim Tân, T.P.Lào Cai



 












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét