Lộc Bích Kiệm
Viết về đồng
bào các dân tộc thiểu số
là đề tài các nhà văn luôn
quan tâm, đặc biệt là các nhà văn sống và làm việc ở miền núi. Đã có nhiều tác
phẩm thành công tiêu biểu về đề tài này như Tây Bắc của Tô Hoài, Đất nước
đứng lên của Nguyên Ngọc, Rừng xà nu
của Nguyễn Trung Thành... Thời kỳ đổi mới, ta được đón nhận những tác phẩm như Đàn
trời, Ngôi nhà xưa bên suối, của Cao Duy Sơn, Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam, Rừng
vàng của Vũ Ngọc Chương... và nhiều tác phẩm khác. Các tác phẩm này chủ yếu
viết bằng thể loại văn xuôi, ít người khai thác để thể hiện bằng trường ca.
Là một thể loại văn học, "là bài ca
dài có cốt truyện hoặc sườn truyện" trường ca thường được viết bằng văn
vần, chuyển tải nguồn cảm xúc lớn lao, dài rộng của tác giả, phản ánh hiện thực
cuộc sống của một cá nhân hoặc cả cộng đồng gắn lền với những sự kiện và biến
cố lớn có thể làm thay đổi cả cuộc đời và số phận của cá nhân hoặc cộng đồng
ấy. Lịch sử văn học Việt Nam ngoài những trường ca cổ điển tiêu biểu như Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường, Trường ca Đăm San của dân tộc Ê-đê… đã
có những tác phẩm hiện đại đi vào lòng người như: Theo chân Bác của Tố Hữu, Mặt
đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Đất
nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo, Đường
tới thành phố của Hữu Thình, Trầm
tích của Hoàng Trần Cương, Bài ca
chim chơ rao của Thu Bồn... Chính những trường ca này đã làm giàu có và
phong phú thêm cho kho tàng văn học nước nhà.
Nhà văn Đoàn
Hữu
Nam
"
có duyên với văn chương bắt đầu từ thơ, truyện ngắn, nhưng thành công hơn cả là tiểu thuyết. Tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam phản ánh khá phong phú hiện thực miền núi những năm sục sôi cách mạng giành chính quyền và tiễu phỉ với nhiều biến cố lịch sử gắn liền với đời sống của cộng đồng các dân tộc ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta, đặc biệt là Lào Cai - mảnh đất đã gắn bó máu thịt trong quá
trình sáng tác của ông"*. Với Bão
trở,
Đoàn Hữu Nam lựa chọn thể loại trường ca để thể hiện, phải chăng đây lại là
một sự thể nghiệm mới của tác giả. Từ nguồn cảm xúc lớn lao, dài rộng, từ hiện
thực sinh động, huyền bí, từ ngòi bút hiện thực và trữ tình của nhà văn, trường
ca Bão trở ra đời với một dung lượng trên một nghìn câu thơ. Có lẽ đây
là trường ca đầu tiên viết về người Dao ở Lào Cai nói riêng, người Dao ở Việt
Nam nói chung và cũng là trường ca đầu tiên khai thác sâu vào công cuộc tiễu
phỉ gian nan của miền Tây Bắc. Tác phẩm thể hiện tư tưởng nhân văn, tư tưởng
nghệ thuật sâu xa của tác giả.
Qua Bão trở người
đọc có cảm xúc mê say và có phần choáng ngợp! Cảm xúc ấy được truyền từ cảm xúc
chủ đạo của tác phẩm là ngợi ca. Ngợi ca hành trình lịch sử, hành trình văn hoá
gắn bó với sự tồn tại và phát triển của cộng đồng người Dao - một cộng đồng người
có hoàn cảnh điều kiện sống khá đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Cảm xúc ngợi ca ấy bao hàm cả sự bi thương và
hùng tráng. Sự bi thương của
bi kịch vượt lên những thách thức của dân tộc, sự hùng tráng từ tinh thần và
sức sống của cộng đồng.
Cảm xúc ngợi ca về sự hình thành và phát triển nòi giống
cộng đồng người Dao từ buổi sơ khai:
"Cha
tôi bảo nước hình thành từ bản
Bản hình
thành từ nhà
Nhà hình
thành từ lý lối
Lý lối
là mặt trời
Mặt trời
ngày ngày mang lược vàng trải khắp rừng khắp núi
Lý lối
là mưa rơi
Mưa tưới
nhuần bờ bãi
Lý lối
là khe lạch
Cộng vào
thành suối thành sông"
Đọc những dòng thơ này ta bắt gặp sự lý giải về nguồn gốc
cộng đồng với một cảm xúc thiêng liêng có tính chất suy nguyên huyền thoại. Một
ngày xa xưa cộng đồng người Dao đã hình thành như thế, sự hình thành và gắn kết
bắt đầu từ việc tạo dựng nơi ăn chốn ở, là lẽ sống yêu thương đùm bọc chia sẻ
với nhau, cùng nhau vượt qua những thử thách trong cuộc đời. Đó là bài học đầu
tiên và cũng là bài học cao quý nhất của cộng đồng. Chúng ta cũng từng bắt gặp
cảm xúc và cách lý giải này ở những trường ca kinh điển như Đẻ đất đẻ nước, Trường ca Đăm San, Mặt đường
khát vọng, Đất nước hình tia chớp... khi các trường ca này đều có chức năng
suy nguyên, cắt nghĩa về nguồn gốc sự vật, hiện tượng, giống nòi... Lấy ví dụ
đoạn trich Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng nhà thơ Nguyễn Khoa
Điềm viết:
"Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái
ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể
Đất nước có trong miếng trầu
bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình
biết trồng tre đánh giặc
Tóc mẹ thì búi sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng
cay muối mặn
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương
say giã giần sàng
Đất nước có từ ngày đó".
Trong Đất nước hình tia chớp nhà thơ Trần
Mạnh Hảo viết:
“Nằm trong
bụng mẹ đã nghe
Chín mươi chín
đỉnh chở che sông Hồng
Một trăm trứng
của Tiên Rồng
Lên rừng xuống biển vẫn
dòng Rồng Tiên
Tiếng đàn bầu mẹ
cất lên
Núi đang chạy
cũng tìm bên biển nằm
Tiếng đàn chợt
bốn nghìn năm
Mà con ngỡ
tưởng như lần đầu nghe”
Chính từ cảm xúc nền tảng, cảm xúc thiêng
liêng cao cả đó mà độ bền, độ dài rộng của cảm xúc trường ca vượt ra khỏi cái
giản đơn hằng ngày hoặc cái tôi trữ tình thuần túy. Không gian của Bão trở là
không gian cuộc sống người Dao với những biến cố lớn lao về lịch sử, về văn
hoá:
"Ông tôi bảo...
…. Một đời ăn quả
nhiều rừng
Uống nước nhiều
suối
Chân mài đá
Đầu mài trời
Ông là cây lim
không biết già
Dây mài không biết
chết
Ông như ngôi nhà của mình..."
Nói
về "ông tôi" cũng chính là nói về tổ tiên của họ. Đó là sự phác hoạ
chân dung người Dao - một chân dung không dễ nhầm lẫn! Tổ tiên, cha ông của họ
ngàn đời nay đã lựa chọn cuộc sống gắn bó với núi rừng. Bởi thế cùng với tư thế
"chạm trời" là tính cách quả cảm kiên cường của họ. Tư thế ấy, tính
cách ấy là sự đúc kết hàng ngàn năm cùng với quá trình sinh tồn và phát triển
của cộng đồng người Dao. Họ phải vượt qua những thử thách biến cố lớn lao. Cuộc
"thiên di" tìm đường tìm lối, tìm nơi ăn chốn ở như một cuộc cách
mạng hành trình tới văn minh của cộng đồng với đầy đau thương và nước mắt:
"Người gục dần
Vật gục
dần
Đến con
ngựa cõng thờ chữ nghĩa
Cũng ngửa
cổ kêu trời rồi lạc hồn vào trời xanh"
Gian
nan là thế, "Nhưng phía trước là con đường sống". Bởi vậy, hành trình
ấy không thể khuất phục, không thể thất bại!
Sau
cuộc "thiên di" vật lộn ấy là sự tồn tại, là sức sống, là văn hóa -
văn hóa người Dao, văn hóa tác giả gọi là "con đường lý lối" là nếp
cảm nếp nghĩ, là phong tục tập quán, là cách sống, là tâm linh của người Dao:
"Bao dâu bể tuột trôi ra bể
Lòng núi dây mài
nuôi trắng trong
Nhà nhà om trám nồi
đồng
Kho cá nồi đất xào
lòng khế chua"
Để rồi:
“Đêm trước giờ phong sắc dài như nằm đợi
tiếng gà
Ngắn như những ngày
nằm trong vòng tay bà Mụ
Ba ngọn đèn rửa
sạch tội đã qua
Soi sáng ngày sắp
tới"
Bền
vững là vậy, thiêng liêng là vậy, nhưng người Dao vẫn chưa hết thử thách, thử
thách sau lớn hơn thử thách trước. Giặc Pháp xâm lược nước ta người Dao bước
vào kháng chiến! Đây là sự kiện, là biến cố lớn lao của cộng đồng người Dao.
Sau cuộc "thiên di", cuộc vượt lên của cộng đồng để đi đến ổn định
văn minh, họ lại tiếp tục chung sức chung lòng chung trí để chống lại kẻ thù ngoại
xâm. Có thể nói phản ánh hiện thực này Đoàn Hữu Nam không chỉ thể hiện sự thấu
hiểu, chia sẻ, cảm thông, trân trọng tinh thần và sức sống của người Dao mà còn
đặt ra vấn đề sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi dân tộc Việt Nam trong công cuộc
dựng nước và giữ nước. "Người Pháp đến", những mái nhà, những bản
làng xưa nay vốn cheo leo trên đỉnh núi nay lại càng chênh vênh hơn trong thế
đất trời:
“Kiến ong bu vào giành giật
Cả vùng
loang lổ màu chàm
Bốt đồn
như những cái gai cắm vào da thịt”
Người
Dao đã nhìn thấy rõ bản chất của thực dân Pháp trong việc cai trị và đồng hóa
dân tộc:
"Tám mươi năm chia ra để trị
Tám mươi năm chúng
xe nát vùng rừng
Tám mươi năm mỗi
tộc người mỗi núi
Nhìn nhau như
kẻ thù!”
Đọc
những dòng thơ này ta liên tưởng đến những câu thơ của nhà chí sĩ yêu nước Phan
Bội Châu ngày đầu chống Pháp, những dòng thơ có tác dụng to lớn trong việc giúp
người dân nhận rõ bản chất kẻ thù khi chúng ra công tuyên truyền "khai hóa
văn minh":
"Miệng bảo hộ mà tay bóc lột
Mặt nhân từ mà ruột
hiểm sâu"
Lòng
người đau buồn về một ký ức xưa khi yên bình, lý lối, thuần
phong mỹ tục bị phá vỡ:
"Bên này nhấc chảo khỏi vách
Bên kia háo hức dọn
mâm
...Bên này thái cỏ
Bên kia ngựa
cười"
Người Dao nhắc nhau về lòng người, về
lời nói:
"Lửa không chỉ cháy lan từ gió
Lửa cháy lan từ
bụng rỗng mồm ròn”
Thế
rồi cách mạng về, người Dao bước vào kháng chiến:
"Con đường mới mở ra trang sử mới
Dẫn núi rừng đi
trong khát khao
Cho tôi, cho em và
nông nổi
Dắt nhau đi trong
tiếng trống thì thùng"
Một
cuộc vượt lên về cả thể xác và tinh thần của cộng đồng người Dao:
"Cách mạng thế như phường săn đuổi thú
...Bụng ai cũng đầy
gió tự thổi
Mặt ai cũng rạng rỡ
hân hoan"
Rồi
cách mạng thành công, nhưng thành quả ấy không được bao lâu thực dân Pháp lại
trở lại xâm lược, đau thương chết chóc lại tràn về:
"Trời hết rồi!
Người đi không hợp
lẽ
Người ở lại quên
cửa nhà
Người tiễn đưa
không hương khói
Người được tiễn
không toàn thây.
Trời hết rồi!
Bàn thờ - nơi
tổ tiên tụ họp
Nơi người chết
chờ người sống
Nơi giữ cho
gốc ngọn vững bền
Nổi trôi trên
dòng sông nước mắt
Con ngựa cõng
linh hồn tổ tiên
Làm mồi cho
ngọn lửa!”
“… Rừng hỡi
rừng – đàn quạ đã no nê
Những người
sống đã chôn người chết
Những người chết
chôn tiếng cười người sống
Trong sống,
chết, mất, còn, trắng, đen, trong, đục
Người tan tác
đằng người, cây héo rũ đằng cây”.
Cảm xúc của tác giả dâng tràn khi mô tả những đau
thương chết chóc của dân bản trong chiến tranh. Hình ảnh bàn thờ tổ tiên bốc
cháy, hình ảnh người mẹ bị lửa thiêu, hình ảnh máu đỏ nhuộm sông suối bản
làng... gieo vào lòng người niềm xót xa thương cảm. Tất cả, tất cả lại theo
cách mạng, lại vào cuộc chiến đấu mới để một ngày:
“Bước
ra khỏi cánh rừng ta gặp dòng sông
Theo dòng sông ta sẽ đi tới biển
Mỗi một bước là cộng thêm dài rộng
Ta vỡ vạc Tổ quốc mình từ mỗi sớm tinh khôi”…
Chưa
hết, bao nhiêu vấn đề sau chiến trận được tác giả khắc họa, đó là sự hoang tàn,
là đói rách, là sức cùng lực kiệt, là lòng người, là sự gượng dậy đi lên để lại
có một cộng đồng người Dao một dân tộc Dao như ngày nay.
Cảm
xúc thăng hoa, chất trữ tình làm nên chất thơ, chất anh hùng ca của tác phẩm.
Nhiều đoạn thơ người đọc dù chỉ đọc lần đầu cũng phải chú ý:
"Ông tôi bảo lòng người như lòng sông
Có thể nhận muôn
vàn con suối
Lòng người như lòng
núi
Đủ để ngàn cây lên
xanh"
Và:
"Những đêm chờ mây ăn trăng
Cha dẫn tôi về
nguồn cội
Tôi bắt gặp đất Tam
Miêu hùng mạnh
Tiếng quân reo
tiếng ngựa hý vang trời"
Có
thể nói viết về chiến tranh, về cách mạng đến nay không phải là mới nhưng cũng
không phải là cũ. Viết về đồng bào các dân tộc thiểu số làm cách mạng càng là
vấn đề không phải đã mấy người viết thành công. Đoàn Hữu Nam viết về người Dao
tham gia kháng chiến, người Dao làm cách mạng thật sự là điều mới mẻ trong khám
phá. Tác giả lựa chọn thể loại trường ca tựa như tự may cho mình chiếc áo lớn
để thỏa sức vùng vẫy, điều này vừa là thuận lợi nhưng cũng vừa là thách thức.
Thế nhưng dường như nhà thơ đã vượt qua những điều đó. Bão trở, một trường ca có tính chất bi hùng đã khắc họa khá
thành công chân dung, vóc dáng, hành trình, tư thế của cộng đồng người Dao
trong suốt cả quá trình lịch sử văn hóa và lịch sử chống giặc ngoại xâm của họ.
Những sự kiện, những biến cố làm nên số phận của cộng đồng được tác giả lựa chọn
khắc họa thành công, chất trữ tình đậm nét, bởi thế nên sự kiện, cốt truyện
được chuyển tải một cách mềm mại, uyển chuyển đi vào lòng người. Tôi nghĩ nếu
không phải là người có hiểu biết, yêu mảnh đất và con người sau sắc thì không
thể có sự lựa chọn mạnh dạn và khai thác thành công đề tài độc đáo này. Sẽ chưa
thể thấu đáo khi bàn về tác phẩm, trong khuôn khổ bài viết này chỉ xin được
trình bày một số cảm nhận sau khi đọc bản thảo tác phẩm cùng với tác giả và bạn
đọc./.
* Cao Thị Hảo, Ngô Quốc
Tuấn